Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhận định về Quyền Bính trong Giáo Hội, Chức Thánh của Linh Mục, và Danh Xưng Cha-Con

§ Lm Cao Phương Kỷ

Hơn một tháng nay, trên Internet, trên các tạp chí tại Houston, Santa Ana... đang sôi nổi bàn luận về một số Giáo thuyết quan trọng trong Hội Thánh như: Quyền Bính trong Hội Thánh bởi đâu mà có, Quyền đó được trao cho ai để thi hành, và Quyền đó dùng để phục vụ hay để thống trị? Linh Mục có Chức Thánh không ? Và vấn đề Hội Nhập Văn Hóa như: Làm thế nào ứng dụng giáo thuyết của Thánh Phao Lô, của Truyền Thống và của Công Đồng Vatican II về : “tình nghĩa cha-con thiêng liêng”, trong cách “xưng hô” sao cho thích hợp với Văn Hóa Việt Nam? Dầu chưa biết trước được cuộc đối thoại, bàn luận sẽ đi tới đâu, nhưng theo thiển ý, đây là một dấu hiệu tốt để mọi phần tử trong Hội Thánh có dịp tích cực tìm hiểu sâu xa về những điều phải tin trong Kinh Thánh, Sách Giáo Lý, Tài liệu Công Đồng. Đặc biệt, lần này có nhiều quí vị giáo dân tham gia góp ý kiến, và kinh nghiệm sống Đạo giữa đời về danh xưng “cha-con” giữa Linh mục và giáo hữu liên hệ đến việc Hội Nhập Đạo Chúa vào Văn Hóa Việt Nam. Hơn nữa, cũng nên bàn thảo về nhiều danh xưng khác còn quan trọng hơn danh xưng cha-con, nhưng chưa được “phân minh”, trong cách xưng hô với Chúa, với các Thánh, hoặc với các cấp bậc trong Hội Thánh như: Đức Chúa Trời, nhưng “Đức Giêsu” (bỏ chữ Chúa!), Đức Bà, Ông Thánh Giuse, Đức Ông, Đức Cha, Đức Thánh Cha…

Vì kỹ thuật thông tin trên Tạp chí hay Internet không cho phép viết dài, (càng ngắn gọn, cô đọng càng tốt), nên trong bài tham luận này, chỉ xin góp ý với ba tác giả Võ Lý (VL), Trần Duy Nhiên (TDN), và Linh Mục Ngô Tôn Huấn (NTH). (Vì không được biết chức vị, danh tánh, nên xin phép gọi vắn tắt: tác giả (VL), tác giả (TDN). Cũng xin đề cập đến ba điểm: 1/ Quyền Bính Trong Hội Thánh;. 2/ Chức Thánh của Linh Mục, và Tình Nghĩa Cha-Con Thiêng Liêng; 3/ Danh Xưng Cha-Con trong Văn Hóa Việt Nam.

Đây không phải là cuộc “bút chiến”, nhưng là “chia sẻ”, trao đổi, học hỏi lẫn nhau để thăng tiến về mặt Giáo Lý và Đạo Đức, nên cần tránh “Lý luận Đối nhân” (argument Ad Hominem), thay vì nhằm bàn luận một vấn đề gì, thì lại quay sang đả kích đời tư, tật xấu của nhau hay những sự việc không liên quan đến chủ đề đang thảo luận; cũng tránh nặng lời, mạt sát, chế riễu, làm mất bầu không khí bác ái, thông cảm. Nhưng chúng ta cũng cần một Phương Pháp Bàn Luận gồm hai điều kiện để hiểu biết người đối thoại muốn nói gì, và mới đi đến kết quả hữu ích được.

a) Cần căn cứ vào Tài Liệu chính thức liên quan đến những vấn đề đang bàn bạc. Nếu không căn cứ trên những Tài Liệu thì sẽ không biết dựa vào đâu mà bàn luận, và sẽ rơi vài tình trạng lộn xộn như tục ngữ có câu: “ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Râu ông nọ cắm cầm bà kia”, “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Đây là cuộc chia sẻ về ba vấn đề liên quan đến Tôn Giáo, (không phải là tranh luận về Khoa Học, Y khoa hay Triết Học), đặc biệt đến Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo Toàn Cầu, chứ không phải bất cứ giáo phái nào, nên chúng ta cần phải có trước mặt những tài liệu căn bản để tham chiếu, ví dụ: “Sách Kinh Thánh Cựu Ước, Tân Ước”; “Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo” (Catechism of the Catholic Church); “Sách Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II”(The Documents of Vatican II). Xin lưu ý : ba bộ sách này đều có bản tiếng Việt, và tiếng Anh, có bán tại các nhà sách công giáo(Việt, Mỹ) giá tất cả bộ 3 cuốn tiếng Việt dưới 50 USD; 3 cuốn tiếng Anh dưới 30 USD). Ước mong quí vị ký giả, văn sĩ, mỗi gia đình công giáo nên sắm đủ 2 bộ Anh-Viêt, để con cháu chúng ta luôn có dịp tham chiếu và học hỏi.

