Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chỉ Có Một Cha Trên Trời -Chúng ta đọc và hiểu thế nào về Lời Chúa trong Matthêu 23:8-9?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


Từ trước đến này các giáo phái Tin lành (Protestants) vẫn trích Lời Chúa trong Phúc Âm Thánh Matthêu 23:8-9 nguyên văn như sau để chí trích Giáo Hội Công giáo là “lạc giáo" (heretical): “Phần anh em thì đừng để ai gọi mình là “rabbi”,vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất là Cha của anh em vì chỉ có một Cha trên trời.”

Gần đây ở Mỹ và Việt Nam cũng có một số người (trong đó có một người tự xưng là Linh mục ?) cũng dựa vào câu Phúc âm trên để phê bình hoặc đả kích việc gọi linh mục Công giáo là “cha’ vì cho rằng trái với tinh thần câu Phúc âm trên.

Trong phạm vi bài này, tôi không muốn tranh cãi với ai về danh xưng trên mà chỉ cố gắng trình bày sự hiểu biết của tôi về lời Chúa được tranh cãi trên đây mà thôi.

Trước hết, xin được nói qua về cách thức đọc và hiểu Kinh Thánh.

ĐỌC KINH THÁNH

Chúng ta không thể đọc Kinh Thánh như đọc báo và tiểu thuyết được. Ngay cả đọc tiểu thuyết (romance, fiction) người ta cũng phải đọc với những tiêu chuẩn căn bản phải theo thì mới mong hiểu đúng được ý của tác giả viết trong tác phẩm. Nghĩa là phải biết qua về tác giả, về môi trường sống của tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm thì mới có thể hiểu cách đúng đắn về những chủ đề tác giả muốn trình bày trong tác phẩm của mình. Cụ thể một học sinh thời nay đọc các tác phẩm của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sẽ không thể hiểu thấu đáo những luận đề của các tác phẩm như Đoạn Tuyệt của Nhất Linh hay Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng nếu không biết bối cảnh xã hội Việt Nam với những phong tục tập quán khắt khe của nền văn hóa cổ chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho Giáo cho đến thập niên 30 là thời điểm Nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời và quảng bá táo bạo những quan niệm sống mới nhằm cách mạng xã hội Việt Nam.

Cũng vậy, các tác phẩm Kinh Thánh là những văn bản đã được viết cách chúng ta trên dưới 20 thế kỷ và từ những nền văn hóa hoàn toàn xa lạ với chúng ta những người đang sống trong thế kỷ thứ 21 của đệ tam thiên niên kỷ. Do đó việc đọc và hiểu Kinh Thánh lại càng khó khăn gấp bội so với việc đọc và hiểu các tác phẩm văn chương viết cách nay non một thế kỷ.

Phải nói một cách chắc chắn là không ai có thể tự học và hiểu Kinh Thánh được.

HIỂU KINH THÁNH

Muốn hiểu Kinh Thánh cách khả dĩ chấp nhận được thì tối thiểu phải qua những lớp chuyên dạy về Kinh Thánh ở các Chủng viện, các Đại Học nhất là ở các Trường chuyên về Khoa Kinh Thánh (Biblical studies) ở Rome hay bên Do Thái. Phải biết các tử ngữ như Latinh, Do Thái cổ, các sinh ngữ như Hy lạp, Đức v,v.. Về mặt chuyên môn phải học qua các ngành liên hệ đến Khoa Kinh Thánh đặc biệt là hai khoa chú giải (Exegesis) và thông thích luận (Hermeneutics) là những khoa giúp đọc và cắt nghĩa những bản văn cổ viết từ thời xa xưa để giúp tìm ra những ý nghĩa xác thực của những áng văn đã được hình thành trong những môi trường văn hóa khác biệt.

Như vậy, Kinh Thánh phải được hướng dẫn bởi những ngưởi đã được học về Kinh Thánh thì mới tránh được những hiểu biết sai lạc. Cho nên, bổn phận dạy dỗ của các Giám Mục và linh mục là giải thích Kinh Thánh và hướng dẫn áp dụng thực hành cho giáo dân qua các bài giảng trong Thánh lễ hay trong những lớp học hỏi Kinh Thánh ở các Giáo Xứ, Cộng đoàn..

Nếu không được hướng dẫn bởi những người đã học qua về Kinh Thánh và chỉ đọc với óc chủ quan và dừng lại ở nghĩa từ ngữ (literal meaning) của một đoạn văn nào trong Kinh Thánh thì sẽ không tránh được những ngộ nhận về ý nghĩ đích thực của đoạn văn đó.

Thí dụ, đoạn Tin Mừng sau đây trong Phúc Âm Thánh Matthêu : “ Nếu tay hoặc chân của anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa Ngục” (Mt 18 :8-9).

