Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Văn Hóa, Ngôn ngữ và Đức Tin

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Gần đây trên báo chí và Internet, người ta đọc thấy một số bài của vài tác giả trong và ngoài nước nêu vấn đề văn hóa và luân lý của dân tộc liên quan đến việc thực hành Đức tin của người Công giáo Việtnam. Cụ thể có người đặt vấn đề “một cụ già 70, 80 tuổi không thể gọi một Linh Mục trẻ là “Cha” và xưng “con” được” vì như vậy trái với “đạo lý làm người”, trái với luân lý của người Việtnam vốn trọng tôn ti trật tự trong gia đình và ngoài xã hội. Cũng có một số người khác thắc mắc tại sao lại gọi các vị lãnh đạo Giáo Hội là “Đức” như Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y, Đức Cha, Đức Ông v.v cũng như gọi cha mẹ của linh Mục, Giám Mục là các “Ông bà Cố”, nhất là xưng hô Cha-con” với linh mục!

Có người cho rằng những cách xưng hô như vậy đã gây trở ngại cho việc truyền giáo của Giáo Hội, và gây “khó chịu” ngay cả cho những người Công giáo Việtnam đang sống Đạo ở trong và ngoài nước!

Chúng ta nghĩ thế nào về những điều được gọi là “vấn đề này”???

Thật ra phải nói rằng chỉ trong Giáo Hội Việtnam mới có những “vấn đề” nói trên mà thôi. Chỉ có ở Việtnam, người ta mới gọi các Đại chủng sinh là “các Thầy”. Các Nữ Tu là SƠ (Soeur), Cha Mẹ của các tu sĩ, nữ tu nói chung và đặc biệt là cha mẹ của các Linh mục, Giám mục là “Ông bà Cố”. Và chỉ có trong ngôn ngữ Việt Nam thì mới có cách xưng hô “Cha-Con” giữa giáo dân và Linh mục.

Trong bài này, tôi chỉ xin bàn riêng về điểm sau cùng, nghĩa là xin được nói thêm một lần nữa về danh xưng ‘ Cha’ dành cho các Linh mục Công giáo. Đây là điều Giáo Hội dạy và cho phép gọi trong mọi ngôn ngữ nơi có người Tin và sống Đạo Công Giáo của Chúa Kitô. Thí dụ, người Pháp gọi Linh Mục là “Père” người Anh Mỹ gọi “Father” người Ý, và Tây Ban Nha gọi là “Padre” người Trung Hoa gọi là “Thần Phụ” v, v. Nhưng vì trong những ngôn ngữ này - và có lẽ trong mọi ngôn ngữ khác trừ tiếng Việt Nam, người ta không có kiểu nói “Cha -Con” như trong ngôn ngữ Việtnam của chúng ta, vì thế họ không có vấn đề gì về việc phải xưng “con” với “Cha”. Không phải vì người ta bình đẳng, biết tôn trọng người đối thoại nên không xưng hô kiểu “quan liêu, lỗi đạo lý” này như có người đã chỉ trích, mà chỉ vì trong ngôn ngữ của họ KHÔNG CÓ kiểu nói như vậy. Nếu bảo vì tôn trọng bình đẳng mà người Pháp nói “Mon Père” rồi dùng đại từ “Je/Vous”, hay người Anh Mỹ nói “Father” rồi dùng “I/You” để nói chuyện tiếp với một Linh mục, thì ta giải thích thế nào khi người Pháp cầu nguyện với Chúa hay đối thoại trong gia đình bằng tương quan “Tu/toi, moi/toi... " và người Anh Mỹ dùng "I/You/Thou" trong trường hợp này? Có phải vì họ muốn “bình đẳng” với Chúa, bình đẳng giữa cha mẹ và con cái hay vì trong ngôn ngữ của họ không có kiểu nói “Chúa- con, / Cha-con, Mẹ- con, /Ông -cháu” như ngôn ngữ Việtnam???

Lập luận như vậy là đúng đắn hay ngụy biện? là sự kiện (fact) hay giả tưởng (fiction)???

