Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Việc xưng tội cần thiết ra sao trong đời sống Kitô hữu?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Xin cha giải thích hai câu hỏi sau đây:
1- Tại sao cần đi xưng tội?
2- Vì Chúa nhân từ hay tha thứ, nên có thể xưng mãi một tội đuợc không?

Trả lời:

Dù Chúa Kitô đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá, nhưng Chúa không biến đổi bản tính con người (human nature) trở lại tình trạng nguyên thủy, như bản tình của Adam và Eve trước ngày hai người phạm tội vì bất phục tùng, Hậu quả khốc hại của sự sa ngã này là “tội lỗi và sự chết đã xâm nhập trần gian” như thánh Phaolô đã dạy (Rm 5: 12).

Một hậu quả to lớn khác nữa là họ cũng đánh mất luôn bẩn tính “ngây thơ ban đầu” (original innocence), một tình trạng ơn phúc đặc biệt đã giúp họ đứng vững trước mọi nguy cơ của tội lỗi. Nhưng họ phạm tội vì đã sử dụng ý chí tự do (free will) mà Thiên Chúa đã ban và tôn trọng cho con người sử dụng từ Adam cho đến chúng ta ngày nay. Chính vì yếu tố có ý chí tự do này mà vấn đề thưởng phạt mới được đặt ra cho con người trước Thiên Chúa là Đấng giầu tình thuơng nhưng cũng rất công thẩng khi Người phán xét.

Nói rõ hơn, do hậu quả của tội nguyên tổ, bản tính thiện hảo ban đầu của con người đã bị băng họai nặng nề khiến con người ngày nay trở nên hoàn toàn yếu đuối, dễ sa ngã dù cho đã được tẩy sạch mọi tội một lần qua phép rửa. (x. SGLGHCG, số 1264).

Mặt khác, vì Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng ý chí tự do của con người nên người ta được hoàn toàn tự do để chọn lựa giữa sự lành và sự dữ bao lâu còn sống trên trần thế và trong thân xãc có ngày phải chết này. Do đó, con người ngày nay dễ phạm tội vì bản tính yếu đuối và vì được tự do chọn lựa sống theo đường lối của Chúa hay theo ý riêng mình.

Đây là thực trạng của con người ngày nay liên quan đến vấn đề tội lỗi. Vì thực trạng này nên không ai có thể dám nói là mình vô tội căn cứ vào lời Chúa sau đây:

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội
Chúng ta tự dối mình
Và sự thật không ở trong chúng ta
” (1 Ga 1:8).

Chúa Kitô đã biết rõ sự yếu đuối và khuynh hướng dễ nghiêng chiều về tội lỗi của con người ngày nay, nên trước khi về trời, Chúa đã lập bí tích hòa giải và trao quyền tha tội cho các Tông Đồ trước tiên và cho Giáo Hội ngày nay:

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ
” (Ga 20:23)

Đây là nền tảng của Bí tích hòa giải mà Giáo Hội cử hành với tư cách là người kế tục sứ mạng của các Thánh Tông Đồ.

Chúa ban Bí tích này để giúp chúng ta được giao hòa lại với Chúa sau khi đã lỡ phạm tội vì yếu đuối con người. Vì thế nhận biết tội mình và siêng năng đi cáo mình (xưng tội) là việc rất quan trọng không thể thiếu đuợc trong đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu.

Nhưng tiếc thay, một thực trạng đáng buồn ở khắp nơi trong Giáo Hội ngày nay là có rất, nhiều người không muốn đi xưng tội vì nhiều lý do.

Trước hết, vì nhiều người đã mất ý thức hay không phân biệt rõ thế nào là tội cần phải tránh.

Thí dụ, về điều răn thứ nhất, nhiều người cứ cho là nếu không đi lễ ngày Chúa Nhật, không đoc kinh tối sáng mới có tội, còn đi xem bói toán xin sâm, xin quẻ, tin thầy bùa, thầy tướng số, tin số 9 kiêng số 10 hay 13 v.v. thì không sao!

Thực ra, trên đây là những hình thức vi phạm điều răn thứ nhất dạy ta phải thờ lậy một mình Thiên Chúa và tin tưởng nơi một mịnh Người mà thôi.

