Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý Nghĩa Và Mục Đích Của Thánh Lễ

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích giúp 2 câu hỏi sau:

1- Có thể xin lễ để tạ ơn Đức Mẹ hay các Thánh được không ?

2- Giá tiền xin một thánh lễ là bao nhiêu ? tại sao có một số linh mục không nhận dâng lễ khi người xin chỉ có 5 hay 10 đôla?

Trả lời:

1- Trước hết, ta cần hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của Thánh lễ Misa hay Thánh Lễ Tạ Ơn (The Eucharist) như sau:

Theo giáo lý và tín lý của Giáo Hội, thì “ mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô Chiên Vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (1 Cor, 5,7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (x. Lumen Gentium, số 3).

Nghĩa là Thánh Lễ Tạ Ơn, được cử hành ở khắp nơi trong Giáo Hội ngày nay, chính là Hy Tế mà Chúa Giêsu, Chiên vượt qua (Pasch), Thầy Cả Thượng Phẩm, đã dâng mình làm của lễ lên Chúa Cha để xin ơn tha tội cho cả và nhân loại một lần xưa trên thập giá. Khi đó, Người vừa là Linh Mục(Tư Tế), vừa là của lễ và là bàn thờ. Hy tế cực trọng này đã hòa giải nhân loại vơi Thiên Chúa và đã khai mở một Giao ước mới (new Covenant) ký bằng máu của Chúa Kitô để nhờ đó nhiều người sẽ được tha tội và được ơn cứu rỗi.Khi Chúa Giêsu dâng Hy Tế tạ ơn và đền tội này cho nhân loại trên thập giá thì Đức Mẹ và Thánh Gioan đã được tham dự và hiệp dâng Hy Tế này.

Thánh lễ ta ơn,vì thế, là việc đạo đức cao trọng nhất của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Đó cũng là “nguồn mạch từ đó ân sủng tuôn tràn trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách vô cùng hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh. Đây cũng là cứu cánh của mọi công việc khác của Giáo Hội.” (x. Sacrosanctum Concilium = Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 10).

Mặt khác, Thánh lễ Tạ ơn cũng diễn lại bữa Tiệc Ly cách bí tích trên bàn thờ ngày nay qua đó Chúa Giêsu lại hiện điện thực sự (real presence) một lần nữa trong tấm bánh và chén rượu nho để trở nên lượng thực nuôi sống đời đời cho những ai “ăn thịt và uống máu Ta” (Ga 6:54).

Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rằng: “Thánh lễ là Hy tế cảm tạ Chúa Cha, là lời chúc tụng để Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì tất cả các ơn lành Ngài đã ban, tất cả những gì Ngài đã thực hiện qua công trình sáng tạo, qua ơn cứu chuộc, ơn thánh hóa. Vì thế, ý nghĩa trước hết của của Thánh lễ là “lễ tạ ơn” (= the Eucharist)(x. SGLGHCG, số 1366).

Trong phụng vụ, Thánh lễ là cao điểm của việc tôn thờ Thiên Chúa, cám tạ Ngài và xin ơn tha thứ tội lỗi cho con người nhờ Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến tế để làm giá chuộc tội cho muôn dân cho đến hết thời gian.

Giáo dân Việt Nam xưa nay vẫn quen nói là xin lễ tạ ơn Đức Mẹ và các Thánh, hoặc xin lễ kính Đức Mẹ hay Thánh nam nữ nào đó.

Đây là việc đạo đức cao trọng để tỏ lòng tôn kính và biết ơn Đức Mẹ và các Thánh về ơn cầu bầu cho chúng ta. Tuy nhiên, ở góc độ giáo lý và tín lý nói trên, thì cần phân biệt rõ điều quan trọng sau đây:

Vì Thánh lễ là Hy tế tạ ơn của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha, cho nên Thánh lễ chỉ có mục đích duy nhất là để tôn thờ và cảm tạ Chúa Cha và xin ơn cứu độ cho chúng ta ngày nay cùng thể thức, ý nghĩa và hiệu quả như Hy Tế đầu tiên của Chúa Kitô trên thập giá năm xưa.

Như vậy, không có việc dâng thánh lễ để tôn kính riêng một mình Đức Mẹ hay bất cứ đấng thánh nào.

Trong năm phụng vụ của Giáo Hội, có những ngày lễ được dành để kính Đức Mẹ như lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời (Assumption) Vô nhiễm thai (Immaculate Conception) v.v. Lễ kính Thánh Cả Giuse, các Thánh nam nữ khác v.v.