b) Cần theo một thứ tự Dẫn Chứng, hiện nay vẫn áp dụng trong những Sách Giáo Khoa về Thần Học, trong các bài giảng thuyềt tại các Đại Học Công Giáo. Thứ tự trình bày các lý lẽ như sau:

1/ Dẫn chứng lấy trong Sách Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước;

2/ Dẫn chứng các Giáo Huấn của các thánh Giáo Phụ, của các Thánh Công Đồng Chung, của Giáo luật hiện hành và của Phụng Vụ;

3/ Suy Luận của các nhà thần học danh tiếng được Hội Thánh công nhận.

A. Phân Tích và Nhận Định về bài: “Hội Chứng Quyền Lực trong Giáo Hội” của tác giả Võ Lý (VL), đã đăng trong NS Dấn Thân số 7 tháng 12, năm 2003. Như đã trình bày ở trên, khi bàn luận trao đổi ý kiến về vấn đề chuyên biệt nào như Khoa học, Tôn giáo... ta cần có những tài liệu bằng chứng về vấn đề ấy để tham chiếu. Theo đầu đề kể trên: “Hội Chứng Quyền Lực (HCQL) trong Giáo Hội”, (ở đây tác giả chỉ nhằm vào Công Giáo), thì đây là một thách đố, một phê phán về bản chất “Quyền Bính” của Hội Thánh Công Giáo. Điều đáng tiếc là: tác giả (VL) đã không căn cứ vào tài liệu của Kinh Thánh (KT), chỉ nêu ra một cách sơ sài, không lời giải thích, một câu ở lời giới thiệu (không biết của chính tác giả (VL) hay là của tạp chí Dấn Thân), và một câu cuối đoạn một; ở chỗ khác cũng trích dẫn thêm hai câu nữa. Tác giả (VL) lấy tài liệu dẫn chứng ở tạp chí “Công Giáo và Dân Tộc”, (xuất bản ở Việt Nam, không thuộc bản quyền của Hàng Giáo Phẩm). Ngoài ra, không có trích dẫn Sách Giáo Lý (SGL), không tham chiếu sách Công Đồng Chung VaticanôII (CDC). Ngay trên đầu đề và trong suốt bài viết, tác giả (VL) chỉ dùng một ý tưởng về tâm-sinh bịnh lý(?) của Y học(?) để “bắt mạch, chẩn bịnh” cho Hội Thánh Công Giáo. Chữ “Hội Chứng” (dịch chữ “Syndrome”) như ngày nay trên TV người ta nhắc đến “Viet Nam Syndrome”. Muốn biết chữ ấy có những ý nghĩa gì thì phải tra Từ Điển Y Khoa, trong Tự Điển thường không có chữ đó! Tác giả (VL) cố ý ghép con bịnh “cơ địa tâm sinh lý” cho Hội Thánh, nên mới lập đi lập lại nhiều lần, tất cả đếm được 34 lần (HCQL), để độc giả “yếu bóng vía” phải yên trí là: Hội Thánh mắc bịnh trầm trọng rồi, vô phương cứu chữa. Toàn bài tác giả (VL) chỉ miêu tả một cách rất bi thảm những hình ảnh đen tối, bệnh hoạn của Hội Thánh Chúa từ 2000 năm nay, và đặc biệt Hội Thánh Việt Nam rất tệ hại, vì dân tộc chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nên căn bệnh càng thêm hiểm nghèo hơn nữa! Tác giả (VL) còn giải thích thêm những yếu tố làm cho căn bệnh càng trầm trọng, bất trị: “Ngoài ra cũng ghi nhận thêm hai yếu tố đàn ông và độc thân ở đây, đó là những điều kiện cho cơ địa tâm sinh lý con người có “ái lực” mạnh hơn với “vinh quang và quyền lực” theo thường tình.” (trích nguyên văn). Theo ý nghĩa câu này, hai yếu tố “đàn ông” và “độc thân” làm tăng “ái lực” (sexual drives?)và lòng ham mê vinh quang và quyền lực! Thử hỏi: ai là đàn ông và độc thân ở trong Hội Thánh? Trước hết, về bản tính nhân loại thì phải kể cả Chúa Giêsu, Đấng Sáng lập ra Hội Thánh và trao quyền cho Thánh Phêrô, cho các Đấng kế vị…toàn là bọn đàn ông, độc thân, nên “ái lực” mạnh. Không biết tác giả (VL) lấy lý thuyết y học “cơ địa tâm sinh lý” nào, ở đâu và của ai để áp dụng vào các vị Lãnh Đạo Tinh Thần, chẳng hạn như ĐGH Gioan Phaolô II, các vị nữ tu như Mẹ Têrêsa Calcutta, tận tụy hy sinh đời sống riêng để hiến thân phụng sự Hội Thánh. Trong lịch sử nhân loại ai là kẻ độc tài, chuyên chế bằng Tần Thủy Hoàng, nhưng vị vua đó là độc thân hay có hàng trăm thê thiếp, ai tàn bạo ham quyền bằng Từ Hi Thái Hậu, ức hiếp, đàn áp con ruột mình là Vua Mục Tông Đồng Trị, và cháu làvua Đồng Tông Quang Tự, vào cuối đời, bà sống rất buông thả, dâm loạn.

