Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Không cần xưng tội vi Chúa đã tha hết?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: một linh mục kia từ nước ngoài về thăm Việt Nam..Khi đến dâng Thánh lễ ở tư gia đã mời mọi người tham dự Lễ rước Minh Thánh Chúa. Thấy có những người không muốn rước Chúa, linh mục hỏi tại sao, có người trả lời “con chưa sẵn sàng” vì chưa xưng tội. Linh mục nói: Chúa Giêsu đã chuộc tội và tha tội cho chúng ta rồi nên không cần phải xưng tội gì cả, Tôi đã nghiên cứu kỹ việc này rồi, cứ an tâm rước Chúa !!. Xin cha cho biết ý kiến về vấn đề trên đây.

Trả lời: Tôi thực ngạc nhiên về câu hỏi được đặt ra. Nêu đúng như vậy, thì không biết linh mục đó học thần học và bí tích ở đâu mà dạy sai trái như vậy.

Chúa Giêsu chết để đền tội thay cho loài người: đúng. Nhưng nếu nói Chúa đã tha hết tội cho ta, nên ta không còn tội lỗi nào nữa để phải đi xưng tội thì sai hoàn toàn.

I- Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô có giúp con người khỏi phạm tội nữa hay không?

Phải trả lời ngay là không có giáo lý, tín lý nào của Giáo Hội từ xưa đến nay dạy rằng Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho cả nhân loại rồi, nên con người không còn có tội nữa, và do đó, không cần phải xưng tội. Cũng không có giáo lý nào dạy ai tham dự Thánh Lễ thì cứ an tâm rước Mình Thánh Chúa bất kể tình trạng tâm hồn mình ra sao.

Ngược lại, tội là một thực trạng, một thực tế không ai có thể phủ nhân được nơi mỗi người chúng ta cũng như trong trần thế này dựa trên chính lời Chúa trong thư Gioan sau đây:

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội
Chúng ta tự lừa dối mình
Và sự thật không ở trong chúng ta
.” (1 Ga 1: 8)

Qua phép Rửa, chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi, tội Nguyên Tổ cũng như cá nhân. Nhưng rửa tội rồi, con người vẫn còn đầy yếu đuối vì bản chất đã bị băng hoại do hậu quả của tội Nguyên Tổ (Original sin) nên dễ sa ngã do gương xấu đầy rẫy trong trần gian cộng thêm sự cám dỗ mãnh liệt của ma quỉ, ví như “ sư tử gầm thết rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8)

Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã thú nhận sự yếu đuối của mình trước nguy cơ của tội lỗi như sau:

Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 719-20)

Như thế, cho thấy rõ là dù Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho con người, và dù phép Rửa đã một lần tẩy sạch mọi tội nơi bản thân mỗi người chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không được biến đổi đến mức không bao giờ còn phạm tội nữa.Trái lại, là con người, chúng ta vẫn yếu đuối và dễ sa phạm tội (Sách Giáo lý số 1264) không phải vì ơn tha thứ của Chúa không có hiệu quả lâu dài, mà vì con người còn có ý muốn tự do (Free will) để hoặc quyết tâm chọn Chúa, sống theo đường lối của Người, hay từ khước Chúa để sống theo ý riêng của mình.Sống theo ước muốn riêng có nghĩa không cần tuân giữ lề luật nào của Chúa nữa để tự do làm những sự dữ như phá thai, giết người, gian dâm, trộm cướp, gian manh, bất công, lừa đảo, thay vợ đổi chồng, tự do ly dị v.v.

Nếu đã chọn sống theo ý muốn của mình, không cần Chúa nữa, thì sẽ không phân biệt được lằn ranh giữa sự thiện và sự dữ nên sẽ lún xâu vào con đường hư mất đời đời, nghĩa là không được ơn cứu độ để vào Nước Trời như Chúa Giêsu đã nói rõ sau đây:

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, Lậy Chúa, Lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21)

Thưa với Thầy: Lậy Chúa, Lậy Chúa, có nghĩa miệng nói tôi là người Công Giáo, tôi tin có Chúa nhưng đời sống của tôi lại trái ngược với niềm tin cũng như danh xưng là người Kitô hữu.

Thi hành ý muốn của Cha trên Trời có nghĩa là phải xa lánh mọi tội lỗi để yêu mến Chúa trên hết mọi sự, vì tội là cản trở duy nhất ngăn cách con người với Thiên Chúa là Đấng cực tốt cực lành. Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Chúa Kitô, Nhưng ơn tha thứ đó không loại trừ mọi nguy cơ tội lỗi cho chúng ta bao lâu ta còn còn sống trên trần thế và trong bản chất yếu đuối này.Nghĩa là, dù Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho nhân loại, nhưng Chúa không tiêu diệt hết mọi giống tội và sự dữ (evils) trên trần gian này để cho con người được luôn sống trong ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ngược lại, chính vì tội vẫn còn là một thực tế trong trần gian cũng như là nguy cơ trong bản thân mỗi người chúng ta, nên ta mới phải hết sức cố gắng với ơn Chúa nâng đỡ để xa tránh hay từ bỏ mọi tội lỗi để cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa Kitô hầu được vui hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban. Nói khác đi, thật là điều sai lầm lớn lao nếu nghĩ rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc ta qua khổ hình thập giá, nên ta không còn tội lỗi gì nữa và đương nhiên được cứu độ để sống hạnh phúc muôn đời với Chúa.

