Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vấn đề Hội Nhập và Bảo Tồn Văn Hóa

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Vấn đề Hội Nhập và Bảo Tồn Văn Hóa của người Công Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ

Các cụm từ “Hội nhập văn hóa” (inculturation) và đi vào “giòng chính” (mainstreams) đã luôn được nói đến trong các sinh hoạt văn hoá, khoa học, chính trị, kinh tế và tôn giáo của người Việt đang sinh sống trên đất nước Hoa Kỳ này.

Người ta hô hào phải “hội nhập văn hoá” và đi vào “giòng chính” để người Việt nói chung và người Công Giáo Việt Nam nói riêng không bị lạc lõng trong một quốc gia mà dù muốn dù không đã trở thành tổ quốc thứ hai của mình. Cụm từ “người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) đã trở nên quen thuộc đối với người Việt cũng như với người bản xứ ở đây.Do đó, việc hội nhập văn hóa là nhu cầu cần thiết cho bất cứ sắc dân nào đang sinh sống và chọn nuớc Mỹ làm quê hương thứ hai của mình.

Nhưng hội nhập không có nghĩa là sáp nhập, là đồng hoá (assimilation). Nghiã là xoá bỏ hoàn toàn căn tính (identity) dân tộc của mình để trở thành Mỹ 100%. Điều này chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện được trong thực tế. Vả lại, chính người Hoa Kỳ cũng không mong muốn và đòi hỏi như vậy vì quốc gia này là một “cái Nôi tạp chủng= Melting pot” dung nạp mọi dân tộc từ nhiều nền văn hoá, ngôn ngữ, phong tục khác nhau trên thế giới đến sinh sống từ bao thế kỷ nay.

Người Mỹ chỉ mong đợi các dân tộc khác mang những tinh hoa của riêng mình đến làm phong phú thêm cho nền văn hoá và phong hoá của quốc gia này mà thôi. Bằng cớ là cho đến nay, họ không thể công bố dùng Anh ngữ là ngôn ngữ chính thức (official language) của Hoa Kỳ, mặc dù đây là ngôn ngữ chính của người Mỹ và họ luôn khuyến khích người ngoại quốc học tiếng Anh để hội nhập vào xã hội Hoa ky.

Vì thế hiện nay, trong nhiều sinh hoạt chính trị, tôn giáo, luật pháp, thương mại... nhiều ngôn ngữ khác như Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Trung Hoa, Việt Nam v.v. đã được sử dụng song song với Anh Ngữ.

Riêng trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, thì hầu như mọi sắc dân đều được phép dùng ngôn ngữ của mình như tiếng Việt, Spanish, Pháp, Ý, Đại Hàn, Trung Hoa, Nhật v.v. trong phụng vụ dành riêng cho họ. Hơn thế nữa, nhiều Giáo Phận Mỹ còn cho phép các sắc dân có giáo xứ (parish) riêng như các giáo xứ Việt Nam, Đại Hàn, Trung Hoa, Ấn Độ... đang hoạt động hiện nay ở nhiều nơi trong Giáo Hội Mỹ nói chung và cách riêng tại Tổng Giáo phận Galveston-Houston này.

Điều này chứng tỏ các Giám mục Hoa Kỳ không mong đợi giáo dân ngoại quốc trở thành giáo dân Mỹ hoàn toàn.

Một số Giám Mục Mỹ còn công khai hô hào giáo dân ngoại quốc, đặc biệt là giáo dân Việtnam hãy cố giữ truyền thống văn hoá đạo đức của mình và phát huy những di sản quí báu này trong Giáo Hội Hoa Kỳ để làm phong phú thêm cho giáo dân Mỹ về lòng nhiệt thành sống đức tin, lòng sùng kính Đức Mẹ, và đề cao những giá trị truyền thống về gia đình, về tình thân và lòng hiếu thảo của con cái đối vơí cha mẹ, ông bà.

Có thể nói: chưa có Giám Mục Mỹ nào đã cấm giáo dân ngoại quốc dùng ngôn ngữ của họ trong phung vụ. Ngược laị, các chủng sinh Mỹ đang học ở các Đại chủng viện đều bắt buộc phải học thêm tiếng Tây Ban Nha (Spanish) để có đủ khả năng làm mục vụ sau này cho giáo dân nói ngôn ngữ này ở các giáo xứ Mỹ, vì tỷ lệ dân nói tiếng Tây Ban Nha khá cao trong các Giáo phận Mỹ, đặc biệt ở Tổng giáo phận Galveston-Houston.

