Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nghi Thức Mới Về Thánh Lễ Misa?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi : Nghe nói Đức Thánh Cha vừa ban hành Tông Thư mới cho phép cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh như xưa. Xin cha giải thích rõ về việc này.

latin-mass.jpg

Trả lời : Đúng, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI vừa ban hành Tông Thư “Summorum Pontificum” ngày 7 tháng 7 vưà qua cho phép rộng rãi hơn về việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức Lễ Tridentine(Tridentine Mass), hay gọi vắn tắt là Lễ Latinh (Latin Mass). Gọi là Lễ Tridentine vì Công Đồng Tridentinô (1545- 1563) đã khuyến caó Đức Thánh Cha “duyệt xét lại và cho ấn hành” những Sách thánh trong đó có Sách Lễ (Missal) theo Lễ Qui Rôma (Roman Rite). Vì thế ngày 4 tháng 7 năm 1570, Đức Thánh Cha Piô V đã ban hành cho sử dụng trong toàn Giáo Hội Sách Lễ Rôma cử hành hoàn toàn bằng tiếng Latinh hay còn gọi tắt là Lễ Tridentine. Qua nhiều thế kỷ, Sách Lễ với Nghi thức Tridentine này đã được tu chính nhiều lần cho đến năm 1962 là năm chót với ấn bản có thêm một vài thay đổi nhỏ.

Sau Công Đồng Vaticanô II, Sách Lễ Rôma với Nghi thức mơí (Novus Ordo) đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1970 cho phép việc cử hành phụng vụ Thánh Lễ bằng các ngôn ngữ địa phương thay vì hoàn toàn bằng La ngữ như Lễ Tridentine trước đây. Nghi thức mới này được gọi là hình thức thông thường (ordinary form) trong khi nghi thức cũ được gọi là hình thức bất thường (Extraodinary form) của Lễ Qui Rôma. Nghi thức mới này đã được áp dụng trong phụng vụ của Giáo Hội kể từ năm 1970 cho đến nay. Nghi thức cũ chỉ còn được dùng trong một số trường hợp đặc biệt với sự cho phép trước của Toà Thánh hay của Giám mục bản quyền (Ordinary) mà thôi.

Sau khi Tông Thư Summorum Pontificum trên được công bố, có dư luận đã vội cho là Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã làm một cuộc cải cách mới (new reformation) đối với những thành quả của Công Đồng Vaticanô II về phụng vụ thánh. Điều này hoàn toàn không đúng và cần phải đính chính ngay ở đây. Nhưng trước khi đi sâu vào mục đích của Tông Thư trên, thiết tưởng cần nói qua ở đây lý do khiến Đức Thánh Cha đã ban hành Tông Thư này.

A- Thật vậy, chúng ta đều biết rằng Thánh Công Dồng Vaticanô II đã thực hiện một cuộc cải cách to lớn trong Giáo Hội cách nay hơn 40 năm. Một trong những cải cách lớn lao đó liên quan đến phụng vụ thánh (sacred liturgy) là việc Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ban hành Sách Lễ Rôma (Roman Missal) mới năm 1970, qua đó Thánh Lễ Tạ Ơn (The Eucharist) được phép cử hành bằng mọi ngôn ngữ thế giới thay vì duy nhất bằng La ngữ trheo Nghi thức cũ đã nói ở trên.

Nhưng cả hai Sách Lễ cũ năm 1570, (được tu chính và ấn hành lần chót năm 1962), và Sách Lể mới năm 1970 đều chung một Lễ Qui Rôma (Roman Rite) thể hiện đúng luật cầu nguyện (lex orandi = law of prayer) của Giáo Hội

Chỉ khác về ngôn ngữ sử dụng trong nghi thức cử hành Thánh Lễ mà thôi.

Tuy nhiên, việc ban hành Sách Lễ Rôma mới với hình thức thông thường nói trên cũng như những thành quả cải cách khác của Công Đồng Vaticanô II đã không được đồng thanh chấp thuận trong nội bộ Giáo Hội. Người đứng đầu cho khunh hướng bất đồng này là Tổng Giám Mục người Pháp Marcel Lefèbre (1905-91). Ngài đã bất tuân thi hành Sách Lễ Rôma mới năm 1970 để tiếp tục sử dụng Sách Lể cũ năm 1962 (tiền thân của Sách cũ năm 1570) hay còn gọi là Sách Lễ Tridentine dùng hoàn hoàn tiếng La tinh.

Vì sự bất tuân này, cộng với việc tự ý truyền chức Giáo mục cho một số Linh mục mà không có phép của Đức Thánh Cha, nên Tổng Giám mục Lefebre đã bị trút phép thông công (excommunication) năm 1988. Ngài đã mất năm 1991 nhưng nhóm linh mục theo ngài vẫn hoạt động ở nhiều nơi bên ngoài Giáo Hội cho đến nay.

Đây là một vết thương mới của Giáo Hội sau Công Đồng Vaticanô II, ngoài vết thương cũ sẵn có là tình trạng ly giáo chưa hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và các anh em Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) Tin lành (Protestants) và Anh giáo (Anglican communion).

