Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Hội Có Làm Chính Trị Không?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Xin cha cho biết Giáo Hội nói chung và giáo sĩ nói riêng có được làm chính trị như tham gia vào một chánh đảng hay ra ứng cử vào các chức vụ dân cử không?

Trả lời: Trong thời gian vừa qua, dư luận trong và ngoài ViệtNam đã xôn xao về việc linh mục này làm chính trị, linh mục kia gia nhập một chánh đảng và công khai tuyên bố lập trường này trên truyền thông, linh mục khác ra ứng cử vào các chức vụ dân cử…Chúng ta nghĩ thế nào về thực trạng đó?

Nhưng trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại Kinh Thánh Tân Ước để biết Chúa Giêsu đã nói và làm những gì trong suốt 3 năm công khai rao giảng Tin Mừng để căn cứ vào đó chúng ta có thể suy diễn vai trò của Giáo Hội liên quan đến các vấn đề thuộc phạm vi trong trần thế.

Thật vậy, Kinh Thánh thuật lại cho chúng ta biết: mặc dù Chúa Giêsu đã nhiều lần chữa cho người mù được trông thấy, người điếc được nghe, người què được đi, người câm được nói, cũng như đã xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ (x. Mt 21:12-13; Mc 11:15-17; Lc 19: 45-46; Ga 2:13-16), nhưng mục đích chính của Chúa khi đến trần gian chắn chắn không phải chỉ để đáp ứng những nhu cầu thể lý của con người hay khích động cho ai bạo động để tranh đấu cho một mục tiêu trần thế nào.

Chúa chữa bệnh cũng như làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hàng ngàn người đói ăn no nê để nói lên mối cảm thông và quan tâm đúng mức của Người đối với những nhu cầu thiết yếu của nhân loại. Người cũng tức giận và xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ vì họ đã làm ô uế nơi thiêng liêng này chứ không phải muốn làm cớ cho ai lợi dụng để biện minh cho chủ trương tranh đấu bạo động sau này.

Mục đích chính của Chúa đến trần gian là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa “vì Tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (x. Lc 4:43) cũng như đến “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28). Chúa không đến để tìm tiền bạc, dù là để xây đền thờ, nhà ở, chủng viện, hay trường học. Người cũng không hề màng danh vọng trần thế, nên khi thấy dân chúng muốn tôn vinh Người sau khi chứng kiến những phép lạ Người làm, Chúa Giêsu “đã lánh mặt, đi lên núi một mình, vì biết dân chúng sắp đến bắt đem đi để tôn Người làm vua” (x. Ga 6: 15).

Sau hết, Chúa cũng không đến để tìm quyền chức và địa vị chính trị vì “Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Cf. 18:36). Nghĩa là, nếu Nước Chúa thuộc về thế gian này, thì Người mới cần phải lập đảng chính trị, kết nạp đảng viên, tổ chức quân đội, công an, cảnh sát, rồi hoạch định chiến lược và chiến thuật hầu giành cho bằng được chánh quyền để cai trị và hưởng thụ. Chính vì mục đích của Người không nhằm chinh phục những thực tại trần thế đó, nên trước khi về trời Chúa Giêsu chỉ ra lệnh cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (x. Mt 28:19-20).

Đây là sứ mệnh và chức năng (mission and competence) của Giáo Hội. Đây cũng là bản chất và trách nhiệm của Giáo Hội theo ý muốn của Đấng sáng lập và sai đi.

