Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh thánh nói gì về lòng nhân từ, tha thứ của Thiên Chúa cho con người?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Xin Cha cho biết nguồn gốc Kinh Thánh (Biblical roots) về lòng nhân từ, thương xót và tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người.

Trả lời: toàn bộ Kinh Thánh đã mạc khải cho chúng ta biết “Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương” như tác giả Thánh Vịnh 103 (Tv 103 : 8) đã ca tụng.

Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng con người và nhất là cứu chuộc con người trong Chúa Kitô chỉ vì Người là Đấng giầu tình thương, chậm bất bình và hay tha thứ. Người tuyệt đối không có lợi lộc gì mà phải đối xử như vậy với loài người, một điều chắc chắn chúng ta phải tin và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa trong mọi suy tư về Người.

Kinh Thánh cho ta nhiều dữ kiện rất phong phú về tình thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người, trải rộng từ công trình sáng tạo đến nhiệm cục cứu độ hoàn tất nơi Chúa Kitô, “Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người”. (1Tm 2 :5)

I- Trước hết Kinh Thánh Cựu Ước nói gì về lòng nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa ?

Khởi đầu với Dân Do Thái, tức Dân riêng của Thiên Chúa, chúng ta thấy Người thương yêu, nhẫn nhục chịu đựng và tha thứ cho họ đến mức ngoài sức tưởng tượng của con người.

Cụ thể, sau khi được ông Mô sê hướng dẫn vượt Biên Đỏ an toàn trở về đất tự do, sau những năm tháng đau khổ bên Ai Cập, nhưng khi sống tạm trong hoang địa chờ ngày tiến vào Đất Hứa, Dân Do Thái đã chóng quên công ợn Thiên Chúa đã thương giải phóng họ, nên đã xúc phạm Người cách nặng nề khi họ “đúc con bê bằng vàng rồi sụp lạy nó như vi thần đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai Cập” (Xh 32:7-8). Vì thế Thiên Chúa đã nổi cơn thinh nộ và muốn tiêu diệt đám dân vô ơn và cứng đầu này. Nhưng ông Môsê đã khẩn khoản nài xin Chúa “nguôi cơn thịnh nộ và thương đừng hại dân Ngài” (cf.12). Và nhờ lời van xin cầu khẩn thiết tha của ông thay cho dân mà “ ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.” (cf 14)

Trên đây là bằng chứng cụ thể nhất về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa cho Dân Do Thái là Dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn để chuyên chở sứ điệp tình thương của Người đến với toàn thể nhân loại sau này.

Tình thương bao la và tha thứ không bờ bến của Thiên Chúa cũng thể hiện cụ thể với dân thành Ni-ni Vê đã phạm nhiều tội to lớn đáng bị phạt. Nhưng Thiên Chúa vẫn thương và không muốn cho họ phải bị tiêu diệt, nên Người đã sai ngôn sứ Giôna đến cảnh cáo họ. Nghe lời cảnh báo của ngôn sứ, dân thành Ni NiVê- từ vua quan đến thường dân đã sám hối “ăn chay, và mặc áo vải thô” và hết sức kêu cầu Thiên Chúa thương tha thứ tội lỗi cho họ.

Thấy lòng ăn năn sám hối của dân, “Thiên Chúa đã hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng xuống họ, Người đã không giáng xuống nữa”. (Giôna 3:10)

Thế là Dân thành Ninivê đã không bị phạt vì họ đã biết nhìn nhận tội lỗi và tỏ lòng ăn năn thống hối nên đã được tha thứ ,mặc dù Thiên Chúa đã đe tiêu diệt họ vì tội lỗi to lớn đã phạm.

Trên đây là điển hình về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa dành cho cả một dân tộc (Do Thái) và một thành trị (Ninivê) qui tụ rất đông người thuộc đủ mọi thành phần dân chúng.

Trên bình diện cá nhân, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện điển hình qua hai nhân vật trong Cựu Ước là các vua Akhap (Ahab) và David

Trước hết là vua Akhap. Ông đã giầu sang, phú quí nhưng vẫn còn tham lam muốn chiếm hữu vườn nho của Navốt (Naboth). Vì Navốt không chịu chiều ý vua nên vua buồn rầu quên ăn quên ngủ, khiến vợ ông là hoàng hậu I-de-ven (Jezebel) đã thâm độc vu cáo Navốt là kể đã “nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua” khiến cho Navốt bị ném đá chết, và do đó nhà vua đã chiếm được vườn nho của Navốt. Ngoài ra ông còn phạm nhiều tội khác đáng bị phạt. Thiên Chúa đã nhìn rõ tâm địa độc ác của I-de-ven cũng như những tội to lớn của Akhap nên đã sai ngôn sứ Ê-lia (Ejliah) đến tuyên án phạt cho hai người phải chết cùng với con cháu trong dòng tộc. Nghe án này, vua Akhap “xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não.” (1 V 21: 27).

Thấy lòng ăn năn sám hối của Akhap, Thiên Chúa lại phán cùng ngôn sứ Êlia rằng “Ngươi có thấy Akhap đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không ? Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng họa trong buổi sinh thời của nó”. (Cf: 21:29)

Akhap đã được tha thứ vì đã tỏ lòng thống hối về những tội lỗi ông đã làm mất lòng Chúa.