Sự thật trái lai, như đã nói ở trên, là nguy cơ của tội lỗi vẫn còn là một thực tế luôn đe dọa chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng. Và nếu ta không cố gắng chiến đấu để xa lánh tội lỗi, thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ trở nên vô ích vì Chúa cần sự cộng tác hay thiện chí của con người vào ơn cứu độ.

Chính vì biết con người sẽ sa đi ngã lại trong nguy cơ của tội lỗi sau khi được rửa sạch mọi tội một lần qua phép Rửa, nên Chúa Giêsu đã ban bí tích hòa giải để giúp con người lấy lại tình thân với Thiên Chúa sau khi đã sa ngã vì yếu đuối của bản tính. Chúa đã ban quyền tha tội cho các Tông Đồ khi Người nói:

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ
.” (Ga 20:23)

Đây là nền tảng của bí tích tha tội hay hòa giải (reconciliation) mà Giáo Hội đã cử hành từ xưa đến nay để giúp chúng ta lấy lại ơn Chúa và tình thân với Người mỗi khi lỡ sa phạm tội vì đuối con người. Nếu con người không còn tội lỗi gì nữa vì “Chúa đã chuộc tội và tha thứ hết” như linh mục nào đó đã nói với giáo dân thì Chúa Giêsu lập bí tích hòa giải để làm gì và cho ai??? Và tại sao Giáo Hội vẫn cử hành bí tích hòa giải và dạy tín hữu phải năng đi xưng tội để tẩy xóa mọi tội lỗi đã phạm hầu luôn sống trong thân tình với Chúa.?

Thử hỏi bản thân ông linh mục kia có dám nói là mình không có tội gì phải xưng nữa không? Và như vậy, mỗi khi dâng Thánh lễ, ông có còn mời gọi người tham dự cùng làm nghi thức sám hối (penitential rite) xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi trước khi cử hành Thánh Lễ?

Nếu không có tội thì cần gì phải sám hối nữa phải không?
Nhưng làm gì có chuyện quái đản, sai giáo lý cách trầm trọng này.

Tôi hoàn toàn không hiểu ông linh mục kia “học và nghiên cứu” ở đâu, Thần học và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo hay “thần học giải phóng” nào mà dám “phăng” ra giáo lý riêng của mình để dạy sai lầm cho giáo dân về ơn tha thứ của Chúa và thực trạng tội lỗi của con người, cũng như điều kiện phải có để rước Minh Thánh Chúa trong Thánh lễ.

Xin nhắc lại là ơn tha thứ của Thiên Chúa qua công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua phép rửa không thể được ví như một mũi thuốc khỏe trích vào cơ thể con người và làm tan biến ngay mọi mệt mỏi khó chịu trong cơ thể. Thuốc có công hiệu nhưng chỉ công hiệu một thời gian chứ không vĩnh viễn chữa lành cho cơ thể. Cũng vậy, Chúa tha thứ một lần, chúng ta được sạch tội. Nhưng vì yếu đuối, vì gương xấu và vì ma quỉ cám dỗ, nên chúng ta có thể phạm tội trở lại và làm mất ơn tha thứ của Chúa nhiều lần trong đời.

Đây là kinh nghiệm bản thân của mỗi người chúng ta trong đời sống thiêng liêng.

Muốn tránh phạm tội, chúng ta phải cố gắng hết sức về phần mình và nhất là nương nhờ ơn Chúa giúp sức thì mới có thể đứng vững trong ơn phúc và thăng tiến trong tình yêu của Chúa, cũng như hy vọng được cứu rỗi. Nếu không cố gắng về phần mình để cộng tác với ơn Chúa, thì Chúa không thể cứu ai được, vì con người còn có tự do để lựa chọn sống theo Chúa hay theo “văn hóa sự chết” để chối bỏ Thiên Chúa và sự sống đời đời.

II- Điều kiện để rước Minh Thánh Chúa theo giáo lý, giáo luật của Giáo Hội:

Để xứng đáng rước Mình Máu Thánh Chúa trong Thánh Lể, giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói rõ như sau:

“Ai muốn rước lấy Chúa Kitô trong hiệp lễ Thánh Thể (holy communion), phải ở trong tình trạng có ân sủng. Nếu ai biết mình đã phạm tội trọng, thì không được bước lên bàn tiệc Thánh Thể, nếu không nhận được ơn tha tội trước đó nơi bí tích Sám hối (xưng tội)” (x SGLGHCG số 1415)

Giáo luật số 916 cũng qui định: “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ

Như vậy mời mọi người lên rước Minh Thánh Chúa không cần quan tâm đên tình trạng ân sủng của mình, tức tình trạng hiện thời của tâm hồn, là hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý và giáo luật của Giáo Hội về điều kiện phải có cho được xứng đáng rước Chúa vào lòng mỗi khi tham dự Thánh Lễ.

Không linh mục nào được phép “sáng chế” ra giáo lý và phụng vụ bí tích của riêng mình khi thi hành sứ vụ được nhận lãnh qua bí tích Truyền Chức Thánh và năng quyền (faculty) cho phép làm mục vụ từ Giám mục của mình.

Giáo dân cũng có bổn phận phải trình cho Giám Mục khi biết linh mục nào thuộc quyền coi sóc của ngài đã dạy dỗ sai lầm về thần học, giáo lý và bí tích của Giáo Hội.

Ước mong giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi được nêu ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 15.08.2010. 15:14