Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Hội Cần Thiết Ra Sao Cho Những Ai Muốn Được Cứu Độ?

§ Lm Phaxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: có thể sống đức tin và được cứu độ không cần đến Giáo Hội ?

Trả lời:

Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng cácTông Đồ khi Chúa nói với Phêrô:

Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi.” (Mt 16:18)

Chúa lập Giáo Hội như phương tiện hữu hiệu cần thiết để chuyên chở ơn cứu độ của Người đến cho muôn dân không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa.

Bởi vì “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1Tm 2:4).

Lời Chúa trên đây đã diễn tả đầy đủ sứ mệnh của Giáo Hội với tư cách là Hiền Thê và là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô (Mystical Body) trong trần thế này. Và với tư cách đó, Giáo Hội tiếp tục Sứ Vụ Cứu Độ của Chúa Kitô để hy vọng mọi người nhận biết Thiên Chúa, tin Chúa Kitô và muốn được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Người.

Chúa Kitô chỉ thiết lập một Giáo Hội duy nhất và “Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với Ngài điều khiển.” (Lumen Gentium (LG),số 8)

Giáo Hội được tuyên xưng là Duy nhất, Thánh thiện Công giáo, và Tông truyền. Đây là bản chất của Giáo Hội hoạt động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) trong trần thế như phương tiện cần thiết để giúp cho con người được nhận biết, tin, yêu Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, thánh hóa và cai trị.

Chúa Kitô đã trao Sứ Vụ này trước tiên cho các Tông Đồ và tiếp theo cho những người kế vị các Tông Đồ cho đến ngày nay là các Giám Mục đang vâng phục và hiệp thông trọn vẹn với Giám Mục Rôma tức Đức Thánh Cha là Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Là hiện thân của Chúa Kitô, Giáo Hội là kho chứa và ban phát ơn cứu độ của Chúa không những qua tín lý, giáo lý và luân lý tinh tuyền phản ánh trung thực những chân lý Chúa Kitô đã rao giảng, mà đặc biệt qua các bí tích là những phương tiện thông ơn cứu rỗi của Chúa cho con người.

Do đó: Giáo Hội là phương tiện cứu rỗi thật cần thiết cho những ai đã gia nhập Giáo Hội bằng phép Rửa (baptism):

Thật vậy, qua phép Rửa, con người đươc tái sinh trong sự sống mới, được trở nên con cái Thiên Chúa, được nên giống Chúa Kitô, “vì tất cả chúng ta được tẩy rửa trong một Chúa Thánh Thần để nên một thân thể. Tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1Cor 12: 13) (LG. số 7)

Mặc dù ơn ích của Phép Rửa to lớn như vậy, nhưng theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì “nơi người được rửa tội, một số những hậu quả của tội lỗi vẫn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết hoặc những yếu đuối gắn liền với sự sống như yếu đuối về tính tình v.v. và nhất lá sự hướng chiều về tội lỗi mà truyền thống gọi là tình dục, và theo ẩn dụ được gọi là “lò phát sinh tội lỗi” (fomes percati) được để lại đó cho ta phải chiến đấu với nó. Tình dục không có khả năng gây hại cho những người không chiều theo nó mà còn chống lại cách can đảm nhờ ân sủng của Chúa Kitô” (SGLGHCG số 1264).

Nghĩa là, Phép Rửa, dù tẩy xóa một lần mọi tội lỗi- tội nguyên Tổ cũng như tội cá nhân- cho người lãnh nhận nhưng không tiêu diệt hết mọi nguy cơ của tội lỗi còn để lại trong bản tính con người, để cho chúng ta phải chiến đấu chống lai với sự trợ giúp hữu hiệu của ân sủng dồi dào Chúa ban cho những ai có thiện chí và quyết tâm từ bỏ tội lỗi để sống theo đường lối của Người hầu được cứu độ.

Nói khác đi, Phép Rửa không biên đổi nhân tính (humanitatis, humanity) cho con người trở thành các Thánh ngay trong cuộc sống này khiến con người không còn biết tội là gì nữa. Ngược lại, tội vẫn còn là một nguy cơ trong mỗi người chúng ta và ma quỉ luôn cám dỗ cho ta phạm tội như Chúa Giêsu đã cảnh giác các Tông Đồ trong đêm Người bị nộp:

Anh em hãy canh thức mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mc 14: 38)

Tinh thần thì hăng hái muốn bước đi theo Chúa nhưng thể xác lại yếu đuối vì bản tính con người đã bị “băng hoại” do tội Nguyên Tổ (original sin ) mà Phép Rửa không hàn gắn cho nguyên vẹn lai được. Vì thế, con người phải chiến đấu mà lập công hay góp phần cá nhân của mình vào ơn cứu độ như Chúa đòi hỏi.