Nếu ta chỉ dừng lại ở nghĩa “đen” của từ ngữ trong Lời Chúa trên đây giống như đọc Mt 23: 8-9, thì chắc khắp nơi trên thế giới người ta đã phải xây thêm rất nhiều nhà thương, bệnh xá nữa nhưng cũng chưa chắc đã có đủ chỗ cho nhửng người tự chặt tay chặt chân hay móc mắt đến xin chữa trị sau khi đã phạm tội hoặc muốn tránh phạm tội ! Và chúng ta mọi người trong Giáo Hội chắc cũng chưa ai đã thực thi lời dạy trên đây của Chúa vì chưa ai (kể cả linh mục kia ?) đã dám chặt tay, móc mắt dù biết bao lần những cơ năng này đã là nguyên nhân cho sự sa ngã phạm tội nghịch giới răn yêu thương và sống thánh thiện như Chúa đòi hỏi. Vậy, chẳng hóa ra chúng ta là những người đạo đức giả vì chỉ nói cho người khác nghe và giữ trong khi chính mình thì lại làm ngơ,không dám thực hành ?

Nhưng thật sự Chúa có đòi hỏi ta phải thi hành cách máy móc như thế không hay phải hiểu rằng Chúa chỉ muốn chúng ta cố gắng hết sức, nỗ lực tối đa để tránh tội, không làm điều xấu, sự dữ mà thôi ? Như vậy không thể nhất thiết căn cứ vào nghĩa của từ ngữ mà áp dụng cách máy móc Lời Chúa được.

Một thí dụ khác về việc hiểu sai Lời Chúa khi chỉ căn cứ vào từ ngữ trong đoạn văn.

Đó là trường hợp Đức Mẹ xin Chúa can thiệp trong bữa tiệc cưới tại Cana. Để trả lời cho Đức Mẹ Chúa Giêsu nói: “ Này à, giữa tôi và bà có việc gì ? Giờ của tôi chưa đến” (Jn 2:4) (Bản dịch của Cố Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn)

“Woman, why turn to me ? My hour has not come yet!” (The Jerusalem Bible)

“Que me veux-tu, Femme ? Mon heure n’est pas encore arrivée”(La Bible Osty)

“Mujer, por qué me dices esto? Mi hora no ha llegado todavía”

Nhiều người đã than phiền :tại sao Chúa Giêsu trả lời thiếu lễ phép như vậy với Đức Mẹ là Mẹ của Chúa. Sao Chúa không nói : Thưa Mẹ, giờ của con chưa đến mà lại nói “này bà = woman = femme = mujer = donna..…" như vậy, nghe chướng tai quá !

Nhưng phê bình như thế là không hiểu tương quan giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong trường hợp này. Ở đây Chúa Giêsu không nói với Mẹ trong tương quan Mẹ- con, mà với tương quan giữa Chúa với nhân loại (hay với Giáo Hội) mà Mẹ Maria là đại diện. Cho nên không phải là vô cớ khi Chúa dùng từ ngữ bà  (= woman = femme)… trong trình thuật trên đây.

Cùng một ý nghĩa này, người ta đọc thấy trong John 19 : 26 trong đó Chúa Giêsu cũng nói với Đức Mẹ cùng một từ ngữ “bà” như sau:

“Thưa Bà, đây là con của Bà”. “Woman, this is your son” “Femme, voilà ton fils” “Mujer, ahí tienes a tu hijo”

Vậy ta phải hiểu thế nào về Lời Chúa trong Mat 23:8-9 trong đó Chúa Giêsu nói “không được gọi ai đưới đất là Cha là thầy ‘?

HIỂU THẾ NÀO VỀ LỜI CHÚA TRONG MT 23,8-9

Trước hết, khi nói những lời này Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho chúng biết một chân lý quan trọng : đó là vai trò và địa vị độc nhất của Thiên Chúa là CHA Đấng tạo dựng mọi loài mọi vật vô hình và hữu hình.

Ngài chính là “Đấng Hiện Hữu….. là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông các ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra ham, Thiên Chúa của I-xa-ac, Thiên Chúa của Gia Cóp…..(Xh 3: 14-15)

Cho nên “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta” (Xh 20: 3).

Đó là chân lý Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho các môn đệ và cho mọi người chúng ta.

Nhưng dù nhấn mạnh đến địa vị độc tôn đó của Chúa CHA, Chúa Giêsu cũng không loại bỏ vai trò đại diện cho Thiên Chúa trong hai sứ mạng được trao phó cho nhân loại để con người được cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Người.

A- Trên bình diện tự nhiên hay sáng tạo (procreative perspective): Thiên Chúa đã dựng nên Adam và Eva và trao cho họ sứ mạng “ hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1: 28). Và để nhìn nhận cũng như đề cao vai trò đại diện cho Chúa trong sứ mạng cộng tác vào công trình sáng tạo của Người, nghĩa là làm cho có thêm nhiều người trên mặt đất này, Thiên Chúa đã dành riêng một điều răn quan trọng để dạy con cái loài người phải biết yêu mến và kính trọng những người đã sinh thành ra họ về mặt thể lý:

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20: 12)

“Honour your father and your mother so that you may have a long life in the land that Yahweh your God has given to you”

“Tu honoreras ton père et ta mère, afin que tes jours se prolongent sur le sol que Yahvé, ton Dieu te done.