1- Việc hội nhập văn hóa Mỹ và duy trì văn hoá Việt Nam:

Chúng ta rất mừng được thấy nhiều giáo xứ ViệtNam được phép thành lập ở nhiều Giáo Phận Mỹ, ngoài các Cộng Đoàn ViệtNam sinh hoạt chung trong các Giáo xứ Mỹ.Riêng tại Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, đã có đến 4 Giáo Xứ riêng cho người Việt ngoài 4 Cộng Đoàn Việtnam nằm trong các Giáo xứ Mỹ.

Khi xin thành lập các Giáo xứ hay Cộng Đoàn riêng cho người Công giáo Việt Nam thì lý do chính được nêu ra là để duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam trong phụng vụ và đặc biệt để giúp cho những người lớn tuổi chưa thông thạo Anh ngữ được sốt sắng tham dự mọi nghi lễ phụng vụ bằng ngôn ngữ quen thuộc của mình, thay vì bị lạc lõng khi phải dự Thánh lễ và nghe giảng bằng tiếng Anh ở các Giáo xứ Mỹ.

Vì thế, cần có Lễ bằng tiếng Việt cho ngươì lớn và mở các lớp giáo lý và Việt ngữ để dạy tiếng Việt, chữ Việt cho các trẻ em Việtnam sinh trưởng ở đây hoặc mới qua Mỹ chưa thông thạo tiếng Anh.

Như vậy, nếu muốn đồng hóa với phong tục, văn hoá và ngôn ngữ của dân bản xứ thì chắc hẳn không cần phải có giáo xứ riêng, xây nhà thờ riêng và mở những lớp dạy Việt ngữ, lịch sử và văn hóa ViệtNam làm gì nữa.

Nhưng thực tế quan sát được nơi các giáo xứ, Cộng Đoàn Việt Nam ở Mỹ nói chung và ở Houston nói riêng lại cho thấy những hiện tượng xem ra không phù hợp với mục đích hội nhập văn hoá Mỹsong song với việc duy trì, phát huy văn hoá ngôn ngữ Việt Nam cho người Việt đang sống ở Mỹ.

-Trước hết là việc sử dụng tiếng Anh trong các giáo xứ riêng của người Việt.

Những ai đã có dịp tham dự Thánh Lễ ở các giáo xứ Việt Nam đều nhận rõ sự kiện này: ở một số giáo xứ ViêtNam hiện đang có Lễ bằng tiếng Anh ngày Chúa Nhật cho giới trẻ. Lý do được nêu ra là vì các em không hiểu tiếng Việt, nên phải có Lễ bằng tiếng Anh cho chúng hiểu. Cùng lý do này, nhiều lớp giáo lý dành cho các trẻ em Việt Nam cũng sử dụng tiếng Anh hoặc song ngữ Anh–Việt.

Chưa hết, ngày càng có nhiều đám cưới Việt Nam dùng tiếng Anh trong các bài đọc và ngay cả Thánh Lễ, giảng thuyết cũng hoàn toàn bằng Anh ngữ, mặc dù hai bên gia đình dâu rể và linh mục chủ tế, đồng tế đều là người Việt, và tham dự thánh lễ có những người lớn tuổi chắc chắn không hiểu tiếng Anh bằng giới trẻ. Lý do đưa ra là vì đôi tân hôn không rành tiếng Việt, nên phải dùng tiếng Anh! Không những đám cưới mà cả đám tang cũng có gia đình cho đọc một bài đọc và lời cầu nguyện bằng Anh ngữ. Tôi đã tham dự một Lễ tang của một gia đình Việt Nam và nghe cha giảng thuyết nói vài lời bằng Anh ngữ với người chết trước khi kết thúc bài giảng bằng tiếng Việt trong khung cảnh hoàn toàn Việt Nam, không có người Mỹ nào tham dự thánh lễ và người quá cố chắc chắn không rành tiếng Anh bằng tiếng Việt!

Taị sao linh mục Việt Nam giảng thuyết lại phải nói tiếng Anh với người chết trước sự ngơ ngác khó hiểu của mọi người trong nhà thờ?

