Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một Vấn Đề Liên Can Đến Đức Tin Và Bí Tích Cần Được Mổ Xẻ

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Một Vấn Đề Liên Can Đến Đức Tin Và Bí Tích Cần Được Mổ Xẻ

Ai đã sống ở Saigòn trước năm 1975 đều biết “Phong Trào Thánh Linh chữa lành với hiện tượng té ngã, nói tiếng lạ” do một số linh mục Dòng chủ xướng và đã thu hút được khá nhiều người tò mò tìm đến để biết “sự lạ” vì cho đó là “ơn của Chúa Thánh Thần”. Phong Trào này đã lan tràn theo người tị nạn ViệtNam sang Mỹ và Canada cho đến nay. Nổi bật hiện nay là có một linh mục Dòng còn trẻ đang đi “rao bán” món hàng tự biên tự diễn này ở nhiều Cộng đoàn Công Giáo ViệtNam ở đất Mỹ hiện nay. Và được biết, nay lại có thêm một linh mục cao tuổi thuộc Dòng này từ ViệtNam qua để tham gia “hành nghề chữa lành” này ở Mỹ.

Vì lương tâm và vai trò ngôn sứ của linh mục, đã đến lúc tôi thấy cần phải lên tiếng về hiện tượng này để bảo vệ những gì là cốt lõi của niềm tin Công Giáo dựa trên căn bản giáo lý, tín lý, thần học và kinh thánh của Giáo Hội về mọi thực hành trong phụng vụ và bí tích.

Trước hết, xin được nói qua về Chúa Thánh Thần và vai trò tối quan trọng của Người trong đời sống của Giáo Hội:

I- Chúa Thánh Thần Trong Đời Sống Của Giáo Hội Và Trong Mọi Người Tín Hữu

Trong kinh Tin Kính Nicene, chúng ta đọc: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra…”.

Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ về Chúa Thánh Thần như sau:

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn
Người sẽ không tự mình nói điều gì. Nhưng tất cả những gì Người nghe
Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến.”
(Ga 16:13)

Chúa Thánh Thần cũng được gọi là Đấng Bảo Trợ, là Thần Chân Lý, là Đấng ban sự sống. Người được sai đến để kiện toàn công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô với ơn soi sáng trước hết cho các Tông Đồ được hiểu biết rõ hơn về những chân lý mà Chúa Giêsu đã giảng dạy cho họ trong suốt 3 năm trước khi Người thọ nạn thập giá, chết, sống lại và lên trời. Chúa Thánh Thần đã ban ơn phù trợ đặc biệt để giúp các Tông Đồ thi hành Sứ Vụ được trao phó trong buổi ban đầu cũng như tiếp tục thánh hoá và nâng đỡ Giáo Hội của Chúa Kitô cho đến ngày nay. Nói tắt một lời: nếu không có ơn phù trợ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, thì Giáo Hội không thể lớn lên và thi hành tốt được Sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó. Cho nên, việc cầu xin Chúa Thánh Thần là điều vô cùng quan trọng và cần thiết cho Giáo Hội nói chung và cho mỗi người tín hữu nói riêng.

Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, người tín hữu, qua việc được sức dầu thánh (Chrism), đã lãnh nhận một phần ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Với bí tích Thêm sức, ta được lãnh nhận đầy đủ bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đó là ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông biết, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Thiên Chúa. Các hồng ân này giúp cho người tín hữn lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến và có đủ sức để làm nhân chứng cho Chúa Giêsu trong trần thế.

Nhưng lãnh nhận các hồng ân này qua bí tích Thêm sức một lần chưa đủ. Ta còn phải siêng năng cầu xin Chúa Thánh Thần luôn luôn để các hồng ân Người đã ban được tăng trưởng và sinh hoa kết trái phong phú trong đời sống thiêng liêng để giúp ta sống niềm tin vào Thiên Chúa ngày một sung mãn hơn. Vì thế, trong Giáo Hội từ xưa đến nay, việc cầu xin với Chúa Thánh Thần là nhu cầu khẩn thiết không thể thiếu được trong mọi hoàn cảnh của đời sống Giáo Hội và của người tín hữu Chúa Kitô. Cụ thể, trước khi khai mạc và trong suốt thời gian nhóm họp Thánh Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã đặc biệt chậy đến với Chúa Thánh Thần để xin Người ban cho Giáo Hội “một Lễ Hiện Xuống mới” để thổi một luồng sinh khí mới giúp thay đổi bộ mặt của Giáo Hội, thích ứng cho việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ trong thời đại mới ngày nay. Và quả nhiên, Giáo Hội đã được hồng ân ấy của Chúa Thánh Thần với thành quả tốt đẹp của Thánh Công Đồng.

