Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trách Nhiệm Về Phần Rỗi Của Người Khác

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi : là tín hữu sống chung trong một Cộng Đoàn Giáo xứ hay ngoài xã hội, người ta có bổn phận hay trách nhiệm gì về phần rỗi của người khác ?

Trả lời : Chúa dựng lên con người để sống chung với người khác, trước hết là trong một gia định và sau đó trong một xã hội lớn hay nhỏ. Nghĩa là không ai sống lẻ loi một mình trong một ốc đảo (oasis) không có ai ở chung quanh mình. Vì thế người ta đã định nghĩa con người là một sinh vật có xã hội tính.

Chính vì phải sống chung với người khác mà con người có trách nhiệm liên đới với nhau trong mọi lãnh vực. Cụ thể, cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng và dạy dổ con cái không những về thể lý rồi học vấn, và đặc biệt về mặt thiêng liêng. Trong lãnh vực này cha mẹ có trách nhiệm rất lớn vì phần rỗi của con cái tùy thuộc rất nhiều vào tinh thần trách nhiệm của Cha me.

Thật vậy, sau khi sinh con ra, cha mẹ phải sớm lo liệu cho con mình được lãnh nhận bí tích rửa tội để cho con được tái sinh sớm trong sự sống mới hầu có hy vọng được vào Nước Trời, như Chúa Giêsu đã nói với ông già NI-Cô-Đê-MÔ xưa : “Thật tôi bảo thật ông :không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3 :5) . Sinh ra bởi nước và Thần Khí có nghĩa là được tái sinh qua Phép Rửa để trở nên tạo vật mới, được gọi Chúa là CHA và có hy vọng được vào Nước Trời mai sau. Có hy vọng thôi chứ chưa hẳn là chắc chắn 100% vì còn tùy thuộc vào thiện chí cúa trẻ em khi lớn lên thành người có đủ lý trí vá ý chí tự do (Free will) để quyết định hướng đi cho đời minh về mọi phương diện, nhất là về mặt thiêng liêng. Ngày nay, do ảnh hưởng của các chủ tuyết vô thần và duy vật chất vô luân đang lan tràn mạnh ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Tây Âu, trong nhiều gia đình Công giáo đã xảy ra những bất đồng giữa con cái và cha mẹ về niềm tin có Thiên Chúa và nhu cầu cần thiết phải sống niềm tin ấy. Có nhiều con cái không muốn nghe cha mẹ nói về sự cần thiết phải thực hành đức tin như thế nào để xứng đáng là người Kitô hữu và được ơn cứu độ. Có gia đình con cái còn chất vấn cha mẹ tại sao lại đem chúng đi rửa tội khi còn bé mà không để chờ cho chúng lớn khôn để tự quyết định việc này. Tệ hại hơn nữa là có những con cái tự ý gia nhập các giáo phái không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, hoặc sống như kẻ vô thần mặc dù được rửa tội khi còn bé. Lại nữa, nhiều con cái tự ý kết hôn với người không Công giáo hoặc cứ sống chung vói bạn trai hoặc gái mà không cưới hỏi gì cả. Trước những thực trạng đáng buồn này, dĩ nhiên cha mẹ không đồng ý nhưng cũng không thể ngăn cấm được tự do của con cái. Dầu vậy cha mẹ vẫn có trách nhiệm phải nói cho con cái biêt sự sai trái của chúng. Nếu chúng không nghe thì mình hết trách nhiệm trước mặt Chúa. Ngược lại nếu không nói hay khuyên bảo con cái điều phải lẽ để chúng khỏi lún sâu vào hố sai lầm, tội lỗi thì cha mẹ sẽ có lỗi về sự hư mất của con cái mình, căn cứ vào lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ Ê-dê-kiên sau đây:

Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : Hỡi tên gian ác chắc chắn người phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã cảnh báo kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ê-dê-kien 33: 7-9)

Lời Chúa trên đây cũng áp dụng cho những tín hữu sống chung trong một Cộng Đoàn, một giáo xứ hay một đoàn thể Công Giáo Tiến Hánh, hay nơi làm việc chung với người khác. Nghĩa là nếu biết ai làm điều sai trái về luân lý, đạo đức và kỷ luật của (Giáo Luật) của Giáo Hội, như khai gian để lấy vợ hay chồng khác mà mình biết rõ ; hoặc có người đã ly dị nhưng chưa được tháo gỡ hôn phôi cũ mà lại sống chung với người khác như vợ chồng rồi vẫn đi lễ và rước Minh Thánh Chúa, thì người biết phải trình cho Cha Xứ hay Quản nhiệm Cộng Đoàn biết những trường hợp sai trái này để ngăn cản và giúp họ sữa chữa,. Ngoài ra, nếu biết người Công giáo nào làm nghề hay những dịch vụ sai trái về đức công bằng như khai gian để giúp người khác lấy tiền của bảo hiểm (tai nạn xe cộ) nhất là tham gia vào việc buôn bán phụ nữ cho các tổ chức mãi dâm trá hình dưới chiêu bài môi giới “hôn nhân nước ngoài”, hoặc tệ hại hơn nữa là mở sòng bài cờ bạc, cá độ, mãi dâm, buôn bán cần sa, ma túy… thì vì lương tâm và phần rỗi của họ, đòi buộc những ai biết rõ việc làm của những người đó phải nói cho họ biết những sai trái để mong họ từ bỏ những con đường dẫn đưa đến hư mất đời đời, chỉ vì “lợi lãi chóng qua” kiếm được nhờ những phương thế sống bất chính phi luân và vô đạo.

Thiên Chúa cực tốt cực lành đầy yêu thương và tha thứ nhưng lại chê ghét mọi tội lỗi và mong muốn cho con người xa lánh tội lỗi để được ơn cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Do đó, muốn sống đẹp lòng Chúa thì phải quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi và nguy cơ đưa đến phạm tội cho chính mình và cho người khác. Đây chính là trách nhiệm “sửa lỗi anh em” vì lợi ích thiêng liêng của người khác mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa :

Nếu người anh em của anh trót phạm lỗi, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe thì anh đã được món lợi là người anh em mình.Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18: 15-17)

Tóm lại, Chúa đòi buộc chúng ta không những phải yêu thương người khác mà còn phải quan tâm đến phần rỗi của anh chị em cùng chia sẻ niềm tin với mình – kể cả những người không có niềm tin mà chúng ta phải cầu xin cho họ được có đức tin như chúng ta.

Câu Chúa hỏi Cain “Aben em ngươi đâu rồi”“ (St 4:9) cũng sẽ là câu hỏi Chúa đăt ra cho mỗi người chúng ta trong ngày Phán Xét. Nghiã là chúng ta không thể chỉ lo cho phần rỗi của riêng mình mà không quan tâm đến phần rỗi của người khác..

Mối quan tâm này phải được thể hiện trước hết trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng với nhau và giữa anh chị em trong gia tộc.Thứ đến là những người thân quen trong cộng đoàn, giáo xứ hay nơi làm việc. Sau hết, chúng ta còn có bổn phận phải cầu xin cách riêng cho những người chưa nhận biết Chúa được mau biết và yêu mến Người như chúng ta vì Thiên Chúa “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2: 4)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 08.05.2010. 11:27