Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Giêsu Có Thực Sự Chết Như Giáo Hội Dạy Hay Không ?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Nhân Mùa Chay sắp đến, xin cha giải thích hai câu hỏi quan trọng sau đây:

1- Chúa Giê su có thực sự chết như Giáo Hội vẫn dạy hay không, vì có một Giám mục kia đã nói: “Chúa Giê su đâu có chết. Đó chỉ là cách nói cho có vẻ bi thảm mà thôi”!

2- Những người sinh ra và chết trước khi Chúa Giêsu ra đời và hoàn tất công cuộc cứu chuộc - thì tất cả ở đâu và khi nào mới được vào Thiên Đàng ?

Trả lời:

Về câu hỏi thứ nhất, tôi không tin có một Giám mục hay Linh mục Công giáo nào lại dám nói như vậy. Có chăng, chỉ có những vị ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo hay Chính Thống Giáo mà thôi (Eastern Orthodox Churches). Được biết, các gíáo phái ngoài Công Giáo như Anh giáo (Anglican) Methodist, Lutheran, Epíscopal, Baptíst v.v. đều có chức giám mục (có cả nữ giám mục nữa!) nhưng họ không thuộc truyến thống Tông Đồ (Apostolic succession) như các Giám mục trong Giáo Hội Công Giáo, và cũng không hiệp thông, vâng phục Giám Mục Roma, tức Đức Giáo Hoàng là Thủ lãnh Giám mục Đoàn (Head of College of Bíshops) và là Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội hòan vũ. (Supreme Pastor of The Universal Catholic Church)

Vì thế, có thể có những “giám mục” ngoài Công Giáo đã dạy dỗ sai lầm hay mâu thuẫn với các Giám mục Công Giáo, hiệp thông với Đức Thánh Cha trong sứ vụ rao giảng Phúc Âm, bảo vệ chân lý, và đức tin công giáo tinh tuyền.

Trong niềm tin của Giáo Hội, dựa trên Kinh Thánh, Thánh Truyền (Tradition) và mặc khải (revelation) thì Chúa Giê su là “Thiên Chúa thật, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần” (Kinh Tin Kinh Nicene). Nhưng Ngài cũng là CON NGƯỜI thật, được Đức Trinh nữ Maria sinh ra với quyền năng của Chúa Thánh Thần. Như thế, Chúa Giêsu có hai bản tính không hề tách biệt nhau: đó lá Thiên Tính và nhân tính (divine and human nature). Ngài chính là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Jn 1:14).

Nhưng tại sao Chúa Giêsu phải chịu chết trên thập giá năm xưa, một sự kiện lịch sử mà không ai có thể chối cãi được?

Vậy Chúa có thực chết hay “giả vờ” chết để bi thảm hóa sự viêc như có ai đã nói ?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng ta cần nhớ lại rằng sự chết là hậu quả đương nhiên của tội lỗi mà con người mắc phạm như Thiên Chúa đã nói với Adam và Eva  “... ngày nào ngươi ăn (trái cấm), chấc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2:17).

Thánh Phaolô cũng giải thích thêm như sau về nguyên nhân gây ra sự chết cho con người: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12).

Như thế, mọi người phải chết vì đó là hậu quả của tội lỗi. Không ai có thể tránh được hậu quả này, trừ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tuy mang thân xác con người nhưng không hề vướng mắc tội tổ tông và mọi tội khác. Nhưng Chúa Giêsu đã chết trong thân xác con người của Chúa không phải vì hậu quả của tội lỗi, vì Chúa hoàn toàn vô tội. Người vô tội, nhưng đã tự hiến chịu chết thay cho kẻ tội lỗi như Thánh Phaolô đã nói rõ như sau “Thiên Chúa đã sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi của chúng ta để đền tội chúng ta. Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8:3)

Đó là tất cả lý do vì sao Chúa Giê su đã vui lòng vác thập giá, chịu mọi cực hình để cuối cùng “đã phải nếm sự chết là để cho mọi người được cứu độ nhờ ơn Thiên Chúa” (Dt 2:9). Chính Chúa Giêsu cũng đã xác nhận điều này trong Sách Khải Huyền (Revelation) như sau: “Ta là Đấng Hằng Sống. Ta đã chết và nay Ta sống muôn đời muôn thuở, và Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh1:18).

Như thế rõ rệt là Chúa Giế su đã thực sự chết trong thân xác nhân loại của Ngài qua bằng chứng Kinh thánh nêu trên và giáo lý sau đây của Giáo Hội:

Cái chết của Chúa Giêsu đã là một cái chết thực sự chấm dứt sự sống con người trần thế của Ngài. Nhưng vì sự hiệp nhất của thân xác Ngài với ngôi vị của Chúa Con, nên thân xác đó đã không trở thành một tử thi như những cái xác khác “vì thần lực của Chúa đã tránh cho thân xác Chúa Kitô khỏi bị thối nát (Th. Toma, S.th 3, 51, 3). (x. SGLGHCG số 627).

