Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giải đáp thắc mắc: Giá trị thiêng liêng của việc dâng cúng

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Giải đáp thắc mắc: Giá trị thiêng liêng của việc dâng cúng tiền của giúp cho các Giáo xứ, nhà Dòng, Tu Viện…

Hỏi:

  1. Xin Cha giải thích cho con rõ điều này là: Trong những năm gần đây con nhận được những lá thư xin quyên góp cho việc xây Nhà thờ, xây Nhà Dòng, xây Tu viện, v.v... trong thư thường thấy xếp hạng các ân nhân dâng cúng như hạng ân nhân vĩnh viễn, ân nhân danh dự, hạng nhất, hạng nhì, tùy vào số tiền đóng góp và được ghi vào bảng vàng của Dòng Tu, Nhà Thờ, và nói hứa sẽ được cầu nguyện và làm lễ cho lâu dài. Vậy, xin Cha cho biết: việc dâng cúng và những hạng danh dự nói trên có giá trị thiêng liêng hay cưú rỗi gì không?
  2. Thánh Lễ có giá trị thế nào với những giá tiền xin khác nhau như 10 đô, 50 đô, 100 đô v.v... Nếu dâng cho Nhà Dòng, Nhà Thờ số tiền $1000 hay $5000 đôla thì được các Linh Mục đó hứa sẽ làm lễ suốt đời cho người dâng cúng. Điều này có đúng không? Và giả như dâng cúng $1000 thì tương đương với bao nhiêu thánh lễ Misa?

Trả lời:

1- Việc dâng cúng để giúp các nhà Dòng, Tu Viện, Giáo xứ trong việc xây cất, tu sửa là việc bác ái đáng khen và khuyến khích, vì nếu không có sự giúp đỡ rộng rãi của các ân nhân thì các nhà thờ, nhà dòng, chủng viện, nhà thương, trường học, nhà xứ, v.v... khó có thể thực hiện được các chương trình kiến thiết hay chỉnh trang cần thiết cho nhu cầu của cơ sở mình. Tuy nhiên, không thể đánh giá về mặt thiêng liêng mức độ trợ giúp vật chất này.

Nói rõ hơn, việc ghi tên ân nhân vào bảng danh dự hay bảng vàng, bảng đồng chỉ là cách tri ân của cơ sở hay người được thụ hưởng mà thôi, chứ không có giá trị gì về mặt thiêng liêng liêng hay cưú rỗi cho ai hết. Nói như vậy, vì không có giáo lý hay luật nào của Giáo Hội dạy rằng dâng cúng bao nhiêu tiền vào Nhà thờ, nhà Dòng, Tu Hội, Chủng viện v.v... thì sẽ được bao nhiêu ơn huệ thiêng liêng (ân xá chẳng hạn), hay hứa hẹn sẽ được ơn cưú rỗi sau này. Ai hứa hẹn điều này là mắc tội “buôn thần bán thánh” (simonia) vì muốn dùng tiền của để mua ơn phúc thiêng liêng.

Ân sủng của Chúa ban cho con người là nhưng không (gratuitous), nghĩa là không thể mua, bán được bằng tiền của vật chất. Làm việc bác ái với thành tâm thiện chí thì chắc chắn Chúa sẽ chúc lành, thưởng công cho, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa kia: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em: kẻ ấy sẽ không mất phần thưởng đâu.” ( Mt 10:42).

Nhưng cần lưu ý điều quan trọng này: dâng cúng ít mà vì lòng bác ái thực sự thì vẫn đẹp lòng Chúa hơn là cho nhiều để khoe khoang và được tiếng khen là rộng rãi. Đó là trường hợp của những người giầu bỏ tiền vào Đền Thờ xưa kia nhưng Chúa Giêsu chỉ khen một bà goá bỏ có hai xu: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 21:3). Bà dâng cúng vì lòng thành, trong khi những người giầu bỏ nhiều tiền hơn nhưng đôi khi thiếu lòng ngay chính hay vì một tiếng danh nào đó.

