Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một Vài Vấn Đề Liên Can Đến Hôn Nhân Theo Giáo Luật

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: 1- xin cha giải thích, trong hôn nhân, nếu đôi hôn phối là thừa tác viên chính thì cần gì đến sự có mặt của linh mục hay phó tế và hai người làm chứng khi cử hành nghi thức hôn phối hay lễ cưới nữa? 2- những người đã ly dị còn được xưng tội rước lễ nữa không?

Trả lời:

1- Đúng, trong bí tích hôn phối, theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, thì “hai vợ chồng là những thừa tác viên của ân sủng Chúa Kitô để ban bí tích hôn phối cho nhau bằng cách bày tỏ sự ưng thuận của mình trước mặt Giáo Hội…” (x. SGLGHCG, số 1623)

Tuy nhiên, dù đôi hôn phối là thừa tác viên chính (ministers) để trao bí tích cho nhau, nhưng việc này phải được bày tỏ trước mặt Giáo Hội. Cụ thể, trước mặt đại diện hợp pháp của Giáo Hội là một linh mục hay một phó tế được ủy quyền chứng hôn cùng với sự có mặt của hai người làm chứng (witnesses). Linh mục hay phó tế phải có mặt để chứng kiến việc trao đổi sự ưng thuận kết hôn của hai người và chúc phúc (bless) cho họ nhân danh Chúa Kitô. Sự chứng kiến (witnessing) và chúc phúc này cùng với sự hiện diện của hai người chứng rất quan trọng và cần thiết cho sự hữu hiệu (validity) của hôn uớc đến nỗi, nếu thiếu một trong hai yếu tố này, thì hôn nhân kia không thể thành sự được, mặc dù đôi tân hôn là thừa tác viên chính trong bí tích của họ.

Giáo luật số 1108, Triệt 1đã nói rõ điều này như sau: “Hôn phối chỉ hữu hiệu (validly) nếu được kết lập trước mặt Bản Quyền sở tại, hoặc Cha xứ, hoặc một tư tế hay phó tế được ủy nhiệm chứng hôn, và trước mặt hai người làm chứng.

Như vậy, đôi trai gái không thể mang nhau ra công viên, bãi biển hay khách sạn rồi tự do trao đổi lời cam kết lấy nhau mà thành sự hôn phối được. Việc họ hoàn toàn tự do ưng thuận lấy nhau (freely mutual consent), nghĩa là không ai bị ép buộc, chỉ là một yếu tố cần thiết cho sự hữu hiệu (thành sự = validity) của hôn uớc ngoài những yếu tố quan trọng khác trong đó có điều kiện phải được chứng kiến và chúc phúc của đại diện Giáo Hội trước mặt hai người chứng và được cử hành đúng theo nghi thức hôn phối của Giáo Hội (Rite of Marriage). Nói khác đi, nếu thiếu sự chứng kiến và chúc lành của đại diện hợp pháp của Giáo Hội hoặc thiếu hai người chứng thì hôn phối không thể thành sự được, cho dù đôi tân hôn hội đủ những điều kiện khác và là thừa tác viện của bí tích theo giáo lý của Giáo hội.

2- Cần nói rõ thế nào là đã ly dị mà vẫn còn lãnh nhận các bí tích hoà giải và thánh thể.

Nếu một người, vì lý do gì, đã ly dị với người phối ngẫu ngoài toà án dân sự và đã được toà án hôn phối của Giáo quyền tuyên bố cho tiêu hôn (annulment), thì không những không có trở ngại nào để lãnh các bí tích mà còn có thể được tái hôn hợp pháp nữa.

Nhưng nếu chỉ ly dị ở toà án dân sự thôi và chưa được toà án hôn phối của giáo quyền cho tháo gỡ hôn phối cũ mà lại sống chung với người khác như vợ chồng thì đây mới là trường hợp không được phép lãnh nhận bí tích hoà giải hay Thánh Thể, tức là xưng tội và rước Lễ. Lý do là bao lâu hôn phối cũ chưa được tháo gỡ (annulled) thì hai người phối ngẫu vẫn còn bị ràng buộc bởi hôn phối này, nên sống chung với người khác là công khai phạm tội ngoại tình và là gương xấu phải tránh, vì Giáo Hội không công nhận việc ly dị dân sự. Giáo Hội, qua toà án hôn phối (Diocesan Tribunal) chỉ cứu xét để biết xem hôn phối cũ có được kết hợp thành sự (validly) và hợp pháp (licitly) trong Giáo Hội hay không. Nếu có đủ yếu tố về việc không thành sự này thì Giáo Hội sẽ tuyên bố cho tiêu hôn nghĩa là nhìn nhận rằng hôn phối kia đã không thành bí tích ngay từ đầu.

Cũng vì lý do hôn phối phải có những điều kiện tối cần để thành sự, nên cũng cần nói thêm ở đây về tệ nạn của việc môi giới và kết hôn hiện nay ở một số nơi.

Nói rõ hơn, hôn phối không phải là việc mua bán, một dịch vụ (a business or service) cho ai khai thác để kiếm tiền, để tư lợi. Hôn phối là một bí tích cao trọng qua đó hai người nam nữ giao kết trung thành và bền vững yêu thương nhau để chu toàn mục đích và trách nhiệm của hôn nhân, tức là cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và làm chứng cho tình yêu không hề thay đổi của Người đối với nhân loại.

Như vậy, những ai muốn kết hôn vì mục đích vị kỷ, vì tư lợi của riêng mình, như lợi dụng hôn nhân để xuất ngoại, hay để lấy tiền thuê mướn của người khác, hoặc bị lừa dối về thể nhân thì hôn phối không thể hữu hiệu được. (x. giáo luật số 1096-98). Và những ai làm những việc này với mục đích trên đều có lỗi trước mặt Chúa.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 31.10.2007. 18:47