Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

"Những hiện tượng thể lý” người ta gán cho Chúa Thánh Thần

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Có phải Cha không thích, hay có ác cảm với Phong Trào Thánh Linh, nên đã phê bình hoạt động của Phong Trào này?

Trả lời: Nếu ông bạn đọc kỹ các bài trả lời của tôi trên Dũng Lạc thì sẽ nhận rõ những điều này:

1. Trước hết, tôi đã nói rõ là việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần là điều tối cần trong đời sống của Giáo Hội nói chung và của người tín hữu nói riêng. Vì không có ơn của Chúa Thánh Thần thì Giáo Hội không thể lớn lên và thi hành tốt được Sứ Vụ của Chúa Kitô trao lại trước hết cho các Tông Đồ và cho những người kế vị các ngài trong Giáo Hội.

Cứ đọc Sách Công Vụ Tông Đồ thì đủ rõ. Trước ngày Lễ Ngũ Tuần (Pentecoste), các Tông Đồ đã đóng kín cửa và ở yên trong nhà cầu nguyện, không dám ra ngoài tiếp xúc với ai vì quá sợ người Do thái và cũng vì không hiểu rõ Sứ Mệnh của Chúa Giêsu cho đến ngày Chúa lên trời. Bằng cớ là ngày đó còn có người đã hỏi Chúa Giêsu câu này: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? Người đáp: anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất. ” (x Cv 1 : 6-8)

Quả nhiên sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đã được tràn đầy Thánh Thần, được sức mạnh thiêng liêng, được ơn thông hiểu và can đảm phi thường. Đặc biệt, được ơn ngôn ngữ để nói với các dân khác đang sống ở Jerusalem bấy giờ khiến họ “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. ” (x. Cv 2:6)

Các ông đã ra khỏi nhà và hăng say rao giảng tên Chúa Giêsu và giáo lý của Người cho dân chúng, bất chấp sự ngăn cấm và đe dọa của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Sự kiện này nói lên ơn lạ lùng của Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông Đồ và cho Giáo Hội từ ngày đó đến nay và sẽ còn tiếp tục cho đến mãn thời gian. Như vậy, Giáo Hội nói chung và người tín hữu Chúa Kitô nói riêng đều rất cần ơn của Chúa Thánh Thần để lớn lên trong đức tin, vững mạnh trong đức cậy và bền vững trong đức mến.

Do đó, mọi Phong Trào, Đoàn thể nào cổ võ việc cầu xin ơn Thánh Linh đều đáng khuyến khích và tham gia vì mục đích tốt đẹp là để tôn thờ và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, tức Thần Khí của Thiên Chúa (The Spirit of God), Cha chúng ta ở trên trời.

Chỉ có cầu xin Chúa Thánh Thần chúng ta mới thêm hiểu biết chân lý mà Chúa Kitô đã giảng dạy cũng như biết sống đẹp lòng Thiên Chúa và làm nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô trong trần thế này. Nói khác đi, muốn tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng, muốn biết đường lối của Chúa cho mỗi cá nhân và cho toàn thể Giáo Hội thì nhất thiết phải chậy đến với Chúa Thánh Thần để được soi sáng, dẫn lối chỉ đường cũng như được nâng đỡ an ủi. Không ai có thể xem thường việc đạo đức quá quan trọng và cần thiết này. Bản thân tôi là linh mục, tôi luôn luôn cầu xin ơn Thánh Linh để chu toàn sứ vụ của mình. Vì thế tôi không bao giờ có ý phê bình hay chống đối Phong Trào hay Đoàn thể nào cổ võ việc tôn sùng và cầu xin ơn Thánh Linh. Tôi xin minh xác một lần nữa để đừng ai hiểu lầm tôi về vấn đề này.

2. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nêu thắc mắc về việc một số người muốn gắn việc cầu xin này vào mục đích riêng tư nào đó để trần tục hoá việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần hầu tìm “dấu lạ” bề ngoài hơn là cho mục đích xin ơn soi sáng, sức mạnh thiêng liêng và bình an nội tâm để biết sống và hành Đạo cách sâu đậm và phong phú hơn.

