Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Đời Đời?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích rõ vì sao có nơi vẫn nhận "Lễ đời đời" cũng như có những linh mục vẫn khuyến khích và nhận tiền giáo dân xin "Lễ đời đời"?

Trả lời: Tôi đã hơn một lần giải thích về việc này. Nay xin nói lại một lần nữa để quí độc giả Công Giáo khắp nơi được rõ và hy vọng đây là lần chót tôi không phải nói đến vần đề này nữa.

Trước hết, ta cần hiểu rõ lý do vì sao nên xin lễ cầu cho kẻ sống và nhất là cho kẻ chết.

Thánh Lễ là việc đạo đức cao trọng và có giá trị nhất để xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi và ban mọi ơn lành hồn xác cho ta vì đây là Hy Tế của Chúa Giêsu dâng đẹp lòng Chúa Cha nhất. Do đó, xin lễ cầu cho ai, nhất là cho những người đã qua đời là việc bác ái đạo đức hữu hiệu nhất để giúp đỡ cho người khác.

I- Lý do phải cầu nguyện cho kẻ chết:

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy như sau về sự cần thiết và giá trị của việc cầu nguyện cho kẻ chết:

“Giáo huấn này cũng dựa vào việc cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Kinh Thánh: “Đó là lý do tại sao ông Giuđa Maccabê xin dâng hy tế đền tội cho những người đẵ chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12:46).

Ngay từ khởi đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua đời và cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Thánh Lễ để họ được thanh tẩy và tiến vào chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo Hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm việc đền tạ để giúp những người đã qua đời.” (x. SGLGHCG, số 1032).

Như thế, việc xin lễ cầu nguyện cho những tín hữu đã ly trần là việc đạo đức được khuyến khích trong Giáo Hội từ xưa đến nay.

II- Những linh hồn nào được hưởng những ơn ích thiêng liêng của Thánh Lễ ?

Cũng theo giáo lý của Giáo Hội thì sau khi lìa khỏi xác qua sự chết, một linh hồn sẽ chịu phán xét riêng để hoặc được thâu nhận ngay vào Thiên Đàng, hoặc phải được thanh luyện thêm trong nơi gọi là luyện tội (purgatory) hay chịu án phạt đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục. (cf. Sđd, số 1022)

Ở 3 nơi trên thì chỉ những linh hồn đang còn ở luyện tội mới cần sự giúp đỡ của Đức Mẹ và các Thánh trên Thiên Đàng cũng như những người còn sống đang hiệp thông với Giáo Hội trên trần thế. Các linh hồn đã được vào Thiên Đàng và gia nhập hàng ngũ các Thánh rồi thì không cần sự giúp đỡ thiêng liêng nào của ai nữa.Ngược lại, các linh hồn đang bị phạt trong hỏa ngục thì không ai có thể cứu giúp được nữa, vì đó là “tình trạng ly khai vĩnh viễn khỏi mọi hiệp thông với Chúa và với các thánh trên trời.” (cf. Sđd, số 1034). Như thế, chỉ có các tín hữu còn sống, các linh hồn trong luyện ngục và các Thánh trên Thiên Đàng mới hiệp thông với nhau mà thôi .

III- Tại sao các linh hồn nơi luyện tội cần sự giúp đỡ của các Thánh và các tín hữu còn sống trên trần gian?

Theo giáo lý của Giáo Hội thì tội lỗi có thể đưa đến hậu quả làm mất tức khắc sự hiệp thông với Chúa và chịu án phạt đời đời, nếu không kịp ăn năn thống hối và được tha thứ qua bí tích hòa giải. Đây là trường hợp tội trọng (mortal sin). Tội nhẹ (venial sins) không làm mất sự hiệp thông kia nhưng cũng gây thương tổn phần nào nên cần được hòa giải với Chúa và Giáo Hội qua bí tích tha tội. (xưng tội). Nhưng tôi nặng hay nhe, dù được tha qua bí tích hòa giải, vẫn để lại hậu quả trong tâm hồn của hối nhân khiến phải được đền bù hay chịu hình phạt hữu hạn (temporal punishment). Đó là lý do vì sao các hối nhân phải làm việc gọi là “đền tội” (penance) sau khi xưng tội để được tha hình phạt hữu hạn này, tức là xóa đi những hậu quả do tội đã để lại trong tâm hồn. Hình phạt hữu hạn này, nếu không được làm đầy đủ khi còn sống, thì phải được “thanh tẩy” trong nơi gọi là luyện ngục (purgatory) sau khi chết.

Các linh hồn trong nơi thanh luyện này không còn thời giờ để làm việc lành hay phạm tội thêm được nữa. Nhưng họ cũng không thể tự giúp mình trong việc xin tha hình phạt hữu hạn, nên phải nhờ cậy Đức Mẹ và các Thánh cầu bầu cũng như nhờ các tín hữu còn sống làm việc lành cầu thay cho. Đó là lý do tại sao Giáo Hội dạy phải cầu nguyện và làm việc lành thay cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng phải hiểu là cầu cho các linh hồn đang còn được thanh luyện trong luyện tội, chứ không thể cầu cho những người đang bị phạt đời đời trong hỏa ngục. Vì không có sự hiệp thông nào với nơi này nữa. (x. Sđd, số 1030-34; 1472-74).