Mặt khác, có nhiều người cứ nghĩ là nếu có đâm chém, bắn chết ai thì mới phạm điều răn thứ năm cấm giết người, Nhưng phá thai, hoặc giúp cho người khác phá thai, uống nhiều rượu mạnh, dùng ma túy, ăn uống quá độ, lái xe quá tốc độ khiến dễ gây tử vong cho mình và cho người khác thì ít ai biết đó cũng là những điều phạm giới răn thứ năm, nghĩa là có tội nặng (x. SGLGHCG, số 2290).

Cũng lỗi giới răn này là thái độ làm ngơ hay dửng dưng trước sự nghèo đói của người khác trong khi mình có khả năng cứu giúp họ phần nào để xoa dịu nỗi thống khổ của họ. (x. Mt 25: 21-46 dụ ngôn ngày phán xét chung)

Lại nữa, nhiều người cũng cho là không có tội khi cố ý khai gian để hưởng trợ cấp xả hội (welfare, foodstamps) để lấy tiền bồi thường tai nạn xe cộ của bảo hiểm hoặc ly dị giả để huởng trợ cấp single parent, và Medicaid. Đây là những hình thức gian lận, lỗi phép công bằng, nghịch điều răn thứ bảy cấm lấy của người khác như Chúa đã nghiêm cấm.

Cũng phạm điều răn này là mọi hình thức cờ bạc, cá độ, nhất là tham gia tổ chức các sòng bài bạc để kiếm tiền.

Sau hết, tội phạm điều răn thứ sáu không đơn thuần ở giới hạn cấm thỏa mãn tình dục (sexuality) ngoài phạm vi vợ chồng kết hôn hợp pháp trong Giáo Hội (những ai không kết hôn hợp pháp theo giáo lụật thì ăn ở với nhau sẽ cản trở việc lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể). Lỗi điều răn thứ sáu còn phải kể cả những hành vi kích động tình dục như đọc sách báo, hay xem phim ảnh khiêu dâm trên Internet Video, DVD v.v. hoặc làm nghề sản suất sách báo, phim ảnh đồi trụy, nhất là buôn bán phụ nữ cho kỹ nghệ mãi dâm hay đứng ra tổ chức các “ổ mãi dâm” để đưa nhiều người vào vòng tội lỗi với mục đích kiếm tiền.

Ngoài lý do không phân biệt ranh giới của tội mà điển hình nêu trên, nhiều người ngày nay không đi xưng tội cũng vì không tin rằng linh mục, -dù bất xứng đến đâu theo nhãn quan người đời-, vẫn là bí tích của Chúa Kitô khi ngồi tòa giải tội. Nghĩa là linh mục chỉ nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) chứ không nân danh chính mình để tha tội cho ai cả. Xin hiểu rõ điều này mỗi khi đi xưng tội.

Mặt khác, nhiều người không xưng tội cũnng vì không ý thức được đầy đủ những lợi ích thiêng liêng to lớn của bí tích hòa giải.

Thật vậy, bí tích hòa giải “giúp ta lấy lại ơn sủng của Thiên Chúa và nối lại tình thân thắm thiết với Người. Hiệu quả và mục đích của bí tích là hòa giải ta với Thiên Chúa. Ai lãnh bí tích này với lòng thống hối ăn năn và chuẩn bị xứng hợp thì được bình an và thanh thản trong tâm hồn cùng vói sự an ùi lớn lao về mặt thiêng liêng. Quả thực, được hòa giải vói Chúa qua bí tích này mang lại một sự phục sinh thực sự về tinh thần, lấy lại phẩm giá và phúc lành dành cho con cái Thiên Chúa, mà điều quí giá nhất là được sống thân tình với Chúa” (x. SGLGHCG, số 1468 ).

Như thế, mỗi khi ta biết mình có tội dù nhẹ, và nhất là tội năng (tội trọng) ta phải mau kíp đi xưng tội, xin hòa giải vời Chúa và với Giáo Hội để được những lợi ích thiêng liêng lớn lao của bí tích này Cần năng xưng tội dù chỉ có lỗi nhe. Nghĩa là không nhất thiết phải có tội trọng mới cần xưng tội, vì qua bí tich hòa giải chúng ta nhận được ơn bình an và sức mạnh thiêng liêng để đứng vững trong tình thương và ơn sủng của Chúa.

Chúa là tình thương, chậm bất bình và hay tha thứ. Chúa ban bí tích hòa giải để giúp ta có cơ may nối lại thân tình với Người, sau khi đã lỡ sa phạm tội vì yếu đuối con người và vì dịp tội không ngờ. Nhưng cần nói ngay là, Chúa không ban bí tích cho ta lợi dụng lòng thương xót tha thứ của Người để cứ phạm tội rồi lại đi xưng tội.