Nói rõ hơn, tôi hoàn toàn không tin hiện tượng “té ngã và nói ú ớ” là dấu chỉ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần ban cho một số người tham dự các buổi cầu nguyện và xin ơn chữa lành kia do một số linh mục đang làm ở nhiều nơi hiện nay. Tôi quả quyết một lần nữa rằng không có giáo lý, tín lý và thần học nào của Giáo Hội dạy rằng khi Chúa Thánh Thần đến với ai, thì dấu chỉ chắc chắn là người đó phải bị “té ngã”, bất tỉnh đôi phút và “nói ú ớ” những gì không ai hiểu được.

Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng An Ủi dịu hiền. Vậy ai chậy đến cầu xin ơn Ngài với lòng chân thành, tin tuởng thì chắc chắn sẽ được Ngài ban ơn nhiều ít tùy sự khôn ngoan, thánh thiện của Ngài. Nghĩa là không ai bị từ chối khi đến cầu xin Chúa Thánh Linh cả. Vậy nếu dấu chỉ “té ngã” là bằng chứng Chúa đến thăm và nghe lời ai khẩn cầu thì những người cũng cầu xin mà không nhận được dấu này thì sao? Chẳng lẽ Chúa Thánh Thần “khinh chê và kỳ thị” họ? Vì thực tế không phải tất cả mọi người tham dự đều được “té ngã” nói lảm nhảm như nhau. Vậy phải giải thích thế nào cho hợp lý? Lấy căn bản giáo lý nào để cắt nghĩa thoả đáng hiện tượng này?

Trong kinh thánh và truyền thống của Giáo Hội, đã có những người được thị kiến, bị “ngất trí” (ecstasy) đang khi cầu nguyện như Kha-na -nia, Co-nê-liô, như Phêrô và Gioan Thánh Giá, hoặc bị “đánh ngã” như Sao-lê trên đường đi Damacus để bắt bớ những người Kitô-hữu đầu tiên. Sao-lê đã bị Chúa “đánh ngã” nhưng nhờ bị “ngã ngựa” mà Sao-lê đã gặp Chúa Giêsu và được biến đổi hoàn toàn sau đó. Sao-lê đã trở thành Phao-lô, một Tông Đồ nhiệt thành, có công lớn trong việc xây dựng Giáo Hội buổi ban đầu. ( x. Cv 9:1-9; 20-22)

Nhưng hoàn toàn không ai bị “té ngã” cách vô lý và không nhận được một sứ điệp thiêng liêng nào. Khanania, nhờ “thị kiến” đã được Chúa bảo cho biết phải đến gặp Sao-lê đang bị mù mắt sau khi “ngã ngựa”. Khanania đã đặt tay trên Sao-lê và mắt Sao-lê được mở ra, đứng dậy và chịu phép rửa vì đã được “đầy Thánh Thần”. (x. Cv 9: 10-18)

Như vậy, thử hỏi những người được “té ngã và ngất trí” trong các buổi chữa lành kia xem họ đã nhận được sứ điệp thiêng liêng nào của Chúa Thánh Linh hay chỉ được ngã vì tác động tâm sinh lý nào đó, do người ta khéo léo đạo diễn để gây ra?

Nếu té ngã mà được biết thêm về đường hướng thiêng liêng Chúa muốn mình đi, cảm nghiệm sâu xa hơn về tình yêu của Chúa và được bình an, phấn khởi trong tâm hồn sau đó thì có thể xem đây là ơn của Thánh Linh. Ngược lại, nếu chỉ té ngã và không cảm thấy điều gì mới lạ trong tâm hồn, thì việc té ngã đó không có giá trị thiêng liêng nào, vì chắc chắn một điều là Chúa Thánh Thần không gây ra hiện tượng kỳ quặc này cho ai bao giờ. Tôi khẳng định điều này một lần nữa.

***

Tóm lại, tôi không hề đả kích việc cầu xin ơn Thánh Linh của bất cứ Phong Trào hay đoàn thể nào. Tôi chỉ muốn lưu ý mọi người về tính chất giả tạo, thiếu căn bản đức tin của “những hiện tượng thể lý” người ta gán cho Chúa Thánh Thần trong những buổi cầu nguyện chữa lành kia mà thôi.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.12.2006. 17:24