Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chuẩn Bị Tâm Hồn Thế Nào Trong Mùa Vọng Này Để Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Phúc Âm Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng, 2006

Trong chu kỳ phụng vụ của Giáo Hội, Mùa Vọng là thời điểm đặc biệt gợi lại cho chúng ta thời gian dân Do Thái xưa kia mong đợi Đấng Thiên Sai (Messiah) đến để cứu họ như các ngôn sứ trong thời Cựu Ước đã loan báo.Nhưng khi Người đến thì họ lại không nhận biết và đón chào vì điều họ trông đợi không phải là điều Chúa muốn thực hiện. Ngày nay, đối với người tín hữu chúng ta trong Giáo Hội, thì thời gian 4 tuần lễ này là thời điểm nhắc chúng tatrước hết nhớ lại biến cố Ngôi Lời Nhập Thể và đồng thời cũng thúc dục ta lưu tâm chuẩn bị cho ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nhớ lại biến cố Ngôi Lời Nhập Thể cũng là lý do để hân hoan đón mừng một lần nữa Ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu xuống trần gian cách nay đã trên 2000 năm.

Thật vậy, hàng năm cứ đến thời gian này thì khắp nơi trên thế giới, người ta lại rộn rịp đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh kể cả những người không chung niềm tin với Giáo Hội Công Giáo.Các tư gia và nhất là những nơi buôn bán, người ta lại trưng bầy, trang hoàng rực rỡ về Giáng Sinh cả tháng trước ngày đại Lễ. Đặc biệt, những bản thánh ca về Chúa Giáng Sinh lại vang lên trên mọi hệ thống truyền thanh, truyền hình làm rung động tâm hồn của mọi người nghe.

Trong không khí tưng bừng này, là người tín hữu, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cách nào cho xứng hợp để đón mừng ngày vui trọng đại của niềm tin Kitô?

Trước hết, chúng ta không nên đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh như một thói quen hàng năm khi chu kỳ phụng vụ này trở lại với Giáo Hội. Nói khác đi, chúng ta không mừng lễ như xem lại một cuốn băng Video cũ đã xem nhiều lần đến nỗi thuộc lòng mọi chi tiết trong đó.Ngược lại, chúng ta phải coi đây như một biến cố mới, một dịp nữa để khám phá thêm về tình yêu quá lạ lùng của Thiên Chúa đối với loài người thể hiện nơi Đức Kitô, Đấng đã quên mình là Chúa để đến với nhân loại trong thân hình một “ trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”(x. Lc 2:12). Như thế, một lần nữa chúng ta lại có dịp đào sâu thêm niềm tin, tăng cường thêm lòng mến yêu đối với Đấng đã chia sẻ và đồng hành thân phận con người với chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi.Nghĩa là phải mừng Chúa Giáng Sinh như một biến cố mới đang sẩy ra với tất cả ý nghĩa sâu xa của nó, hơn là chỉ mừng một kỷ niệm của quá khứ, tương tự như mừng lễ Độc Lập, lễ Tạ Ơn hàng năm ở Mỹ. Trong tinh thần ấy, lời ngôn sứ Isaia trong bài Phúc Âm Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng hôm nay giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn cách xứng hợp để mừng kỷ niệm ngày Chúa sinh ra:

“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa
sửa lối cho thẳng để Người đi
mọi thung lũng phải lấp cho đầy
mọi núi đồi phải bạt cho thấp
khúc quanh co phải uốn cho ngay
đường lồi lõm phải san cho phẳng…”
(Is. 40:3-4; Lc 3:4-5)

Chắc chắn Isaia không nói đến những con đường quanh co, những núi đồi cao ngất và thung lũng sâu thẳm có thực trong thiên nhiên. Đích thực, Ngôn sứ chỉ muốn mượn những hình dung từ này để nói đến những trở ngại lớn lao cần được san phẳng để cho Chúa đến trong tâm hồn của con người mà thôi. Nghiã là, đồi núi cao nói ở đây, chính là lòng kiêu căng, hợm hĩnh, tự phụ về tài sức của mình đến nỗi không còn chỗ cho lòng kính sợ và tôn thờ một Thiên Chúa toàn năng thượng trí, nhưng rất gần gũi với con người trong tình thân và thương xót.Cũng vậy, thung lũng sâu thẳm cần lấp cho đầy nói trên, phải chăng là lòng mê say tiền bạc, của cải vật chất và vui thú vô luân khiến quá nhiều người không thể nâng lòng lên được tới Chúa là chính cội nguồn của mọi vinh quang và lạc thú vĩnh cửu? Và những con đường quanh co khúc khuỷu cần uốn cho ngay, phải chăng là những tâm địa gian tà, độc ác, lừa đảo, ích kỷ và dửng dưng trước những đau khổ của người khác, trước mọi bất công xã hội cần phải loại trừ để Thiên Chúa của tình thương, công lý và bình an có thể đến viếng thăm khi chúng ta mừng ngày sinh của Con Người?

Tóm lại, Chúa không thể giáng sinh một lần nữa trong những tâm hồn đang chất chứa ít nhiều những trở ngại nói trên.

Vậy, muốn chuẩn bị mừng ngày Giáng Sinh lần thứ 2006 của Chúa Cứu Thế Giêsu một cách xứng hợp và được nhiều ơn ích thiêng liêng, phải chăng mỗi người chúng ta cần nhìn lại chính mình xem có trở ngại nào ngăn cản Chúa đến hay không?

Đây mới thực sự là cách chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh cần thiết và có ý nghĩa hơn là chỉ trang hoang nhà cửa, đường phố, mua sắm, gửi thiệp và mở quà Giáng Sinh.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 05.12.2006. 18:57