Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một Thoáng Suy Tư về Thiên Chức và Sứ Vụ Linh Mục

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Nhân thứ Năm Tuần Thánh kỷ niệm Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục, tôi muốn suy tư ít điều về chức thánh Linh mục mà tôi được nhận lãnh từ 19 năm nay. Thật là một hồng ân lớn lao tôi không ngờ đã nhận được ở tuổi trung niên. Đây thật quả là một bí nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa dành cho mỗi người và cách riêng cho tôi, một tạo vật lẽ ra không xứng đáng và thích hợp để lãnh nhận hồng ân này. Tôi không hề “khiêm nhường giả tạo” để thú nhận như thế. Tuy nhiên, suy nghĩ lại trường hợp những người đã được kêu gọi làm ngôn sứ, làm tông đồ để lãnh đạo hay dẫn dắt Dân Chúa từ thời Cưụ Ước đến Tân Ước, thì tôi lại thêm can đảm và yên tâm bước đi trong ơn gọi của mình.

Thật vậy, cứ xét trường hợp của ông Môsê và Vua Thánh Đavid làm tiêu biểu. Môsê từng là một tên sát nhân, đã giết một người Aicập và phải trốn sang vùng đất Mê-đi-an để làm nghề chăn chiên cho cha vợ là tư tế Rơ-u-en. Ông lại không có tài ăn nói như ông đã viện ra để từ chối Thiên Chúa khi Ngài sai ông đến gặp Vua Pharao để xin đem dân Do Thái hồi hương. Vậy mà Thiên Chúa vẫn không thay đổi ý định chọn ông làm lãnh tụ để dân đưa dân của Ngài ra khỏi Ai Cập. (x. Xh 1 -4).

Đến Vua Thánh Đa-vít thì người ta còn phải ngạc nhiên hơn nữa. Trước hết, Đavít chỉ là một câu bé chăn chiên, vóc dáng nhỏ bé, không có gì là oai phong, chững chạc như Ê-li-áp, một trong những người con trai của Jesse mà Samuel đã lầm tưởng là Chúa đã chọn để phong vương thay cho vua Saul. Nhưng không, Chúa phán bảo Samuel “Đừng xét đoán theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu của người phàm: người phàm chỉ nhìn điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì nhìn tận đáy lòng.” (1 Sm 16: 6-7). Thế là Đa-vit đã được sức dầu phong vương thay cho Saul. Nhưng khi ở trên ngôi báu, ngoài những việc tốt đã làm, Đavít cũng đã pham tội to lớn như cướp vợ của U-ri-gia và còn sắp đặt để cho người chồng bất hạnh này bị giết ngoài trận địa ! (x. 2Sm 11: 2-14). Nhưng Đavit đã thực tâm sám hối và đã được tha thứ để trở thành vị đại thánh của Dân tộc Do Thái.

Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng đã làm chuyện “ngược đời”: Ngài không chọn những người thông thái trong hàng luật sĩ, cũng không chọn những người tự cho là thánh thiện trong giới Biệt phái. Ngược lại, Chúa đã chọn những người rất tầm thường làm môn đệ. Đó là những ngư phủ thất học miền biển hồ Gali-lê, kể cả người bị xã hội coi là “tội lỗi” vì làm nghề người thu thuế như Mát thêu. Đặc biệt, Chúa vẫn chọn Phêrô làm Giáo Hoàng tiên khởi để lãnh đạo Giáo Hội sơ khai, mặc dù Phêrô đã 3 lần công khai chối Chúa. Sự kiện này cho thấy Chúa chọn ai không vì phẩm chất tốt sẵn có của người ấy, mà vì Chúa muốn làm “sự lạ lùng“ nơi họ mà thôi. Tôi tin chắc những ai được mời gọi làm tông đồ cho Chúa, cụ thể là làm linh mục, cũng đều có chung nhận định này. Như vậy, không ai có thể tự kiêu hãnh gì được mỗi khi nghĩ đến lý do mình được mời gọi.

Tuy nhiên, trọng tâm của bài suy tư ngắn này không nhằm đào sâu nền tảng thần học về ơn gọi và chức linh mục mà chỉ nhằm nói lên một vài suy tư về linh đạo (spirituality) và chức năng ngôn sứ (prophetic office) của linh mục mà thôi.