Sau cùng, trong Thánh Lễ của Cộng Đồng Công giáo Việt Nam vào các dịp Lễ Giáng Sinh hay kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hoặc Lễ khấn Dòng có Đức Giám Mục Mỹ chủ tế, thì thường có một bài đọc và ít lời nguyện bằng Anh ngữ, một điều không hề có đối với các sắc dân khác trong những dịp tương tự. Thí dụ, người Mễ Tây Cơ mừng Đại Lễ Đức Mẹ Guadalupe rất long trọng hàng năm. Nhưng dù có hai, ba Giám Mục Mỹ và nhiều linh mục ngoại quốc tham dự thì họ vẫn không đọc bài đọc nào hay cầu nguyện lời nào bằng tiếng Anh mà chỉ dùng duy nhất tiếng Tậy Ban Nha mà thôi.

Các Lễ của người Trung hoa và Đại Hàn cũng vậy. Họ chỉ dùng ngôn ngữ riêng của họ chứ không pha trộn thêm tiếng ngoại quốc nào. Chỉ có ngươì Công giáo Việt Nam pha tiếng Anh trong những dịp lễ này mà thôi. Tại sao?

Lời cầu nguyện thì dành cho Chúa nghe chứ đâu phải cho người ngoại quốc nào có mặt nghe, vậy tại sao phải nói tiếng Anh với Chúa? Sợ Chúa không hiểu rõ tiếng Việt hay sao?

Làm như vậy, có phải là hội nhập văn hóa Mỹ và bảo tồn văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam không?

Nếu cho rằng giới trẻ không hiểu tiếng Việt nên cần lễ tiếng Anh, cần học giáo lý bằng tiếng Anh, thì mục đích có giáo xứ Việt Nam để cử hành phụng vụ bằng tiếng Việt, có các chương trình dạy giáo lý và Việt ngữ là để dành cho ai? Không lẽ để dành cho những người lớn, người già là thành phần không thể quên tiếng Việt và chữ Việt được, chỉ không biết hay không giỏi Anh ngữ bằng giới trẻ mà thôi. Chúng ta không lo giới trẻ Việt Nam kém Anh Ngữ mà chỉ lo chúng quên hay không biết tiếng Việt, chữ Việt và văn hoá Việt Nam khi sống ở đất Mỹ này. Cho nên, chính vì mối quan tâm đến giới trẻ mà cần phải có những lớp Việt ngữ, lớp giáo lý bằng tiếng Việt cũng như các nghi thức phụng vụ bằng tiếng Việt để giúp các em làm quen với đời sống phụng tự của cha ông mình và không “mất gốc” khi sống và lớn lên trong môi trường xã hội Mỹ. Nếu cha mẹ ngại con em không hiểu Lễ làm bằng tiếng Việt hay không theo được các lớp giáo lý dạy bằng Việt ngữ thì tại sao không cho con em đi lễ ở các giáo xứ Mỹ và học giáo lý với trẻ em Mỹ thay vì dự Lễ bằng Anh Ngữ với cha Việtnam và học giáo lý bằng tiếng Anh do giáo viên ViệtNam dạy trong môi trường giáo xứ Việt Nam? Về điểm này chúng ta hoàn toàn khác xa với người Trung Hoa, Đaị Hàn và Mễ Tây Cơ.

Ở các giáo xứ có đa số dân nói tiếng Tây Ban Nha thì họ không bao giờ pha thêm tiếng Anh trong Thánh Lễ hay trong các lớp dạy giáo lý cho con em họ. Họ luôn đòi cử hành thánhLễ, nghi thức rửa tội, hôn phối và dạy giáo lý bằng tiếng riêng của họ (Spanish) dù con cái họ đi học trường Mỹ và biết nói tiếng Anh.

Phải chăng đó là cách bảo tồn văn hoá, ngôn ngữ của họ song song với nhu cầu hội nhập vào xã hội Mỹ như đi học trường Mỹ, sống văn hoá Mỹ, nói tiếng Anh v,v?