Mặt khác, cũng vì Sách Lễ Rôma mới năm 1970 cho phép sử dụng các ngôn ngữ khác thay vì thuần nhất bằng tiếng La tinh như trước, nên đã gây ra nhiều tranh cãi và bất đồng ở khắp nơi cho đến nay về việc dịch Nghi thức Thánh Lễ từ La ngữ sang các ngôn ngữ khác. Cụ thể ở ViệtNam, cho đến nay, đã có tới 3 bản dịch chính thức khác nhau về Nghi Thức Thánh Lễ Rôma từ năm 1972, đến 1992 và 2005. Cả 3 Bản này đều bị phê bình là “không đúng nguyên bản Latinh”, ít nhiều sai tinh thần phụng vụ và các huấn thị của Toà Thánh v.v. , mặc dù cả 3 bản trên đều đã được các nhà chuyên môn về ngôn ngữ, phụng vụ và kinh thánh đảm trách việc dịch thuật và được Uỷ Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục ViệtNam ấn hành.

Thêm vào đó, còn phải kể đến những lạm dụng (abuses) đáng than phiền của một số không ít thừa tác viên khi cử hành Nghi thức thánh lễ 1970 bằng ngôn ngữ địa phương. Cụ thể, có linh mục đã cho giáo dân đọc chung một số phần mà luật chữ đỏ (rubric) trong Lễ Quy Rôma không cho phép. Thí dụ: đọc chung các kinh Tiền tụng (preface) kinh nguyện Tạ Ơn (Thánh Thể), cùng giơ tay trên lễ vật ... cho giáo dân tự lấy Mình Thánh Chúa trên Bàn thờ để rước lấy thay vì phải chính tay chủ tế, đồng tế, phó tế hay thừa tác viên thánh thể trao chọ sau khi nói : Mình Thánh Chúa Kitô và người rước lấy phải thưa Amen như chữ đỏ qui định.

Có linh mục còn phát bánh lễ (host) cho giáo dân tham dự cầm tay khi linh mục đọc lời truyền phép (consecration) hoặc tự ý thêm bớt những lời nguyện trong Nghi thức Thánh Lễ…..

Chính vì có những bất đồng về dịch thuật, và đặc biệt là những lạm dụng nói trên ở khắp nơi trong Giáo Hội, cộng thêm với nguyện vọng của những người vẫn còn ưa thích Nghi thức thánh Lễ Tridentine cử hành bằng tiếng La tinh, nên Đức Thánh Cha đã ban hành Tông thư Summorum Pontificum ngày 7 tháng 7 vừa qua như một cố gắng hoà giải nội bộ và ngăn đe đối với những lạm dụng khi sử dụng Nghi thức Thánh Lễ thông thường hiện nay.

B- Mục đích của Tông Thư Summorum Pontificum:

Tông thư hoàn toàn không có mục đích cải cách (reformation) hay bãi bỏ việc thi hành Nghi thức Thánh Lễ thông thường đang được sử dụng trong toàn Giáo Hội hiện nay. Trái lại, mục đích là để nhấn mạnh tính chất thuần nhất của Lễ Qui Rôma dù với nghi thức bất thường Tridentine cũ hay với Nghi thức mới thông thường hiện nay. Cả hai Nghi thức đều chung Lễ Qui Rôma nghĩa là cũng diễn tả chính xác Luật cầu nguyện (lex orandi) của Giáo Hội khi cử hành thánh lễ Tạ ơn. Ngoài ra, Tông Thư cũng nhằm nhấn mạnh sự hiệp nhất (unity) trong Giáo Hội khi cầu nguyện tức là hoà giải giữa các khuynh hướng còn âm ỉ bất đồng về các nghi thức thánh lễ cũ và mới cho đến nay, vì mục đích tối thượng của Giáo Hội là hiệp nhất trong một tinh thần và hình thức khi thờ phượng và ca tụng Thiên Chúa trong phụng vụ thánh (sacred liturgy). Chính Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1988 đã cho phép việc sử dụng Nghi thức Lễ Tridentine cũ nhưng không nêu rõ những tiêu chuẩn để thi hành việc này, Vì thế , kèm với Tông Thư trên là thư riêng “Motu Propio” trong đó Đức Thánh Cha đã chỉ rõ những trường hợp và điều kiện để thi hành Tông Thư của ngài.

Trong thực hành, Hội Đồng Giám Mục các quốc gia chắc sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể để thi hành Tông Thư trên. Nhưng một điều có thể nói ngay ở đây là từ nay, việc cử hành Thánh lễ với Nghi thức bất thường cũ (dùng tiếng Latinh) sẽ không còn bị hạn chế như trước đây nữa. Nghĩa là, linh mục hay Cộng đoàn nào (Dòng Tu, Tu hội) muốn cử hành thánh lễ với nghi thức cũ bằng tiếng Latinh thì không cần phải xin phép trước Toà Thánh hoặc Giáo Mục bản quyền nữa. Nhưng chắc chắn đòi hỏi là phải có nhu cầu chính đáng muốn dùng Nghi thức cũ và linh mục cử hành phải biết sử dụng tiếng Latinh.

Tóm lại, Nghi thức Lễ Rôma ban hành sau Công Dồng Vaticanô II cho phép sử dụng các ngôn ngữ điạ phương vẫn là nghi thức hiện hành hay thông thường của Giáo Hội song song với Nghi thức cũ (khác thường) mà trước đây chỉ được sử dụng hạn chế hay phải có phép trước của Giáo quyền. Cả hai nghi thức cũ và mới này đều chỉ là một Nghi thức chung theo Lễ Qui Rôma khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn, hay Lễ Misa và chỉ khác nhau về ngôn ngữ mà thôi. Tông Thư mới của Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI không thay đổi gì về hiệu lực của Lễ Qui Rôma trong các Sách Lễ Rôma 1962 và 1970 như đã trình bày trên đây.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 25.07.2007. 10:45