Vì tác giả (VL) không dùng tài liệu của Hội Thánh, lại tham khảo “Công Giáo và Dân Tộc” và dùng một mớ kiến thức gọi là “cơ địa tâm sinh lý” (không biết trích dẫn ở đâu, của ai), nên không biết tác giả (VL) hiểu thế nào về quan niệm Quyền Bính trong Hội Thánh? Vì “Hội” do Chúa sáng lập, nên được gọi là “Thánh”. Nhưng vì Chúa trao quyền lãnh đạo cho người phàm tội lỗi, yếu đuối, dễ sa ngã, nên trong lịch sử Hội Thánh đã xẩy ra nhiều lầm lỗi. Chính Đấng Sáng Lập biết trước nên đã cảnh cáo, và nhắc nhở các Tông Đồ phải luôn cảnh giác, các môn đệ phải luôn Sám Hối, và Canh Tân đời sống cho đúng Phúc Am. Vả lại, ngoài cơ cấu phẩm trật bên ngoài, bản chất của Hội Thánh thật sự là “THÂN THỂ MẦU NHIỆM” của Chúa Kytô, mà sức sống chính là Chúa Thánh Thần. Như vậy, thì làm sao có thể sánh ví Hội Thánh là một cơ thể bịnh hoạn được? Nếu bệnh hoạn trầm trọng như tác giả (VL) diễn tả một cách quá bi quan như thế, thì làm sao có thể tồn tại 2000 năm nay được! Tại Hoa kỳ, những vụ lạm dụng tính dục chỉ là thiểu số nhỏ, sánh với đại đa số các các Linh Mục trung thành với chức vụ Chúa trao phó. Và Hội Thánh Công Giáo đã nhận lỗi, đã bồi thường cho nạn nhân và đã đặt ra những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa. Trong tuần Lễ Phục Sinh vừa qua, có 120.000 người lớn xin gia nhập Hội Thánh Công giáo. Theo Giáo luật, Quyền Bính trong Hội Thánh có tính cách “Tập thể tính” (collegiality). Tuy Đức Giáo Hoàng thế vị Thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh, nhưng Ngài làm việc với Hồng Y Đoàn (college of cardinals), với Hội Đồng Giám Mục thế giới (college of bishops); mỗi quốc gia có Hội Đồng Giám Mục riêng, mỗi Địa phận có Hội Đồng Linh Mục để phụ giúp Giám mục; mỗi Giáo xứ có Hội Đồng Giáo xứ, Hội Đồng tài chánh để giúp Cha Xứ. Trong thực tế, nếu một vị Chính Xứ nào độc tài, hay bê bối, thì chắn chắn các bổn đạo sẽ không để yên để chịu bệnh (HCQL) lâu mà không phản kháng.

