Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thế nào là 'căn tính' của người Kitô hữu

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Sau hai bài viết của tôi(*) để giải thích những sai lầm nghiêm trọng về về cái gọi là giải mã “thiên tính của người tín hữu Chúa Kitô” và “Thiên tính của Chúa Kitô” của vài người không am hiểu giáo lý và thần học của Giáo Hội Công Giáo, tôi thấy cần viết thêm một lần nữa để giúp độc giả Công Giáo nói riêng và những ai vô tình đọc những bài viết sai lạc nói trên hiểu rõ thêm về những giáo huấn căn bản của Hội Thánh về ơn cứu độ và về trách nhiệm của người Kitô hữu trong hành trình đức Tin để được ơn cứu độ. Đó là mục đích của bài viết thứ 3 này chứ không phải tôi muốn đối thoại với mấy tác giả không am hiểu nói trên vì việc này không cần thiết.

I- Thế Nào Là Tạo Vật Mới, Con Người Cũ?

Như tôi đã nhiều lần viết, “Thiên Chúa sáng tạo con nguời theo hình ảnh Thiên Chúa” (x St 1:27) hoàn toàn vì tình thương vô vị lợi của Người chứ không phải vì con người có lợi lộc gì cho Chúa khiến Người phải tạo dựng để cầu cận ai. Nhưng Thiên Chúa không tạo dựng nhân loại như những người máy Robot chỉ biết làm theo mệnh lệnh của bộ phận điều khiển mà là những nhân vị có lý trí và ý chí tự do (freewill). Lý trí để nhận biết và ý chí tự do để hành động và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng ý muốn tự do của con người.

Vì thế, Thiên Chúa đã không can thiệp khi Eva bị cám dỗ ăn trái cấm và phải chịu hậu quả đúng như Người đã nói với Adam và Eva trước đó: “... ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (x St 2:17). Họ đã ăn vì họ tự do chọn lựa, tức là xử dụng ý chí tự do (freewill) chứ không vì yếu đuối con người khiến phải “sa chước cám dỗ” như bản chất nhân loại ngày nay, vì khi đó Adam và Eva đang sống trong một tình trạng ơn phúc đặc biệt mà thần học của Giáo Hội gọi là “tình trạng ngây thơ công chính ban đầu = original innocence and justice”. Ở tình trạng ơn phúc này, họ hoàn toàn có sức đứng vững trước mọi cám dỗ của tội lỗi. Họ nhàn du trước Nhan Chúa và trước mặt nhau mà không biết mắc cở mặc dù họ trần trụi (x. St. 2: 25). Chỉ sau khi họ ăn trái cấm, “bấy giờ mắt hai người mở ra và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St. 3:7). Như vậy, từ sau biến cố sa ngã này của Adam và Eva, con người đã mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, đánh mất bản chất “ngây thơ ban đầu” và chịu hậu quả “Ngươi là đất bụi, và sẽ trở về với đất bụi” (x. St 3:19), nghĩa là phải chết như Thiên Chúa đã nói với hai ông bà trước khi họ phạm tội. Án phạt này đã được Thánh Phaolô nhắc lại như sau: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết. Như thế sự chết đã lan tràn tới mọi ngươì, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (x. Rm 5: 12)

Đây là tình trạng con người cũ sau ngày Adam và Eva phạm tội. Tình trạng này áp dụng chung cho hết mọi con người sinh ra trên mặt đất này sau Adam và Eva, trừ Đức Trinh Nữ Maria là người duy nhất được diễm phúc không mắc tội nguyên tổ (original sin) và mọi tội lỗi khác từ phút được thụ thai trong lòng mẫu thân (Immaculate Conception) cho đến ngày về trời cả hồn xác (Assumption). Ngoài Mẹ Maria ra, toàn thể nhân loại trong đó có các Tổ Phụ của dân Do Thái vốn đẹp lòng Thiên Chúa như Abraham, Isaac, Jacob, Mai sen, và các tiên tri lớn nhỏ của thời Cựu Ước như Jeremia, Ê dê-ki-en, Isaia... vua thánh David, Thánh Giuse, các Thánh Tông Đồ v.v. đều chịu hậu quả của tội nguyên tổ khi sinh ra đời và phải được Chúa Giêsu cứu chuộc để vào Thiên Đàng. Đức Mẹ cũng nhận ơn cứu chuộc này của Chúa Kitô, mặc dù Mẹ được đặc ơn thoát khỏi tội tổ tông và mọi tội cá nhân, bởi vì:

“Ngoài Người ra (Chúa Kitô) không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4:12)

Đây là giáo lý, tín lý và kinh thánh của Giáo Hội cho mọi tín hữu phải tin và thực hành từ khi có Hội Thánh cho đến nay chứ không phải là “quan niệm truyền thống” hay “quan niệm tâm linh” huyền hoặc, lăng nhăng nào cả.

Dầu vậy, do lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa, con người cũ này của nhân loại đã được đổi mới hoàn toàn để trở thành tạo vật mới nhờ được tái sinh qua Phép Rửa, tức là bí tích khai sinh sự sống mới nhờ đó “chúng ta được giải thoát khỏi tội và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, trở thành nhiệm thể của Chúa Kitô, được gia nhập Giáo Hội và chia sẻ sứ mạng của Giáo Hội” (x. SGLGHCG, số 1213).

Nói khác đi, nhờ Chúa Giêsu-Kitô quên mình, hy sinh xuống thế làm Con Người để thi hành Chương trình cưú độ trần gian của Thiên Chúa và “nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người (Thiên Chúa)”. (x. Eph 1:7)

Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng cứu độ và truyền cho các Tông Đồ “rửa tội cho muôn dân nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (x. Mt 28:19). Chúa còn nói: “ai tin và chịu phép rửa sẽ được cưú độ, ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mk 16:16). Nhờ phép rửa ta được tha thứ mọi tội lỗi và trở nên tạo vật mới, được làm con cái Chúa và lại được quyền gọi Chúa là CHA (ABBA) như Thánh Phaolô dạy.(x. Rm 8:15).

Đây là tình trạng mới của con người sau khi được tái sinh qua phép rửa. Ai đã lãnh phép rửa thì là tạo vật mới theo giáo lý của Thánh Phaolô và của Giáo Hội. Ai chưa lãnh bí tích này thì vẫn còn là “con người cũ” sinh ra trong tội của nguyên tổ và cần được tái sinh để trở thành tạo vật mới.

Nhưng phải có đức tin để tin điều này chứ không có phương thế nhân loại nào khác để kiểm chứng sự kiện “mới” hay “cũ” nơi con người chúng ta như có người đã nói cách mơ hồ, thiếu căn bản niềm tin rằng: tôi rửa tội rồi mà có thấy mình được “tái sinh” ở chỗ nào đâu? Tôi vẫn thấy tôi là con người cũ với bao tính hư nết xấu đây này”! Nói thế thì cũng như hỏi: Tôi rước Mình Máu Chúa Kitô mà có thấy gì là “thịt” và “máu” đâu? tôi vẫn cảm thấy mùi rượu nho và hương vị bánh bột mì khô rành rành ra đó mà! Thật hão huyền quá phải không? Đúng, thật là lừa dối và hão huyền nếu chúng ta không có đức tin để tin chắc rằng qua dấu chỉ nước và công thức Chúa Ba Ngôi (the Trinitarian Baptismal Formula) chúng ta được tha một lần mọi tội lỗi và được trở thành tạo vật mới để sống đời sống mới. Cũng như qua dấu chỉ hữu hình là bánh và rượu nho có Chúa Giêsu-Kitô thực sự hiện diện (real presence) trong bí tích Thánh Thể. Phải có đức tin để tin những điều này và mọi chân lý khác về Thiên Chúa và về ơn cứu độ vì nếu chỉ xét theo “cảm quan” của con người thì tất cả đời sống thiêng liêng chỉ là “huyền ảo (illusion) mà thôi. Chịu phép rửa hay lãnh nhận bất cứ bí tích nào khác thì không hề giống như chích một mũi thuốc mê hay giảm đau vào cơ thể và người ta cảm thấy ngay được sự khác biệt trong thân mình sau khi chích... Ngược lại, Ơn thánh Chúa ban qua các bí tích phải được đón nhận và cảm nghiệm hoàn toàn bằng đức tin chứ không bằng giác quan con người được.Vì thế không thể nói là “tôi có thấy gì là “mới” là “tái sinh” sau khi được rửa tội đâu?

