Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Hội Thật Của Chúa Kitô Ở Đâu?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: 1- xin cha giải thích Giáo Hội nào là Giáo Hội thật của Chúa Kitô và 2- Người Công giáo có thể gia nhập Giáo Hội khác được không?

Trả lời:

1- Trong một bài viết trước đây

Tôi đã có dịp nói đến nhiều Giáo Hội, giáo phái khác nhau, mặc dù cùng chia sẽ chung niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo Hội duy nhất của Người trên đá tảng Phêrô:

“ ... Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (x. Mt 16:18).

Nhưng Giáo Hội duy nhất thánh thiện này đã trải qua nhiều sóng gió từ sau ngày Chúa về trời cho đến nay. Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước sự phân hoá trong Thân Thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội, cho nên trước khi chịu khổ hình thập giá, Chúa đã tha thiết cầu xin Chúa Cha “cho chúng được nên một như chúng ta là một” (Ga 17:22).

Hậu quả của sự phân ly (schism) trên cho đến nay là sự xuất hiện của các Giáo Hội Chính thống Đông Phương từ năm 1054 (Eastern Orthodox Churches), các giáo phái Tin lành (Protestant Denominations) và Anh Giáo (Anglican Communion). Tất cả các nhóm tự nhận là Giáo Hội (Church) hay Giáo phái (Denominations) này đều xưng mình là Giáo Hội của Chúa Kitô và không công nhận các giáo phái bên ngoài họ. Vì thế, con đường tiến đến hiệp nhất trong cùng một niềm tin, một phụng vụ thánh, và một quyền bính cai trị vẫn còn quá nhiều trở ngại, khó khăn.

Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo, qua Hiến Chế tín lý Lumen Gentium, đã long trọng tuyên bố: “Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô được chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền... Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển.” (x. LG, số 8)

Trung thành với lập trường này, ngày 10 tháng 7, 2007 vừa qua, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation of Doctrine of the faith) đã công bố một văn kiện mới nói rõ về chân lý và tính độc đáo (uniqueness) của Giáo Hội Công Giáo là chính Giáo Hội của Chúa Kitô thiết lập như phương tiện hữu hiệu để chuyên chở ơn cứu độ của Người đến cho muôn dân tới tận cùng thời gian. Văn kiện này đã được Đức Thánh Cha Bênêđích tô XVI chấp thuận cho công bố để minh xác điều đã được Thánh Công Đồng Vaticanô II tuyên bố trên đây, cách nay hơn 40 năm về bản tính và chức năng của Giáo Hội Chúa Kitô. Nói rõ hơn, Đức Thánh Cha muốn mọi tín hữu Công giáo hiểu rõ là chỉ có một Giáo Hội duy nhất được Chúa Kitô thiết lập và Giáo Hội này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, dưới quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, Tông Đồ trưởng. (x Mt 16:18-19; Ga 21:15-16)

Tuyên ngôn này chắc đã không làm hài lòng những anh em đang ở trong các “Giáo hội hay Giáo phái” ngoài Công Giáo. Tuy nhiên để bảo vệ chân lý tinh tuyền, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không có chọn lựa nào khác.

Nhưng mặc dù xác nhận Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại (subsists) trong Giáo Hội Công Giáo, Công Đồng Vaticanô II cũng không loại bỏ sự kiện là “bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội, còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý. Những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, nên cũng thúc đẩy đến sự hiệp nhất công giáo.” (cf. Ibid, no.8).

Nói khác đi, Giáo Hội nhìn nhận có ơn thánh hóa và một số yếu tố chân lý nơi các Giáo phái ngoài Công Giáo, nhưng chức năng và danh xưng Giáo Hội (Church) đúng nghĩa chỉ thuộc về Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Riêng với các anh em Chính Thống Đông Phương, Giáo Hội nhìn nhận họ có chung một truyền thống tông đồ và nền tảng bí tích với Công Giáo nhưng không vì thế mà họ là Giáo Hội chính danh như Giáo Hội Công Giáo, hay là một Giáo Hội thứ hai nào khác mà Chúa Kitô đã thiết lập từ đầu.

