Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Danh Xưng Cha Con Giữa Linh Mục và Giáo Dân

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Trả lời một bài viết của tác giả Võ Lý trên nguyệt san Dấn Thân

Nguyệt San Dấn Thân số 7 tháng 12 năm 2003 vừa qua có đăng một bài dưới nhan đề “Hội Chứng Quyền Lực Trong Giáo Hội” của tác giả Võ Lý. Đọc qua bài này, tôi nhận thấy tác giả đã có công nghiên cứu và can đảm trình bày một vấn đề khá tế nhị về những tương quan giữa Hàng giáo sĩ và giáo dân Việt nam từ trong quá khứ đến hiện tại.

Về nhiều ý kiến của tác giả nêu ra trong bài này, tôi chưa thể góp ý lúc này vì thời gian chưa cho phép. Tôi chỉ muốn góp ý ngay với tác giả về điều được nêu ra dưới tiêu đề 4.3 “Danh xưng ‘cha con’ giữa linh mục và giáo dân”.

Để tiện cho độc giả được theo dõi, tôi xin trích nguyên văn đoạn trên của tác giả như sau: “ Những từ xưng hô Cha, Đức Cha, Đức Thánh Cha để chỉ linh mục, Giám Mục, và Giáo hoàng không có nguồn gốc Kinh Thánh hay truyền thống các Tông Đồ và Giáo Phụ. Chẳng những thế, chúng còn gây nhiều bối mỗi cho chúng ta khi đọc đoạn Phúc âm sau : “Phần anh em thì đừng để ai gọi mình là “rapbi” vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em là anh em với nhau . Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất là Cha của anh em vì anh em chỉ có một Cha trên trời ”(Mt 23:8-9). Trong 2000 năm lịch sử của Giáo Hội thì hơn 1000 năm đầu không có một dấu vết nào của lối xưng hô này. Riêng tại Việt nam, việc gọi linh mục là Cha cũng mới xuất hiện gần đây, tại Hànội được ghi nhận vào năm 1924, trong khi Tin Mừng được rao giảng hơn 400 năm, vào khoảng năm 1533 dưới thời nhà Lê…” (trang 42)

... Ở phần tiếp trang 43, tác giả viết: “Lối xưng hô cha-con giữa linh mục và giáo dân chỉ là quy ước, xuất phát từ một giai đoạn lịch sử đặc thù . Nay thời thế đã đổi, tâm lý con người cũng khác, lối xưng hô này cũng nên được xét lại…”

Là một Linh mục trung thành với mọi Giáo lý chân chính của Giáo Hội, tôi thấy cần phải lên tiếng về những ý kiến được trích dẫn trên đây của tác giả Võ Lý để rộng đường dư luận và nhất là để đánh tan những ngộ nhận, hiểu lầm về vấn đề được nêu ra.

Trước hết, tôi xin khẳng định ngay là danh xưng “Cha” dành cho các linh mục Công Giáo không phải là một “quy ước xuất phát từ một giai đoạn lịch sử đặc thù” như Tác giả Võ Lý đã tưởng tượng. Và cũng không phải danh xưng này “ chỉ mới xuất hiện gần đây tại Hà nội được ghi nhận vào năm 1924”, như tác giả đã võ đoán . Phải nói : danh xưng này đã được Giáo Hội cho phép dùng từ lâu trong mọi ngôn ngữ nơi có người tin và sống Đạo Công Giáo của Chúa Kitô. Thí dụ, người Pháp cũng gọi Linh mục là “Père”, người Anh Mỹ gọi “Father”, người Ý và Tây Ban Nha gọi “Padre” v.v... đều có nghĩa là “Cha”. Nhưng vì trong những ngôn ngữ này chỉ có cặp Đại danh từ nhân xưng (personal pronouns) I-You; Je-Tu/Vous,; Yo/Tu-Usted/… được dùng để đối thoại trong gia đình giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh cại em, bạn bè, và ngay cả để cầu nguyện với Chúa nữa. Khi người Pháp nói “ Mon Père” với một Linh mục, nhưng vẫn dùng cặp đại từ” “Je/Vous ” để nói chuyện tiếp với linh mục đó, vì họ không có lối xưng hô Pè re/Fils (cha-con) như người Việt nam. Người Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Ý cũng vậy. Nên họ không có vấn đề gì với cách xưng hô này, mặc dù họ vẫn gọi Linh mục là Cha khi chào hỏi và mở đầu câu chuyện… Người Việt nam chúng ta thì khác, vì nét đặc thù và phong phú của tiếng Việt trong cách xưng hô…