Vậy chúng ta phải xác định lại mục tiêu của mình về vấn đề này như sau:

a- Hội nhập văn hóa Mỹ cho giới trẻ:

Nếu cần hội nhập văn hóa Mỹ cho giới trẻ, nghĩa là phải có Lễ và dạy giáo lý bằng tiếng Anh cho chúng trong các giáo xứ, Cộng đoàn Việt Nam thì thôi không cần phải mở những lớp dạy Giáo lý Việt Ngữ nữa vì vô ích. Trẻ con có thể học nói tiếng Việt Nam ở nhà với cha mẹ anh chị trong gia đình. Nếu chúng chỉ rành tiếng Anh thôi, thì cha mẹ có thể đưa con em đến các giáo xứ Mỹ để dự Lễ và học giáo lý hoàn toàn bằng tiếng Anh quen thuộc với chúng ở nhà trường Mỹ. Sở dĩ thế, vì đã xẩy ra trong thực tế ở một giáo xứ kia, các em dự Lễ bằng tiếng Anh đã bật cười, vì không quen với tiếng Anh của cha chủ tế.

Nhưng thực tình mà nói thì tiếng Anh của các em chỉ là tiếng Anh ở nhà trường, chứ không phải ở nhà thờ nơi ngôn ngữ phụng vụ và kinh thánh đều xa lạ với các em dù bằng tiếng Anh hay tiếng Việt. Cụ thể, làm sao các em hiểu nghĩa các từ chuyên môn như “prophet (sứ ngôn), Old and New Testaments (Cựu và Tân Ước), revelation (mặc khải), liturgy (phụng vụ), inspiration (linh ứng), The Holy Trinity (Chúa Ba Ngôi) .v.v.

Sau cùng, nếu có trở ngại vì cha mẹ phải chở con đi và đón về từ các nhà thờ Mỹ, thì đến giáo xứ ViệtNam cho trẻ học và dự Lễ bằng tiếng Anh cha mẹ cũng phải đưa đón như vậy.

b- Bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam

Ngược lại, nếu muốn bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam cho phù hợp với lý do muốn có giáo xứ riêng cho người Việt thì không nên duy trì hình thức “lai căng” nửa Việt, nửa Mỹ hiện nay như có Lễ riêng bằng tiếng Anh cho giới trẻ, nhất là cử hành Lễ cưới, lễ tang với bài đọc, lời nguyện và nghi thức bằng Anh ngữ trong khi nhiều người tham dự trong nhà thờ không dành tiếng Anh bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, với những đám cưới giữa ngưới Việt và ngoại quốc (Mỹ, Mễ, Trung hoa...) thì có thể có bài đọc hay cử hành nghi thức và Thánh Lễ, giảng thuyết bằng song ngữ hay hoàn toàn bằng ngôn ngữ mà đôi tân hôn muốn lựa chọn. Chỉ không nên dùng Anh Ngữ trong trường hợp Việtnam thuần túy mà thôi. Nghiã là không nên chiều theo sở thích của vài cá nhân mà bắt đa số người khác phải nghe tiếng Anh trong khung cảnh hoàn toàn Việt Nam như vậy.

Ở chỗ làm việc, ngoài đường phố, trường học, nơi buôn bán, giải trí... người lớn và giới trẻ Việt Nam hàng ngày đã nghe tiếng Anh quá nhiều rồi nên không cần nghe thêm trong nhà thờ nữa. Nếu chúng ta còn mong muốn cho tiếng Việt được trường tồn với người Việt -cách riêng vơí giới trẻ ViệtNam - đang sống ở ngoại quốc, thì tối thiểu chúng ta cũng nên xử dụng thuần túy tiếng Việt, chữ Việt trong phạm vi các dịp lễ hội riêng của người Việt nói chung và trong các sinh hoạt phụng tự của người Công giáo Việtnam cách riêng, trừ khi chúng ta cố ý muốn quên tiếng Việt để trở thành Tây, thành Mỹ hoàn toàn, một điều chắc chắn nhiều người không mong muốn.