Như vậy, các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn nơi luyện tội bằng lời cầu nguyện, việc lành bác ái và nhất là xin lễ cầu cho họ được mau thanh luyện khỏi mọi hậu quả của tội lỗi đã phạm khi còn sống để được đón nhận vào Thiên đàng.

IV- Lễ đời đời là gì và để cầu cho ai ?

Khi ta nói đến chữ đời đời (eternity) thì phải hiểu đó tình trạng của hai loại người đã ly trần: một là những người đang được hưởng Thánh Nhan Chúa đời đời trên Thiên Đàng hai là những người phải xa cách Chúa đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục (gehenna = hell).

Những linh hồn thánh đang hưởng Thánh Nhan Chúa cùng Đức Mẹ và các Thánh, các Thiên Thần trên trời thì không cần ai giúp đỡ nữa như đã nói ở trên. Ngược lại, họ có thể giúp đỡ cho những tín hữu còn sống và những linh hồn đang ở luyện tội bằng lời nguyện giúp cầu thay đắc lực trước Tòa Chúa.

Ngược lại, các người đang chịu án phạt đời đời trong nơi hỏa ngục thì không ai có thể giúp gì được nữa như đã nói ở trên.

Đây là tín lý của Giáo Hội mà chúng ta phải tin và thực hành.

Tuy nhiên, chúng ta không biết được ai đang ở nơi nào sau khi họ chết cũng như không biết chung cuộc, Chúa sẽ đối xử ra sao với những người đang bị phạt trong hỏa ngục chiếu theo lòng nhân từ vô lượng của Ngài và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô. Sở dĩ nói được như vậy vì phải tin rằng Chúa không hề tiền định (predestine) hoặc muốn phạt ai trong hỏa ngục. Ngài “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2:4).Nhưng chính con người đã tự do chọn khước từ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài cho đến phút chót nên đã tự ý tìm đến cư ngụ ở nơi thống khổ đời đời này mà thôi.

Riêng các linh hồn thánh (holy souls) đang còn trong nơi luyện tội, thì họ chỉ ở nơi này có thời hạn chứ không ở đây đời đời .

Vậy xin lễ đời đời để cầu cho ai ? Rõ ràng không để cầu cho các linh hồn thánh nơi luyện tội vì họ không ở đây đời đời. Lại càng không thể cầu cho các người đang ở hỏa ngục vì không có sự hiệp thông nào giữa họ và các tín hữu còn sống trên trần gian như giáo lý Giáo Hội dạy.

Như thế, ý niệm cầu đời đời là quá mơ hồ và sai lạc hoàn toàn về mặt tín lý, và giáo lý. Nghĩa là không có giáo lý, tín lý nào của Giáo Hội dạy cầu nguyện đời đời cho ai cả.

Chỉ có giáo lý dạy cầu nguyện cho những người đã qua đời để họ được mau đón nhận vào Thiên quốc vui hưởng Thánh Nhan Chúa mà thôi. Nhưng cần nhớ kỹ điều rất quan trọng này: ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu là vô giá và nhưng không, nghĩa là không thể mua được bằng tiền bạc. Dầu vậy, Chúa cũng đòi hỏi sự cộng tác của con người vào ơn cứu độ này. Do đó, những ai khi còn sống đã tự ý khước từ Chúa và tình thương của Ngài cho đến phút chót, thì Chúa không thể cứu họ được nói chi đến việc nhờ người khác xin lễ “đời đời” cầu thay cho. Ơn ích của Thánh Lễ và mọi việc lành khác của người còn sống chỉ có ích cho những linh hồn đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa và đang còn được thanh luyện thêm ở luyện tội chờ ngày vào Thiên quốc mà thôi.

Vậy ai bầy ra hình thức xin lể đời đời để lấy nhiều tiền của tín hữu không am tường giáo lý là đã vô tình hay cố ý phạm tội “buôn thần bán thánh = simonia”, lừa dối người khác về hiệu lực của thánh lễ để làm tiền.

Vả lại, linh mục hay Dòng Tu nào nhận làm lễ đời đời với số tiền to của người xin bây giờ, liệu có sống hay tồn tại mãi mãi để thi hành lời hứa dâng lễ đời đời hay không ?

Rõ ràng là không. Như vậy, lời hứa chỉ là lừa dối người không hiểu biết mà thôi.

Tóm lại, cầu nguyện làm việc lành và xin dâng thánh lễ cầu cho người đã qua đời là những việc đạo đức bác ái rất đáng được đề cao và khuyến khích trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, vì không biết được những nguời đã chết hiện đang ở đâu nên chúng ta cứ cầu nguyện cho họ bao lâu mình còn sống và hiệp thông với Giáo Hội. Nhưng không được dung dưỡng ý tưởng cầu đời đời cho ai cả, vì bản thân mình cũng không sống “đời đời” ở trần gian này để nhận tiển cầu đời đời cho ai. Đây là thực tế không ai chối cãi được.

Kết luận: Lễ đời đời chỉ là hình thức lừa dối để làm tiền mà thôi. Mọi tín hữu cần cảnh giác và xa tránh sự lạm dụng sai trái này.

Lm Phanxicô xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 16.08.2007. 11:32