Tóm lại, dâng cúng tiền của để giúp các cơ sở của Giáo Hội làm việc tông đồ và phục vụ là điều cần thiết và cũng là hành động đức tin thể hiện bằng đức ái. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu tâm là việc bác ái này phải được thực hiện vì lòng mến Chúa và yêu Giáo Hội, thông cảm với những khó khăn vật chất chính đáng của mọi bộ phận lớn nhỏ trong toàn cơ cấu hoạt động của Giáo Hội. Chúa thưởng công cho người dâng cúng tiền của vào Nhà thờ, nhà Dòng... vì lòng thành của người cho chứ không vì mức độ nhiều ít của số tiền dâng cúng. Như vậy, bảng danh dự, bảng đồng, bảng vàng chỉ có giá trị với người đời chứ không có giá trị gì về mặt thiêng liêng hay bảo đảm gì về lợi ích phần rỗi cho người dâng cúng.

2- Không thể so sánh việc dâng cúng tiền bạc cho các giáo xứ, nhà dòng, chủng viện… với việc xin lễ được. Nhưng trước hết, xin nhắc lại về mục đích và giá trị của tiền xin lễ. Như tôi đã đôi lần giải thích, tiền xin lễ hay bổng lễ (mass stipend) là số tiền tối thiểu mà Giáo quyền địa phương ấn định cho các linh mục được hưởng khi dâng một thánh lễ cầu cho ai, hay cho việc gì. Cụ thể ở Mỹ, đa sốc các Giáo phận đều qui định mức bổng lễ này là 5 đôla hay 10 đola cho mỗi ý lễ. Như vậy, linh mục không được phép đòi người xin lễ số tiền cao hơn mức qui định này, và không được gây cho ai ngộ nhận là xin lễ với bổng lễ to thì được ích lợi thiêng liêng nhiều hơn lễ với bổng lễ nhỏ hay không có bổng lễ. Tuy nhiên, nếu giáo dân tự ý đưa số tiền cao hơn mức qui định trên thì linh mục được phép nhận mà không có lỗi gì.

Nhưng số tiền xin lễ nhiều hay ít không ảnh hưởng gì đến việc Chúa ban ơn qua thánh lễ. Nghĩa là xin một lễ với bổng lễ 1000 đôla hay 5 đôla thì chỉ có giá trị vật chất cho linh mục cử hành thánh lễ chứ không có giá trị gì trong việc Chúa ban ơn cho người thụ hưởng vì ơn Chúa là vô giá, nghĩa là không thể mua được bằng tiền của vật chất. Vị linh mục nào mà hứa sẽ làm lễ đời đời cho người dâng cúng nhiều tiền là sai Giáo luật và không được Giáo Hội cho phép! Tối đa linh mục chỉ được phép nhận làm lễ cho người nào đó là 30 lễ liên tục, vì còn phải dâng ý lễ cho người khác nữa! Ai bảo đảm được là một linh mục hay nhà dòng nào đó sống được đời đời! Những ai hứa như vậy là đối trá là cũng phạm tội buôn thần bán thánh!

Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng rằng bỏ nhiều tiền ra xin lễ thì chắc sẽ được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn là ít hay không có tiền. (không có bổng lễ, linh mục vẫn làm lễ theo ý người xin).

Tiền dâng cúng cho các cơ quan từ thiện hay cho nhà thờ, nhà dòng là việc bác ái không mong hoàn trả, nên khác với tiền xin lễ. Nói rõ hơn, tiền dâng cúng để giúp cho công cuộc xây cất hay tu bổ của các nhà dòng, nhà thờ… thì được hiểu là tiền cho không để giúp những công việc đó.Dĩ nhiên Chúa sẽ trả công cho những ai có lòng hảo tâm giúp đỡ các công tác từ thiện này. Ngược lại, tiền xin lễ là bổng lễ dâng theo qui định của Giáo quyền để trả công tượng trưng cho thừa tác viên cử hành thánh lễ được hưởng trong tinh thần Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ xưa: “…người ta cho ăn uống thức gì thì anh em hãy dùng thức đó vì làm thợ thì đáng trả công.” (Lc 10:7). Thánh Phaolô cũng dạy: “Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ sao ? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng.” (1 Cr 9:13-14).

Như vậy, không thể so sánh hay coi số tiền dâng cúng vào nhà dòng, chủng viện hay nhà thờ như tiền xin lễ được vì lý do phân tích trên đây.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 09.11.2006. 16:59