Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý Nghĩa và Sứ Điệp của Lễ Chúa Hiển Linh

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Lễ Chúa Hiển Linh (Epiphany) mà xưa kia chúng ta quen gọi là Lễ Ba Vua, quả thật là dịp thuận tiện cho chúng ta suy niệm một lần nữa về Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho hết mọi người không phân biệt chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ và văn hoá.

Nói về sự kiện Ba nhà thông thái (magoi = magi = wise men) hay còn gọi là Ba Đạo Sĩ hay Chiêm tinh gia (astrologers) từ phương Đông đến chầu Chúa Hài Đồng như được ghi lại trong Tin Mừng của Thánh Matthêu (x. Matt 2: 1-12), từ ngữ Hy Lạp gọi cuộc gặp gỡ hi hữu này là “epiphaneia” có nghiã là sự “tỏ mình ra = self manifestation”.

Theo đoạn Tin Mừng trên thì Ba nhà thông thái kia đã nhìn thấy Ngôi Sao lạ xuất hiện bên trời Đông và các ông đã vội vã lên đuờng đi tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” để “đến bái lạy Người”.

Việc các Ông nhìn thấy Sao lạ và được đánh động để đi tìm “Vua Mới của Dân Do Thái” đã hùng hồn nói lên sự kiện Thiên Chúa muốn tỏ mình cho toàn thể nhân loại để mời gọi moị người vào “Bàn Tiệc Nước Trời” chung vui hạnh phúc đã dành sẵn.

Chúa đã đến với nhân loại trước hết với biến cố Ngôi Lời nhập thể qua hình ảnh “ một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Và thêm một lần nữa qua ánh Sao lạ, Chúa lại tỏ mình cho ba Đạo Sĩ kia, tức những người đại diện cho tất cả dân ngoại (gentiles) không thuộc thành phần ưu tuyển như dân Do Thái.

Nhöng mặc dù được ưu tuyển làm Dân Riêng của Thiên Chúa, dân Do Thái - qua giới lãnh đạo của họ, đã khước từ Chúa khi Người đến trần gian lần thứ nhất năm xưa :

“Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Jn 1:11)

Dầu vậy, không phải vì họ khước từ đón tiếp mà Chúa phải đi tìm các dân tộc khác để tỏ mình ra. Sự thật chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương hết mọi người không phân biệt mầu da, chủng tộc như Thánh Phaolô đã quả quyết :

“Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu:
thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định từ trước trong Đức Kitô
Đó là là đưa thời gian tới hồi viên mãn
Là quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…(Ep 1:9-10)

Như thế, việc Chúa Giêsu, qua ánh sao lạ, tỏ mình cho Ba nhà thông thái dân ngoại đã nằm sẵn trong Chương Trình yêu thöơng và cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại chứ không ưu tiên cho một dân tộc nào vì “Chuá muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tim 2:4).

Cũng vì lý do này mà Chúa Giêsu-Kitô, trước khi về Trời, đã ra lệnh cho các Tông Đồ như sau :

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần… (Mt 28:19)

Đây chính là nét phổ quát của Ơn Cứu Độ (universality of salvation) dành cho hết mọi người tin và nhận Chúa Kitô là Chúa Cứu Thế, chứ không dành riêng cho một dân tộc nào. Và cũng vì mục đích phổ quát này của Ơn cứu độ mà Giáo Hội của Chúa trên trần thế này được gọi là Giáo Hội Công Giáo (Catholicam = Catholic) tức là Giáo Hội được mở ra cho hết mọi người muốn nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô không phân biệt mầu da, ngôn ngữ và văn hoá.

Mặt khác, sự kiện Chúa tỏ mình cho Ba Nhà thông Thái qua ánh Sao lạ và việc các Ông mau mắn đi tìm Ngài bất chấp mọi khó khăn, gian chuân thử thách cũng nhắc cho chúng ta hai điều quan trọng sau đây :

  1. Thứ nhất, nhờ ánh sáng đức tin hướng dẫn, chúng ta cũng đang đi tìm Chúa. Nhưng cho đến khi được gặp Người cách nhãn tiền như Ba Đạo Sĩ kia, thì chúng ta còn phải trải qua nhiều khó khăn, thách đố trên đường kiếm tìm Chúa. Và chỉ có quyết tâm kiên trì như Ba Đạo sĩ kia thì cuối cùng mới mong gặp được Chúa là “đường, là sự thất và là sự sống” mà thôi.
  2. Thứ đến, qua ánh Sao lạ năm xưa, Chúa đã đến với các dân ngọai được đại diện với ba đaọ sĩ phương Đông. Cuộc gặp gỡ này xảy ra hoàn toàn do sáng kiến của Chúa muốn tìm đến với mọi người trong nhân loại để dẫn đưa họ vào chung hưởng sự sống của Ngài.

Có người đã mau mắn đến gặp Chúa, đáp lời mời gọi của Ngài, nhưng cũng có nhiều người chối từ như nhóm lãnh đaọ dân Do Thái xưa kia. Cũng như có người thù nghịch như Vua Herôđê muốn tìm giết Chúa vì sợ mất uy quyền và ảnh hưởng.

Thực trạng này vẫn còn đang diễn ra trong thời đại chúng ta ngày nay khi còn có qúa nhiều người chưa nhận biết Chúa, chưa muốn đáp lời Người mời gọi hay đang thù nghich với Chúa bằng thái độ sống và hành động của họ. Đó là những người đang sống và quảng bá “văn hoá sự chết” ở khắp nơi trên thế giới hiện nay. Đó là những người đang reo rắc hận thù, chiến tranh và khủng bố nhân danh tự do, dân chủ và giải phóng.

Do đó, là những người đã biết Chúa qua ánh sáng đức tin, không những chúng ta phải kiên trì trong cố gắng tìm gặp Chúa cho bằng được mà còn có bổn phận đem Chúa đến cho những người khác chưa biết Chúa hay đang thù nghịch với “Phúc Âm Sự Sống” (Gospel of Life) của Người.

Đây chính là vai trò và sứ mạng làm nhân chứng cho Chúa của mọi tín hữu trong Giáo Hội, từ Hàng Giáo Phẩm, giáo sĩ, tu sĩ đến giáo dân. Tất cả đều có bổn phận và trách nhiệm mang ánh sáng Chúa Kitô chiếu vào những nơi còn tăm tối vì gương mù, vì thù hận, ích kỷ, chia rẽ, chiến tranh, khủng bố, tội ác, vô luân và tôn thờ tiền của, vật chất.

Nhưng muốn chiếu soi người khác thì chính mình phải là ánh sáng trước tiên. Đó là tất cả ý nghĩa và sứ điệp của Lễ Chúa Hiển Linh mà Giáo Hội cử hành hàng năm.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 04.01.2007. 18:45