Vậy dùng danh xưng “cha-con” giữa linh mục và giáo dân là không bình đẳng, là quan liêu, hách dịch hay sao??? Đúng, nếu chúng ta chỉ thuần túy đứng trên bình diện văn hóa, phong tục của căn tính Việt Nam thì cách xưng hô này thật chướng tai và vô phép khi để một cụ già 70, 80 chào “cha” và xưng “con” với một Linh mục trẻ đáng tuổi con cháu mình. Nhưng nếu cụ già này đến nhà thờ, vào xưng tội với cha trẻ đó thì cụ có nói: “cháu ơi, cháu giải tội cho bác, cho cụ nhé” hay cụ sẽ nói “Xin Cha giải tội cho con”?? Và trong Thánh Le khi nghe Linh Mục này chào giáo dân bằng câu “Chúa ở cùng anh chị em” thì cụ già này có đứng lên bắt bẻ rằng “này cậu, tôi đáng tuổi ông nội của cậu, vậy cậu không được hỗn mà nói vơ đũa cả nắm là “Anh chị em” nghe chưa” hay cụ vẫn cùng đáp “Và ở cùng Cha” với mọi người lớn nhỏ khác trong nhà thờ??? Vậy chào và thưa như thế vì lý do gì? vì đức tin hay vì văn hóa? nếu vì đức tin thì phải chăng văn hóa, phong tục của dân tộc đã “nhường chỗ” cho thực hành đức tin để mọi tín hữu không phân biệt tuổi tác, đẳng cấp gia đình, xã hội chỉ nhìn Linh Mục là hình ảnh, là đại diện bí tích của Chúa Kitô??? Vậy ra khỏi nhà thờ thì sao, có cần thực hành đức tin nữa hay thôi? Nếu nại lý do văn hóa, phong tục để không thể gọi linh mục là “cha” ở ngoài nhà thờ, thì Linh mục có còn là hình ảnh hay đại diện bí tích của Chúa Kitô nữa hay không?? Nếu không, thì tại sao giáo dân không chấp nhận cho Linh mục được sống tự do như mọi người sau khi ra khỏi nhà thờ??. Thực tế là người ta thường phàn nàn cha này ăn mặc không nghiêm chỉnh, cha kia nói năng tự do quá, cha nọ lui tới những nơi không xứng hợp v.v Phê bình như thế có nghĩa là giáo dân mong đợi (expect) Linh mục lúc nào cũng phải là Linh mục, là hình ảnh của Chúa Kitô trong nhà thờ cũng như ngoài đường phố phải không? Vậy tại sao lại lấy tiêu chuẩn văn hóa, phong tục để đối xử với Linh mục ở ngoài nhà thờ để thấy cách xưng hô “cha-con” là trái văn hóa, phong tục tôn ti trật tự của dân tộc, nhưng lại lấy tiêu chuẩn đức tin để phê bình linh mục ngoài nhà thờ??? như vậy có công bằng và hợp lý (fair and reasonable) không???Xin các bậc cao minh giải thích hộ.

Không cần phải viện dẫn Thánh Kinh, Thánh Truyền, Tín lý, giáo lý... để tranh cãi nữa. Chỉ cần nhìn vào một thực tế này thôi: cách xưng hô “Thầy -Con “của người Phật tử Việt Nam. Người Phật tử Việt Nam cũng chung một văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc chứ??? Vậy tại sao họ dùng danh xưng trên cả khi đến Chùa lễ Phật hay ở bất cứ nơi nào phải tiếp xúc với các tăng sĩ Phật Giáo không phân biệt tuổi tác, chức sắc. Tôi đã từng thấy các Phật tử lớn tuổi khoanh tay thưa “Thầy” và xưng “con” với một nhà sư trẻ đáng tuổi con cháu đệ tử. Và tôi cũng chưa hề nghe thấy ai trong giới Phật tử trong và ngoài nước than phiền hay đặt vấn đề “văn hóa, phong tục” với cách xưng hô trên. Tôi cũng chưa thấy ai nói là không muốn theo Đạo Phật vì trở ngại này. Theo tôn ti của Nho giáo, thì “Thầy” còn trọng hơn “Cha”, vì “Quân, Sư, Phụ” mà. Mặt khác, Văn hiến Phật giáo cũng không có chỗ nào qui định cách xưng hô “Thầy-Con” giữa Phật tử và Tăng sĩ. Vậy, tại sao người Phật tử Việt Nam từ bao lâu nay đã dùng danh xưng này mà không hề thắc mắc, phàn nàn gì??? Phải chăng vì lòng mộ đạo và vì kính trọng các chức sắc của Tôn giáo mình????