Thật vậy, suy nghĩ về hai phạm vi trên, tôi đặc biệt chú ý đến hai lời dạy bảo sau đây của Chúa Giêsu :

I- Trước hết, khi nói với các môn đệ mà Ngài sai đi, Chúa Giêsu đã căn dặn :

Anh em hãy ra đi, Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giầy dép.” (Lc 10: 3-4)

Chắc chắn Chúa Giêsu chỉ có ý khuyên các tông đồ trên hết phải trông cậy vào Chúa cho sự thành công của mọi việc họ muốn làm, vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15: 5). Như thế, họ không nên đặt nặng vấn đề phương tiện vật chất khi thi hành sứ vụ. Thời các thánh tông đồ thì nhu cầu vật chất không phức tạp và cần thiết như thời nay. Họ không có nhiều “bills” phải trả như các linh mục coi xứ bây giờ, (đặc biệt ở các nước Âu –Mỹ, ÚC, Tân Tây Lan). Họ không phải mua bảo hiểm sức khỏe và cũng không cần xe cộ để di chuyển như linh mục ngày nay. Vì thế, họ không cần tiền để chi phí tiêu dùng. Tuy nhiên, dù bây giờ người tông đồ cần tiền và nhiều phương tiện vật chất hơn xưa, nhưng không vì thế mà không sống được tình thần khó nghèo của Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã nêu gương sáng trước tiên. Gia tài của Chúa chỉ có hang bò lừa khi Người mới sinh ra và cây thập giá khi chết đi. Tuyệt đối không cửa, không nhà, không tài sản, không đền thờ, nhà cầu nguyện. Đúng là “chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8: 20).

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, không tông đồ nào có thể sống “khó nghèo về vật chất” như Chúa Giêsu được. Ngay cả các tu sĩ Phanxicô và Đa Minh trước kia chuyên đi ăn xin ngoài đường phố thì nay cũng không còn thực hành hình thức khó nghèo này nưã. Dầu vậy, không phải vì thế mà “cái nghèo” của Chúa Kitô không còn giá trị thực tế nữa. Giáo Hội vẫn đề cao và rao giảng sự khó nghèo của Chúa đấy chứ ? Đó là sự khó nghèo về tinh thần để không ham mê tiền bạc và của cải vật chất đến độ quên mất hay coi nhẹ sự giầu sang phú qúi của Nuớc Trời, nơi trộm cắp không thể bén bảng và mối một không thể gặm nhấm được. Nhưng thực tế, linh mục, hình ảnh Chúa Kitô thứ hai (Alter Christus) có thực sự sống cái nghèo này hay không? Hay chỉ giảng cho người khác nghe và bảo người ta thực hành, còn mình thì lại không sống điều mình rao giảng ? Mình giảng đức bác ái, đại lượng cho người khác, trong khi không sống đức ấy ngay với anh em trong một nhà, hay trong một cộng đồng huynh đệ nhỏ bé. Và đó mới là vấn đề cần suy tư, trăn trở.

Vẵn biết, không ai lại áp dụng cách máy móc lời Chúa căn dặn các tông đồ xưa kia vào hoàn cảnh xã hội thời nay. Nhưng không nên vì thực tế phải sống mà chậy theo đồng tiền và phương tiện vật chất đến gây tai tiếng, phương hại cho uy tín và sứ vụ rao giảng của linh mục ở khắp nơi.

Qua Thánh chức được khai sinh trong đêm tiệc ly, linh mục được tham dự vào Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô để thi hành ba chức năng cao trọng là tư tế, ngôn sứ và vương đế. Nhưng trước hết linh mục phải nên giống Chúa Kitô, “Người vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” (2 Cor 8: 9).

Chúa Kitô chắc chắn không hề đóng kịch nghèo khó để phỉnh gạt ai, để bảo ai lội xuống xình lầy còn mình ung dung đi trên bờ khô ráo. Không nghiêm khắc truyền cho ai phải sống khó nghèo, không được có tiền trong túi, trong khi mình thì ăn sung mặc sướng, ở nhà cao cửa rộng với mọi tiện nghi, và còn đi khắp nơi để quyên thêm tiền cho những nhu cầu bất tận. Nếu không vì ham mê tiền của, thì tại sao lại có một số linh mục đã làm giấy tờ gỉa mạo, giả tàng tật để đi quyên tiền khiến bị phanh phui tố cáo trên truyền thông, làm xấu hổ cho số đông linh mục thực sự sống khó nghèo, không lợi dụng hoàn cảnh để đi xin tiền triền miên ở khắp nơi ? Và cũng vì mê tiền nên có người đã từ bỏ sứ vụ sau mấy chuyến xuất ngoại, kiếm được khá nhiều dollars !