Trong gia đình, con cái luôn thưa với cha mẹ bằng tương quan Cha-con / Me-con/ và luôn xưng “con”, hoặc “cháu” khi nói chuyện với ông bà. Con cái mà nói “tôi, tao” với Cha mẹ, hay Ông bà thì kể như thuộc thành phần thiếu giáo dục, đáng được sửa sai. Khi cầu nguyện, người Công giáo Việt nam luôn kính cẩn thưa “Lạy Chúa, con xin…”, và tuyệt đối không cảm thông được cách gọi Chúa là “Tu,/Toi” như trong Pháp ngữ hoặc Thou/You trong Anh ngữ trong khi người Pháp hay Mỹ cảm thấy rất thoải mái và tự nhiên khi xưng hô như vậy với Chúa, vì đó là ngôn ngữ của họ. Đây là những nét đặc thù về văn hóa và ngôn ngữ của mỗi dân tộc.

Trở lại lý do tại sao Giáo Hội cho phép gọi Linh mục là “Cha”, một trong những điều gây chia rẽ giữa Giáo Hội Công Giáo và anh em Tin Lành, một điều khiến tác giả Võ Lý phải lên tiếng đặt lại vấn đề. Tôi phải nói thêm một lần nữa là Giáo Hội cho phép gọi như vậy trong mọi ngôn ngữ từ lâu rồi chứ không phải là sản phẩm của riêng người Công giáo Việt nam, nạn nhân của cái gọi là “Hội Chứng Quyền lực”, một đề tài tôi xin được góp ý trong dịp khác.

Tác giả Võ Lý nêu Phúc Âm Thánh Matthêu đoạn 23, câu 8-9 để chứng minh danh xưng “Cha” dành cho các Linh mục Công giáo là “không có nguồn gốc Kinh Thánh hay Truyền thống các Tông đồ và Giáo Phụ”. Anh em Tin Lành cho đến nay cũng trích dẫn đoạn Tin Mừng trên để chỉ trích Giáo Hội Công Giáo là “rối đạo, lạc giáo=heretic). Sự thật có phải vậy không ?? ? Có lẽ anh em Tin Lành và tác giả Võ Lý đã đọc và hiểu vê câu Kinh Thánh trên theo nghĩa ngữ học (semantic) của từ ngữ được dùng thay vì đi sâu vào tâm thức làm nền cho toàn bộ ý nghĩa sâu xa của lời Chúa Giêsu nói khi ấy. Thực ra, Chúa muốn chỉ trích những người Biệt Phái Pharisiêu về thói chuộng hư danh, khoe khoang và hợm hĩnh của họ, vì họ là những người thích được xưng tụng bằng cha, bằng thầy (Rabbi), thích ngồi chổ danh dự nơi hội đường, thích được chào đón nơi công cộng, thích khoe khoang về thành tích đạo đức thay vì thực sự sống và thực hành những gì là cốt lõi của Lề Luật, của Đạo giáo. Vì thế, câu nói trên của Chúa Giêsu hoàn toàn áp dụng cho hạng người này với não trạng đó và không mang nội dung như anh em Tin Lành đã khai thác sai lạc để đả kích Giáo Hội Công Giáo. Vậy tại sao Giáo Hội cho phép gọi Linh mục là “Cha= Pater, Père, Father, Padre,,..” ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy đọc câu Kinh Thánh sau đây trích trong Thư 1Côrintô của Thánh Phaolô :“ Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cor 4:15) . Chính vì lý do này mà Thánh Phaolô đã gọi Timôthê, một môn đệ của ngài, là“người con tôi đã sinh ra trong Đức tin” (1Tim 1:2). Nói khác đi, theo Thánh Phaolô, qua việc rao giảng Tin Mừng và làm Phép Rửa, Giáo Hội sinh con cho Chúa Kitô… Giám mục, Linh mục, qua Thánh Chức, được trao Sứ Vụ rao giảng Tin Mừng, thánh hóa và cai trị, của Chúa Kitô. Qua Sứ Vụ này, các ngài “sinh con” cho Chúa như Thánh Phaolô đã dạy. Đây là chức vụ “người cha tinh thần = Spiritual Fatherhood) của người thi hành Sứ Vụ (Ministry) của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) cũng nhắc lại trách nhiệm của Linh Mục như sau:

“Linh Mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ Bí tích Rửa Tội và giáo huấn” (LG.28)

Như vậy qủa thực là danh xưng “Cha” dành cho Linh Mục có nguồn gốc Kinh Thánh, Tông Đồ và Công Đồng, không phải chuyện bịa đặt như có người kém hiểu biết đã nói vô căn cứ. Danh xưng này không hề xúc phạm đến việc tôn vinh Chúa là CHA duy nhất, Đấng tạo dựng mọi loài, mọi vật hữu hình và vô hình. Danh hiệu “Cha” của Linh mục chỉ nói lên trọng trách của người Tông đồ được sai đi như những đại diện chính thức của Chúa Giêsu : “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16).

Như vậy rõ ràng Chúa Giêsu đồng hóa mình với những người đại diện cho Chúa để tiếp tục thi hành Sứ Vụ của Người trong trần thế. Linh mục là người được gọi và sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, để mang nhiều linh hồn về cho Chúa. Gọi Linh mục là “Cha” để nhấn mạnh sứ mạng “sinh con “ cho Chúa qua sứ vụ rao giảng và làm phép Rửa để tái sinh con người qua nước và Thánh Thần, nhờ đó con người được ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa và được quyền gọi Chúa là Cha (Abba). Đó là tất cả ý nghĩa sâu xa của sứ vụ“sinh con” cho Chúa theo Thánh Phaolô Tông Đồ. Vậy vai trò “người cha thiêng liêng” của Linh mục được hiểu trong tinh thần này, nhằm đề cao trách nhiệm đại diện, thay mặt Chúa Giêsu để giảng dạy và thánh hóa, chứ không nhằm mục đích tôn sùng cá nhân (cult of personality) hay phạm thượng (blasphemy) cần được thay đổi như có người đòi hỏi ... Gọi Linh mục là Cha vì căn bản đức tin đó, chứ không phải vì “quy ước xuất phát từ một gian đoạn lịch sử đặc thù… khi mà uy quyền của Giáo hội lên đến tột đỉnh…” như tác giả Võ Lý đã nhận xét sai lầm! Sở dĩ gọi “Cha”, xưng “con”, như người Công giáo Việt nam đã và đang áp dụng khi tiếp xúc với các Linh mục là vì nét đặc thù của ngôn ngữ và văn hóa Việt nam như tôi đã phân tích ở đoạn trên đây.. Nếu trong gia đình Việt nam mà con cái luôn phải xưng hô cha-con/ mẹ- con/ Ông, bà-cháu…. Và không thể nói tôi/ tao với cha mẹ, ông bà, chú bác… thì gọi Linh mục là Cha rồi xưng “tôi”, có phù hợp với văn hóa Việt nam hay không ???