Nếu đã không nhìn vấn đề này vơí con mắt đức tin thì làm sao “sống tâm linh” với Chúa, cảm nghiệm được sự hiện diện và tình thương của Người ngay bây giờ như có người đang nói?

Vậy phải nhờ đức tin để nhận ra sự hiện diện của Chúa và tình thương bao la cuả Người thâm sâu trong tâm hồn chứ không hời hợt ở phạm trù cảm giác được. Và cũng chỉ nhờ đức tin thì mới hiểu và chấp nhận được những vấn đề liên quan đến giáo lý, tín lý, thần học và kinh thánh của Giáo Hội mà thôi.

II- Làm Sao Để Được Ơn Cứu Độ?

Như tôi đã mấy lần giải thích, dù phép rửa mang lại cho con người một tình trạng mới hoàn toàn khác hẳn tình trạng cũ như đã nói ở trên, nhưng phép rửa không hoàn trả lại cho con người tình trạng “công chính ban đầu” nhờ đó con người đã hoàn toàn đứng vững trước mọi nguy cơ của sự dữ.

Nói theo ngôn ngữ triết học, thì bản chất con người (human nature) đã bị “vong thân” trầm trọng (seriously deteriorated, or corrupted) do hậu quả của tội nguyên tổ, cho nên đã trở nên yếu đuối đến nỗi rất khó cho con người sa tránh tội lỗi (very vulnerable to sin) bao lâu còn sống trên trần thế này.

Như vậy, với bản chất đã bị “băng hoại” này cộng thêm với ý chí tự do mà con người vẫn sẵn có và Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng, thì con người ngày nay càng có nhiều nguy cơ xa cách Thiên Chúa, từ khước tình thương bao la và lời mời gọi của Người vào “tham dự Bàn Tiệc Nuớc Trời đã dọn sẵn.”. Đây là tình trạng con người chúng ta ngày nay sau khi được tái sinh qua phép rửa. Vì thực trạng này mà con người cứ sa đi ngã lại nhiều lần, vẫn nghiêng chiều về sự xấu, sự dữ và cuộc chiến thiêng liêng giữa sự thiện và sự dữ trong mỗi con người chúng ta sẽ còn kéo dài suốt cả đời người. (x. SGLCH, số 405). Phép Rửa tội mới chỉ là bước đầu cho một tiến trình lâu dài tăng trưởng, biến đổi để trở nên hoàn thiện bao lâu con người còn sống trên trần gian và trong thân xác có ngày phải chết này. Đức tin được lãnh nhận qua phép rửa cũng như hiệu quả của bí tích này chỉ được ví như một hạt giống gieo vào lòng đất. Hạt giống này, nếu không được chăm sóc, tưới bón thì sẽ chết và không sinh hoa trái nào. Cụ thể, sau khi đứa trẻ và ngay cả người lớn được rửa tội, nếu cha mẹ và người đỡ đầu, nếu cộng đồng đức tin địa phương không giúp đở bằng lời nhắc nhở, dạy bảo thêm và nhất là bằng gương sáng và lời cầu nguyện thì ơn phép rửa sẽ như hạt giống chết khô vì không được tưới bón đúng mức cho sống và tăng trưởng. Đó là tình trạng của biết bao người đang sống như không có đức tin và đang làm biết bao điều gian ác, tội lỗi mặc dù đã được chịu phép rửa khi còn bé hay sau này khi đã lớn.