Như vậy, chúng ta thật xấu hổ với người anh em Phật tử khi thấy một số giáo dân Việt Nam tự cho là tiến bộ ngày nay nêu vấn đề văn hóa, phong tục, tôn ti trật tự để đả kích, hay không muốn áp dụng danh xưng “Cha’ dành cho các Linh mục Công giáo, mặc dù có Thánh Kinh (cf. 1Cor 4:15, & 1Tim 1:2) và tín lý của Giáo Hội (cf. Hiến chế Tín LýLumen Gentium, No.28) nhìn nhận vài trò “Người cha thiêng liêng” của hàng Tư Tế (Giám Mục và Linh mục =Sacerdos). Thật là nghịch lý khi nguời ta lý luận rằng chỉ khi vào Nhà thờ, tham dự các Bí Tích, thì Linh mục mới là Đại diên cho Chúa nên phải quên “văn hóa” để “xin cha giải tội cho con” và cúi đầu nhận lãnh phép lành của linh mục dù già hay trẻ, NHƯNG ra khỏi nhà thờ thì “cậu đáng tuổi con cháu” của tôi, tại sao tôi ngần này tuổi phải chào “cậu” là “Cha”??? vô phép quá! Ôi đức tin của thời đại hôm nay! Ôi Văn hóa, vì mi mà người ta chia rẽ, bất đồng!!!

Chúa Giêsu dạy: “Anh em là Ánh sáng cho trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của anh em mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. (Mt 5: 14-16)

Chúa có ý nói là phải sống đức tin, phải làm ánh sáng cho trần gian trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc hay chỉ sống trong nhà thờ thôi??? Chính vì có những người khi vào nhà thờ thì “lậy Chúa, lậy Chúa” nhưng ra khỏi thì nói xấu anh em, sống thiếu bác ái, gian tham bất công và làm gương xấu, nên mới không mời gọi được những người chưa biết Chúa vào Giáo Hội của Người, chứ không phải vì vấn đề gọi linh mục là “Cha” mà người ta từ chối vào Đạo. Để minh chứng điều này, người ta vẫn hay trích dẫn (quote) câu nói sau đây của nhà đại cách mạng Gandhi (1869-1948) người anh hùng và một vị thánh đối với dân tộc Ấn Độ: “Tôi yêu mến Chúa Giêsu và say mê Phúc âm của Chúa, nhưng tôi không thể trở thành Kitô hữu vì người Kitô hữu không sống Phúc âm của Chúa”.

Phải chăng cần sống nhân chứng thì mới truyền giáo hữu hiệu???

Vậy không nên lãng quên đòi hỏi tối quan trọng này trong đời sống đức tin của chúng ta dù với tư cách là giáo dân hay giáo sĩ, tu sĩ. Vấn đề xưng hô chỉ là thứ yếu, quá thứ yếu so với nhu cầu lớn và quan trọng hơn đó là sống và hành Đạo trung thực trong mọi mọi trường trần thế. Xưng hô hay kính trọng các phẩm trật trong giáo Hội chỉ để nói lên niềm tin của mình vào sứ mạng thiêng liêng của các vị đó chứ không vì tôn sùng cá nhân (cult of personality) hay vì “ưu quyền của giai cấp” như có người đã chỉ trích cách xưng hô này. Cho nên, thiếu sự kính trọng này phải chăng là hiện tượng suy thoái về lòng tin của người tín hữu hôm nay???

