Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tại Sao Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Của Thánh Gioan Tiền Hô?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin Cha giải thích rõ vì sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa của Thánh Gioan Tiền Hô? Phép rửa này khác với bí tích rửa tội như thế nào?

Đáp:

I- Thánh Gioan Tiền Hô (John Baptist) đã sinh ra trước Chúa Giêsu 6 tháng với sứ mạng làm “Tiếng kêu trong hoang địa” thúc dục mọi người “hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối thẳng để Người đi” (Is 40:3, Lc 3:4). Nghĩa là, trước khi Chúa Giêsu đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Gioan đã được sai đi để chuẩn bị cho Chúa đến. Vì thế “ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3). Như vậy, phép rửa của Gioan chỉ nhằm mục đích nói lên sự thống hối ăn năn để được tha thứ tội lỗi đã phạm. Ngài đã làm phép rửa cho dân chúng ở sông Gio-đan và rất nhiều người đã đến để nhận phép rửa này. Bất ngờ, một ngày kia Chúa Giêsu cũng đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, một biến cố mà Giáo Hội cử hành mỗi năm sau lễ Chúa Hiễn Linh (Epiphany) để chấm dứt Mùa Giáng Sinh.

Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan làm phép rửa cho mình?

johnbaptist.jpg

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần đọc lại lời Chúa trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê sau đây:

“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế”
(Pl 2:6-7)

Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật “được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha.” như Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính (Nicene). Người xuống thế làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại khỏi bị luận phạt và khỏi chết vì tội. Sứ Mệnh này của Chúa Giêsu đã được Gioan công khai giới thiệu một ngày kia khi thấy Chúa tiến về phía ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1:29). Chính vì Sứ Mệnh là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” mà Chúa Giêsu trước hết đã hạ mình xuống làm Con Người và quên đi điạ vị cao trọng của mình là Thiên Chúa. Khi xin Gioan làm phép rửa, Chúa Giêsu lại một lần nữa hạ mình xuống để đóng vai người tội lỗi cần thống hối ăn năn để được ơn tha thứ, mặc dù Chúa không hề có tội gì cần phải sám hối,ăn năn. Nói khác đi, qua việc xin Gioan làm phép rửa sám hối cho mình, Chúa Giêsu đã sám hối thay cho toàn thể nhân loại đang cần phải thống hối, ăn năn để xin ơn tha thứ cho mọi tội lỗi đã phạm. Và sau này, khi chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu cũng chết thay cho nhân loại đáng phải chết vì tội, tương tự như con chiên đã bị sát tế trong lễ toàn thiêu (holocaust) để đền tội thay cho toàn dân Do Thái trong thời Cựu Ước xưa.

Tóm lại, Chúa chịu phép rửa trước hết để sám hối thay cho tất cả những người có tội cần sám hối để được tha thứ.

Chúa chấp nhận hình thức sám hối này của Gioan cũng đồng thời chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết phải có lòng ăn năn sám hối, nhận biết sai trái đã làm và thành tâm hối tiếc về sự những sai phạm đó để xứng đáng được ơn tha thứ. Thiên Chúa là tình thương và giầu lòng tha thứ. Nhưng chúng ta phải thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và tin tưởng vào lòng xót thương của Chúa. Đó là điều kiện để được tha thứ mọi tội lỗi đã phạm vì yếu đuối con người. Sau hết, việc Chúa Giêsu xin Gioan làm phép rửa cho mình đã hùng hồn nói lên gương khiêm nhường đích thực mà Chúa muốn dạy chúng ta. Chỉ có sự khiêm nhường đích thực này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi. Vậy, muốn theo gương Chúa, chúng ta hãy học để có thể nói được như Gioan là “Chúa Kitô phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3:30)

II- Sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan và phép rửa do Chúa Kitô thiết lập:

Phép rửa của Gioan, như đã nói ở trên, tự bản chất chỉ là hành động sám hối để xin ơn tha thứ. Nói khác đi, đó là nghi thức sám hối để xin tha tội mà thánh Gioan Tẩy Giả đã làm trong khi đi rao giảng và kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón mừng “Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3:16). Phép rửa của Gioan như vậy không phải là một bí tích. Ngược lại, phép Rửa do Chúa Giêsu thiết lập và trao cho các Tông Đồ xưa và Giáo Hội ngày nay thi hành, lại là một bí tích rất quan trọng vì nhờ đó con người được tái sinh để trở thành tạo vật mới, lấy lại tình thân đã mất với Thiên Chúa và để được ơn cưú độ và sự sống đời đời (Mc 16:16; Ga 15:3).

Bí tích này tha mọi tội lỗi, từ tội nguyên tổ (original sin) cho đến tội cá nhân (personal sins) và mở ra cho con người một chân trời mới

về hy vọng được sống hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, muốn được hưởng những ơn ích thiêng liêng lớn lao đó, thì nhất thiết đòi hỏi những ai đã được rửa tội phải cộng tác với ơn thánh để sống những cam kết của bí tích này (baptismal promises) là yêu mến, tôn thờ một Thiên Chúa, yêu thương tha nhân và xa lánh mọi tội lỗi. Nếu không sống hay thực thi những cam kết này, thì rửa tội rồi cũng vô ích mà thôi. Do đó, mỗi năm mừng lễ Chúa chịu phép rửa là dịp cho chúng ta nhớ lại phép rửa mà mình đã lãnh nhận khi gia nhập Giáo Hội và cần thiết phải thực hiện những cam kết của bí tích này để được cứu rỗi và sống đời đời như Chúa Giêsu đã hứa.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 31.01.2007. 06:25