Chính vì thể xác hay bản tính yếu đuối nói trên mà Giuđa đã bán Chúa và Phêrô đã chối Thầy. Họ là những Kitô hữu đâu tiên được Chúa mời gọi làm Tông Đồ, được thánh hóa, sống và học hỏi bên Chúa suốt 3 năm và cuối cùng được Chúa truyền Chức Linh Mục cho trong Bữa Tiệc Ly.

Vậy mà họ vẫn vấp ngã vì sao?

Có phải vì ơn Chúa không hữu hiệu đủ, hay vì con người vẫn còn tự do để chọn lựa sống theo Chúa hay theo ý riêng của mình, tự tin ở mình hơn là cậy nhờ ơn phù trợ của Chúa? Tiện đây, xin hỏi riêng quí vị nào quá “thông thái” khám phả ra con người “có thiên tính”,thì các Tông Đồ trên có “thiên tính” hay không, và nếu có thì tại sao “thiên tính” ấy đã không giúp các ông đứng vững trong tình thân với Chúa mà lại yếu đuối đến nỗi chối Chúa phản Thầy như vậy?

Té ra họ vẫn là con người với những yếu đuối của nhân tính, phải không?

Và cũng vì còn yếu đuối sau khi chịu Phép rửa, cũng như không hề có “thiên tính” trong nhân tính đã bị băng hoại, mà Thánh Phaolô đã phải thú nhận sự yếu đuối của mình trước thực tế là bản chất con người dễ nghiêng chiều về tội lỗi như sau:

Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều ác tôi không muốn thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng vì tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7: 19-20)

Ngài thú nhận như trên sau khi được Kha-na-nia đặt tay và làm phép rửa cho để trở thành Tông Đồ của dân ngoại (Cv 9: 17-18). Như thế rõ ràng cho thấy Phép Rửa và cả Phép Truyền Chúa Thánh qua việc đặt tay của Kha-na-nia đâu có biến đổi Phaolô thành thánh tức khắc mà vì hậu quả của tội lỗi vẫn còn nơi bản tính của ngài, nên ngài phải chiến đâu với nó cho đến hơi thở cuối cùng trước khi được phần thưởng như ngài đã nói sau đây:

Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn chờ đợi vòng hoa cho người công chính. Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy. (2Tm 4:6-7)

Kinh nghiệm sống và chiến đấu của Thánh Phaolô để được vinh quang Nước Trời cũng là kinh nghiệm và hành trình thiêng liêng của mỗi người tín hữu chúng ta trong cuộc sống đức tin trên trần thế này. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được tái sinh để trở thành tạo vật mới, được quyền gọi Chúa là Cha (Apba), được nên giống Chúa Kitô và được là dân thánh, là ‘hàng tư tế vương giả’ cũng như được gia nhập Giáo Hội là Mẹ để được dẫn đưa trên đường về Quê Trời.

Nhưng cho được nói như Thánh Phaolô, Người đã chiến đấu đến cùng và chỉ còn chờ ngày được trao ‘Vòng hoa công chính’, chúng ta phải sống và thực thi những cam kết khi được chịu Phép Rửa.

Những cam kết đó là :

  1. Tin yêu một Thiên Chúa Ba ngôi trên hết mọi sự.
  2. Cam kết từ bỏ mọi tội lỗi, từ bỏ ma quỉ và mọi quyến rũ của ma quỉ
  3. Tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh thông công,tin phép tha tội
  4. Tin xác sống lại,và sự sống đời đời

Nếu không sống và thực thi những cam kết trên đây, thì Phép Rửa sẽ vô ích cho ai đã lãnh nhận, vì ơn ích của bí tích trọng đại này không tự động phát sinh cho người lãnh chịu, mà không có sự cộng tác của cá nhân qua việc thi hành những cam kết trên đây.Và nếu không sống trọn vẹn những cam kết đó, để buông mình sống theo thế gian quay lưng lại với Thiên Chúa, thì Chúa không thể cứu ai được, dù cho công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá

Mặt khác, cũng vì bản chất yếu đuối dễ sa ngã của con người sau khi được rửa tội, cho nên thật vô cùng cần thiết cho mọi tín hữu phải sống và thực hành đức tin trong Giáo Hội. Vì có sống trong Giáo Hội, cụ thể là gia nhập một cộng đoàn đức tin hay một giáo xứ, thì người tín hữu mới có cơ hội nghe lời Chúa và giáo lý của Giáo Hội được rao giảng trong các Thánh lễ. Và quan trọng không kém là được ‘ăn, uống Mình Máu Thánh Chúa Kitô’ khi tham dự Thánh lễ Tạ Ơn, là nguồn suối và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội, vì Thánh Lễ là “nguồn mạch từ đó ân sủng tuôn tràn trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách vô cùng hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh.” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh,số 10)