Về vấn đề thứ hai: Linh Mục có Chức Thánh không ? Ta thấy tác giả (VL) viết: “Chức Thánh là khởi điểm dứt khoát của HCQL”. Linh Mục và giáo dân cùng là người như nhau (trích nguyên văn)” Như vậy, tác giả (VL) đã không công nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh ban Ơn đặc biệt cho Linh Mục, tức là Linh Mục không có Chức Thánh, và nếu có, thì còn tệ hại hơn, vì làm cho cơn bệnh HCQL hoành hành mạnh hơn vì: ”Chức thánh là khởi điểm dứt khoát của HCQL” (trích nguyên văn)

Về điểm thứ ba: "Tình nghĩa Cha-Con thiêng liêng”, và hình ảnh về "Chủ chiên -con chiên” do chính Chúa Giêsu hình dung ra để bày tỏ tâm tình Người thương mến, chăm sóc các môn đệ. (Nếu Chúa Giêsu sinh sống ở Việt Nam, chắc hẳn Ngài sẽ dùng hình ảnh “cậu bé chăn trâu”). Trong phụng vụ, Hội Thánh lập ra một lễ gọi là “Lễ Chúa chiên Lành”, để các môn đệ noi gương, bắt chước lòng nhân ái của Thầy Chí Thánh. Nhưng tác giả (VL) thì rất ghét hình ảnh này. Tác giả (VL) cũng chối bỏ danh-xưng “cha-con”, chỉ tuơng quan “tình nghĩa thiêng liêng” giữa Linh Mục, Giám mục, Đức Giáo Hoàng và giáo dân, và cho là không có nguồn gốc Kinh Thánh hay Truyền thống các Tông đồ và Giáo phụ. Cách đây hơn một tháng, trong cuộc họp báo của ĐHY Theodore McKarrick, TGM Washington, và Luật Sư Bennett, một giáo dân làm chủ tịch Ban Kiểm Tra về việc “Thi hành Hiến chương Bảo vệ Trẻ em”. Khi được hỏi: Luật sư có cảm tưởng gì đối với các vị Giám mục khi cai quản địa phận. Luật sư trả lời: có một số Giám Mục tỏ ra là những vị “Chủ Hãng”, chủ công ty (CEO) hơn là một người “Cha” (Father, Pastor). Và ngay sau đó Luật sư quay sang ĐHY Mc Karrick và thưa: “ĐHY thật là một người CHA” (You are the good Father).

Về vấn đề danh xưng cha-con, xin bàn luận ở cuối bài này. Còn về việc diễn giảng Giáo Lý của Hội Thánh về “Quyền Bính trong Hội Thánh”, “Chức Thánh của Chức Linh Mục”, “Tình Nghĩa Cha-Con Thiêng Liêng”, thì Linh Mục Ngô Tôn Huấn đã trả lời một cách chính xác và khá đầy đủ rồi, nên xin miễn không cần nhắc lại nữa.

Để tạm kết đoạn này, xin đề nghị : nếu tác giả (VL) đã có công phu tìm kiếm những khuyết điểm trong Hội Thánh, đặc biệt nơi các giáo sĩ để sửa sai thì cũng là điều tốt. Nhưng cũng xin tác giả (VL) nêu lên những ưu điểm nữa, thì việc phán đoán mới quân bình, và công bằng. Hy vọng tác giả (VL) sẽ khám phá ra vô vàn nét tích cực phong phú tốt lành nơi các vị chân tu nam, nữ, hy sinh đời sống để phụng sự Hội Thánh, và nhân loại theo Chân Thầy Chí Thánh. Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đã có 117 Vị Thánh Tử Đạo, và hằng trăm ngàn Vị hy sinh chịu chết vì ĐỨC TIN, nên ngày nay Hội Thánh vẫn còn đứng vững hùng mạnh.

B/ Phân Tích và Nhận Định về bài: "Thư Chúc Mừng Ngày Nhận Lãnh Tác Vụ Linh Mục” và bài "Ordo là Thánh Chức hay Giai Cấp?” của tác giả Trần Duy Nhiên (TDN)

