Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trả Lời Thắc Mắc: Có Nhiều Linh Mục Đồng Tế Thì Lợi Ích Thiêng Liêng Ra Sao?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Một nhà Dòng kia kêu gọi ân nhân giúp đỡ tài chánh để xây cất và hứa ai cho 2000 đô thì khi chết sẽ được một SƠ của Dòng đi tiễn đưa ra nghiã trang.

  1. Xin cha cho biết việc tiễn đưa nói trên có giá trị thiêng liêng nào không?
  2. Lễ tang hay lễ cưới có nhiều cha đồng tế thì có lợi ích thiêng liêng nhiều hơn là lễ chỉ có một cha phải không?

Trả lời:

1- Như tôi đã đôi lần giải thích: việc giáo xứ hay nhà Dòng nào đặt ra những bậc để tri ân các ân nhân dâng cúng tiền của để giúp việc kiến thiết cơ sở mình, như ghi tên trên bảng đồng, bảng vàng, hạng danh dự…thì đây chỉ là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với các ân nhân mà thôi, chứ tuyệt nhiên không là bảo chứng gì về lợi ích thiêng liêng cho ai cả. Nói cách khác, bảng danh dự, bảng đồng, bảng vàng chỉ có giá trị đối với người đời, chứ không có giá trị gì trước mặt Chúa. Cũng vậy, nếu Giáo xứ, Nhà Dòng hay Tu Hội nào hưá với ai là sẽ cử người đi dự đám tang hay tiễn đưa ân nhân qua đời ra nghĩa trang thì đó cũng là cách bầy tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ, ủng hộ tài chính của ân nhân đó mà thôi. Và việc này hoàn toàn cũng chỉ có giá trị đối với người đời chứ không thêm lợi ích thiêng liêng nào cho người thụ hưởng cả. Nếu người chết, khi còn sống đã không đi tìm Chúa và sống theo đường lối của Ngài, thì sau khi chết, dù có Đức Giám mục hay Đức Giáo Hoàng làm lễ hay đi tiễn đưa ra nghĩa trang thì cũng vô ích mà thôi, mặc dù đó là “vinh dự” lớn lao trước mắt người đời dành cho người quá cố và cho tang gia. Ngược lại, một người đã sống ngay lành, thực tâm mến Chúa và yêu người thì khi chết, dù không được nhiều linh mục đến dâng lễ hay không được nhiều người tiễn đưa ra nghĩa trang, thì cũng không hề thiệt thòi gì về mặt thiêng liêng cả. Vậy chúng ta cần nắm vững điều này để không đánh giá sai lầm về những hứa hẹn hay hình thức ghi ơn của các cơ sở thọ ơn.

2- Về lễ có nhiều linh mục đồng tế: Đây cũng là hình thức có thể gây hiểu lầm về ơn ích thiêng liêng dành cho người thụ hưởng.

Nhưng trước hết, cần nói qua về việc đồng tế của các linh mục.

Giáo luật chỉ qui định bổn phận và quyền được cử hành thánh lễ hoặc đồng tế (concelebration) cho các linh mục mà thôi, chứ không qui định trường hợp nào được đồng tế hay không được đồng tế trong Giáo Hội Công Giáo (can.# 902). Chỉ có luật cấm linh mục đồng tế với các tư tế của các giáo hội hay giáo phái khác mà thôi. (can.# 908). Tuy nhiên, trong thực hành, thì linh mục ở khắp nơi trong Giáo Hội đều được mong đợi (expected) hay khuyến khích đồng tế với Giám mục của mình trong các dịp đặc biệt sau đây: Lễ Dầu (Chrism Mass) ngày thứ năm tuần thánh. (Ở Mỹ là thứ ba), Lễ truyền chức linh mục và Giám mục. Riêng trong Lễ truyền chức tân linh mục, các linh mục trong địa phận phải có mặt để cầu nguyện và hiệp thông chức linh mục với tân chức qua việc cùng đặt tay với Giám mục trên tân chức. Ngoài ra, vì tình anh em linh mục, các linh mục cũng đồng tế khi một linh mục qua đời hay trong dịp lễ an táng của cha mẹ linh mục khác. Ngoài ra, ở rất nhiều nơi, nhất là bên ViệtNam, không có lệ đồng tế của linh mục trong các dịp tang lễ hay lễ cưới của giáo dân.(Nghe nói bên ViệtNam cấm đồng tế những dịp này?) Ở Mỹ, ngược lại, trong các Cộng Đoàn hay Giáo Xứ ViệtNam, việc đồng tế của các linh mục đã trở nên một thông lệ rất quen thuộc và phổ biến. Thực tế, nhiều lễ tang và lễ cưới của giáo dân ViệtNam có đến 15, 20 linh mục đồng tế! hay ít là cũng có 3, 4 linh mục đồng tế, một điều không hề có trong các giáo xứ Mỹ và Mễ ở đây. Tại sao vậy ? Lý do là, về phía linh mục, do quen biết thân tình với gia đình có việc hiếu, hỉ nên vì tình thân này mà phải đến dự trong những dịp kia. Vả lại, vì không có luật cấm nên linh mục cứ tự cho phép mình làm việc này cho người thân quen.Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp linh mục đến đồng tế vì “được mời” chứ không hẳn vì thân tình cá nhân với gia đình hiếu, hỉ.