Vì thế, trong giai đoạn đầu, trẻ em hay người lớn mới rửa tội, cần được sự giúp đỡ của người khác, của Giáo Hội địa phương để lớn lên trong đức tin và trong ơn ích thiêng liêng của Phép rửa. Khi đã lớn đủ và ý thức được mình là người có đức tin và đã nhận phép rửa, thì ý chí và cố gắng cá nhân (personal efforts)sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này. Đó là giai đoạn con người cộng tác với ơn thánh để tăng trưởng đức tin cho thêm vững mạnh và tiến xa trên đường hoàn thiện để nên giống Chúa hầu được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu sau này. Đây cũng chính là giai đoạn con người bị giằng co nhiều nhất giữa khuynh huớng hướng thượng để trở nên hoàn hảo và khuynh hướng suy đồi (concupiscence, base tendency) còn rất mạnh nơi bản chất của mình. Đây là giai đoạn con người bị thử thách để hoặc sống những cam kết của phép rửa là từ bỏ ma quỉ và mọi sự quyến rũ của ma quỉ, xa tránh tội lỗi và qui hướng đời mình hoàn toàn về Chúa để yêu mến Người trên hết mọi sự. Hay đầu hàng ma qủi để quay lưng lại với Thiên Chúa, bóp chết hạt giống đức tin. Đâycũng chính là lúc để con người đã tái sinh qua phép rửa nghe và suy nghĩ lời Chúa sau đây qua miệng của ngôn sứ Êdê-kien: “Đứa con một khi đã thi hành điều chính trực công minh, đã tuân giữ cùng thi hành mọi quy tắc của Ta, chắc chắn nó sẽ sống. Ai phạm tội kẻ ấy phải chết. Con không mang lấy tội của cha, cha cũng không mang lấy tội của con. Sự công chính của người công chính ở với người công chính.Còn điều dữ của kẻ gian ác ở với kẻ gian ác.”(Ed 18:19-20). Sở dĩ thế, vì ơn tái sinh của phép rửa không bảo đảm cho con người không bao giờ phạm tội lại nữa cũng như đức tin không giải thoát con người hoàn toàn khỏi mọi khuynh hướng xấu còn tồn tại nơi bản chất do hâu quả của tội nguyên tổ. Thêm vào đó, “ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (x 1Pr 5: 8) luôn đe dọa đẩy xa con người ra khỏi tình thương và ơn phúc của Thiên Chúa. Vì thế mà Thánh Phaolô đã khuyên dạy chúng ta: “hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.” (x Ep 6: 12-13)

Xin nhắc lại một lần nữa: đây là thực trạng của “con người mới” sau khi đã được tái sinh qua phép rửa nhưng đang còn phải “lữ hành” trong trần thế này như dân Do Thái xưa phải tạm sống trong hoang địa một thời gian khá dài để chờ vào Đất Hứa, sau khi được Mai Sen dẫn qua Biển đỏ an toàn khỏi tay người người Ai cập. Không một ai có thể ngây thơ phủ nhận được thực trạng này, dù cho có sống “tâm linh” sâu dậm đến đâu! Có sống với “thần khí” cao đến mức nào đi nữa thì cũng không ai có thể tự giải thoát thoát mình khỏi hấp lực của tội lỗi, cạm bẫy của ma qủi và gương xấu của thế gian bao lâu còn ở trong trần thế. Chỉ có trông cậy vào ơn thánh Chúa giúp sức và thiện chí tối đa của cá nhân cộng tác với ơn thánh thì mới mong đứng vững được trước mọi nguy cơ của tội lỗi và thăng tiến trong đời sống thiêng liêng để bảo đảm ơn cứu độ. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ xưa kia: “Anh em hảy tỉnh thức mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mc 14: 38; Mt 26: 41). Cuộc chiến đấu thiêng liêng này của con người với mọi thế lực của sự dữ và tội lổi sẽ kéo dài mãi cho đến khi con người tắt hơi thở cuối cùng. Và chỉ “những ai bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát.” mà thôi (x. Mt 24:13).