Sau khi đọc hai bài trên, xin thành thật có lời khen ngợi và cũng xin góp ý, chia sẻ về một vài vấn đề quan trọng trong Hội Thánh Chúa. Thời nay, những người thiết tha với việc nghiên cứu về Giáo Lý, Thần Học thật là họa hiếm, nhất là trong giới quí vị giáo dân. Tác giả TDN đã chứng tỏ qua các bài viết là một học giả biết nhiều ngoại ngữ, kể cả tử ngữ Latinh, tiếng nói chính thức của Hội Thánh còn dùng để viết những văn kiện chính thức. Mặt khác, việc chia sẻ góp ý với Tác giả được dễ dàng rất nhiều, vì tác giả làm việc có phương pháp, dùng Sách Giáo Lý, và Kinh Thánh làm tài liệu căn bản để thảo luận, bàn bạc, trao đổi. Vì bài này sẽ được đăng trên Internet, không thể viết dài, chỉ xin vắn tắt trình bày một vài ý tưởng như sau:

1. Về câu hỏi "Linh Mục có “CHỨC THÁNH” hay không có?"

Xét về phương diện Tín lý, như trong ”Thư Chúc Mừng...”, tác giả đã dùng chữ “CHỨC THÁNH” nhiều lần trong suốt lá thư, nên có thể đoán được là tác giả công nhận Linh Mục có Chức Thánh, theo Giáo Lý. Nhưng cũng trong lá thư đó, trong ngày ta quen gọi là “Lễ Truyền Chức” hay “Lễ Phong Chức”, thì tác giả lại khuyên : “cha không gọi đó là ngày lãnh “chức” thánh hay “chức linh mục mà chỉ là ngày nhận “tác vụ” linh mục...” Trong bài thứ hai : Ordo là Thánh Chức hay Giai Cấp? (đoạn 4, cuối bài), tác giả giải thích dài hơn và cho biết: “tại Việt Nam hơn 10 năm qua, ngày “phong chức” đã được các Giám mục tại Việt Nam gọi là ngày “trao tác vụ linh mục”. Tác giả cũng thanh minh rằng: việc thay đổi cách gọi đó là nhiệm vụ của các vị có thẩm quyền, tác giả không có thẩm quyền để đánh giá đúng sai. Về điểm này, thật chí lý, vì chúng ta có quyền suy nghĩ, chia sẻ về Thần học, Giáo lý (”fides quaerens intellectum”) đó là một điều tốt để giúp nhau hiểu Giáo Lý và giữ Đạo cho chân chính, còn việc thẩm định là thuộc “Quyền Giáo Huấn” (Magisterium). Nếu không đúng thì xin sửa lại để kiến thức của mỗi người mỗi ngày được mở rộng và tiến gần Chân Lý hơn.

2. Xin sang điểm khác: Tìm Hiểu danh từ “ORDO” có nghĩa Thánh Chức hay không ? Tác giả đã có công viết ra 3 trang dài để phân tích ngữ học về chữ này. Và tác giả cũng đã phân trần: “đây chỉ là phân tích ngữ học chứ không liên quan gì đến tín lý hay giáo lý cả”. Bởi vậy, sau đây, cũng chỉ tìm hiểu chữ “ORDO” về phương diện ngữ nghĩa, căn cứ vào gốc tự LaTinh trong bản văn LaTinh, và trong các bản dịch Sách Giáo Lý ra tiếng Anh, và tiếng Việt(nhiều người dễ đọc và dễ hiểu hơn La Ngữ), và tham chiếu các Từ Điển giá trị.

* Về tài liệu tham khảo: Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (1994), Article 6 The Sacrament of HOLY ORDERS, số 1536, 1537, 1538. Có thể đọc thêm từ số 1539-1589.

* Về Tự Vựng: (vì chỉ nghiên cứu về từ ngữ), nên đã dùng những Tự vựng sau đây: 1/ “Danh Từ Thần Học và Triết Học” (Trường Thần Học Bùi Chu Biên Soạn, 1952); 2/ Từ Vựng nguyên văn bằng Chữ Hán (NHO): “Anh-Hán Tín Lý Thần Học Từ Vị”, do “Phụ Nhân Đại Học Thần Học Trứ Tác Biên Dịch Hội Biên”(1985); 3/ “Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt” (1996) do nhóm tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan, phỏng dịch theo cuốn Tự Vựng Hán Văn kể trên; 4/ “Từ Điển Công Giáo Anh-Việt” (2002) do Nguyễn Đình Diễn.