Dĩ nhiên về phần Linh mục, khi được giáo dân xưng hô “Cha/con” thì Linh mục phải hiểu đó là điều nhắc nhở mình đến vai trò và sứ mạng được lãnh nhận qua Thánh Chức, và tuyệt nhiên đây không phải là một ưu quyền được ban cho như trong khuôn khổ “Hội Chứng Quyền Lực”, một nhãn hiệu mới phát minh để đả kích Giáo Hội. Tuy được giáo dân gọi là Cha, nhưng không Linh mục nào lại lố bịch lên Tòa giảng xưng “cha’ với giáo dân và gọi mọi người là con như trong gia đình. Thực tế,có một số linh mục lớn tuổi đã tự xưng “cha” khi nói chuyện với nhửng người trẻ đáng tuổi con cháu mình, còn đại đa số linh mục đều dùng ngôn từ “tôi” hay “chúng tôi” khi nói chuyện với giáo dân dù được người đối diện gọi mình là cha. Cũng có nhiều Linh mục trẻ đã xưng “con”, hoặc “ cháu” khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn mình. Điều này chứng tỏ Linh mục không tự mãn khi được gọi là Cha, và hơn thế nữa, còn chứng tỏ mình biết cư xử phù hợp với tinh thần văn hóa Việt nam. Tất cả mọi Linh mục đều coi giáo dân là “anh chị em” trong Chúa, và luôn hành xử như vậy khi giảng dạy cũng như khi tiếp xúc với giáo dân, mặc dù đều ý thức rõ về vai trò “người Cha thiêng liêng” của mình qua việc thi hành sứ vụ Tư tế phẩm trật (ministerial priesthood) trong Giáo Hội.

Tóm lại, gọi Linh mục là Cha là một truyền thống có từ lâu trong Giáo Hội thuộc mọi ngôn ngữ; và có từ đầu khi Đạo Công Giáo được rao giảng ở Việt nam chứ không phải “mới xuất hiện gần đây, tại Hànội được ghi nhận vào năm 1924…” như tác giả Võ Lý đã viết. Có chăng là hiện tượng quá “thần thánh hóa” Linh mục của giáo dân một thời trong gian đoạn phát triển còn được ghi nhận qua cách xưng tụng như “con xin phép lạy Cha” của nhiều người trong quá khứ xa xưa. Nhưng gọi Linh mục là Cha là điều Giáo Hội dạy và cho phép vì sứ vụ của người “sinh con” cho Chúa như Thánh Phaolô Tông Đồ đã dạy. Đây không phải là “sản phẩm” của một trào lưu phong kiến nào trong Giáo hội như có người lầm tưởng và diễn giải sai lầm với dụng ý chỉ trích Giáo Hội Công giáo. Người Công Giáo trưởng thành không những ý thức rõ mà còn hoan hỉ chấp hành những gì Giáo Hội dạy thay mặt Chúa KiTô. Giáo Hội không phải là một cơ chế chính trị đòi hỏi phải thích nghi với trào lưu của thời đại, với uớc muốn của con người. Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô có mặt và hoạt động trong trần gian với Sứ mạng hoàn toàn siêu nhiên. Muốn hiệp thông với Giáo Hội trong Sứ mạng này đòi hỏi người tín hữu phải có Đức Tin trưởng thành. Không có đức tin này thì không thể chấp nhận những Giáo lý và Tín lý của Giáo Hội được, vì những chân lý này luôn mâu thuẫn với những đòi hỏi và mong đợi của xã hội, của thời đại, như Giáo lý về hôn nhân, về bảo vệ sự sống, không truyền chức linh mục cho nữ giới, luật độc thân của linh mục, v.v… Gọi linh mục là “Cha” cũng là một truyền thống có căn bản đức tin của Giáo Hội mà người Công Giáo trưởng thành không nên thắc mắc, đặt vấn đề đúng, sai. Tôi không cố chấp bênh vực vì tôi là Linh mục. Tôi chỉ muốn bênh vực điều phù hợp với đức tin, với Giáo lý chân chính của Giáo Hội mà thôi.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Pastor of St. Gregory The Great Church, Houston

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 27.07.2006. 23:32