Như thế, chịu phép rửa rồi chưa phải là được bảo đảm chắc chắn sẽ được cưú độ, mà mới có hy vọng mà thôi. Vì sau đó, con người mới còn phải sống đời sống mới theo Phúc Âm, phải đương đầu với biết bao thử thách, giằng co giữa hai khuynh huớng xấu và tốt trong bản chất của mình, và nhất là còn bị ma quỉ khai thác triệt để những yếu đuối trong nhân tính hầu đẩy xa con người ra khỏi tình thương và ơn cưú độ của Thiên Chúa. Nói thế không có nghiã là “nhậm chìm” ơn cứu độ hay đề cao sức mạnh của ma quỉ như có người không am hiểu đã nói vu vơ, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến thực trạng mà con người phải trải qua trong trần thế này, sau khi đã được tái sinh qua phép rửa và chờ ngày về hưởng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai bền vững trong cuộc thử thách trên trần gian này.

Sống “tâm linh” hay sống với “thần khí Chúa” thì quá tốt nhưng có nghĩa thế nào?

Có phải là xác tín được được sự hiện diện của Thiên Chúa và cảm nghiệm sâu xa được tình yêu của Người đề từ đó quyết tâm sống theo đường lối của Người trong khát vọng được ơn cứu độ để thông phần sự sống và hạnh phúc của Chúa; hay tự ru ngủ mình bằng ảo tưởng “có thiên tính” hay “thiên tính bị chôn vùi”, cần đào bới lên, rồi tự mãn với ảo tưởng này và coi ma quỉ chỉ là “củ khoai” như có người đã viết?

Nếu tự ru ngủ mình như vậy thì thật là ảo tưởng, phi kinh nghiệm thiêng liêng và sai lầm to lớn. Vì trước hết, không làm gì có cái gọi là “thiên tính” nơi con người “mới” hay “cũ”. Và cho dù có đi nữa (nhưng làm gì có!) thì cái “thiên tính “đó cũng không tự động giải thoát cho con người khỏi thực trạng nói trên đây, cũng như bảo đảm cho con người luôn sống trong thân tình với Chúa ngay bây giờ mà không cần cố gắng gì nữa về phía mình.

Sống với ảo tưởng này cũng tương tự như anh em Tin lành cứ rao giảng một chiều và một cách quá ngây thơ dễ dàng rằng: chỉ cần kêu tên Jesus và nhận Ngài là Cưú Chúa là được cứu độ, khỏi cần làm gì nữa cho mệt!

Sở dĩ họ nói thế, vì anh em Tin Lành (Protestants) nói chung và anh em Lutheran nói riêng đã hoàn toàn bác bỏ bất cứ nỗ lực cá nhân nào của con người trong khát vọng được “trở nên công chính” (justification) nghĩa là được cứu rỗi vì họ cho rằng con người đã hoàn toàn mất hết khả năng hành thiện do hậu quả của tội Nguyên Tổ rồi. Họ chỉ còn tin vào Chúa Kitô, tin vào Kinh Thánh (sola scriptura) như nguồn hy vọng độc nhất để được trở nên công chính mà thôi. Vì thế, họ chỉ ca tụng một chiều tình thương của Chúa, đọc và giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu của riêng họ để tuyên bố rằng: chỉ cần tin vào Cứu Chúa Giêsu là được cưú rỗi, không cần làm thêm việc gì nữa về phía con người!

Giáo Hội Công Giáo đã không hoàn toàn chia sẻ quan điểm thần học này của anh em Tin lành. Giáo Hội vững tin Thiên Chúa là tình yêu và tin công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô đến nỗi nếu không có công nghiệp này thì không ai có thể được cứu rỗi, bởi vì:

“chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1Tim 2:5-6)

Dầu vậy, Giáo Hội vẫn còn tin nơi khả năng hành thiện của con người mặc dù với bản chất đã bị băng hoại vì hậu của của tội nguyên tổ. Vì thế Giáo Hội vẫn trung thực dạy con cái mình phải cố gắng hết sức để cộng tác vào ơn cứu độ vô giá của Chúa Kitô bằng quyết tâm cải thiện đời sống theo tinh thần của Tin Mừng để công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô không trở nên vô ích cho ai.