- Vì là vấn đề phân tích ngữ học, nên xin trình bày một số ý niệm về cách dùng ngôn ngữ loài người để hình dung, diễn tả những Mầu Nhiệm Siêu Nhiên trong Đạo. Trong Văn chương, đặc biệt Thi ca, Triết học... các văn thi sĩ thường mượn những danh từ cụ thể, hữu hình, thông dụng để diễn tả những thực tại, siêu nhiên, vô hình. Ví dụ: Bài ca tụng Hoa Sen: “trong đầm gì đẹp bằng Sen…, thì không phải chỉ mô tả hoa sen “nhị vàng, bông trắng, lá xanh” mà thôi, nhưng ngụ ý của bài thơ là ám chỉ “Tâm Thần Thanh Cao”, gần bùn(chỉ danh vọng, tiền bạc, thú vui) mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Do đó, chữ” Sen” nghĩa đen là bông sen đẹp, nhưng nghĩa bóng (metaphor) là Tâm Hồn Thanh Thoát, là “Phật Tính”. Chữ “đạo” có nghĩa là đường, nhưng trong Triết Lý Lão-Trang “ĐẠO” là Nguyên Lý Siêu Việt Tuyệt đối, trong Phật giáo “ĐẠO” tương tự như Chân Như Phật Tính... Trong Kinh Thánh và Giáo Lý, Phụng vụ, Kinh nguyện luôn luôn Hội Thánh dùng những danh từ thường nhưng mặc cho chúng những ý nghĩa thiêng liêng, nghĩa biểu tượng để ám chỉ những thực tại vô hình như trong các Bí Tích.

Trở lại Chữ “ORDO” trong sách Giáo lý Công Giáo từ số 1536, 1537, 1538 (bản tiếng Anh trang 383-384), ta ghi nhận hai điều quan trọng: một là, trong các số này và số tiếp, Sách Giáo Lý chỉ bàn và giải nghĩa Chữ “ORDO, ORDINATIO, ORDER, ORDINATION” thuộc về Bí Tích; hai là, Chữ “Ministry” (dịch là “Tác Vụ”) thì Sách Giáo Lý đã bàn ở những số 874 và số kế tiếp rồi, nên không nói đến ở đây nữa (coi chú thích của số 1536). Vậy căn cứ vào Sách Giáo Lý Công Giáo, trong ba số kể trên, khi nào Hội Thánh dùng chữ “ORDO”, theo nghĩa “Thánh Chức”, và chữ “ORDINATIO” “Lễ Truyền Chức Thánh” ? Xin thưa: trong số 1538, bắt đầu từ câu: "Hodie verbum ordinatio reservatur actui sacramentali qui in Episcoporum, presbyterorum et diaconorum accepit ORDINEM………. quia Spiritus Sancti confert donum quod POTESTATEM SACRAM exercere sinit, et quod solum ab IPSO CHRISTO, per Ejus Ecclesiam, potest procedere. ORDINATIO etiam CONSECRATIO appellatur…(Today the word “ORDINATION” is reserved for the sacramental act which integrates a man into the ORDER of Bishops, presbyters, or deacons…for it confers a gift of the HoLy Spirit that permits the exercise of a “SACRED POWER”which can come only from Christ himself through his Church. ORDINATION is also called CONSECRATION…) Ngày nay, chữ “Truyền Chức” (Thánh) chỉ để dành riêng cho hành vi Bí tích sáp nhập một người vào bậc Thánh Chức của Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế… vì Bí tích đó trao ban An Huệ của Chúa Thánh Thần cho họ được phép thực thi một QUYỀN THÁNH, chỉ do Chúa KYTÔ ban cho qua Hội Thánh. Lễ TRUYỀN CHỨC THÁNH cũng được gọi là Lễ HIẾN THÁNH. .

Xin lưu ý: chữ “Sacra Potestas” (Sacred Power) phải dịch là “Quyền Thánh”. Tất cả bốn cuốn Từ Vựng kể trên đều dịch chữ ORDO, ORDER, có hai nghĩa: 1/ Trật tự, giai cấp. 2/ CHỨC THÁNH, THÁNH CHỨC, và ORDINATION: “LỄ TRUYỀN CHỨC”. 3/ Việc dùng cụm từ “LỄ TRUYỀN CHỨC (THÁNH)” đã dùng trong tiếng Việt và các tiếng khác như Anh, Pháp là đúng với Sách Giáo Lý, số 1538. Tại Việt Nam, 10 năm nay đổi tên là “Lễ Trao Tác Vụ” (ministry), thì xin hỏi: việc thay đổi đó có được phép của Tòa Thánh, của Bộ Phụng Tự không? Vànăm nào cho phép đổi để có thể kiểm chứng.

