Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý nghĩa sự đau khổ

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Nhân Mùa Chay thánh, xin cha giải thích ý nghĩa sự đau khổ của con người trong trần thế này.

Trả lời: Sự đau khổ, nói chung, là một thực tế không ai có thể chối cãi hay tránh được trong cuộc sống của thân phận con người trên trần gian này.

Thật vậy, có biết bao đau khổ xẩy ra cho con người từ khi sinh ra cho đến ngày nhắm mắt lìa đời: nào đau khổ thể xác vì bệnh tật, vì khuyết tật bẩm sinh như đui mù, câm, điếc, phong cùi v.v. nào đau khổ tinh thần và cả thể xác vì nghèo đói, bị khinh chê, kỳ thị. Nào đau khổ vì hậu quả của thiên tai như bão lụt, động đất, sấm sét, hoặc đau khổ vì các chế độ chính trị khắc nghiệt bách hại, tù đày.

Và đau khổ hơn hết là sự chết gây tang tóc đau thương cho người thân còn sống.

Nhưng một điều phải nói ngay trước hết ở đây là đau khổ thường xẩy ra không phải chỉ cho những người kém lương thiện, làm điều gian ác, mà đặc biệt còn xẩy ra cho cả những người ngay lành, người đạo hạnh nữa. Cụ thể, một chuyến xe buýt chở giáo dân Houston đi dự Đại Hội Thánh Mẫu ở Dòng Đồng Công tháng 8 năm 2008 đã gặp tai nạn khiến hàng chục người chết và bị thương nặng. Tại sao họ đi làm việc lành kính Đức Mẹ mà lại gặp tai nạn khủng khiếp như vậy ? Phải giải thích thế nào về sự đau khổ lớn lao này của các gia đình nạn nhân ? Mới nhất, trong tháng 01-2010 vừa qua, một trận động đất lớn đã xẩy ra tại Haiti khiến trên 200,000 người bị giết chết trong đó có Đức Tổng Giám Mục thủ đô Port-au-Prince và một nữ tu công giáo. Hàng triệu người dân Haiti đang lâm cảnh màn trời chiếu đất, thiếu lương thực, thuốc men và nước uống, nhất là đau khổ vì mất người thân trong thiên tai lớn lao này. Sau hết, cuộc xung đột giữa Palestine và Do Thái từ nhiều thập niên qua cũng như cuộc chiến đang diễn ra giữa nhóm khủng bố Taliban, El Qeada và các lực lượng NATO do Mỹ cầm đầu đã và đang gây ra nhiều khổ đau cho thường dân vô tội cũng như cho thân nhân của các binh sĩ thiệt mạng trong những cuộc xung đột đẫm máu nói trên.

Trên đây là điển hình cho những đau khổ mà con người phải đương đầu ở khắp nơi trên thế giới từ xưa đến nay. Nhưng tại sao có đau khổ và sự dữ trong trần gian này ? Câu hỏi thật khó trả lời xét theo trí hiểu và khôn ngoan của loài người.

Tuy nhiên, qua mặc khải của Chúa trong Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội, thì lý do và ý nghĩa của đau khổ hay sự dữ có thể được giải thích như sau:

I- Trước hết, Kinh Thánh Cựu Ước, kể lại cho chúng ta ba nhân vật phải chịu rất nhiều đau khổ theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa để biến họ thành những tôi tớ trung tín của Người và nên gương mẫu cho chúng ta noi theo. Đó là các Ông Abraham, Gióp và Tobit.

Thật vậy, trước hết là Ông Abraham. Ông chỉ có một người con trai duy nhất là I- xa-ac trong lúc tuổi già. Thế mà Thiên Chúa lại đòi ông hy sinh con mình cho Chúa (x. Stk 22:1-2). Đòi hỏi này thật khắc nghiệt và đau đớn cho ông. Tuy nhiên vì yêu mến Chúa hết lòng, nên ông đã quyết định hy sinh con yêu dấu của mính để làm đẹp lòng Thiên Chúa mà ông tôn thờ. Nhưng Chúa đâu có chịu thua lòng quảng đại của ông, nên đã can thiệp kịp thời để cứu mạng sống của I-xa-ac sắp bị cha mình hành quyết trên bàn thờ. Và để đáp lại lòng tin yêu phi thường của ông, Thiên Chúa đã nói với ông qua miệng Sứ Thần như sau:

Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: Ta lấy danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi nên Ta sẽ thi ân giáng phúc, làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch” (Stk 22:16-17)

Về phần ông Gióp thì sự khốn khó, đau khổ và thử thách còn nặng nề hơn nữa. Ông là người kinh sợ Thiên Chúa và sống một đời đạo hạnh hiếm có. Ông có bảy con trai và ba con gái. Chúa cho ông giầu sang phú quí hơn người. Nhưng Chúa đã tha phép cho xa-tan thử thách lòng tin yêu Chúa của ông đến mức các con cái ông đều bị giết chết hết, gia tài kếch xù của ông bỗng chốc cũng tiêu tan. Chưa hết, bản thân ông còn bị bệnh ung nhọt tàn phá cơ thể khiến không ai dám lại gần. (x. G 2:1:11). Vậy mà ông không một lời kêu trách Chúa. Ông còn ca tụng Chúa như sau:

Thân trần truồng, sinh từ lòng mẹ
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng
ĐỨC CHÚA đã ban cho
ĐỨC CHÚA lại lấy đi
Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA !
” (G. 1:21)

Ông quả thật là tấm gương sáng cho muôn đời về lòng trung kiên, tin yêu Chúa dù phải chịu nhiều đau khổ, thử thách nặng nề. Chính vì lòng tin yêu Chúa phi thường như vậy mà Chúa đã khen ngợi ông và đền bù cho ông gấp đôi những gì ông đã mất, cũng như chúc phúc cho ông sống thọ thêm 145 năm nữa. (cf: 42:16)

Sau hết là ông Tobit. Ông này cũng rất đạo hạnh, chuyên làm việc bác ái, đặc biệt là chôn xác kẻ chết. Vậy mà Chúa để ông gặp tai nạn, vì phân của một con chim rơi trúng mắt khiến ông bị mù lòa đang khi nằm nghỉ. (Tb 2:9-10). Đau khổ nhưng ông không hề than trách Chúa. Trái lại, ông vẫn ca tụng Chúa như sau:

Lạy Chúa
Ngài lá Đấng công chính
Mọi việc Ngài làm đều chính trực
Và tất cả đường lối Ngài đều là từ bi chân thật
Chính Ngài xét xử thế gian.
” (Tb 3: 2).

Vì thế, Chúa đã đoái thương ban phúc dư đầy cho ông và gia đình; con ông là Tobia được thiên sứ đẫn đi tìm được vợ hiền là Sara cũng như lấy được mật cá làm thuốc chữa mắt cho ông khỏi mù.

Trên đây là ba trường hợp điển hình trong Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa đã dùng đau khổ, bất hạnh để tôi luyện con người thành những bạn hiền và tôi tớ trung thành của Người. Và đó cũng là lý do và ý nghĩa sâu xa của đau khổ Thiên Chúa dùng trong thời Cựu Ước.

II- Kinh Thánh Tân Ước nói gì về ý nghĩa của đau khổ ?

Kinh Thánh Tân Ước trước hết cho ta thấy trường hợp anh mù từ khi mới sinh ra, Người Do Thái hỏi Chúa Giêsu xem có phải tại tội của anh hay tội của cha mẹ anh khiến anh phải mù mắt như vậy, Chúa đã trả lời như sau:

Không phải anh ta. Cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng việc đó đã sẩy ra để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” ((Ga 9: 3)

Như thế có nghĩa là sự đau khổ của con người vẫn được Thiên Chúa dùng như một phương thế tốt để mưu ích cho chính con người và làm vinh danh Thiên Chúa. Đó là việc anh mù đã được sáng mắt và Con Thiên Chúa -tức Chúa Giêsu- được vinh danh qua phép lạ chữa lành này.

