Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Có Nghi Thức Nào Gọi Là `Trao “Tác Vụ Phó Tế Và Linh Mục” Không?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Xin cha giải thích trong Giáo Hội có nghi thức nào gọi là trao tác vụ Phó tế, Linh mục và Giám mục không ?

Trả lời: câu hỏi này đã được đặt ra cách nay mấy năm và tôi đã có dịp trả lời rõ căn cứ vào giáo luật, và Nghi Thức (Rites) Phụng vụ của Giáo Hội. Nay xin được trả lời một lần nữa như sau:

I- Sự khác biệt giữa tác vụ và chức thánh:

Trước Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội truyền các chức thánh nhỏ (minor orders) sau đây sau khi một chủng sinh đã được cắt tóc (tonsure):

Bốn chức thánh nhỏ gồm chức mở cửa nhà thờ (Porter), trừ quỉ (exorcist), đọc sách (lector), và gíúp lễ (acolyte). Hai chức đọc sách và giúp lễ được coi là chức phụ phó tế (subdiaconate)

Các ứng viên muốn tiến lên nhận lãnh chức Phó tế và Linh mục đều buộc phải lãnh các chức nhỏ trên đây trước.

Nhưng sau Công Đồng trên, ngày 15 tháng 8 năm 1972, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ban Tông Thư bãi bỏ việc cắt tóc (tonsure) và các chức thánh nhỏ trên đây. Riêng hai chức đọc sách và giúp lễ được biến đổi thành tác vụ (ministerium = ministère = ministry), và có thể được trao cho cả tín hữu giáo dân (lay Christians) để phụ giúp trong phụng vụ thánh. Ở các Đại chủng viện, thì tác vụ đọc sách được trao cho chủng sinh vào cuối năm thần học thứ nhất, và tác vụ giúp lễ vào cuối năm thần 2. Các đại chủng sinh buộc phải nhận hai tác vụ này trước khi được thỉnh nguyện xin chịu chức Phó tế và Linh mục. Vì không còn là chức thánh (holy order) nữa nên các chủng sinh nhận lãnh các tác vụ này không buộc phải cam kết giữ luật độc thân, và vâng phục như các ứng viên phó tế chuyển tiếp (transitional deacon) và linh mục (priest). Và cũng vì không còn là chức thánh nên việc trao các tác vụ này không được gọi là truyền chức thánh (ordination) mà chỉ là nghi thức tiến cử vào tác vụ (Institution or installation) mà thôi. Truyền chức thánh thì buộc phải do Giám mục truyền nhưng trao hai tác vụ trên thì linh mục có thể chủ sự nghi thức này.

II- Các chức thánh trong Giáo Hội hiện nay:

Theo giáo luật số 1009, thì chỉ có ba chức thánh sau đây:

  1. Chức Phó tế (diaconate)
  2. Chức linh mục (presbyterate)
  3. Chức Giám mục (Episcopate)

Như thể chỉ có ba chức nói trên được gọi là chức thánh (holy orders) và chỉ có Giám mục được phép trao hay truyền các chức này cách hợp pháp (licitly) và thành sự (validly) trong Giáo Hội mà thôi. Riêng chức Giám mục, thì đòi hỏi phải có ủy nhiệm thư, tức là có phép của Đức Giáo Hoàng thì mới được truyền và lãnh chức này (x. Can 1013).

Để lãnh các tác vụ đọc sách và giúp lễ cũng như chịu các chức Phó tế, Linh mục và Giám mục, Công Đồng Vaticanô II đã duyệt xét lại các Nghi thức (Rites) phụng vụ thánh và Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố cho áp dụng trong toàn Giáo Hội Sách Nghi Thức mới qua Tông Thư ngày 15 tháng 8 năm 1972.

