Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khi Nào Người Công Giáo Được Lãnh Một Số Bí Tích Trong Giáo Hội Khác?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Xin Cha cho biết rõ: (1) Khi nào người Công Giáo được phép lãnh một số bí tích trong Giáo Hội khác? (2) Người không Công Giáo có được rước Mình Thánh Chúa khi tham dự Thánh Lễ trong nhà thờ Công Giáo không?

Trả lời:

I- Người tín hữu hiệp thông trọn vẹn (full communion) với Giáo Hội Công Giáo khi tin rằng “đó là Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện,công giáo và tông truyền... Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với Ngài điều khiển.” (x. Lumen Gentium, số 8)

Như thế, bình thường, người tín hữu Công Giáo không được phép tham dự với niềm tin và lãnh nhận bất cứ nghi thức hay “bí tích” nào trong các Giáo Hội ngoài Công Giáo. Nghĩa là không được hiệp thông (communion) trong niềm tin với bất cứ giáo phái nào ngoài Công Giáo. Nếu vì giao tế mà phải tham dự nghi lễ của tôn giáo nào khác thì người Công Gáio chỉ được tham dự vì xã giao và thân hữu (courtesy and fellowship) chứ không vì muốn chia sẻ niềm tin hay hiệp thông trọn vẹn với họ. Thí dụ, một số giáo phái Tin Lành cũng có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho, nhưng họ không tin có sự hiện diện thực sự (real presence) của Chúa Kitô như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin trong bí tích Thánh Thể. Cho nên, nếu tín hữu Công Giáo, vì xã giao mà phải tham dự một nghi lễ nào của anh em Tin Lành, thì không được tham dự vào việc bẻ bánh và uống rượu này, vì làm như vậy là hiệp thông với họ trong niềm tin không có Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu. Và như thế sẽ mâu thuẫn với niềm tin và hiệp thông của mình trong Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng các Thánh Tông Đồ như Công Đồng Vaticanô II đã dạy trên đây.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chưa hiệp nhất hiện nay giữa các Giáo Hội có chung một niềm tin vào Chúa Kitô nhưng chưa hiệp thông và hiệp nhất (communion and unity) trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, thì chúng ta cần biết những điều quan trọng sau đây:

  1. Trước hết, Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận Phép Rửa của mọi Giáo Hội khác nếu Phép này được làm với nước và công thức Chúa Ba Ngôi (the Trinitarian Baptismal Formula). Do đó, những người đã được rửa tội đúng với công thức này trong các giáo phái khác sẽ không phải rửa tội lại mà chỉ cần tuyên xưng đức tin khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo mà thôi.
  2. Trong các Giáo Hội ly khai, chỉ có Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và vài nước Đông Âu là gần gũi với Giáo Hội Công Giáo hơn cả về mặt đức tin, thần học, kinh thánh, phụng vụ và bí tích. Các Giáo Hội này có đủ các bí tích hữu hiệu như Giáo Hội Công Giáo (x. SGLGHCG, số 1399).

Vì thế, theo giáo luật và giáo lý của Giáo Hội thì:

  1. Khi vì nhu cầu thiêng liêng cần kíp mà không tìm được nhà thờ hay linh muc Công Giáo để xin lãnh các bí tích hòa giải, xức dầu và Thánh Thể, thì người Công Giáo được phép lãnh nhận các tích này nơi các thừa tác viên ngoài Công Giáo (Giáo Hội Chính Thống Đông Phương) vì Giáo Hội này có các bí tích ấy.
  2. Các thừa tác viên Công Giáo (Giám mục, Linh mục) cũng có thể ban các bí tích đó cho các tín hữu thuộc các Giáo Hội trên nếu họ tự ý xin và tỏ ra sẵn sàng lãnh nhận các bí tích này trong Giáo Hội Công Giáo.
  3. Riêng đối với các tín hữu thuộc các Giáo Hội khác, thì chỉ trong trường hợp nguy tử nếu họ không thể đến được với các thừa tác viên trong Giáo Hội của họ, và nếu họ thực sự muốn tuyên xưng đức tin trong Giáo Hội Công Giáo và muốn lãnh nhận các bí tích trên với lòng ao ước và chuẩn bị cần thiết thì các thừa tác viên Công Giáo cũng được phép ban các bí tích ấy cho họ. Xin nhấn mạnh là chỉ trong trường hợp nguy tử và vì lợi ích thiêng liêng của người muốn thụ hưởng mà thôi (x. Canon #844 &1,2,3,4; SGLGHCG, số 1399, 1401).

II- Người không Công Giáo (trừ anh em Chính Thống Đông Phương) tham dự Thánh lễ trong nhà thờ Công Giáo không được phép rước Mình Máu Thánh Chúa vì thiếu sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo và không hiểu rõ giá trị thiêng liêng của việc cao trong này. Thừa tác viên Công Giáo, nếu biết rõ ai là người không Công Giáo lên rước lễ, thì không được phép trao Mình Thánh Chúa mà chỉ chúc lành cho họ mà thôi.

Tóm lại, chỉ có các tín hữu Công Giáo và Chính Thống Đông Phương có thể lãnh các bí tích trong cả hai Giáo Hội này cách hợp pháp và hữu hiệu trong trường hợp cần thiết vì ngăn trở thể lý không cho phép họ lãnh nhận ở Giáo Hội mình. Thí dụ, ở nơi không có nhà thờ và linh mục Công Giáo, chỉ có nhà thờ Chính Thống, thì giáo dân được phép tham dự phụng vụ và rước Thánh Thể ở nhà thờ này, và ngược lại đối với các giáo hữu Chính Thống, nếu họ muốn.

Sỡ dĩ Giáo Hội cho phép điều này vì Giáo Hội nhìn nhận chức tư tế và phép Thánh Thể của Giáo Hội Chính Thống Đông Phương là Giáo Hội có nguồn gốc Tông Đồ thực sự. (Thánh GiaCôbê đã truyền giáo ở vùng đất nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thánh Phêrô truyền giáo ở LaMã) mặc dù cho đến nay Giáo Hội này chưa hiệp thông và hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 27.03.2007. 14:50