Sứ mệnh, chức năng, bản chất và trách nhiệm này tuyệt đối không dính dáng gì đến chức năng và trách nhiệm lãnh đạo chính trị của những người tham gia công tác tổ chức và cai trị các quốc gia, các xã hội loài người. Giáo lý của Giáo Hội đã nói rõ điều này như sau:

Do ủy nhiệm và chức năng, Giáo Hội không bị lẫn lộn bất cứ cách nào với một cộng đồng chính trị. Cho nên, Giáo Hội là dấu chỉ và là sự bảo vệ cho tính cách siêu việt của nhân vị con người. Giáo Hội tôn trọng và thăng tiến sự tự do chính trị và trách nhiệm của người công dân.” (x. SGLGHCG, số 2245)

Nói rõ hơn, Giáo Hội không làm chính trị theo nghĩa tranh giành với ai về quyền cai trị con người và quyền khai thác mọi tài nguyên để trục lợi cho cá nhân hay tập thể. Mặc dù trong quá khứ đã có những thời kỳ đen tối và tai tiếng về sự lẫn lộn giữa “thần quyền và thế quyền”, nhưng đó chỉ là lầm lỗi một thời trong Giáo Hội và chắc chắn lầm lỗi này sẽ không bao giờ được tái phạm. Giáo Hội đã nhìn nhận và sửa sai để ngày càng trở nên tinh tuyền và trung thực với sứ mạng và chức năng của mình hơn. Vì thế, từ lâu, Giáo Hội đã nghiêm cấm các giáo sĩ, tu sĩ không được tham gia chính trường hoặc bất cứ hoạt động thuần chính trị nào.

Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn dành quyền lên tiếng và có thái độ về những vấn đề có liên quan mật thiết đến những quyền căn bản của con người (fundamental human rights) đặc biệt trong lãnh vực luân lý nếu xét thấy có những vi phạm của các chế độ chính trị trong các lãnh vực này. Cụ thể, trong những quyền căn bản của con người, có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà các xã hội phải tôn trọng. Nếu chế độ nào vi phạm thì Giáo Hội phải lên tiếng đòi hỏi cho đến khi được tôn trọng thích đáng.

Liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi luân lý, Giáo Hội không thể làm ngơ trước những trào lưu phóng túng, thoái hóa, những đòi hỏi và thực hành phi luân lý (immoral) như phá thai, thụ thai vô tính (cloning), hôn nhân đồng tính (same sex marriage) chết êm dịu (euthanasia) kỳ thị chủng tộc (racism) bạo động (violences) diệt chủng (genocide) và nhất là chiến tranh xâm lược.

Khi lên tiếng về những vần đề này, Giáo Hội đã hành xử đúng với sứ mệnh và trách nhiệm của mình là bảo vệ những giá trị của Phúc Âm và tạo điều kiện thuận lợi để giúp con người tìm đến với Thiên Chúa để được cứu độ. Trong mục đích đó, Giáo Hội phải tránh xa mọi liên lụy với chính trị, không liên kết, thoả hiệp hay tìm cách chống lại để lật đổ bất cứ chế độ hoặc đảng phái chính trị nào, vì đây không phải là bổn phận và chức năng (competence) của mình.

Nhưng Giáo Hội dành quyền đòi các chế độ chính trị phải tôn trọng những quyền sống căn bản của con người cũng như tôn trọng những giá trị đạo đức và luân lý như đã được minh định sau đây trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội:

Một phần trong Sứ mạng của Giáo Hội là đưa ra những phán đoán luân lý, cả trong những vấn đề liên quan đến chính trị, mỗi khi những quyền lợi căn bản của con người hoặc ơn cứu độ của các linh hồn đòi hỏi. Nhưng Giáo Hội chỉ có thể sử dụng những phương tiện phù hợp với Phúc Âm và phù hợp với lợi ích của mọi người, tùy theo những thời kỳ và những hoàn cảnh khác nhau.” ( x. Sđd, số 2246).

Nghĩa là Giáo Hội không can thiệp, xúi dục hay hô hào ủng hộ chế độ nào. Nhưng phải lên tiếng can thiệp khi một hay nhiều chánh phủ có những chủ trương và đường lối đi ngược hay vi phạm những quyền căn bản của con người ở những địa phương nào đó, hoặc dung dưỡng hay cho phép những thực hành vô đạo, phi luân trong xã hội mình.