Nhưng các lễ kính này không có mục đích tôn thờ Đức Mẹ hay bất cứ Thánh nam nữ nào mà chỉ để tôn kính (veneration) theo từng mức độ, như Hyperdulia dành riêng cho Đức Mẹ, Dulia dành cho các thánh, các thiên thần trong khi chỉ một mình Thiên Chúa được tôn thờ (adoration) tôn vinh ở mức Latria mà thôi.

Riêng việc tôn kính Đức Mẹ, Thánh Công Đồng Vaticanô II đã dạy rõ như sau trong Hiến Chế tín lý Lumen Gentium :

“Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn khác biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể, lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Việc tôn kính Đức Mẹ còn khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi.” (cf. LG. số 66).

Như vậy, ngay cả trong những ngày lễ kính dành riêng cho Đức Mẹ hay các thánh nam nữ khác, thì mục đích vẫn chỉ là để tôn thờ và cảm tạ Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Nghĩa là không có thánh lễ nào được dâng riêng cho một mình Đức Mẹ hay bất cứ thánh nam nữ nào.Vậy khi nói : xin lễ tạ ơn Đức Mẹ hay Thánh nam nữ nào, thì phải hiểu rằng mục đích là để tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa trước hết vì Người đã ban ơn, và sau đó, cám ơn Đức Mẹ hay Thánh nam nữ nào khác vì đã nguyện giúp cầu thay cho ta mà thôi.

Vậy xin nhớ kỹ và phân biệt rõ điều này mỗi khi muốn xin dâng thánh lễ để tạ ơn Đức Mẹ hay Thánh nam nữ nào.

2- Liên quan đến bổng lễ (mass stipends) tưc là khoản tiền tượng trưng mà giáo dân được khuyến khích trả cho linh mục để xin dâng một hay nhiều thánh lễ, giáo luật số 848 đã ghi rõ:

“Khi ban các bí tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được lãnh nhận bí tích vì lý do túng thiếu.”

Giáo luật số 952 còn nói rõ hơn:

“... Tư tế (linh mục) không được đòi bổng lễ cao hơn mức qui định.Tuy nhiên, tư tế được phép nhận bổng lễ cao hơn nếu người ta tự nguyện dâng cúng, cũng như cũng được phép nhận bổng lễ thấp hơn.”

Ở mỗi Giáo phận, Tòa Giám mục là người ấn định mức bổng lễ nói trên. Thí dụ tại Tổng Giáo Phận Galveston- Houston, mức bổng lễ này, cho đến nay, là 5 đôla cho mỗi thánh lễ. Nhưng nếu giáo dân không có khả năng trả bổng lễ này thì linh mục cũng được khuyên nên dâng thánh lễ theo ý người xin dù không có bổng lễ. (x, Can. no. 945, triệt 2). Nghĩa là không có luật nào buộc phải có tiền mới dâng lễ.

Luật về bổng lễ nói trên áp dụng chung cho mọi giáo xứ, cộng đoàn trong Giáo Phận. Nghĩa là linh mục làm việc cho giáo xứ Mỹ, Mễ, Phi, Đại Hàn hay ViệtNam thì cũng phải tuân theo qui định đó. Vậy, nếu linh mục nào đòi bỗng lễ cao hơn mới dâng thánh lễ thì đã hành động trái nghịch với các khoản giáo luật nói trên cũng như trái với qui định của Toà Giám mục về vấn đề bổng lễ. Và nếu ai đòi phải trả tiền mới dâng lễ hay ban bí tích nào thì lại mắc tội mại thánh (simony) mà giáo luật số 947 đã nghiêm cấm.

Tóm lại, bổng lễ chỉ là phần thưởng tượng trưng mà linh mục được hưởng theo tinh thần “người phục vụ bàn thánh thì hưởng lộc của bàn thờ” như Thánh Phaolô đã dạy mà thôi. (x. 1 Cor 9:13)

Tóm lại, không ai được phép mua bán, đổi chác liên quan đến việc xin lãnh các bí tích đặc biệt là xin dâng Thánh lễ. Nói rõ hơn, không tư tế nào được phép rửa tội, thêm sức, giải tội, sức dầu, chủ sự nghi thức an táng, chứng hôn và dâng thánh lễ để lấy tiền cả. Nếu giáo dân có khả năng trả số tiền qui định về bổng lễ, hay có lòng quảng đại muốn dâng cúng tiền, hay tặng quà trong những dịp trên thì thừa tác viên được phép nhận bất kể số tiền tự nguyện dâng cúng là bao nhiêu. Nhưng không được phép đòi tiền ai để ban bất cứ bí tích nào. Chắc chắn như vậy.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 09.08.2007. 17:41