2- Những hiện tượng chưa thực sự được “hội nhập” hay “hội nhập thái quá”

Nếu trên đây là những ‘hiện tượng” xem ra không phù hợp với mục đích duy trì và phát huy văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam trong môi trường Giáo Hội Mỹ thì sau đây là một vài biểu hiện cho thấy ngươì Việt Nam nói chung và người Công giáo Việt Nam nói riêng chưa thực sự hội nhập vào văn hoá Mỹ hay “hội nhập thái quá” vào nếp sống Mỹ.

a- Hiện tượng chưa hội nhập đủ:

Chúng ta đều biết là ngươì Mỹ rất thực tiễn (pragmatic)và rất trọng thì giờ. Cụm từ “on time”đã trở thành quá quen thuộc trong mọi sinh hoạt của ngươì Mỹ, mặc dù trong thực tế cũng còn có người Mỹ “không đúng giờ” khi đi Lễ hay đến nơi hội họp. Nhưng nói chúng thì họ rất đúng giờ hay coi trọng điều này trong mọi sinh hoạt xã hội, tôn giáo, nghề nghiệp, thương maị v.v. Ngân hàng, Bưu điện Mỹ không mở của sớm 1 phút mà cũng không đóng trễ 1 phút.

Người Việt Nam chúng ta đã sinh sống ở Mỹ trên dưới 30 năm rồi và đã hội nhập rất nhanh và nhịp nhàng vào nếp sống Mỹ hơn nhiều dân thiểu số khác đang chung sống ở đây. Đa số người Việt lớn tuổi và nhất là giới trẻ Việt Nam đều biết nói tiếng Anh thành thạo, hay cố gắng học để nói hơn người Mễ Tây Cơ, Đại Hàn, Trung Hoa.

Tuy nhiên, riêng khiá cạnh tôn trọng giờ giấc, thì người Việt lai tỏ ra chậm chạp hay không muốn “hội nhập” chút nào vào thói quen tốt đẹp này của văn hoá Mỹ. Cho đến nay, hiện tượng nổi bật nhất khiến ngay cả rất nhiều người Việt cũng phải than phiền, khó chịu đó là tình trạng quá “trễ giờ” ở các tiệc cưới cuối tuần của người Việt Nam. Nhiều đám cưới mời khách từ 6 giờ chiều mà đến 8 giờ tối vẫn chưa khai mạc được vì nhiều khách được mời chưa đến! Tình trạng này làm phiền cả cho chủ tiệc lẫn khách đến đúng giờ đặc biệt là khi có khách ngoại quốc tham dự. Đây là sự kiện không hề có trong nếp sống của người Mỹ mà chúng ta đang muốn hội nhập. Uớc chi mọi người thêm ý thức về sự “bất tiện” này và cố gắng thay đổi để tránh phiền phức cho những ai muốn “đúng giờ” không những chỉ ở nơi làm việc, buôn bán, giải trí mà cả ở những dịp lễ hội, tiệc cưới hàng tuần. Riêng người Công Giáo Việt Nam thì việc “đúng giờ” còn cần thiết hơn nữa khi đi tham dự Thánh Lễ ngày thường (không buộc) hay ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng (buộc) vì nếu đến trễ sau khi đọc các bài đọc và bài giảng thì kể như mất một phần quan trọng của Thánh Lễ (phần phung vụ Lời Chúa) và do đó việc tham dự Thánh Lễ trở nên không trọn vẹn, đầy đủ như Giáo Hội dạy và mong đợi.

Một điều quan trọng nữa dành riêng cho người Công giáo Việt Nam muốn hội nhập vào mọi sinh hoạt của Giáo Hội Mỹ là vấn đề ghi danh (registration) vào giáo xứ và đóng góp tài chính cho giáo xứ (weekly donations). Các giáo xứ Mỹ sống còn là nhờ sự đóng góp này. Cho nên, giáo dân Mỹ đều được kêu gọi ghi tên gia nhập một giáo xứ và xử dụng phong bì dâng cúng (donations envelopes) tiền hàng tuần. Ghi tên để tiện cho việc xin lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tích rửa tội, thêm sức và hôn phối. Dâng cúng tự nguyện nhằm giúp giáo xứ sống còn để phục vụ. Không có sự trợ giúp tài chính cần thiết này thì không một giáo xứ nào tồn tại được vì không có tiền trang trải những chi tiêu cần thiết.