Trong hoàn cảnh còn phân ly hiện nay, Giáo Hội tha thiết mong tiến đến hiệp nhất với tất cả các anh em còn ở các “giáo hội” ngoài Công Giáo, đặc biệt là anh em Chính Thông Đông Phương, để đạt được sự hiệp thông sâu xa và trọn vẹn với họ về niềm tin, về phương thế thể hiện cũng như cơ cấu bảo vệ và phát huy niềm tin đó trong trần thế.

2- Tín hữu Công giáo có được từ bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái khác hay không ?

Thực tế cho thấy là có nhiều tín hữu thuộc các tôn giáo hay giáo hội khác đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và ngược lại, cũng có nhiều người Công giáo đã bỏ theo Tin lành hay các giáo hội khác hoặc trở thành vô thần (atheist). Dĩ nhiên, không ai có quyền cấm đoán việc này vì con người có lý trí và tự do mà chính Thiên Chúa còn tôn trọng. Tuy nhiên, để bảo vệ chân lý của Chúa và vì muốn chăm lo cho phần rỗi của đoàn chiên được trao phó cho mình coi sóc, Giáo Hội Công Giáo đã tha thiết noi gương

Chúa Kitô, Đấng Chăn Chiên lành không muốn mất một con chiên nào, dù phải bỏ 99 con phía sau để đi tìm con chiên bị lạc. Trong tinh thần và mục đích đó, Giáo Hội cố gắng rao giảng giáo lý tinh tuyền của Chúa Giêsu và làm chứng cho những chân lý ấy để củng cố đức tin cho mọi tín hữu trong Giáo Hội và mời gọi mọi người gia nhập.

Chính vì tin tưởng vững chắc rằng Giáo Hội của Chúa Kitô, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, là phương tiện cứu rỗi cần thiết cho mọi người, nên Giáo Hội cũng dạy rằng: “Vì thế, những ai biết Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô mà vẫn không muốn gia nhập hoặc kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.” (x. LG, no. 14.)

Nói khác đi, những tín hữu đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo qua phép rửa và phép thêm sức cũng như đã được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa Kitô qua Phép Thánh Thể, thì được mời gọi và mong đợi kiên trì sống đức tin, đức cậy và nhất là đức ái trong Giáo Hội để được cứu rỗi.

Nhưng được rửa tội và gia nhập Giáo Hội mới chỉ là bước đầu cần thiết tiến đến ơn cứu rỗi mà thôi. Bước kế tiếp quan trọng hơn là phải sống những đòi hỏi của phép rửa; đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, yêu thương anh chi em như Chúa Giêsu đã dạy và cộng tác với ơn thánh để chừa bỏ mọi tội lỗi. Nếu không thực hành tốt bước thứ hai này thì dù có ở trong Giáo Hội cũng vô ích mà thôi, vì “ tuy thể xác họ thuộc về Giáo Hội nhưng tâm hồn họ không ở trong Giáo Hội” (cf. Ibid, no 14).

Mặt khác, những ai từ bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái khác thì cũng tương tự như trên. Lý do là tuy bên ngoài Giáo Hội có thể có một số yếu tố thánh hóa và chân lý nơi các tôn giáo khác, nhưng chỉ trong Giáo Hội của Chúa Kitô, ví như con Tàu ông NÔE của thời Tân Ước, mới có phương tiện cứu rỗi hữu hiệu mà thôi. Như vậy, không nên vì một bất mãn nào đó với ai, mà người tín hữu có thể từ bỏ Giáo Hội, không sống đức tin nữa để đi tìm phương tiện cứu rỗi ở nơi không có phương tiện hữu hiệu này thì chắc chắn sẽ không tìm được như Công Đồng đã dạy trên đây.

Chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã thiết lập Giáo Hội như con Tàu cứu sống chúng ta trong cơn đai hồng thủy mới ngày nay.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 23.08.2007. 15:09