Qua dòng thời gian, nhu cầu cần đến ơn của Chúa Thánh Thần ngày một gia tăng trong Giáo Hội ở khắp mọi nơi. Các chủ chăn luôn nhấn mạnh cho giáo hữu khắp nơi sự cần thiết phải xin ơn Chúa Thánh Thần để biết sống đức tin chính đáng và hữu ích. Trong mục đích cần đến Chúa Thánh Thần như vậy, các Phòng Trào canh tân đặc sủng, hoà giải và Thánh Linh đã ra đời nhằm cổ võ việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để biết canh tân đời sống thiêng liêng, thêm tin tuởng và yêu mến Thiên Chúa hơn hầu được huởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Đây là khía cạnh rất tích cực đáng khuyến khích, cổ võ về các Phong Trào này. Nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã khích lệ và chúc lành cho mục đích thiêng liêng của các sinh hoạt này. Tôi không hề thắc mắc hay thành kiến gì về các Phong Trào ấy. Và mục đích của bài viết này cũng như các bài tôi đã viết không hề nhằm đả kích các Phong Trào này như có người đã hiểu lầm tôi và gán cho tôi ý không đúng. Điều tôi muốn nói chỉ có liên hệ đến cái mà người ta đã tuyên truyền sai lầm về ơn của Chúa Thánh Thần qua hiện tượng “té ngã“ trong những buồi chữa lành kia mà thôi. Và đây là lý do tôi muốn đặt vấn đề một lần nữa trong bài viết này.

II- Phong Trào Xin Ơn Thánh Linh Và Chữa Lành Với Hiện Tượng Té Ngã Và “Nói Tiếng Lạ”

Trong Giáo Hội Công Giáo, từ xưa đến nay, chỉ có hai bí tích chữa lành (Sacraments of Healing) được ghi trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội là bí tích hoà giải và bí tích sức dâù bệnh nhân mà thôi. ( x. SGLGHCG, pp. 357-380)

Với bí tích hoà giải, hối nhân được được tha thứ mọi tội lỗi, trừ tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần, tức tội mất đức tin, chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn. Được tha thứ và được hoà giải với Chúa và Giáo Hội tức là được chữa lành trong tâm hồn sau khi đã bị thương tích vì tội lỗi. Qua bí tích sức dầu được cử hành theo đúng nghi thức của Giáo Hội, tức là được Giám mục hay Linh mục đặt tay cầu nguyện và sức dầu thánh trên trán và hai bàn tay, bệnh nhân nhận lãnh ơn của Chúa Thánh Thần để được bổ sức thiêng liêng hầu chống trả mọi cám dỗ và buồn phiền khi bị đau yếu thể xác. Bí tích này cũng có hiệu quả tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thân xác, một việc mà chính Chúa Giêsu đã làm trong khi đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Chúa đã chữa lành cho biết bao người bệnh tật, mù loà, câm điếc, phong cùi và bị quỷ ám như chúng ta đọc thấy trong các Tin Mừng.

