Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trả Lời Thắc Mắc Về Việc Rước Lễ Bằng Tay

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Khi ruớc Mình Thánh Chúa bằng tay, giáo dân có được cầm Mình Thánh một lúc trong tay để thờ lậy trước khi rước vào lòng hay không? Và có được tự ý lấy Mình Thánh trong Nhà Tạm hay trên Bàn Thờ để rước hay không?

Trả Lời: Luật Phụng vụ về Thánh Lễ ghi rõ: Mình Thánh Chúa có thể được rước bằng lưỡi hay bằng tay. Nếu chọn hình thức rước bằng tay thì sau khi thừa tác viên (linh mục, phó tế hay thừa tác viên giáo dân) giơ cao Mình Thánh Chúa lên và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô” thì người rước lễ phải thưa Amen. Sau đó Mình Thánh được đặt vào tay, và người rước lấy phải bỏ ngay vào miệng trước mặt thừa tác viên. Nghĩa là không được phép cầm Mình Thánh Chúa về chỗ ngồi hay cầm lâu trong tay dù là để thờ lậy hay đọc kinh vắn trước khi rước vào lòng. Việc chuẩn bị tâm hồn này đã được làm sau khi Linh Mục giơ cao Mình và chén Máu Thánh Chúa lên và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Khi đó mọi người tham dự thánh lễ phải đáp: “Lậy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”. Đây là hành động xám hối chung trước khi rước Mình Máu Thánh Chúa rồi. Cho nên, tuyệt đối không có lý do nào để cầm Mình Thánh Chúa trong tay và cầu nguyện thêm gì nữa trước khi bỏ vào miệng. Rước Chúa vào lòng rồi thì muốn cầu nguyện, thờ lậy bao nhiêu tùy ý. Và đây mới là lúc thích hợp để bầy tỏ lòng yêu mến, tôn thờ Thánh Thể. Như vậy, không được phép lấy cớ thờ lậy hay cầu nguyện vắn để cầm Mình Thánh Chúa trong tay một lúc trước khi rước vào lòng, như có người đã biện giải không đúng. (cf. Instruction on Redemptionis Sacramentum. No. 92).

Ai cho phép làm việc này là đã tự ý “phóng túng = fantaisie(fancy)” phụng vụ thánh mà thôi.

Về phần linh mục, không có luật phụng vụ nào cho phép trao Mình Thánh Chúa cho người tham dự thánh lễ được cầm trước trong tay, dù là để thờ lậy, trước lúc Hiệp lễ (communion). Nhất là không được phép phân phát bánh lễ cho người tham dự cầm sẵn trong tay để linh mục đọc lời truyền phép (consecration) trong thánh lể ở tư gia như một linh mục kia đã làm và có nhân chứng sẵn sàng làm chứng việc sai trái này.

Đây là hành động tự ý bất chấp kỷ luật phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, rất đáng chê trách, và không thể bào chữa cách nào được.

Luật phụng vụ của Giáo Hội là thống nhất và đòi hỏi nghiêm khắc thi hành để tránh gương xấu “phóng túng”. Vì thế, không ai được quyền “tự biên tự diễn” về phụng vụ thánh vì bất cứ lý gì nào, nếu muốn hiệp thông và vâng phục Giáo Hội.

Sau hết, cũng trong kỷ luật phụng vụ thánh lễ, Mình và Máu Chúa phải được trao cho người lãnh nhận, theo đúng tinh thần và cử chỉ của Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly khi Người cầm bánh và chén trao cho các Tông Đồ và nói “anh em cầm lấy mà ăn, mà uống…”. Tức là chính Chúa trao Mình Máu Người cho các Tông Đồ ăn và uống chứ Chúa không để sẵn trên điã hay trong chén để các ông tự ý đến lấy mà dùng. Do đó, trong thánh lễ, chủ tế là người rước Mình, Máu Chúa trước và sau đó trao cho người khác như phó tế, thừa tác viên thánh thể để trao lại cho người muốn rước Mình Máu Thánh Chúa. Nghĩa là ngay cả phó tế và thừa tác viên thánh thể cũng không được phép tự ý lấy Mình Thánh Chúa trên bàn thờ hay trong Nhà Tạm để rước lấy, mà phải nhận từ tay chủ tế hay đồng tế trong thánh lễ.

Tóm lại, ngoài chủ tế, không ai được tư tiện làm việc này. Sau hết, Linh mục và các thừa tác viên khác cũng không được phép trao Mình Thánh Chúa cho một người rồi để người này truyền cho người kia, chia nhau ăn uống Mình Máu Chúa, tương tự như linh mục kia đã làm phép và bán dầu thánh cho giaó dân mang về sức cho nhau hay dùng vào việc riêng! (có nhân chứng đáng tin cậy). Việc này hoàn toàn sai trái về kỷ luật bí tích của Giáo Hội cần phải tố cáo và chấm dứt để tránh gương xấu và tục hóa (profanation) bí tích.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 12.10.2006. 06:44