Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nguy cơ làm nô lệ cho tiền của

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 28 Thường Niên

Sống trên đời này, không ai có thể ngây thơ nói rằng tiền bạc không cần thiết. Thực tế, về một phương diện và đến một mức độ nhất định, thì phải nói ngược lại là tiền bạc rất quan trọng và cần thiết. Cụ thể sống ở đất Mỹ này, không có tiền thì làm sao trả “bills” hàng tháng? Không trả bills thì điện nước trong nhà sẽ bị cúp, xe đang chậy, nhà đang ở sẽ bị ngân hàng lấy lại để bán cho người khác v.v. Nhà thờ, nhà xứ không có đủ tiền chi phí thì Điạ phận sẽ đóng cửa hoặc sáp nhập (consolidate) với giáo xứ khác.

Đây là thực tế không ai có thể phủ nhận được. Cho nên, trong giới hạn cần thiết này, tiền bạc trở thành yếu tố rất quan trọng cho đời sống cá nhân, gia đình và cho cả việc thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội điạ phương và hoàn vũ.

Chính trong giới hạn cần thiết này mà Thánh Gia-cô-bê đã phải nói: “Giả sử có người anh em hay chị em không có aó che thân và không có đủ của ăn hàng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ rằng: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì?” (Gc 2:15-16)

Nghĩa là phải cho họ ăn no đã rồi hãy nói đến chuyên tinh thần hay giảng đạo cho họ. Câu “có thực mới vực được đạo” rất đúng để áp dụng trong trường hợp này.

Tuy nhiên, cũng không vì lý do thực tế này mà quá đề cao hay lệ thuộc vào tiền của đến nỗi coi nhẹ mục đích tối thượng của đời mình với tư cách là người tín hữu Chúa Kitô sống trong trần thế. Mục đích tối thượng đó chính là Thiên Chúa và Vương Quốc của Người.

Thật vậy, bài Tin Mừng Chúa nhật 28 thường niên hôm nay chỉ cho chúng ta thấy rõ nguy cơ của sự nô lệ cho tiền của, giầu sang vật chất đến độ coi phần rỗi là thứ yếu. Chàng thanh niên giầu có kia đã tuân giữ mọi điều răn căn bản Chúa dạy như không trộm cắp, giết người, gian dâm, làm chứng dối v.v. Như thế anh ta đã hơn rất nhiều người khác về phương diện rất quan trọng này và đáng được khen ngợi, đề cao. Tuy nhiên chỉ còn một điều nữa mà anh còn thiếu để trở nên hoàn hảo trọn vẹn, đó là đem bán mọi thứ anh đang có và dùng tiền ấy để bố thí cho người nghèo như Chúa Giêsu bảo anh. Nhưng anh ta đã buồn rầu khi nghe lời khuyên này của Chúa, và đã quay đi chỉ vì “anh có nhiều của cải” (x Mc 10:17-22). Anh không thể chấp nhận lời khuyên của Chúa để “được một kho tàng trên trời” vì anh lòng anh quá bám chặt vào kho tàng ở đời này là tiền bạc và của cải vật chất. Như vậy, trước hết, anh đã không có được cái khôn ngoan của bài đọc 1 trong đó tác giả đã viết:

“ …vàng trên cả thế giới, so với đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.” (x Wis 7: 9)

Đức Khôn Ngoan dạy cho ta biết dùng của cải vật chất trong đúng giới hạn cần thiết của nó mà thôi.Nếu không có đức Khôn Ngoan này, thì chúng ta cũng không hơn gì người thanh niên giầu có kia, không thể hy sinh của cải đời này để đổi lấy “kho tàng vô giá trên trời” là chính Thiên Chúa và Vương Quốc bình an của Người. Chính vì thiếu đức Khôn Ngoan này cho nên con người ở khắp nơi trên thế giới ngày nay, trong đó không thiếu gì những người có đức tin Kitô Giáo, đã chậy theo những quyến rũ của chủ nghiã vật chất tiêu thụ (materiarism and consumerism) đang lao đầu vào việc tìm kiếm tiền của bất chấp mọi nguyên tác đạo đức và công bằng. Người ta mặc sức làm giầu bằng mọi phương thế, kể cả lừa đảo, bọc lột nhau và dửng dưng trước sự nghèo đói, khốn cùng của biết bao anh chị em đồng loại ở khắp nơi trên khắp thế giới.

Những người này cần nghe lời cảnh giác sau đây của Chúa Giêsu: “Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như vậy.” (Lc 12:20-21)

Thử hỏi: chúng ta có đang học lấy đức Khôn Ngoan để biết dùng tiền của cho đúng với mục đích của nó hầu mưu ích cho phần rỗi của mình và giúp ích cho kẻ khác, hay đang tôn thờ tiền của, phương hại cho mục đích tối thượng của đời mình?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 13.10.2006. 06:27