Lại nữa, cũng vì ham tiền nên rất nhiều linh mục đã không dám nói rõ cho giáo dân biết về giá bổng lễ phải trả để cứ ung dung lấy gấp ba, gấp bốn số tiền qui định cho một ý lễ ! Có người còn chê ít, không nhận dâng lễ khi người xin chỉ có 5 hay 10 dollars ! (có linh mục đã nói thẳng với người xin lễ sau khi mở phong bì thấy có 10 dollars: thôi để tôi gửi đi nơi khác nhờ làm nhé!, nhưng khi đưa thêm 10 dollars nữa, thì linh mục lại vui vẻ ghi vào sổ lễ !)

Tệ hại hơn nữa, một số linh mục và nhà Dòng đã bầy ra việc “xin lễ đời đời” và “mua hậu” để lấy hàng chục ngàn dollars của những người nhẹ dạ không am hiểu giáo lý về mục đích xin lễ cầu cho các người đã qua đời. Như vậy, linh mục có sống đúng với giáo lý và tinh thần khó nghèo mà Chúa Giêsu đã nêu gương sáng hay không ? Và như vậy có giúp mở mang Nước Chúa cách hưũ hiệu và giúp người ta nhận ra Chúa Giêsu khó nghèo nơi các môn đệ thời này của Người hay không ?

II-  Liên quan đến chức năng ngôn sứ, tôi đặc biệt chú ý câu trả lời sau đây của Chúa Giêsu cho Tổng trấn Phi, la-tô xưa kia:

Tôi đã sinh ra và đến thế gian vì điều này:
Đó là để làm chứng cho sự thật
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi
.” (Ga 18:37)

Chúa làm chứng cho sự thật vì Ngài là “Đường, là sự Thật và là sự Sống”. Linh mục được chia sẻ chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô, thì hơn ai hết và quan trọng nhất trong sứ vụ, là phải nói sự thật, giảng sự thật và làm chứng cho sự thật, dù có phải hy sinh mạng sống như Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh của mình. Nhưng tiếc thay, qua các thời đại và chế độ chính trị, nhiều linh mục đã không sống trung thành với chức năng này. Họ đã trở thành những người có tai mà không nghe, có mắt mà không nhìn, hay nhìn đen ra trắng chỉ vì ham mê danh vọng và địa vị trần thế, hay vì muốn an thân để cầu lợi.

Cụ thể, đã có những linh mục khom lưng làm tay sai cho thế quyền để hại anh em và để ngầm phá Giáo Hội chỉ vì tham vọng cá nhân và danh lợi trần thế! Chính vì thân phận “tay sai” mà có người đã trà đạp sự thật, đổi trắng thay đen, bóp méo sự kiện lịch sử mặc dù mình có học vị cao về Sử học, đáng lẽ phải làm chứng cho sự kiện lịch sử này. Và cũng vì “chức năng tay sai” mà một số người khác cũng đã vô liêm sỉ uốn ba tấc luỡi nịnh bợ chế độ với những lời ca tụng trơ trẽn còn để đời. Họ lầm tưởng như vậy là thi hành sứ mạng làm “tốt Đạo, đẹp đời”. Nhưng thật ra, họ đã phản bội sứ vụ và chức năng ngôn sứ của mình.

Linh mục của Chúa Kitô tuyệt đối không có vai trò chính trị nào để ủng hộ hay chống đối ai. Linh mục chỉ có chức năng cao cả là làm chứng cho sự thật như Đức Kitô đã nói về lý do Người đến trong trần gian cách nay trên 2000 năm. Sự thật đó chính là Đức Kitô, Đấng đã đến để giải phóng cho con người khỏi nô lệ cho mọi tội lỗi trá hình dưới mọi hình thái của gian ác, độc dữ, gian manh, ích kỷ, lãnh cảm truớc sự đau khổ của người khác, bất công, bóc lột, tham ô, luồn cúi nịnh bợ để trục lợi và hại người, hèn nhát thay trắng đổi đen, ham mê tiền của, danh vọng và mọi thú vui vô luân, bất chánh… của văn hoá sự chết.