Lại nữa, cũng vì bản chất dễ sa phạm tội, nên vô cùng cần thiết phải sống trong Giáo Hội để được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa qua bí tích hòa giải (xưng tội) để nối lại tinh thương với Chúa mỗi khi lỡ sa ngã vì yếu đuồi con người.

Chỉ trong Giáo Hội Công Giáo (và Chính Thống Đông Phương) mới có hai Bi tích rất quan trọng là Thánh Thể và Hòa giải, ngoài năm bí tích khác, để giúp con người được thánh hóa và thăng tiến trong đức tin và đức mến, tức là lớn lên trong tình thương yêu với Chúa và với tha nhân. Nói khác đi, đời sống Kitô giáo không thể tăng trưởng và phong phú được nếu không nghe lời Chúa qua Kinh Thánh và nhất là năng lãnh nhận các bí tích Thánh Thể, và Hòa giải sau khi được tái sinh qua bí tích Rửa tội. Nghĩa là chí có năng nghe lời Chúa trong Phúc Âm, siêng năng xưng tội và tham dự Thánh lễ Tạ Ơn để “ăn uống Mình Máu Thánh Chúa Kitô” thì mới có đủ sức mạnh để chống lại mọi nguy cơ của tội lỗi do ma quỉ xúi dục và gương xấu đầy rẫy trong trần gian làm cớ cho con người vấp phạm. Như thế, đủ cho thấy rõ sự cần thiết phải sống và thực hành đức tin trong Giáo Hội là phương tiện cứu rỗi hữu hiệu mà Chúa Kitô đã thiết lập và luôn ở với Giáo Hội cho đến tận thế (Mt 28: 20).

Các Thánh Giáo Phụ (Church Fathers) xưa đã ví Giáo Hội như con Tàu của ông No-e trong thời Đại Hồng Thủy khi Thiên Chúa đánh phạt những kẻ gian ác trên mặt đất trừ gia đình ông No-e và các sinh vật ông đã đem lên tàu trước khi mưa tuôn đổ, dâng nước lên cuốn đi mọi sự sống trên mặt đất. (St. 6-7)

Trong thời đại ngày nay, Giáo Hội cũng là con tàu cứu nguy cho những ai muốn thoát khỏi cơn cuồng phong, sóng thần của “văn hóa sự chết” đang cuồn cuộn thổi ở khắp nơi trên thế giới để cuốn đi vào tử địa những kẻ tôn thờ nó và quay lưng lại với Thiên Chúa là Nguồn vui hạnh phúc duy nhất cho những ai muốn tìm kiếm Người.

Vì thế, “những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.” (LG. số 14)

Tóm lại, không thể nói ba phải rằng đạo tại tâm, không cần đến nhà thờ, hoặc đạo nào cũng tốt, có tội thì xưng với Chúa không cần xưng với linh mục nào hoặc đi nghe các giáo sĩ ngoài Công Giáo giảng và “ăn bánh uống rượu” với họ coi như rước Minh Máu Chúa Kitô trong Thánh Lễ tạ Ơn !

Người tín hữu Công giáo không thể suy luận và hành động như trên được,vì chỉ có Một Giáo Hội, một đức tin, và một Phép Rửa. Và chỉ trong Giáo Hội Công Giáo mới có đầy đủ các phương tiện thánh hóa và cứu rỗi hữu hiệu là các Bi tích, nhất là hai bí tích Thánh Thể và Hòa Giải. Các Giáo hội Chính Thống Đông Phương (Easter Orthodox Churches) cũng có các bí tích này, nhưng vì họ chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo vì một vài bất đồng chưa vượt qua, nên người công giáo chỉ được phép tham dự và lãnh các bí tích trong Giáo Hội Chính Thông ở những nơi không có nhà thờ hay linh mục Công Giáo hiện diện để cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích.

Ngoài ra, tất cả các giáo phái ngoài Công Giáo và Chính Thống, đa số chỉ có Phép rửa (baptism) và không có các bí tích khác, do đó người công giáo không được tham dự các nghi thức của họ vì thiếu căn bản bí tích và hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian này.

Ước mong giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi được đặt ra.

Lm Phaxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 28.08.2010. 21:45