Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phải Mừng Chúa Phục Sinh Năm Nay Với Tâm Tình Nào?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Một lần nữa, chúng ta lại cùng Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Vượt qua (Paschal Mystery) của Chúa Kitô và mừng vui vì Chúa đã sống lại từ cõi chết cách nay trên 2000 năm như Người đã tiên báo với các Tông đồ trước ngày chịu khổ hình thập giá. (x Mt 17,9; Mc 9,9)

Chúa sống lại là một biến cố lịch sử và là niềm tin lớn lao nhất của Giáo Hội, của mọi người tín hữu chúng ta. Niềm tin này vô cùng cần thiết cho hy vọng của chúng ta vào sự sống đời đời mai sau trong Nước Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã quả quyết: “Nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cor 15:13-14). Nghĩa là, nếu Chúa Kitô không sống lại từ cõi chết thì tất cả những gì Chúa đã giảng dạy trong 3 năm về sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa sẽ là ảo tưởng và chính Thiên Chúa cũng không có thực nữa.

Nhưng hạnh phúc thay, Chúa đã sống lại thật tức là bảo đảm chắc chắn cho những chân lý mà Người đã rao giảng, và do đó, cho chúng ta hy vọng chắc chắn về sự sống vĩnh cửu sau khi chúng ta cũng sẽ phải chết đi trong thân xác, như Chúa Kitô đã trải qua 3 ngày trong mồ tối.

Phúc Âm Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay kể lại sự kiện Ngôi Mộ trống mà bà Maria Magdalene là người thứ nhất đã chứng kiến khi bà đến thăm sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Vì không thấy xác Chúa trong mồ đá nên bà tưởng “người ta đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (Jn 20:2). Sự kiện này đã hùng hồn minh chứng cho điều Thánh Phaolô đã quả quyết trên đây và cũng là điều mà “môn đệ kia (tức Gioan) đã thấy và đã tin” khi ông cùng với Phêrô chạy đến ngôi mộ sáng hôm đó sau khi được Maria Magdalene về báo tin.

Chúa sống lại vì Người đã toàn thắng sự tội và sự chết qua chính cái chết trong thân xác con người mà Chúa đã chia sẻ với nhân loại qua Mầu Nhiệm Nhập Thể (Mystery of Incarnation).

Như thế, mừng kỷ niệm Chúa Phục Sinh cũng là mừng niềm vui lớn lao của chúng ta về hy vọng sẽ được sống lại để huởng hạnh phúc Nước Trời với Chúa sau này, nếu chúng ta cũng sống và chết như Chúa Kitô.

Nhưng trước hết, đây là dịp thuận lợi để một lần nữa chúng ta suy niệm thêm về tình yêu thương quá lạ lùng của Thiên Chúa và về ác tính của tội lỗi con người.

Thật vậy, Chúa Giêsu đến trần gian và chết nhục nhã trên thập giá vì Thiên Chúa quá yêu thương con người mà cũng vì tội lỗi ghê gớm của nhân loại.

Trước hết vì yêu thương, Chúa đã tạo dựng và mong muốn cho “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (x 1 Tm 2,4) nghiã là được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trong Nước Trời. Tuy nhiên, con người đã tự do chọn sự dữ nên “tội đã xâm nhập trần gian và gây nên sự chết cho mọi người” (x Rm 5,12). Thiên Chúa lại vì yêu thương mà tha thứ cho con người trong Chúa Kitô, Đấng cũng vì yêu thương mà bằng lòng chịụ chết để làm giá cứu chuộc cho muôn người.

Những cực hình mà Chúa Giêsu phải chịu trước khi chết đã cho ta thấy rõ ác tính của tội lỗi ghê sợ đến mức nào. Hãy hình dung những roi đòn tàn nhẫn quất vào thân mình của Chúa, những cú đấm đá ác nghiệt của quân thù, những gai nhọn quấn quanh đầu Chúa, những giọt máu đào chẩy ra từ môi miệng Chúa đã nói lên cái giá quá đắt mà Chúa đã phải trả cho phần rỗi của mỗi người chúng ta.

Giá quá đắt vì ác tính của tội lỗi thật ghê gớm. Ác tính này vẫn đang thể hiện qua mọi hình thức của tội lỗi ở khắp mọi nơi trên thế giới ngày nay cũng như xưa, đặc biệt tại quê hương ViệtNam nghèo đói, nơi mọi giá trị luân lý, đạo đức đã và đang tụt hậu ở mức thê thảm. Điển hình là nạn buôn bán phụ nữ ViệtNam để làm nô lệ tình dục cho đàn ông Đài Loan, Đại Hàn, Mã lai dưới chiêu bài “hôn nhân ngoại quốc” đang ồn ào diễn ra trước sự dửng dưng của chánh quyền và nhắm mắt, bịt taị của các Giáo Hội. Đây là một tội ác xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của người phụ nữ ViệtNam, một tội chống lại chính Thiên Chúa, Đấng tạo nên người nữ để làm bạn cộng tác với người nam trong chương trình sáng tạo và yêu thương của Chúa chứ không phải để làm vật mua vui cho kẻ vô luân vô đạo buôn bán và chà đạp!

Tại sao người ta có thể làm ngơ cho sự dữ này và bao sự dữ khác đang lộng hành như vậy ở khắp nơi và cách riêng ở ViệtNam hiện nay ?

Tại sao không có biện pháp tích cực ngăn chặn hay cảnh giác, lên án của người có trách nhiệm duy trì kỷ cương xã hội, giảng dạy đạo đức, bảo vệ luân lý, thực thi công bằng, đề cao nhân ái, là những điều mà Chúa Giêsu đã giảng dạy và trả giá bằng chính mạng sống của mình ?

Chúa đã chết và sống lại nhưng sẽ còn phải tiếp tục chịu khổ nạn thêm nữa vì những sự dữ của “văn hoá sự chết” đang lan tràn khắp nơi trên thế giới ngày nay.

Như vậy, mừng Chúa Phục sinh cách thích đáng phải chăng cũng nhắc nhở chúng ta nhận diện rõ thêm ác tính của tội lỗi từng làm cho Chúa phải chết để từ đó thêm quyết tâm xa lánh sự dữ này và sống tốt lành hầu cho sự hy sinh chịu đau khổ của Chúa Kitô không trở nên vô ích cho ai?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 29.03.2007. 08:35