Chính vì thân xác của Chúa không bị hư nát qua sự chết như mọi xác con người nên ngày thứ nhất trong tuần khi các phụ nữ đến viếng Mộ Chúa, “họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hái của Chúa đâu cả” (Mt 24:3).

Họ không thấy xác Chúa vì Ngài đã sống lại trong một thân xác sáng láng tốt lành khác thường đến nỗi Maria Macdala không nhận ra Chúa khi Người hiện ra, đứng bên cạnh bà, đang khóc vì tưởng ai đã lấy trộm xác Chúa. (Ga: 20:11-14)

Tóm lại, với Thiên tinh và địa vị là Thiên Chúa Ngôi Hai thì Chúa Giêsu không thể chết được. Nhưng với bản tinh nhân loại và quả thực mang thân xác con người, thi Ngài đã thực sự chết thay cho nhân loại tội lỗi trên thập giá năm xưa như Kinh Thánh Tân Ước đã ghi chép. Kinh Thánh còn cho biết thêm là sau khi linh hồn Ngài lìa khỏi xác, Chúa Giêsu đã xuống nơi gọi là “Ngục Tổ Tông, hay Âm phủ” để “rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” ở đó. (1 Pr 3;19).

Các vong linh ở đây chính là linh hồn của những người lành thánh đã chết trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu ra đời. Họ chưa được vào Thiên Đàng ngay vì Chúa Kitô chưa hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài. Vì thế, sau khi Chúa hoàn tất qua Hy Tế thập giá, Ngài đã xuống nơi đây để loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ và dẫn đưa họ vào Thiên Quốc hưởng vinh phúc đời đời với Thiên Chúa.

Về điểm này, Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rõ như sau:

“Tân ước đã nhiều lần khẳng định rằng Chúa Giêsu “đã phục sinh từ cõi những người chết” (Cv 3, 45; Rm 6, 11; 1Cr 15, 20). Điều này giả thiết rằng, trước khi sống lại, Ngài đã ở trong cõi những người chết (She’ol = Hades = Abode of the deadl). Đó là ý nghĩa đầu tiên trong những lời giảng dạy của các tông đồ về việc Chúa Giêsu đã xuống âm phủ, (tức nơi cư ngụ của những người lành đã chết từ bao đời trước đó). Chúa Giê su đã chết như mọi người, và linh hồn của Ngài đã liên kết với họ tại cõi người chết này. Nhưng Ngài xuống đó với tư cách là Chúa Cứu Thế đến công bố Tin Mừng cho những vong linh đang bị giam cần ở đây”. (x. SGLGHCG, số 632; 1Pr 3: 18- 19).

2- Về câu hỏi thứ hai, xin được trả lời như sau:

Trước hết, căn cứ vào lời Chúa trong những câu Kinh Thánh sau đây:

a- “Chỉ có một Thiên Chúa
Chỉ có một Đấng trung gian
Giữa Thiên Chúa và loài người
Đó là một con người, Đức Kitô Giê su
Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người
” (1Tm 2:5-6)

b- “Ngoài Người (Chúa Giế su) ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4: 12).

Như thế có nghìa là tất cả những ai đã được cứu rỗi và muốn được cứu rỗi thì đều phải nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô-Giê su, vì chỉ môt mình Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người trong việc mang lại ơn cứu độ này mà thôi. Nói rõ hơn, những ai đã sinh ra và chết đi trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu sinh ra và hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân lọai của Ngài qua Hy Tế thập giá, thì đều phải nhờ công ơn cứu chuộc vô giá này để được vào hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa trên Thiên Đàng. Điều này cũng áp dụng cho tất cả những ai sinh ra và chết đi sau Chùa Giê su và cho đến mãn thời gian, tức là cho đến tận thế. Tất cả đều phải nhờ Danh Chúa Kitô và công nghiệp cứu chuộc của Ngài để đựoc cứu độ.

Đó là chân lý đã được mạc khải cho chúng ta qua những câu kinh thánh trích trên đây.

Riêng trường hợp những người không được biết Chúa Kitô, không được chịu phép rửa và không biết gì về Phúc Âm của Chúa không vì lỗi của họ; nghĩa là họ không có cơ may đuơc biết Chúa vì không có ai loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ. Thí dụ, trường hợp cha ông chúng ta sinh ra và chết đi trước khi Đạo thánh Chúa được rao giảng ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 16, thì dĩ nhiên họ không được biết Chúa và nghe Phúc Âm của Ngài. Nhưng đó không phải vì lỗi của họ. Tuy nhiên, nếu họ vẫn cố gắng sống theo tiếng nói của lương tâm và trong thâm sâu, ước mong tìm Chân lý tức là tìm gặp Chúa thì họ cũng có thể được cứu rỗi nhờ công nghiệp Chúa Kitô. (x SGLGHCG, số 847, Lumen Gentium số 16). Vì “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 19.02.2009. 02:12