Sách Nghi Thức này đã qui định :

  1. Nghi thức trao tác vụ Đọc sách và giúp lễ (Institution of Readers and Acolytes)
  2. Nghi thức truyền chức Phó tế (Ordination of a deacon)
  3. Nghi thức truyền chức Linh mục (ordination of a priest)
  4. Nghi thức truyền chức Giám mục (Ordination of a bishop)

Như vậy, không có Nghi thức nào gọi là “trao tác vụ Phó tế, hay Linh mục” trong Giáo Hội Latinh cả. Nếu có thì đây chỉ là hình thức “phăng” (fantaisie) của ai mà thôi. Cái sai lầm lớn của người “phăng” này là ở chỗ đã lẫn lộn chức thánh (ordo) với tác vụ (ministerium) hay không hiểu rõ cự khác biệt giữa hai định chế này. Các giáo phái Tin lành không nhìn nhận bí tích truyền chức thánh vì họ không tin có bí tích này do chính Chúa Giêsu đã thiết lập trong Bữa Tiệc Ly cuối cùng khi Người truyền cho các môn đệ “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (x. Lc 22:19; 1 Cor 11:24-25). Vì không tin đây là căn bản thần học của bí tích truyền chức thánh nên các giáo phái tin lành chỉ làm sứ vụ rao giảng (preaching ministry) mà thôi. Như thế khi nói “trao tác vụ phó tế và linh mục, người ta đã vô tình coi việc truyền chức thánh trong Giáo Hội Công giáo tương tự như việc trao tác vụ rao giảng của anh em tin lành.

Chức thánh đòi hỏi giáo lý để hiểu rõ ý nghĩa và mục đích (x. SGLGHCG số 1554-1569) cũng như phải có nghi thức riêng biệt để trao ban, chứ không đơn giản như bất cứ nghi lễ thông thường nào kể cả nghi thức trao tác vụ đọc sách và giúp lễ. Đành rằng tất cả mọi công việc phục vụ của phó tế, linh mục hay giám mục đều là những tác vụ được nhận lãnh để thi hành nhân danh Chúa Kitô là Đầu (in persona Capitis). Nhưng muốn thi hành hành tác vụ phó tế (diaconal ministries)thì phải có chức thánh cấp phó tế. Muốn thi hành các tác vụ linh mục (priestly ministries) thì phải có chức thánh cấp linh mục và phải được giám mục trao cho năng quyền (Faculty) để rao giảng và cử hành các bí tích tức là thi hành các tác vụ linh mục của mình cách hợp pháp trong Giáo Hội.

Như vậy, không phải cứ có chức phó tế hay linh mục thì tự động được làm các tác vụ của mình. Ngược lại, nếu không được Giám mục ủy nhiệm (delegated) hay bị rút năng quyền (suspention of faculties) thì không phó tế hay linh mục nào được phép thi hành bất cứ tác vụ nào mặc dù có chức Phó tế hay Linh mục.

Tóm lại, danh xưng phải chính xác để chỉ đúng ý nghĩa và mục đích của hành động. Khi nói đến tác vụ là nói chung công việc mục vụ, thánh vụ và phục vụ của thừa tác viên (ministers) trong Giáo Hội nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi). Chức thánh là ân sủng hay khả năng thiêng liêng đòi hỏi để thi hành những tác vụ đó. Như vậy không thể lẫn lộn hay đồng hoá ý nghĩa của chức thánh và tác vụ. Nói khác đi, không có Nghi thức nào gọi là nghi thức trao tác vụ Phó tế hay Linh mục trong Giáo Hội Công Giáo cả. Chỉ có nghi thức trao tác vụ đọc sách thánh và giúp lễ mà thôi. Các chức phó tế, Linh mục và Giám mục phải được trao trong nghi thức riêng cử hành trong thánh lễ gọi là Lễ Truyền Chức Thánh mà giáo luật cũng như Nghi Thức phụng vụ của Giáo Hội đã qui định rõ. Nói sai về các nghi thức này là tự ý “phăng ra” nghi thức riêng của mình, không phù hợp với qui định chung của Giáo Hội.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 14.12.2007. 01:19