Tôi phải dài dòng về vấn đề này không phài vì “mèo khen mèo dài đuôi”, vì tôi là linh mục và muốn làm “cha” thiên hạ. Tôi cũng không cố tình bênh vực vì “quyền lợi của giai cấp linh mục” như có người đã xuyên tạc. Tôi phải nói vì có người cho rằng cách xưng hô trên “không có căn bản Kinh Thánh, Tông Đồ và Giáo Phụ” mà chỉ là “dấu vết của một thời mà quyền lực của Giáo Hội lên cao”, nay cần phải thay đổi cho hợp với thời đại mới, con người mới... Tôi phải khẳng định có giáo lý cho phép gọi như vậy và mặc dù đã viện dẫn những bằng chứng này nhưng vẫn chưa giải đáp thỏa đáng được vấn nạn của những người không đồng ý. Tôi xin đặt câu hỏi này thêm một lần nữa: “Nếu Kinh Thánh (Thư Thánh Phaolô) và tín lý của Giáo Hội (Hiến chế Lumen Gentium là Hiến Chế Tín Lý =Dogmatic Constitution của Thánh Công Đồng Vaticanô II) mà không đủ cơ sở đức tin cho việc nhìn nhận vai trò “người Cha thiêng liêng” của Linh mục thì lấy cơ sở nào để tin và thực hành??? Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận quan điểm của một vài người tự cho là “tiến bộ” hay của các giáo phái ngoài Công giáo về cách hiểu và giải thích câu Phúc Âm Matt 23: 8-9 để phi bác lời dạy của Thánh Phaolô và tín lý của Giáo Hội Công giáo hay sao??? Như vậy, chúng ta mau mắn “vâng phục” AI??? và coi AI là lạc giáo (heretical) trong vấn đề này???

Dĩ nhiên về phần Linh Mục, như tôi đã viết trong một bài trước đây, tôi hoàn toàn không đồng ý về việc một hay nhiều linh mục tự xưng “cha” với giáo dân dù trong nhà thờ hay ngoài xã hội... Tự xưng như thế là “lố bịch” và chướng tai mặc dù linh mục có chức năng là “người cha tinh thần” theo giáo lý của Thánh Phaolô.. Khi được giáo dân gọi là “Cha”, linh mục phải hiểu đó là điều nhắc nhở mình về trách nhiệm thiêng liêng Chúa trao phó qua Thánh Chức (Ordo) và Thừa tác vụ (Ministerium), chứ không phải là một “đặc ân” hay vinh dự trần thế. Tôi tin chắc mọi linh mục đều ý thức rõ điều này khi giảng dạy hay tiếp xúc với giáo dân, và mọi linh mục đều kính trọng và coi giáo dân là “anh chị em” trong Chúa Kitô.

Thực tế cũng không thiếu gì linh mục đã khiêm nhường xưng “con” xưng “cháu” với các người lớn tuổi, đáng cha chú của mình. Như vậy, chứng tỏ linh mục Việt Nam biết sống tinh thần văn hóa Việt Nam,và không kiêu hãnh vì được gọi là “cha” trong Giáo Hội.

Tóm lại, việc gọi Linh mục là “cha” là điều Giáo Hội dạy và cho phép trong mọi nền văn hóa, thuộc mọi ngôn ngữ của người tín hữu Chúa Kitô. Người Âu Mỹ gọi linh mục là “Cha =Père =Fathe r=Padre... ” mà không xưng “con” vì ngôn ngữ của họ không có kiểu nói đó như ngôn ngữ Việt Nam.Từ bao thế kỷ nay, người Âu Mỹ không thấy có vấn đề gì về cách xưng hô này. Chỉ có những giáo phái ngoài Công giáo phản đối. Nay có thêm một số giáo dân Việt Nam “tiến bộ” hơn đại đa số đồng đạo của mình ở trong và ngoài nước “dị ứng” về cách xưng hô này và muốn thay đổi. Nhưng hãy thử nghĩ xem:

Không lẽ các tín hữu Âu Mỹ và đại đa số giáo hữu Việt Nam lại “chậm tiến” hay “mê muội” đến nỗi không nhìn ra “vấn đề” như họ???

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, 29/03/2004

Đọc nhiều nhất Bản in 06.09.2006. 13:53