C. Nhận Định về những bài: 1/ Trả Lời một Bài Viết của Tác Giả Võ Lý…(Danh Xưng Cha-Con. 2/ “Hội Chứng Quyền Lực Trong Giáo Hội”; 3/ “Chức Linh Mục là “Thánh Chức (ORDO”) Hay Chỉ Là Tác Vu (Ministry) của Lm Francis Ngô Tôn Huấn.

Đối với Cha Ngô Tôn Huấn, tôi cũng mới quen biết gần đây trong những Tuần Tĩnh Huấn của Phong Trào Cursillo, tại Houston, Texas. Nhưng theo bà con biết Ngài từ lâu, thì Cha Francis là một Linh Mục rất nhiệt thành hoạt động tông đồ, mục vụ. Ngài thụ phong Linh Mục hơi muộn, nhưng được đào tạo về kiến thức Thần Học, Kinh Thánh tại Đại Học Thánh Thomas, tại Houston. Hiện nay, Ngài là PASTOR của một Giáo Xứ bổn đạo là người Mỹ và người Mễ. Hơn 10 năm qua, một mình Ngài tình nguyện làm Linh Hướng cho Phong Trào Cursillo toàn Giáo Phận Houston-Galveston. Ngày nay, trên đất Hoa kỳ này, một Linh Mục gốc Việt được đào luyện sâu sắc, chuyên môn về Khoa Thần Học là việc họa hiếm. Điều tra cho biết: phần đông các Linh Mục, sau khi chịu chức, đều được sai đi làm mục vụ ở các Giáo xứ. Một số nhỏ được Địa Phận sở tại cho học thêm, nhưng lại học Khoa Giáo Luật để sau này làm việc tại các Tòa An Hôn Phối. Do đó, những tác phẩm bàn về Kinh Thánh, Thần Học do các Linh Mục gốc Việt trứ tác để giới thiệu Đạo cho người đồng hương, thì rất thiếu thốn.

Vào tháng mười hai vừa qua 2003, tình cờ Cha Francis được đọc tờ nguyệt san “Dấn Thân của Phong Trào Giáo Dân Houston” trong đó có bài: “Hội Chứng Quyền Lực Trong Giáo Hội”. Ngài rất ngạc nhiên vì bài báo đã in ra gần 2 tháng mà không thấy ai phản ứng gì cả. (Ở tại Houston có hơn 20 Cha Việtnam: thuộc Dòng ĐaMinh, Dòng Chúa Cứu Thế, tu hội IC…, vừa coi Cộng Đoàn người Việt, vừa làm cho Giáo Xứ địa phương). Ngài vội vã viết để làm sáng tỏ Giáo Lý của Giáo Hội. Bài: “Trả Lời Một Bài Viết Của Tác Giả Võ Lý,” được bàn luận về 3 vấn đề: 1/ Nguồn gốc Quyền Bính Trong giáo Hội; 2/ Chức Thánh của Linh Mục; 3/ Tình Cha-con Thiêng liêng, và Danh xưng Cha-con, trong văn hóa Việt Nam. Một điều trục trặc xẩy ra, ngay từ đầu : thay vì gửi toàn bài để độc giả dễ hiểu ý ngài muốn trình bày, cải chính về quan niệm “Quyền Bính trong giáo hội”, thì Ngài lại gửi lên VietCatholic News đoạn thứ 3, kém quan trọng đi trước, tức là đề tài liên quan đến Văn Hóa hơn là Giáo Lý: “Danh Xưng Cha-con”, nên gặp phản ứng mạnh nơi độc giả. Mãi mấy ngày sau, Ngài mới tiếp tục gửi thêm đoạn 1 và đoạn 2, là những đoạn chính, căn bản để giải thích Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội về Quyền Bính, về Chức Thánh. Do sự hiều lầm đó nên cho đến ngày nay, phản ứng chỉ chú ý phản bác danh xưng Cha-con, mà ít lưu tâm tìm hiểu Giáo Lý, Thần học mà Ngài diễn giải một cách chính xác và công phu. Đó là điều đáng tiếc. Mặt khác, các bạn hữu cho biết: tính Ngài cương trực, nên đôi khi nói mạnh, nói thẳng, khiến nhiều độc giả bất bình. Ngài đã cải chính và thành thật cho biết: chỉ muốn nói đến “một số tu xuất” mà thôi, nhưng vì chữ này trong dư luận giới công giáo, luôn ám chỉ và chê trách cả một tập thể, nên cần một thời gian thông cảm, giải thích, chia sẻ những thắc mắc thì hy vọng mới có thể lắng dịu được.