Nói tóm lại, muốn được cứu độ, chúng ta phải trông cậy trước hết vào lòng xót thương vô lượng của Thiên Chúa, và nhờ công nghiệp cưú chuộc của Chúa Kitô cộng với phần đóng góp cá nhân của mỗi người vào ơn cứu chuộc này. Nếu không có tình thương vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp Chúa Kitô thì không ai được cứu rỗi. Nhưng nếu khoán trắng cho Chúa và không làm gì về phiá mình để từ đó tự cho phép mình sống theo ý riêng đi ngược với Ý Chúa, thì Chúa không thể cứu ai được. Chắc chắn như vậy. Bằng chứng là lời Chúa Giêsu sau đây: “không phải bất cứ ai thưa với Thầy “Lậy Chúa, Lậy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (x. Mt 7:21) “Sống tâm linh” hay nói theo kiểu mới lạ nào khác thì cũng phải dựa trên chân lý này nếu không muốn bị rơi vào sai lầm, ảo tưởng.

III - Thế Nào Là “Căn Tính Kitô Hữu”

Theo Thánh Phaolô, qua Phép rửa, chúng ta được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô và “đều mặc lấy Đức Kitô” (x. Gl 3:27).

Đó là “căn cước Kitô” (Christian identity) hay nói cách bóng bẩy là “căn tính Kitô” của người tín hữu chúng ta trước các tạo vật khác chưa được tái sinh qua Phép rửa để thuộc về Đức Kitô. Căn cước này trước hết chỉ rõ ân sủng rất phong phú mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta trong Đức Kitô vì nhờ “máu Người đổ ra mà chúng ta được cứu chuộc.” (x. Ep 1:6-7). Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta phải tích cực cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô thì ân sủng kia mới trở thành viên mãn chung cuộc cho ta được. Nghĩa là không thể chỉ hãnh điện về nguồn gốc cao quí này mà quên thực trạng con người vẫn yếu đuối phải đương đầu với bao thách đố, đòi hỏi ơn thánh của Chúa và thiện chí cộng tác của con người để đứng vững và thăng tiến siêu nhiên hầu được cứu rỗi. Nói khác đi, căn cuớc trên chỉ nhắc cho chúng ta luôn nhớ chúng ta thuộc về Đức Kitô vì đã được “mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được chỗi dậy với Người, vì tin tuởng vào quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết.” (Gl 2:12).

Nhưng “mặc lấy Chúa Kitô” hay có “căn tính Kitô” chỉ là cách nói bóng bẩy về ân sủng và vinh dự được kết hơp với Chúa Kitô, được trở nên giống Người nếu chúng ta dám sống và nói được như Thánh Phaolô rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyết vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác để được Chúa Kitô và kết hợp với Người.” (Pl 3:8).

Được biết và kết hợp với Chúa Kitô không có nghĩa là có “cùng thiên tính” với Người trong phạm trù bản thể. Lý do như đã giải thích trong bài trước là chỉ Ba Ngôi Thiên Chúa có chung một thiên tính (consubstantialis) mà thôi. Riêng Chúa Kitô chia sẻ nhân tính với nhân loại vì là Con Người, nhưng không chia sẻ “thiên tính” với loài người chúng ta. Xin nhấn mạnh lại điều quan trọng này để đừng ai không hiểu biết chắc chăn mà cứ nói liều rằng con người có chung thiên tính với Thiên Chúa hay với Chúa Kitô.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là được mang căn cước Kitô mà phải sống trọn vẹn với tất cả ý nghĩa của vinh dự này trên thực tế. Nghĩa là phải sống và chết như Đức Kitô thì mới trở nên đồng hình đồng dạng với Người (transfigured to Christ) và chung phần vinh phúc với Người trong Vương Quốc mà Người hiển trị.

Thật vậy, “mặc lấy Đức Kitô” trước hết có nghĩa là ưu tiên phải tìm kiếm và thi hành ý muốn của Chúa Cha, một điều quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh với các môn đệ xưa kia: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người chỉ tay vào các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người âý là mẹ, là anh chị em tôi.” (x Mt 12:48-49).

Chúa Kitô đã thực hành điều Người nói trên khi quên mình là Thiên Chúa để xuống thế làm Con Người cho được vâng phục ý của Chúa Cha muốn cưú nhân loại khỏi tội và khỏi chết đời đời.

