Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một vài sai trái về Phép Công Bằng và Gương Xấu

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi : xin cha cho biết :

  1. Khai gian để lấy tiền bồi thường tai nạn của bảo hiểm có tội không?
  2. Mở tiêm bán Video, DVD “XXX” có tội không?

Trả lời : Là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, ai cũng có bổn phận phải làm chứng tá (witness) cho Chúa trước mặt người đời để giúp họ nhân biết Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (x. Mt 5:16).

Chính trong tinh thần làm men, làm muối và làm ánh sáng cho Chúa Kitô trong trần thế mà người tín hữu được mời gọi và có bổn phận phải nêu cao những giá trị của Tin Mừng, của Phúc Âm sự Sống trong mọi môi trường xã hội ngày nay để góp phần tích cực vào sứ mạng phúc âm hoá thế giới

mà Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội (x. Mt 28:19-20).

Một trong những giá trị đó là đức công bằng đòi buộc mọi người phải tôn trọng tính mạng, danh dự và tài sản của người khác vì Thiên Chúa là Đấng nhân lành và công bình (a Merciful and Just God).

1- Do đó, liên quan đến câu hỏi thứ nhất, điều răn thứ bảy

“Cấm lấy hoặc giữ của cải của người khác cách bất công hoặc làm hại tài sản của tha nhân bất cứ cách nào…” (x. SGLGHCG, số 2401)

Điều răn này dựa trên lệnh truyền sau đây của Thiên Chúa:

“Ngươi không được phạm tội trộm cắp” (Xh 20:15; Đnl 5,19; Mt 19:18).

Trong thực hành, lỗi phạm điều răn này có nhiều cách và hình thức.

Cách trắng trợn là cướp hay lấy trộm tiền bạc và những vật dụng thuộc quyền sở hữu của người khác như xe cộ, máy móc, đồ dùng, quần áo, thuốc men, thực phẩm v.v. Hoặc khéo léo che đậy bằng cách ngụy tạo giấy tờ hoặc lợi dụng sơ hở của luật pháp (loopholes) như khai man để trốn thuế, để ăn tiền trợ cấp xã hội (welfare &foodstamps), trợ cấp tàn tật (disabilities) hoặc lấy bồi thường của bảo hiểm về tai nạn xe cộ.

Đây là một dịch vụ công khai gian lận rất thông dụng ở Mỹ. Cụ thể, khi có tai nạn xe cộ xảy ra, những người làm dịch vụ này thường tìm đến các nạn nhân để xin thay mặt lo việc bồi thường. Về mặt pháp lý thì đúng vì người bị tai nạn và xe bị hư được quyền đòi phiá gây tai nạn phải bồi thường cân xứng. Do đó, những người làm dịch vụ xin bồi thường cấu kết với luật sư và bác sĩ để chứng thương nhiều hơn hay ít là đến mực bảo hiểm phải bồi thường theo luật. Tiền bồi thường nhờ luật sư thay mặt đòi hộ sẽ được chia theo tỷ lệ giữa bác sĩ, luật sư, người lo dịch vụ và người được bồi thường.

Nếu quả thực thiệt haị về vật chất và sức khoẻ mà đúng như lời khai và giấy chứng nhận thì không nói làm gì vì đó là sự công bằng đòi hỏi phải đền bù cân xứng với thiệt hại đã gây ra. Nhưng nếu chứng gian, khai gian việc này để lấy tiền của bảo hiểm mà chia nhau thì tất cả những ai tham dự vào việc này đều lỗi đức công bằng mà điều răn thứ bảy đòi buộc tuân giữ.

Nói rõ hơn, người Công Giáo làm dịch vụ này hoặc nhận tiền khai gian nhờ dịch vụ này thì chắc chắn phạm tội lỗi đức công bằng.

Không thể lý luận rằng các hãng bảo hiểm thu được rất nhiều tiền của các thân chủ nên bằng mọi cách mình phải lấy lại của họ. Họ làm ăn bất chính cách nào mặc họ, nhưng đức công bằng không cho phép ta lấy tiền của họ cách trái với lương tâm và đạo đức. Người có đức tin thì phải sống đức tin trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp. Nghĩa là không có luật trừ nào cho phép chứng gian hay khai man để lấy tiền của ai cả. Điều này cũng áp dụng cho những trường hợp khai gian để hưởng các trợ cấp xã hội khác như welfare, foodstamps, trợ cấp thất nghiệp (làm tiền mặt và khai thất nghiệp) xin ly dị giả để hưởng trợ cấp single parents và Medicaid hoặc nhận làm hôn thú giả để lấy tiền của những người muốn vào Mỹ định cư theo diện kết hôn. Tất cả đều lỗi đức công bằng vì gian tham trái phép.

2- Về câu hỏi thứ hai, xin được trả lời một lần nữa như sau :

Trong thời đại ngập tràn “văn hoá sự chết” hiện nay ở khắp nơi, người ta không từ bỏ một hình thức hay phương cách nào để kiếm tiền dù hậu quả là đầu độc cả một thế hệ nhất là giới trẻ về mặt tinh thần. Vì thế, người ta đã và đang đầu tư mạnh vào kỷ nghệ sản xuất sách báo và phim ảnh dâm ô để kiếm tiền, bất chấp những hậu quả tại hại cho sự phát triển lành mạnh về tinh thần và đạo đức của người lớn và trẻ con. Đây là sự dữ mà Chúa Giêsu đã lên án xưa kia:

“Không thể không có cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển còn lợi cho nó hơn là để cho nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (x. Lc 17:1-2)

Tại sao nạn giết người, bắt cóc, hiếp dâm xẩy ra nhan nhản hàng ngày ở khắp nơi?

Tai sao trẻ con mới 8, 9 tuổi đã phạm những tội tầy trời này?

Câu trả lời đúng nhất là tại phim ảnh, sách báo đồi truỵ được công khai bày bán ở các tiệm sách báo hay trình chiếu trên TV ngày đêm !

Như thế rõ rệt cho thấy những phim ảnh, và sách báo vô luân kia đã và đang gây ra những tác hại to lớn về mặt luân lý đạo đức cho những ai xem và đọc những sản phẩm đồi truỵ này. Vì thế, những người sản xuất, những ai tiếp tay để phổ biến và những người xem hay đọc những sách báo phim ảnh dâm ô này đều có lỗi nặng về mặt luân lý đạo đức.

Nói rõ hơn, người Công giáo không những không được phép xem và đọc những sản phẩm vô luân này mà còn không được phép tiếp tay để quảng bá, giúp tiêu thụ những sản phẩm xấu đó nữa. Cụ thể, mở tiệm buôn bán phim ảnh (Video, DVD) và sách báo dâm ô là tạo dịp tội cho người khác sa ngã như Chúa Giêsu đã lên án trên đây. Cũng mắc tội làm cớ cho người khác sa ngã phải kể thêm những người quảng cáo và chỉ vẽ cho người khác những phương tiện và phương cách để hưởng thú vui xác thịt cách bất chính như quảng cáo sửa nắn thân thể, mô tả chi tiết các hành động dâm đãng và buôn bán những chất kích thích dâm tính. Cần phân biệt rõ sự chăm sóc sức khoẻ cho cơ thể (health care) hoàn toàn khác xa việc sử dụng cơ thể cho những thú vui bất chính, vô luân.

Tóm lại, những ai muốn sống theo đường lối của Chúa thì chắc chắn không thể coi thường lời Chúa cảnh cáo về nguy cơ của gương xấu, dịp tội. Muốn tránh tội, phải tránh dịp tội.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 02.01.2008. 10:56