Sau đây, với kinh nghiệm bản thân đã làm Linh Hướng trong các Chủng Viện gần 40 năm, tại Việt Nam và Hoa Kỳ, nên cũng xin góp phần vào việc tạo thêm sự Hòa hợp, Thân hữu, Thân Ai trong Cộng đồng dân Chúa: Thiết nghĩ, cụm từ mà dư luận xưa nay vẫn dùng để chụp mũ lên tập thể các “cựu chủng sinh” là: không đúng, nguy hiểm và bất công. Không đúng, vì các cựu chủng sinh đó chưa có lời khấn hứa gì, thì làm sao gọi là “Tu sĩ” được! Thật ra, mới là thời gian tìm hiểu Ơn Gọi, như lời Chúa :”Thày chọn các con, không phải các con chọn Thày”. Do đó, trong thời gian tìm hiểu, thử thách, mỗi người được tự do theo tiếng Chúa Gọi, để nên thánh trong Ơn Gọi đó. Nguy hiểm, vì áp lực gia đình, áp lực dư luận cưỡng bách, một người biết mình không có Ơn Gọi làm Linh Mục, nhưng cứ tiến bước, thì sau này còn tác hại cho chính mình và cho Hội Thánh hơn nữa. Bất công, vì Hội Thánh biết, trong một lớp 60, thì tối đa là 10% làm Linh mục, nhưng Bộ truyền giáo hằng năm vẫn trợ cấp một phần phí tổn huấn luyện, vì Hội Thánh như muốn “đầu tư” nhân lực, nhân tài vào các xứ Truyền Giáo, tại những nơi chưa được mở mang về giáo dục, học vấn. Và sau này, Hội Thánh hy vọng vào 90% kia khi đã hấp thụ một nền học vấn, đạo đức vững chắc, có thể sống Đạo giữa đời, để làm môi giới giữa Hội Thánh, giáo sĩ và đồng hương. Những nhà văn hóa, chính trị như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Hữu Bài... đã làm sáng danh Đạo và làm ơn ích cho dân tộc, biết bao! Ngày nay, lực lượng hùng hậu những vị tài đức đó đã tham gia vào mọi cơ chế lập pháp, hành pháp, quân sự, học chính... và các Ban Chấp Hành Giáo xứ, các Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành, để bảo vệ Hội Thánh. Bởi vậy, ước mong cụm từ: “sai lầm, nguy hiểm, bất công”, nhất là thiếu Bác Ái, cần xóa bỏ hoàn toàn trong Cộng Đồng dân Chúa.

ĐỂ TẠM KẾT, xin nêu lên vấn đề liên quan đến việc đem Giáo Lý Hội Nhập vào Văn Hóa Việt Nam, khá sôi động lúc này, đặc biệt tại hải ngoại là : “Danh xưng Cha-Con”, làm sao chúng ta không bỏ mất Ý nghĩa “Tình Nghĩa thiêng Liêng của Giáo Sĩ và giáo dân”, đồng thời có thể thích nghi trong cách giao tiếp với mọi giới trong cộng đồng và với người đồng hương ngoài-Đạo. Theo thiển ý, vấn đề “Danh Xưng Cha-Con” cũng chưa khẩn thiết bằng những danh xưng, danh hiệu rất lộn xộn trong Phụng Vụ, Kinh Nguyện như: Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha, nhưng Đức Giêsu (bỏ chữ CHÚA?), Đức Chúa (Nào?), Đức Bà, Ông Thánh Giuse, Đức Ông, Đức Cha, Đức Thánh Cha…. Vì liên quan đến Phụng vụ, Giáo Lý, nên chỉ có Hội Đồng Giám Mục Quốc gia, mới có quyền thẩm định, xin Tòa Thánh cho phép thí nghiệm một thời gian rồi sửa chữa và thi hành. Về vấn đề này, chúng ta có quyền thảo luận, góp ý, nhưng cần sự đóng góp, cố vấn của các nhà chuyên môn về Giáo Lý. Thần học và ngôn ngữ, văn hóa Việt nghiên cứu mọi khía cạnh.

Lm Cao Phương Kỷ

Đọc nhiều nhất Bản in 27.07.2006. 23:33