Tuy không tự mình tham gia vào lãnh vực chính trị nhưng Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích người giáo dân chu toàn nhiệm vụ công dân của mình trong các lãnh vực chính trị, quân sự, xã hội, kinh tế, văn hoá, giáo dục.

Nói rõ hơn, giáo dân cũng là công dân trong một quốc gia. Do đó, giáo dân có quyền làm chính trị với đầy đủ ý nghĩa của quyền này trong mục đích đem đạo vào đời, mang Ánh Sáng Chúa Kitô chiếu vào những nơi còn tối tăm vì bất công, sa đọa và tội lỗi. Nhưng chỉ được làm tất cả với tư cách là công dân mà thôi. Nghĩa là không ai được phép thiết lập một đảng lấy danh xưng là “Đảng Công Giáo” hay đoàn thể Công Giáo để hoạt động chính trị với mục đích ủng hộ hay lật đổ.

Riêng hàng giáo sĩ (clergy) và Tu Sĩ (Religious), Giáo Hội không bao giờ cho phép linh mục hay tu sĩ nào được tham gia các đảng phái chính trị và ra ửng cử vào các chức vụ công quyền. Ai tự ý làm việc này là đã bất chấp lệnh cấm của Giáo quyền và hành động trái ngược với ơn gọi và chức năng của mình. Chắc chắn linh mục hay tu sĩ Công Giáo không hề có chức năng (competence) chính trị, ngoài nhiệm vụ và chức năng thiêng liêng lãnh nhận từ bí tích truyền chức và qua bổ nhiệm của Giám Mục hay Bề Trên liên hệ.

Chính vì lẫn lộn các chức năng và ơn gọi này nên vào năm 1973, Gustavo Gutierrez, một linh mục Dòng tên người Peru đã đề xướng và quảng bá cho cái gọi là “Thần học giải phóng” (Theology of Liberation) để thách đố trước hết Giáo Hội về ơn cứu độ đối chiếu với lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho những người nghèo khó, và nhiên hậu, mong cải tiến tình trạng sống nghèo nàn, lạc hậu, bất công của Dân Nam Mỹ và Phi Châu với đường hướng nhuốm mầu đấu tranh giai cấp của Mác-Xít.

Thực ra, không phải Giáo Hội không quan tâm đến người nghèo, người bị áp bức, bóc lột, nhưng Giáo Hội không có chức năng mưu tìm cơm no áo ấm cho ai, vì đây là trách nhiệm và bổn phận của các nhà cầm quyền dân sự. Giáo Hội chỉ có thể và phải bày tỏ mối quan tâm sâu xa của mình về những bất công xã hội, về những vi phạm nhân quyền và nhất là về tự do tín ngưỡng và những suy thoái đạo đức, luân lý mà thôi.

Nhưng ngay cả trường hợp thực sự có vi phạm tự do tôn giáo, có can thiệp vào nội bộ của các Giáo Hội địa phương, có đàn áp, bách hại (persecutions) tín đồ…thì Giáo Hội cũng chỉ dùng biện pháp ôn hoà để bày tỏ mối quan tâm của mình trước những vi phạm đó, chứ không xúi dục bạo động hay tổ chức phản kháng cách tích cực nào khác.

Do đó, không ai được phép nhân danh Giáo Hội, hay lấy tư cách là giáo sĩ hay tu sĩ để tham gia vào các hoạt động thuần chính trị để tranh đấu cho những mục tiêu trần thế, kể cả tranh đấu cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Nhưng cần phân biệt: tranh đấu chính trị cho những mục tiêu này khác với quan tâm và đòi hỏi nhà cầm quyền dân sự tôn trọng công bình,bác ái, luân lý, và tự do tôn giáo trong đó có quyền thực hành tín ngưỡng của các tín đồ, quyền tổ chức, điều hành cơ cấu, huấn luyện và bổ dụng nhân sự của các tôn giáo.

Ước mong lời giải đáp này thoả mãn câu hỏi được đặt ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 25.05.2007. 15:04