Tuy nhiên, trọng tâm của Sứ Vụ rao giảng và mục đích của Chúa đến trần gian không phải chỉ để đáp ứng những nhu cầu vật chất và thể lý cho con người mà chính yếu là để chữa lành cho nhân loại khỏi chết vì tội và được sống hạnh phúc vĩnh cữu với Thiên Chúa trên Nước Trời. Vì thế, Chúa Giêsu đã không chữa lành cho tất cả mọi người câm điếc, đui mù, què quặt, cũng như không làm phép lạ để ban phát lương thực cho tất cả mọi người nghèo đói thời đó. Người chỉ làm một vài phép lạ để hoá bánh ra nhiều cũng như chỉ chữa lành cho một số bệnh nhân mà thôi. Chính vì mục đích đến để “chữa lành tâm hồn” hơn là thể xác cho con người nên một lần kia Chúa Giêsu đã chỉ trích nặng lời dân Do Thái như sau: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoại trừ dấu ông Giô-na” (Mt 16:4). Dấu lạ ông Giô-na là dấu ăn năn sám hối thực sự để được tha thứ mọi tội lỗi và khỏi bị tiêu diệt như dân thành Ninivê đã làm sau khi nghe ngôn sứ Giona giảng sự sám hối cho họ (x. Gn 3:1-9).

Nhưng việc “chữa lành” thân xác tự nó cũng không có gì sai trái và đáng phải quan tâm vì nó bắt nguồn từ Sứ Vụ Rao giảng và chữa lành của chính Chúa Giêsu như nói trên. Tuy nhiên, chúng ta chớ quên chân lý này: vinh quang phục sinh phải qua khổ nạn thập giá. Muốn theo Chúa thì phải bỏ mình và vác thập giá theo Người (Mt 17:24). Đau khổ đóng một vai trò rất quan trọng trong Chương Trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa thực hiện nơí Chúa Kitô, Đấng cũng phải rùng mình sợ hãi trước khổ nạn và đã xin với Chúa Cha “cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mk 14:36).

Như thế có nghĩa là chúng ta không thể tránh được đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, buồn phiền, chán nản khi sống thân phận con người trên trần thế này. Nhưng xin Chúa chữa lành hay giải thoát khi phải đau khổ, khốn khó cũng là điều tự nhiên phù hợp với nhân tính và không nghịch với Ý Chúa. Tuy nhiên, chúng ta chớ quên gương Chúa Giêsu khi đối diện với đau khổ: run sợ và muốn tránh né nhưng xin được vâng Ý Cha trên trời. Đây là thái độ thích đáng chúng ta phải có trong đời sống đức tin đối diện với đau khổ và trong sứ vụ rao giảng và chữa lành bệnh tật trong tâm hồn và thể xác cho con người. Nghĩa là không nên quá chú trọng vào việc “chữa lành” bệnh tật phần xác mà quên đi giá trị của đau khổ trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa.

Hàng năm có bao ngàn người đi hành hương ở những nơi nổi tiếng có phép lạ như Lộ Đức, Fatima, Majugorie, trong đó có rất nhiều bệnh nhân đủ loại tham dự với ước mong được chữa lành. Nhưng thực sự có bao nhiêu người được phép lạ khỏi bệnh? Có phải tất cả đều được lành khoẻ hay chỉ có một số nhỏ nào thôi? Nhưng điều này không có nghĩa là Chúa không thương, Đức Mẹ không phù hộ cho những người không nhận được phép lạ.

Vậy phải hiểu thế nào? Phải chăng đó là một điều bí nhiệm ta không thể giải thích thoả đáng được theo luận lý và khôn ngoan của loài người mà chỉ biết cúi đầu tuân phục thánh ý Chúa muốn thể hiện nơi từng cá nhân và ở mỗi hoàn cảnh đặc thù? Từ góc cạnh suy tư này, chúng ta nghĩ gì về Phong Trào chữa lành với hiện tượng té ngã, nói tiếng lạ?

Trước hết, nếu việc tụ tập giáo dân lại với chủ đích cầu xin ơn Chúa Thánh Linh để thêm biết thánh ý Chúa cho từng người hay cho từng tập thể, phong trào hầu biết sống đạo và hành đạo cho có chiều sâu và hữu ích hơn thì việc làm này quá tốt, quá đẹp vì rất phù hợp với đức tin và giáo lý của Giáo Hội. Ngược lại, nếu chỉ tụ tập, nói là để xin ơn Thánh linh với nghi thức “khác thường” như nhắm mắt, dương cao hai tay lên, lắc lư thân mình, miệng lâm râm cầu khẩn. Rồi linh mục chủ sự bất chợt đến đụng mạnh tay vào trán từng người (một số nhân chứng nói rõ là linh mục kia đã dúi mạnh tay vào trán họ chứ không phải đặt tay nhẹ nhàng lên đầu!). Kết quả có người té ngã có người không thể ngã được. Như vậy có nghĩa thế nào?