Trường hợp của David cũng tương tự. Ông được phong vương để cai tri Israel. Ông được giầu sang, phú quí, có nhiều vợ và uy quyền lừng lẫy. Nhưng ông còn tham lam để phạm tội to lớn là cướp vợ của Uriah và còn độc ác đẩy Uriah ra trận để bị quân Ammonites giết chết. Vì thế Thiên Chúa đã sai ngôn sự Nathan đến hạch tội David và cho biết Người sẽ đánh phạt ông về những sự dữ ông đã làm. Nhưng David đã hết lòng sám hối, ăn năn và đã được tha thứ như ông thú nhận sau đây:

Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài
Chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con
Con tự nhủ: nào ta đi thú tội với Chúa
Và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
” (Tv 32 :5)

Được tha thứ, vua David đã thay đổi hoàn toàn và sau này trở thành vị đại thánh của dân tộc Do Thái. Từ đó ông đã hết lời ca tụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa :

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu
Người chậm giận và giầu tình thương

Như người cha chạnh lòng thương con cái
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn
” (Tv 103: 8, 13)

Tóm lại, Thiên Chúa thật là Cha nhân từ đầy lòng xót thương con cái loài người. Ngài chê ghét tội lỗi nhưng lại thương tha thứ cho kẻ có tội biết sám hối ăn năn. Tình thương tha thứ này của Chúa quả thật lớn lao hơn tội lỗi của con người.

II- Kinh Thánh Tân Ước nói gì về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa ?

Có thể nói Kinh Thánh Tân Ược còn cho chúng ta nhiều dữ kiện hơn nữa về lòng thương xót tha thứ vô biên của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại, chứ không riêng gì cho một dân tộc và những người thuộc dân tộc đó như chúng ta đọc thấy trên đây.

Thật vậy, Chúa Kitô đến trần gian để mang sứ điệp tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha đến cho toàn thể nhân loại như Thánh Gioan Tông Đồ đã quả quyết :

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến trần gian
Không phải để lên án thế gian
Nhưng là để thế gian nhờ Con của Người
Mà được cứu độ.
“ (Ga 3: 17)

Được cứu độ nghĩa là được tha thứ mọi tội lỗi, để nối lại tình thân với Thiên Chúa và hy vọng được vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc đời đời với Người mai sau.

Nói khác đi, nếu không vì thương yêu con người và “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (Mt 18:14) mà Thiên Chúa đã sai Con mình là Chúa Kitô đến trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi tội và khỏi chết nhờ Chúa Kitô đã hy sinh chịu “chết thay cho mọi người để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. (2 Cr 5:15)

Trong suốt ba năm đi rao giảng Tin mừng Cứu Độ, Chúa Giê su đã nhiều lần nói đến tình thương vô biên và ơn tha thứ dồi dào của Thiên Chúa cho con người như được ghi lại cách sống động đặc biệt trong ba dụ ngôn “Con chiên lạc được tìm thấy” , “Đồng bạc bị mất tìm lại được”và nhất là“Người con đi hoang trở về”. (Lc 15)

Cả ba dụ ngôn trên đều minh chứng cách hùng hồn Thiên Chúa là Người Cha rất nhân hậu, giầu tình thương và vui sướng để tha thứ cho những ai lầm đường, lạc lối, lỡ sa phạm tội nhưng còn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa để trở về xin Người thứ tha. Đối với những người này, Chúa Giêsu đã đoan chắc rằng “Trên Trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (Lc 15: 7,10)

Nghĩa là nếu ai còn tin tưởng nơi lòng nhân từ tha thứ của Chúa thì dù người đó có tội lỗi đến đâu thì cũng sẽ được tha thứ vì Chúa rất vui thích để thứ tha cho mọi kẻ có tội biết ăn năn sám hối. Chỉ khi người ta không còn hy vọng gì vào lòng xót thương của Chúa nữa hoặc đã hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là tình thương để chạy đến xin Người tha thứ, thì Chúa mới dành bó tay mà thôi.

Và đây, chính là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức là tội hoàn toàn chối từ Thiên Chúa và tình thương yêu tha thứ của Người. Nếu không còn tin tưởng nơi lòng xót thương của Thiên Chúa nữa thì làm sao Chúa có thể tha thứ được? Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng đến mấy đi nữa thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha mà còn mắc tội đến muôn đời.” (Mc 3 :28-29)

Chúa thương tha thứ mọi tội lỗi cho ta thì Người cũng đòi hỏi ta phải tha thứ cho nhau như Chúa Giêsu đã làm gương cho ta khi Người cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người:

Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. (Lc 23: 34)

Vì thế Chúa đã dạy Phêrô phải tha thứ “không phải đến bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18: 22).

Chúa cũng nói rõ cho các môn đệ của Người khi đó và mọi người chúng ta ngày nay là Chúa Cha trên trời sẽ không tha thứ cho anh em nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho nhau.” (cf 18: 35)

Tóm lại, Thiên Chúa là tình thương.Người chậm giận và giầu lòng tha thứ. Nhưng tình thương và tha thứ này chỉ áp dụng cho những ai biết mình có tội và chạy đến xin Chúa thứ tha. Nghĩa là Thiên Chúa không tự động ban ơn tha thứ cho ai không kêu xin Người.

Một điều sau hết nữa là chúng ta không được lợi dụng tình thương và tha thứ của Chúa để liều mình phạm tội, lấy cớ là Chúa nhân từ tha thứ hết.

Nếu ai cứ lợi dụng lòng thương xót của Chúa để “đi hàng hai” bằng cách mang danh người Kitô hữu nhưng lại không thật lòng yêu mến Chúa và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, thì hãy nghe lời Chúa nghiêm khắc cảnh cáo sau đây:

Ta biết các việc ngươi làm : ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:15-16)

Như thế chứng tỏ cho thấy Chúa không khoan dung cho ai cố tình phạm tội. Bằng cớ Chúa Giêsu đã nói với một phụ nữ ngoại tình suýt bị bọn Biệt Phái ném đá chết như sau: “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. (Ga 8:11).

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 29.06.2010. 12:17