Giáo dân Việt Nam đa số đều rộng lượng, hảo tâm nhưng lại ngại ghi tên và xử dụng phong bì như giáo dân Mỹ. Nhiều người vẫn còn thói quen thích ẩn danh và bỏ tiền mặt (cash) hơn là xử dụng chi phiếu và phong bì. Đây là điều chưa thực sự “hội nhập” vào nếp sống của Giáo Hội Mỹ, ngoài phạm vi ngôn ngữ mà chúng ta tỏ ra rất sốt sắng nhưng lại không phù hợp với chủ trương bảo tồn văn hoá ngôn ngữ Việt Nam như có lễ Tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam, làm Lễ cưới bằng Anh Ngữ cho các đôi hôn phối người Việt... nói tiếng Anh với.. người chết!

b-Hội nhập “quá trớn”

Ngoài hiện tượng chưa hội nhập đủ nói trên, còn phải kể đến trường hợp được coi là “hội nhập quá trớn” sau đây nơi một số người Việt, kể cả người Công giáo, đang sống ở Mỹ này.

Trong văn hoá Mỹ, việc bắt tay, ôm hug và hôn xã giao là chuyện bình thường trong mọi sinh hoạt xã hội, nghề nghiệp, văn hóa, tôn giáo. Một linh mục Mỹ đứng ngoài cửa nhà thờ sau Lễ để chào thăm giáo dân, bắt tay người này, hug người kia, có khi hôn người nọ là chuyện rất bình thường,phù hợp vơí văn hoá, phong tục của người Mỹ. Nhưng một linh mục Việt Nam cũng làm như vậy (trừ bắt tay) với giáo dân Việt Nam thì lại là điều khó coi đối với văn hoá Việt Nam.

Sống trong xã hội Mỹ, người Việt chúng ta không thể không hội nhập vào nếp sống của người Hoa kỳ. Nhưng chúng ta không nên đi quá giới hạn mà chính người Mỹ cũng không thực hành. Thí dụ, trong các buổi tiệc cưới của ngườì Mỹ, người ta không bao giờ bắt đôi tân hôn biễu diễn “hôn nhau” trước mắt quan khách tham dự.

Một số ngườì Việt thì trái lại, đã diễn trò không đẹp mắt này trước hàng trăm quan khách, trẻ già trong một số tiệc cưới của người Việt. Tôi đã từng phải dự một tiệc cưới trong đó người MC đã bắt đôi tân hôn biểu diễn cách hôn nhau 2, 3 lần trước mắt quan khách tham dự, khiến nhiều người trong đó có tôi rất ngượng và khó chịu!

Phải nói đây là trò “Mỹ hoá quá trớn” chứ không phải là hội nhập văn hoá cách lành mạnh đúng nghiã. Việc trai gái hôn nhau không phải là chuyện xấu, cấm kỵ nhưng không thể là trò chơi phô diễn trước mặt ngươì khác ở chỗ đông người được. Ngay trong nhà thờ, linh mục cũng không nên khuyến khích đôi tân hôn “hôn nhau” sau khi công bố sự thành hôn của họ trước cộng đoàn. Khi phải tham dự tiệc cưới, linh mục cũng không nên “cao hứng” tham gia khiêu vũ, kể truyện tếu hay trình diễn những bài hát có nội dung tình tứ, lãng mạn để giúp vui cho tiệc cưới. Làm như vậy chắc chắn không phù hợp với vai trò và tư cách của mình là linh mục.

Sau hết, một vần đề nên được xét lại là việc mời linh mục hay tu sĩ Công Giáo lên đọc lời nguyện truớc khi ăn trong các tiệc cưới ở nhà hàng. Người Mỹ không có tục lệ này. Đối với người Công Giáo thì việc đọc kinh cầu nguyện trước bưã ăn là điều tốt lành. Tuy nhiên trong hoàn cảnh một bữa tiệc có những người thuộc tôn giáo khác tham dự, thì có nên bắt người ta phải nghe mình cầu nguyện hay không? Và người khác tôn giáo có vui lòng để cho cho linh mục “làm phép” đồ ăn của họ hay không?

Như vậy, có nên vì tế nhị mà miễn việc cầu nguyện chung này để ai là người Công giáo thì cứ tự do làm dấu hay đọc lời nguyện riêng âm thầm trước khi ăn?

Đó là đôi điều suy nghĩ của tôi về vấn đề hội nhập và bảo tồn văn hoá của ngườì Công giáo Việt Nam trong môi trường xã hội Mỹ này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 06.09.2006. 14:16