Chắc chắn đây không phải là nghi thức chữa lành thuộc Bí tích sức dầu của Giáo Hội. Nghi thức này đòi hỏi linh mục chủ sự đặt tay cầu nguyện cách nhẹ nhàng trên đầu bệnh nhân, nếu là trường hợp có một hay vài người được sức dầu. Nếu có số đông hơn thì chỉ cần giơ tay tượng trưng trên mọi nguời có mặt là đủ. Sau đó, mọi người muốn lãnh nhận bí tích đều phải được sức dầu đã làm phép (oil of the sick) trên trán và hai lòng bàn tay. Thiếu việc này thì không phải là cử hành bí tích chữa lành của Giáo Hội. Đó đó, nghi thức chữa lành của ai đang làm trong đó chỉ có việc “xô tay” vào trán người đang nhắm mắt với đôi tay giơ cao lên thì đây là nghi thức riêng tự biên tự diễn của người này chứ không phải là Nghi thức chữa lành của Giáo Hội. Tôi quả quyết như vậy.

Mặt khác, hiện tượng “té ngã” sau khi được đụng tay vào trán thì chắc chắn không phải là dấu chỉ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần đến thăm viếng ai.

Tuyệt đối, trong Giáo Hội, không có giáo lý, tín lý và bằng chứng kinh thánh nào dạy rằng khi Chúa Thánh Thần đến với ai thì người đó phải bị “quật ngã”, bất tỉnh trong ít phút và miệng lâm râm nói những gì không ai hiểu được. Sự thật ngược lại, chúng ta có thể đọc thấy trong Sách Tông Đồ Công Vụ về ngày Lễ Ngũ Tuần. Theo đó, khi các Tông Đồ đang tụ họp cầu nguyện trong phòng đóng kín, thì bỗng nghe có tiếng động như gió ào ào thổi vào căn phòng, rồi “họ thấy xuất hiện những hình giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:2-4)

Đây là sự kiện cả thể về việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ của Chúa Giêsu trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhưng không ai bị té ngã và bất tỉnh cả. Ngược lại, các Tông Đồ chỉ thấy mình được biến đổi, tâm trí được mở rộng ra, lòng đầy nhiệt huyết, can đảm mở tung cửa nhà ra để đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho dân Do Thái đang sinh sống ở Jerusalem, những việc mà trước đó các ông không thể làm được vì quá sợ hãi và thiếu xác tín.

Còn tiếng lạ mà các ông nói chính là ngôn ngữ của các dân “Pác-thia, Mêđia, Êlam, Mê xô pô ta-mia, Giuđê, Ca-pa-đô kia, Pontô và A-xia” (Cv 2:8), tức những ngôn ngữ mà các ông không nói được trước ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nay nhờ ơn Người, các ông bỗng dưng nói và “họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (cf. 2:6). Như thế, “tiếng lạ” mà các Tông Đồ nói đây không phải là thứ “tiếng lạ” không ai hiểu được của một số người “được té ngã” và nói ú ớ trong các buổi “chữa lành” kia.

Nhưng điều quan trọng tôi đã có dịp nói trong một bài viết trước đây là, nếu được “té ngã” mà sau đó cảm nghiệm được soi sáng rõ về một đường hướng thiêng liêng nào đó, nhất là được bình an trong tâm hồn và thêm lòng tin và yêu mến Chúa hơn, thì có thể xem đó là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho. Ngược lại, chỉ có ngã, nói ú ớ mà không cảm nghiệm gì về mặt thiêng liêng thì chắc chắn không có gì bảo đảm là được ơn của Chúa Thánh Thần. Hiện tượng “té ngã” chắc chắn không liên hệ gì đến việc Chúa Thánh Thần đến với một tâm hồn nào. Chúa Thánh Thần không khi nào đến để làm trò ảo thuật bao giờ. Chắc chắn như vậy.