Thứ đến, “mặc lấy Chúa Kitô” có nghĩa là đoạn tuyệt với tội lỗi vì tội lỗi con người đã đóng đanh Đức Kitô vào thập giá và Người đã chết vì tội của chúng ta. Chúa đã cứu chúng ta bằng con đường khổ giá nên mang “căn cước Kitô” cũng đòi hỏi chúng ta phải biết bỏ mình để vác thập giá theo Chúa luôn vì “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10: 38).

Ngoài ra, mang căn cước Kitô cũng đòi hỏi chúng ta phải hết lòng yêu mến Người và thực thi những gì Người đã giảng dạy vì “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy.” (Ga 14:23).

Như vậy, mang danh Đức Kitô đồng nghĩa với yêu mến Chúa và thực thi giáo lý của Người.

Sau hết, mang căn cuớc Kitô cũng đòi hỏi mọi người tín hữu phải có can đảm tuyên xưng danh Chúa và làm chứng cho Người trước thế gian, truớc mọi thế lực thù nghịch với sự khôn ngoan của Cây Thập Giá như Chúa Giêsu đòi hỏi: “phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (x Lc 12:8-9)

Tóm lại, “căn tính Kitô” của người tín hữu là ân sủng, là vinh dự, là lời mời gọi và cũng là thách đố cho chúng ta cố gắng sống và thực thi giáo huấn của Chúa Kitô để được ơn cứu độ, và “được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”, nghĩa là được chia sẻ đời sống và hạnh phúc với Thiên Chúa như Thánh Phêrô đã viết. (x. 2Pr 1:4).

Nhưng ngay bây giờ trong cuộc sống này, nếu chúng ta “mặc lấy Chúa Kitô” từ trong suy tư sâu kín ra đến hành động ăn khớp bên ngoài trong mọi nơi mọi lúc thì chúng ta cũng có thể nói được như Thánh Phalô rằng: “tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi...” (x Gl 2:20).

Điều này không đễ vì thực trạng yếu đuối của con người sống trong trần thế này trước bao thử thách đức tin và lòng mến để thực sự đáng được hưởng ơn cứu độ sau cùng. Thực tế cho thấy là có biết bao người đã chịu phép rửa, đã mang căn cước Kitô nhưng nay đang chối bỏ căn tính này bằng chính đời sống của mình, bằng thỏa hiệp với thế giới gian tà để tôn thờ văn hoá sự chết, đối kháng hoàn toàn với Phúc Âm sự sống mà Chúa Kitô đã rao giảng và trả giá bằng cái chết của mình trên thập giá năm xưa. Nếu họ tiếp tục khước từ Thiên Chúa như vậy thì liệu “căn cuớc Kitô” mà họ lấy được khi lãnh phép rửa có ích gì cho phần rỗi của họ chung cuộc hay không?

Ngược lại, có biết bao nhiêu người khác đã sinh ra và chết đi không được chịu phép rửa, không có căn cước Kitô nhưng có thể đã được cưú rỗi nhờ Chúa Kitô nếu họ đã sống ngay lành và trong thâm tâm, họ đã khao khát tìm chân lý nhưng không có cơ hội được biết Chúa vì không ai rao giảng cho họ biết. Nghĩa là không phải lỗi của họ. (x SGLGHCG số 847)

Như vậy, có căn cuớc Kitô nhờ Phép rửa không hẳn bảo đảm được phần rỗi, và không có căn cước này không vì lỗi của ai thì người đó vẫn có thể được cứu rỗi nhờ Chúa Kitô như Giáo Hội dạy.

Uớc mong bài viết này giúp ích cho quí tín hữu khắp nơi trong việc học hỏi giáo lý, tín lý và thần học của Giáo Hội để củng cố đời sống đức tin trong hoàn cảnh thế giới ngày nay.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, 31/08/2006


(*)
- Những sai lầm khi bàn luận về 'thiên tính của người Kitô hữu'
- Người Kitô hữu có Thiên tính không?

Đọc nhiều nhất Bản in 31.08.2006. 23:51