Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Có Buộc Rước Lễ Khi Tham Dự Thánh Lễ Không?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha cho biết có luật nào buộc phải rước lễ khi tham dự Thánh Lễ không?

Trả lời: Trước hết, cần nhắc lại mục đích của Thánh Lễ cử hành trong Giáo Hội.

Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) – hay còn gọi vắn tắt là lễ Misa – là việc cử hành phụng vụ thánh cao trọng nhất trong Giáo Hội Công Giáo từ xưa đến nay. Thánh Công Đồng Vaticanô II đã gọi đây là “đỉnh cao của đời sống Giáo Hội” vì trong Thánh Lễ Tạ Ơn, toàn thể cộng đồng dân Chúa “cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa.” (x. Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, SC, số 10).

Nói khác đi, Thánh lễ Tạ Ơn là việc làm sống lại qua nghi thức phụng vụ Bữa Ăn của Chúa Giêsu với 12 Tông Đồ trong buổi chiều trước đêm Người nộp mình để chịu chết ngày hôm sau trên thập giá, cũng là bàn thờ để Người dâng Hy Tế đền tội cho nhân loại. Như thế, Thánh lễ Tạ ơn vừa diễn lai Bữa Tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu vừa cử hành lại Hy Tế của Người dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ ngày nay cùng thể thức và mục đích như xưa trên thập giá. Trong Bữa Ăn này, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để biến bánh và rượu nho thành mình và máu Chúa cho “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời.” (Ga 6:54 ).

Vì thế Thánh Lễ Tạ Ơn là việc đạo đức cao trọng nhất và có giá trị cứu độ nhất cho những ai tham dự với tất cả lòng tin và mộ mến.

Giáo Hội qui định việc cử hành Thánh lễ với hai phần chính là phụng vụ lời Chúa và phụng vụ thánh thể:

I- Phụng vụ lời Chúa (Liturgy of the word):

Vvới các bài đọc lấy từ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước trong chu kỳ 3 năm.

Giáo dân tham dự Thánh lễ được mời gọi sốt sắng lắng nghe lời Chúa qua các bài kinh thánh này cũng như chú ý nghe lời giải thích và áp dụng qua bài giảng của linh mục chủ tế.

Ngoài ra, cũng phải tích cực tham dự trong phần đáp ca và các phần ứng đối khác kể cả lời nguyện giáo dân trong thánh lễ. Lời Chúa cũng là của ăn nuôi linh hồn con người như Kinh Thánh đã chép: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” ( Mt 4:4)

II- Phụng vụ thánh thể (liturgy of the Eucharist):

Diễn lại bữa ăn của Chúa Giêsu với 12 tông đồ. Trong bữa ăn này, Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu lần đầu tiên thành chính mình và máu thánh Người cho các ông ăn và uống, kể cả cho Phêrô sắp chối Chúa và cho Giuđa sắp nộp Thầy.

Như thế, thánh lễ, về một phương diện, là bữa ăn của Chúa Giêsu với 12 tông đồ trong đêm Người bị bắt vì Giuđa phản bội, bán Chúa cho các thượng tế và kỳ mục Do Thái.

Giáo Hội tha thiết mong muốn giáo dân tham dự cách trọn vẹn và sốt sắng cả hai phần chính trên đây của Thánh Lễ Tạ Ơn. Nghĩa là phải chú ý nghe lời Chúa qua các bài đọc và qua phần diễn giảng ý nghĩa và áp dụng thực tế của bài giảng. Trong phần phụng vụ thánh thể, hiệp lễ (hay rước lễ) là phần chủ yếu vì qua đó người tham dự thánh lễ được ăn “Bánh bởi Trời” là chính Mình và Máu Chúa Kitô thực sự hiện diện dưới hai hình thức bánh và rượu nho, sau khi chủ tế đọc lại lời Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly.

Về điểm này, Hiến Chế về Phụng vụ thánh (SC) của Công Đồng Vaticanô II dạy như sau: “Rất khuyến khích các tín hữu tham dự thánh lễ hoàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ đó” ( SC. 55).

Giáo lý của Giáo Hội chỉ buộc “các tín hữu phải tham dự Phụng vụ thánh các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, và họ phải rước Mình Chúa (rước lễ) ít nhất mỗi năm một lần; nếu có thể thì trong mùa Phục Sinh, sau khi họ đã được chuẩn bị bằng bí tích hòa giải. Giáo Hội hết lòng khuyên các tín hữu rước lễ các ngày Chúa Nhật và ngày lễ (lễ kính, lễ buộc) hay siêng năng hơn thì mỗi ngày.” ( SGLGHCG, số 1388)

Cũng cần giải thích rõ về việc chuẩn bị qua bí tích hòa giải như sau: Nếu ai xét thấy mình đang có tội trọng thì không được rước lễ. Do đó, chỉ trong trường hợp này, tín hữu mới cần đi xưng tội trước khi hiệp lễ mà thôi. (X. Sđd, số 1385; giáo luật số 916)

Như thế, Giáo hội chỉ khuyên năng rước lễ và chỉ buộc rước ít nhất một lần mỗi năm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Thánh lễ diễn lại Bữa Tiệc và là Hy Tế của Chúa Kitô.

Là Bữa ăn, thì mọi người tham dự phải cùng ăn cùng uống mới hợp tình hợp lý. Thực tế trong mọi nền văn hóa là khi được mời đi ăn hay dự tiệc cưới, tiệc vui nào, thì không ai lại đến dự chỉ để nhìn người khác ăn, uống, còn mình thì không!

Vậy nếu Tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu khoản đãi mỗi khi Thánh Lễ được cử hành còn quan trọng và cao trọng hơn bất cứ bữa tiệc nào của con người, thì làm sao người tham dự thánh lễ lại có thể không hiệp lễ (rước lễ) cùng với bao người khác có mặt trong dịp này?

Đành rằng không có luật buộc phải rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, nhưng xét về mặt lợi ích thiêng liêng và ý nghĩa của tiệc thánh thể, thì chúng ta không thể bỏ qua hay coi nhẹ việc rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, trừ khi xét thấy mình đang có tội trọng như đã giải thích ở trên.

Tóm lại, khi tham dự thánh lễ, thì mọi tín hữu được khuyên phải hết sức chú ý nghe lời Chúa và rước lấy Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, vì Mình Máu Chúa thật là của ăn và của uống cho những ai muốn sống đời đời. (Ga: 6:53-54)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 24.03.2008. 08:35