Nếu chúng ta thành tâm chạy đến cầu xin Người thì chắc chắn Chúa Thánh Thần nghe và ban ơn cần thiết cho, tùy theo khôn ngoan của Người. Nghĩa là ai cũng nhận được ơn của Người, nhiều hay ít chứ không ai bị từ chối cả. Vậy nếu “hiện tượng té ngã” là dấu chỉ chắc chắn về ơn của Chúa Thánh Thần thì tất cả những ai tham dự việc cầu xin này cùng phải được “té ngã” mới đúng, vì ai cũng muốn xin ơn Người. Nhưng thực tế là chỉ có một số nào ngã còn số khác thì không.Như vậy, chẳng lẽ Chúa Thánh Thần lại “kỳ thị” hay “thiên vị” những ai chậy đến cùng Nguời? thật quá vô lý! Như vậy chắn chắn một điều là Chúa Thánh Thần không bao giờ làm cho ai phải thất vọng,chán nản khi đến cầu xin ơn Người. Nhưng cũng thực tế cho thấy là những ai không được té ngã thì sinh ra nghi ngờ, có khi chán nản vì thất vọng, trong khi những người được “té ngã” thì vui mừng vì nghĩ mình được Chúa Thánh Thần đến thăm! Đây là thực trạng của những người đã tham dự ít nhiều những buổi “chưã lành” kía. Và thực trạng này không tốt cho đời sống đức tin.

Xin nhắc lại: Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng Phù Trợ và An Ủi. Nên đến với ai thì Người soi sáng, ban bình an và sức mạnh thiêng liêng chứ không bao giờ “xô” cho ai ngã lăn ra, hoặc làm cho ai trở nên ngớ ngẩn, nói lảm nhảm tựa người mất trí như người ta lầm tưởng. Nhất là không làm cho ai phải thất vọng, lung lay đức tin khi đến cầu xin Người. Chắc chắn như vậy.

Vả lại, mục đích của việc cầu xin ơn Thánh Linh là để biết chiều hướng canh tân nội tâm phải hướng tới, để được chữa lành thương tích vì tội lỗi hay chỉ để được té ngã và nói lảm nhảm? Nếu chỉ được hai hiện tượng này thôi thì ích lợi gì về mặt thiêng liêng?

Mặt khác, cũng cần nói thêm ở đây về sự sai trái của một vài linh mục Dòng kia khi cử hành “việc chữa lành” này. Theo một số nhân chứng cho biết thì linh mục này, khi làm lễ “chữa lành” ở tư gia, đã phân phát bánh lễ (host) cho mọi người tham dự cầm tay khi linh mục đọc lời truyền phép (consecration) (có nhân chứng). Việc này trái luật phụng vụ và bí tích hoàn toàn.

Sai trái nghiêm trọng vì giáo dân –hay bất cứ ai tham dự thánh lễ ngay cả linh mục khác chỉ tham dự mà không đồng tế- thì cũng không được phép đọc chung kinh nguyện nào, nhất là Kinh Tạ Ơn (Kinh nguyện Thánh Thể) cùng với linh mục chủ tế. Cũng không được phép cầm bánh lễ cùng với linh mục chủ tế lúc truyền phép. Khi rước Mình Thánh (rước Lễ), nếu chọn cách rước bằng tay, thì phải bỏ ngay vào miệng trước mặt linh mục, phó tế hay thừa tác viên thánh thể phụ trách cho rước lễ (x. Redemptionis Sacramentum số 92). Nghĩa là không được phép cầm Mình Thánh Chúa lâu trên tay dù là để thờ lậy hay cầu nguyện vắn như có người đã giải thích để bào chữa sai lầm. Việc thờ lậy này có thể làm sau khi đã rước Chúa vào lòng và về chỗ ngồi. Đó mới là lúc thích hợp để tâm sự riêng tư với Chúa. Không thể lấy lý do cầu nguyện, thờ lậy để trì hoãn đôi phút việc rước Chúa vào lòng sau khi nhận được Mình Thánh trên tay. Đây là kỷ luật về phụng vụ Thánh Lễ theo Redemptionis Sacramentum.