Chỉ có sự thật là Đức Kitô mới giải phóng cho con người khỏi nô lệ cho sự dữ, sự mê lầm để tiến đến hạnh phúc trường sinh mà thôi.

Không trung thành với sứ mạng và chức năng làm chứng cho sự thật, linh mục sẽ là dấu phản chứng tệ hại hơn mọi hình thức phản chứng khác của những ai có tránh nhiệm làm nhân chứng cho Chúa Kitô trong trần thế này. Hơn thế nữa, linh mục sẽ đánh mất “căn tính” (identity) của mình khi trà trộn vào những phạm vi thế tục, dù với danh nghĩa là “đem đạo vào đời” hay “sống và hành đạo trong lòng dân tộc” nhưng thực chất chỉ là tay sai cho thế quyền để bênh đỡ, “mẹ hát con khen khéo” bao che cho những việc mà đáng lẽ phải có can đảm lên tiếng phê bình hay phản đối vì chức năng làm chứng cho sự thật, tức là đứng về phe Đức Kitô.

Đạo Công Giáo (Catholicism) mà Chúa Giêsu khai sinh không hề có mục đích trở thành “quốc giáo” ở bất cứ nơi nào trên trái đất này. Chúa không sai các Tồng Đồ xưa kia và Giáo Hội ngày nay đi bắt bớ và ép buộc ai phải theo Đạo. Ngược lại, Chúa chỉ mời gọi con người chấp nhận và bước đi theo Người là Đường, là sự Thật và là sự Sống mà thôi. Ai không tin, không theo thì đó là quyền tự do của người ấy, và Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do lựa chọn này. Chấp nhận Đạo của Chúa là chấp nhận sống trong tình thương, bác ái, công lý, bình đẳng và hoà bình. Đó là những giá trị mà mọi nền văn hoá, văn mính và mọi dân tộc đề cao và ham chuộng. Như thế, Đạo Công Giáo phải là tài sản chung của mọi dân tộc yêu chuộng tự do, công lý, hoà bình và nhân ái.

Nghĩa là, Công Giáo không cần mang nhãn hiệu riêng của dân tộc nào để được nhìn nhận là muốn đồng hành với dân tộc đó trong môi trường xã hội đặc thù. Bầy ra loại “nhãn hiệu” nào chỉ là phương thức nhằm loại bỏ những ai không chấp nhận và gây chia rẽ giữa những người khom lưng làm tay sai với đa số không tán thành mà thôi. Đạo Công Giáo, tự bản chất là Đạo yêu thương và công bình.

Yêu thương thì phải có đối tượng cụ thể và thực tế. Người Công giáo cũng là người công dân của bất cứ quốc gia nào nơi mình sinh ra và lớn lên. Như thế, đương nhiên người công giáo phải yêu tổ quốc và đồng bào của mình bất kể những khác biệt về tín ngưỡng, địa vị xã hội và trình độ văn hóa. Đó là điều tất nhiên không cần ai phải nhắc nhở, hô hào. Cũng như không cần phải gia nhập một tổ chức trần thế nào thì mới được coi là mến Chúa, yêu nước, yêu dân tộc. Nói khác đi, yêu Chúa thì phải yêu người cách chung và yêu đồng bào của mình cách riêng. Yêu đồng bào cũng gắn liền với yêu quê hương trần thế nới mình sinh trưởng và hãnh diện là công dân. Nhưng yêu nước, yêu quê hương không đồng nghĩa với yêu chế độ cai trị xã hội vì chế độ hay hệ thống cai trị xã hội có thể tốt, có thể xấu, có thể phù hợp hay nghịch với những giá trị của Đạo mà mình tin và thực hành.

Tóm lại, linh mục của Chúa Kitô phải là hiện thân cho Chúa về những giá trị và chân lý mà Người đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Lậy Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh, xin giúp chúng con sống can trường với linh đạo và chức năng ngôn sứ mà Chúa đã chia sẻ cho chúng con qua Chức Linh Mục.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 17.03.2008. 09:21