Liên quan đến việc đồng tế này, một điều khó coi, theo thiển ý, là gia chủ thường tặng “phong bì” công khai cho các linh mục ngay ở nhà thờ sau lễ! Dĩ nhiên về phần gia chủ thì đó là hình thức cám ơn hoặc xin cầu nguyện thêm cho người quá cố hay cho đôi tân hôn. Tuy nhiên, hình thức cám ơn này xem ra không mấy tế nhị vì trước mắt mọi người thì rõ ràng đó là cách “ trả công” cho các cha đồng tế, một điều mà chắc các linh mục không mong đợi, nhưng vì “tục lệ” thì cứ phải nhận cho gia chủ vui lòng! Vậy có nên bãi bỏ “tục lệ” này không, vì thực tình các linh mục đến đồng tế trong các dịp nói trên là vì thân tình đối với gia chủ, chứ không vì muốn nhận hay đòi “phong bì”! Nếu không có tục lệ này thì nhiều linh mục sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi phải đi đồng tế trong các lễ tang, lễ cưới. Giáo dân Mỹ thì tuyệt đối không có “tục lệ” này vì rất ít khi có linh mục đồng tế trong những dịp trên đây.

Nói về lợi ích thiêng liêng của việc đồng tế cho người thụ hưởng thì như tôi đã giải thích ở trên: Chúa rất nhân lành và công bằng trong việc xét xử và ban ơn cho con người. Và không ai có thể làm thay phần rỗi cho người khác hay dùng tiền bạc để mua ơn ích thiêng liêng được. Nghiã là khi còn sống, nếu một người đã sống đẹp lòng Chúa, đã tích cực cộng tác vào ơn cứu độ, thì khi chết dẫu không được linh mục nào làm lễ an táng và tiễn đưa ra nghĩa trang, thì cũng không hề thiệt thòi gì về mặt thiêng liêng cả. Ngược laị, nếu đã khước từ Chúa hay không tích cực cộng tác vào việc cứu rỗi cho chính mình khi còn sống thì sau khi chết, dù có cả trăm linh mục đồng tế và tiễn đưa, hoặc thân nhân có bỏ ra hàng triệu đôla để xin lễ đời đời và mua “hậu” cho thì cũng không giúp ích gì trước sự phán xét nhân từ nhưng rất công minh của Thiên Chúa cho người quá cố. Chắc chắn như vậy.

Việc cầu nguyện của Giáo hội cho người quá cố chỉ có ích cho những linh hồn đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa được thanh tẩy hoàn toàn (imperfectly purified) nên phải tạm ở nơi gọi là “Luyên tội (Purgatory) để được thanh luyện hầu trở nên thánh thiện hoàn toàn, xứng đáng vào Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa. (x. SGLCG, số 1030-32). Như vậy, việc xin lễ, đồng tế, cầu nguyện …chỉ có ích cho những linh hồn thánh ở đây mà thôi. Cho nên, điều cần yếu là phải chuẩn bị hành trang thiêng liêng cho bản thân mình bao lâu còn sống hơn là chờ sau khi chết để thân nhân mời nhiều linh mục đến dâng lễ đồng tế và tiễn đưa long trọng. Những việc này khi đó đã quá muộn và không còn ích gì nữa cho người đã ra đi.

Về lễ cưới cũng vậy. Đôi tân hôn cần chuẩn bị tâm hồn cho thích đáng, như cầu nguyện nhiều, học giáo lý hôn nhân đầy đủ, xưng tội trước khi cử hành bí tích hôn phối để được ơn Chúa dồi dào trong ngày thành hôn. Việc này quan trọng và cần thiết hơn là chỉ chú trọng tổ chức lễ cưới cho lớn với nhiều linh mục đồng tế, rồi tiệc mừng linh đình sau đó với đông khách dự và nhiều quà biếu. Nghĩa là, nếu chỉ chu đáo bề ngoài mà trống rỗng bên trong thì dù có nhiều linh mục đồng tế cầu nguyện thêm cho thì cũng ví như tưới nhiều nước vào chỗ đất đá khô cứng mà thôi. Nước có nhiều nhưng không thấm vào được vì đá quá cứng khiến nước chẩy trôi hết ra ngoài. Ngược lại, một lễ cưới chỉ có một linh mục dâng lễ hay một phó tế chứng hôn, nhưng đôi tân hôn đã chuẩn bị tâm linh chu đáo, thì chắc chắn không thiếu ơn Chúa ban tràn trề cho họ.

Tóm lại, có nhiều linh mục đồng tế trong lễ tang hay lễ cưới thì chưa chắc đã bảo đảm gì về lợi ích thiêng liêng cho ai hơn là không có linh mục nào đồng tế trong các dịp này. Vả lại, cũng không có giáo lý, tín lý, giáo luật nào dạy là phải có đông linh mục đồng tế thì mới được nhiều ơn Chúa cho người muốn thụ hưởng. Như vậy, chúng ta không nên quá chú trọng vào hình thức hay ‘thông lệ” này để những ai không có cơ may quen biết và mời được nhiều linh mục đến đồng tế thì cũng đỡ phải tủi thân vì thua kém người khác, xét về mặt vinh dự trần thế.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 27.11.2006. 09:49