Cũng trong ý hướng đó, khi nghe tin La-da-rô, người bạn thân của Chúa bị đau nặng, Chúa Giêsu đã nói:

Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11:4)

Con Thiên Chúa được vinh danh khi Người truyền cho La-da-rô ra khỏi mồ sau khi đã nằm chết bốn ngày trong đó (Ga 11: 1-43)

Nhưng nói đến đau khổ, khốn khó trên trần thế này, thì không ai, không người nào từ xưa đến nay đã phải chịu nhiều khổ nạn hơn Chúa Giêsu, tức Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm Con Người để thực hiện Sứ mạng cứu chuộc cho cả loài người khỏi tội và khỏi chết qua chính cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên thập giá năm xưa.

Thật vậy, Chúa Giêsu có thể cứu chuộc nhân loại mà không cần phải chịu đau khổ và chết tất tưởi trên thập giá như vậy. Nhưng Chúa đã chọn khổ nạn thập giá để làm giá cứu chuộc cho muôn dân như Người đã nói với các môn đệ trước ngày thọ nạn:

Cũng như Con Người đến không phải là để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28). Người hiến mạng sống bằng cách vui lòng: “chịu nhiều đau khổ,do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết” (cf. 20: 21) trên thập giá như một phạm nhân trọng tội trong khi Người là Đấng công chính, hoàn toàn vô tội. Người vô tội nhưng đã tự ý gánh lấy tội của nhân loại để chịu chết thay cho mọi người, hầu chu toàn thánh ý nhiệm mầu của Chúa Cha muốn “Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình” (Cv 3:18), một sự kiện lịch sử đã xẩy ra đúng như Chúa Cha dã dùng miệng các ngôn sứ loan báo trước về sứ mệnh cứu chuộc loài người của Đấng Thiên Sai (Messiah), tức Chúa Cứu Thế Giêsu. Như thế, sự đau khổ quả là phương thế hữu hiệu nhất mà Thiên Chùa đã dùng để cứu chuộc loài người đáng phải phạt vì tội lỗi. Nói khác đi, chính nhờ “Đức Kitô đã phải nếm sự chết là để cho mọi người được cứu độ nhờ ơn Thiên Chúa.” (Dt 2:9)

Đây là sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa vượt quá trí hiểu và khôn ngoan của loài người.

Không hiểu được nhưng chúng ta phải tin vững chắc rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã mang lại ơn tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa cho con người theo lời dạy của Thánh Phaolô sau đây:

Trong Thánh Tử (Chúa Kitô), nhờ máu Thánh Tử đổ ra
Chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi
Theo lượng ân sủng rất phong phú của Người (Thiên Chúa)
” (Ep 1:7)

Như thế, sự đau khổ của Chúa Kitô đã mang lại ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại như Giáo Hội tin và dạy cho con cái mình từ xưa đến nay. Đây là điều mà khôn ngoan con người không thể hiểu và chấp nhận được, nhưng đó chính là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa mà Thánh Phaolô đã khám phá ra và giải thích cho chúng ta như sau:

Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là Những người được cứu độ thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1 Cor 1:18)

Nhưng, theo Thánh nhân, “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.“ (cf. 1:25).

Tóm lại, xét theo khôn ngoan của loài người nói chung - đặc biệt của người Do Thái và dân ngoại thời Chúa Giêsu nói riêng- thì đau khổ thập già là “điều ô nhục và điên rồ”.(cf.1:23) Vì thế cây thập giá đã trở thành biểu tượng của sự đau khổ, tủi nhục lớn lao nhất đối với sức chịu đựng và hiểu biết của con người. Nhưng trong viễn ảnh đức tin, thì đó lại là sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng chịu khổ nạn thập giá để cứu chuộc cho nhân loại khỏi tội và khỏi chết đời đời. Trong tinh thần này, cây thập giá đã trở thành “nguồn hy vọng độc nhât của chúng ta” (O Crux, ave, spes unica) như Giáo Hội ca tụng vì nhờ khổ nạn thập giá của Chúa Kitô mà chung ta có hy vọng được cứu rỗi để sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Nước Trời.

Đó là tất cả ý nghĩa của sự đau khổ nhìn qua lăng kính Thánh Kinh và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho con người.

Xin Chúa thương giúp sức cho chúng ta được vui lòng chịu đựng những đau khổ, gian nan, thử thách mà Chúa gửi đến hay tha phép cho xẩy trong cuộc đời của mỗi người chúng ta bao lâu chúng ta còn sống trên trần thế này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 11.03.2010. 20:08