Lại nữa, linh mục này còn làm phép dầu cho giáo dân mang về sức cho nhau hay làm việc riêng, cũng như đã bán dầu làm phép này nữa!!! (có nhân chứng chắc chắn). Như vậy, không những đã vi phạm kỷ luật về bí tích mà còn công khai phạm tội mại thánh (simonia) vì buôn bán đồ thánh (dầu đã làm phép chỉ có linh mục được phép sử dụng vào việc ban các bí tích mà thôi).

Ngoài ra, còn có linh mục khác, trong Lễ “chữa lành” cũng tự ý nói lảm nhãm không ai hiểu gì để cho người tham dự lầm tưởng là “linh mục đã được ơn nói tiếng lạ của Chúa Thánh Thần!”. Đây cũng chắc chắn là hình thức “phóng túng” (fantaisie) phụng vụ thánh mà thôi, vì không có môn thần học hay bí tích nào trong chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ ở các chủng viện dạy môn “quái dị” này cho chủng sinh hay tu sinh.

Vậy linh mục kia căn cứ vào đâu mà tự ý “nói lảm nhảm” sau khi truyền phép (consecration) bánh và rượu?

Chưa hết, còn một số linh mục khác đã phối hợp “nhân điện” vào việc chữa lành và đã công khai nắm bóp tay, lưng, cổ của các nữ bệnh nhân trong các buổi chữa lành ở nhà thờ hay tư gia (có nhân chứng đáng tin cậy đã chứng kiến việc này kể lại). Xin nói nhỏ để các linh mục này biết là các ngài có thể dễ bị “sue” về tội sexual harassment, nếu một nữ bệnh nhân đi thưa cảnh sát về cử chỉ “sờ mó tay cổ” này. Và trong trường hợp ấy thì Toà Giám Mục liên hệ sẽ hết thuốc chữa, và đành ngả cổ ra bồi thường rồi mang thêm tiếng xấu công khai về hành vi “nhũng lạm” của linh mục mình.

Tóm lại, cầu xin ơn Thánh Linh là việc đạo đức tốt lành rất đáng được khuyến khích. Phong Trào hay cá nhân nào cổ võ việc này đều đáng được khuyến khích và ca ngượi. Nhưng phải thận trọng để tránh gây hiểu lầm về ơn Chúa Thánh Thần và hậu quả tai hại cho đức tin của người tham dự. Cầu xin ơn Thánh Linh chủ yếu phải là mong muốn nhận được ơn soi sáng, sức mạnh thiêng liêng và bình an nội tâm để biết sống và tin yêu Chúa cách sâu đậm và chân thực hơn, chứ không phải chỉ để được “té ngã và nói lảm nhảm”.

Mọi linh mục đều có sứ mệnh rất cao trọng là giảng dạy chân lý của Chúa Kitô và thực hành đúng đắn mọi nghi thức của phụng vụ thánh để nuôi dưỡng đức tin và đời sống thiêng liêng của dân Chúa được giao phó cho sự chăm sóc mục vụ của mình. Do đó, không ai được phép chiều theo thị hiếu của quần chúng để “tự biên tự diễn” phụng vụ và bí tích, phương haị cho kỷ luật chung của Giáo Hội, cho niềm tin của giáo dân, và tạo gương xấu cho người ngoài. Xin mở một ngoặc đơn về điều tai hại sau cùng này là đã có những người ngoài Công giáo đến dự các buổi chữa lành trên và chế riễu trò “té ngã và nói lảm nhảm” kia sau khi tham dự ra về!

Ấy là chưa kể đến chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa 2 linh mục cùng chữa lành, một ở Mỹ và một ở Canada, đã mâu thuẫn nhau hoàn toàn trong việc diễn tuồng “chữa lành” này mà nhiều người đã chứng kiến.

Lậy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến để dạy chúng con biết cầu nguyện và biết trông cậy Chúa cách tốt nhất để mưu ích cho phần rỗi của chúng con. Amen.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 17.11.2006. 02:59