Về điểm này, chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xuýt bị mấy người Pha-ri-sêu nếm đá vì tội ngoại tình như sau:

Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11)

Rõ ràng chúng ta thấy Chúa nhân từ, tha thứ cho người phụ nữ trên nhưng Chúa không bảo chị: an tâm ra về đi, rồi lần sau có phạm tội nữa thì trở lại đây Ta tha thứ cho... Ngược lại Chúa nói rõ: “chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!

Đây cũng là lời Chúa nói với mỗi người chúng ta liên quan đến bí tích hòa giải. Chúa biết rõ chúng ta rất yếu đuối trong bản tính nhân loại đã bị băng họai vì tội Nguyên tổ. Thêm vào đó, là gương xấu của trần gian và dịp rội đầy rẫy quanh ta. Đặc biệt là “ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé (1Pr 5:8).

Vì thế, trước hết chúng ta cần ơn Chúa để đứng vững. Nhưng Chúa cũng mong muốn chúng ta tỏ thiện chí chê ghét tội lỗi và quyết tâm hoán cải nội tâm (internal conversion). Sở dĩ thế, vì chúng ta có ý chí tự do, một đặc ân Chúa ban và luôn tôn trọng cho ta sử dụng. Do đó, chúng ta phải dùng ý chí tự do này để nói lên ý muốn cải thiện đời sống thiêng liêng ngày một hòan hảo hơn.

Nếu ta có thiện chí muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, nghĩa là muốn sống tình thân với Chúa, thì Chúa sẽ ban ơn nâng đỡ để giúp ta đạt mục đích đó. Ngược lại, nếu ta không nỗ lực muốn đi đường lành, chê ghét tội lỗi, mà cứ sống theo những đòi hỏi bất chính của xác thịt, buông theo những quyến rũ của văn hóa sự chết, thì Chúa cũng chịu thua vì Người không thể bắt buộc ta phải sống theo thánh ý Người. Nói rõ hơn, nếu ta không nỗ lực để chống trả mọi chước cám dỗ và nuơng nhờ vào ơn thánh Chúa để đứng vững, mà cứ lấy cớ Chúa nhân từ tha thứ để phạm đi phạm lại một hay nhiều tội thì chúng ta cần đọc lại lời Chúa nghiêm khắc cảnh cáo sau đây:

Ta biết các việc ngưoi làm: ngưoi chăng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15-16)

Nói khác đi, chúng ta không được ỷ lại –hay lợi dụng- lòng thương xót vô biên của Chúa mà không cố gắng về phần mình để xa tránh tội lỗi. Bí tích hòa giải chỉ có giá trị và hữu ích cho những ai đã cố ý muốn chừa tội, muốn cố gắng thăng tiến trong đời sống thiêng lêng, nhưng đôi khi còn vấp ngã vì yếu đuối không cố ý.

Mặt khác, Chúa cũng không đòi hỏi ta phải hoàn hảo tức khắc. Nguời chỉ mong chờ chúng ta tỏ thiện chí muốn đi đường lành, xa lánh tội lỗi và Chúa sẽ ban ơn giúp sức cho ta được ngày môt trở nên hoàn hảo hơn mà thôi.

Tiến trình hoàn hảo này kéo dài suốt cả cuộc đời mính. Chúa ghét tội lỗi nhưng lại yêu thương, khoan dung kẻ có tội biết ăn nân sám hối. Sám hối vì tội đã phạm nhưng cũng phải đi kèm với quyết tâm chừa bỏ tội lỗi. Nếu không cố gắng chừa bỏ để cứ phạm tội rồi lại đi xưng tội thì sẽ không ích gì cho sự thăng tiến của đời sống thiêng liêng và không đẹp lòng Chúa. Cha giải tội có thể từ chối ban bí tích hòa giải nếu biết rỏ một người cứ xưng mãi một tội vì không cố gắng chừa bỏ.

Tóm lại, Chúa ban Bí tích hòa giải để giúp ta nên thánh, nối lại tình thân với Chúa sau khi lỡ sa phạm tội vì yếu đuối con người. Nhưng không ai đuợc lợi dụng bí tích này để cứ sống tình trạng “hâm hâm, không nóng mà cũng chẳng lạnh hẳn” như Chúa đã cảnh cáo.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 11.07.2009. 09:22