Như vậy, hiển nhiên Chúa không cấm con người gọi ai dưới đất là “Cha’ vì sứ mạng cộng tác và vai trò thay mặt Chúa để sinh thành và dưỡng dục con cái loài người. Nghĩa là Chúa Giêsu không mâu thuẫn với Chúa Cha khi Người nói “đừng gọi ai dưới đất là “cha” vì “cha” của các con cái trong nhân loại là người được CHA trên trời ủy nhiệm thay mặt cho CHA trong sứ mạng sinh thành và dưỡng dục con cái cùng với bạn của mình là Mẹ các con trong gia đình nhân loại. Nếu áp dụng “máy móc” lời Chúa trong Mt 23:8-9, thì các con cái trong mọi gia đình nhân loại phải là những người đầu tiên đứng lên phản đối cha mẹ mình vì đã dạy họ phải gọi “ba má, cha-mẹ, thầy-bu, cậu-mợ, tía, father, père, padre…” trong mọi nền văn hóa từ xưa đến nay. Danh từ "Cha" hiểu theo nghĩa nào thì cũng được hiểu là người sinh ra mình dù thể xác hay tinh thần.

B- Trên bình diện thiêng liêng. Thiên Chúa cũng cần sự công tác của con người trong chương trình cứu chuộc nhân loại qua Đức Kitô. Bằng chứng: Chúa Giêsu đã gọi và chọn các Tông đồ để cộng tác với Người ngay từ đầu trong Sứ vụ rao giảng tin Mừng. Chúa có thể một mình làm hết mọi việc mà không cần ai phụ giúp, nhưng Chúa đã mời gọi con người cộng tác trong việc cứu mình và cứu người khác. Người được Chúa Cha sai đến và Người cũng sai các môn đệ cùng một thể thức ấy : “ Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”(Jn 20:21). Sai các môn đệ thay mặt Chúa đi rao giảng và làm phép Rửa cho muôn dân để tái sinh mọi người vào sự sống mới được mua bằng chính giá máu của Chúa đổ ra trên Thánh Giá. Trong sứ mạng thiêng liêng cao cả này, các môn đệ trở thành những đại diện bí tích (sacramental representatives or ambassadors) của Chúa trong thừa tác vụ (ministry): “ Thật Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, Và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Jn 13:20) (cf. Mat 10:40; Lk 10:16).

Ở bình diện tự nhiên, những người được mời gọi vào đời sống hôn nhân cộng tác với Chúa trong việc sinh sản và thay mặt Chúa để dưởng nuôi, giáo dục con cái và được nhìn nhận là “cha, mẹ” trên trần thế này. Trong lãnh vực thiêng liêng, người tông đồ cộng tác với Chúa để tái sinh (beget) con người qua nước và Thánh Thần, vì “ không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Jn 3,5). Đây chính là sứ mạng “sinh con thiêng liêng “ cho Chúa qua Phép Rửa và rao giảng Tin Mừng mà Thánh Phaolô nói đến trong 1 Cor 4:15. Và đo cũng là lý do tại sao Thánh Phaolô đã gọi Timôthê, môn đệ của ngài là “người con tôi sinh ra trong đức tin”(1Tim 1:2).

Vậy Thánh Phaolô có xúc phạm đến Thiên Chúa khi tự xưng mình là “cha” của Timôthê không ? Ai dám quả quyết là có ? Nếu vậy giáo lý của Thánh Phaolô là chắc chắn, là nền tảng cho vai trò “người cha thiêng liêng của Giáo Hội, của hàng giáo sĩ thay mặt Chúa để giảng dạy và tái sinh nhiều người qua nước và Thần Khí như Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ trước khi Người về Trời. Vì thế, cho đến nay, Giáo Hội vẫn đòi những trẻ em hay người dự tòng (Catechumen) phải có “cha mẹ đỡ đầu” (Godparents) khi lãnh bí tích Thánh tẩy (baptism) để hướng dẫn các em cũng như người tân tòng về Đức tin Công giáo sau khi được rửa tội. Đây cũng là một hình thức “cha mẹ thiêng liêng” trong Giáo Hội, không nghịch với lời Chúa Giêsu trong Mt 23:8-9, vì nếu có thì truyền thống này đã không được duy trì cho đến ngày nay. Cũng trong tinh thần là “cha mẹ thiêng liêng” thay mặt cho Chúa để khai sinh, dạy dỗ, và săn sóc đời sống đức tin cho tín hữu nói chung và cho những người thuộc quyền dạy bảo, hướng dẫn của mình nói riêng mà Giáo Hội gọi Giáo Hoàng là Đức Thánh Cha (Holy Father) tức người Cha chung của toàn Giáo hội, Giám Mục là “người cha” của Giáo phận và của “ linh mục Đoàn” (cf, Sắc Lệnh Christus Dominus no.28) cũng như cho dùng danh tước “Cha, Mẹ Bề trên” (Father or Mother Superior) cho các vị lãnh đạo các Dòng Tu nam nữ trong Giáo Hội và danh xưng “Cha” dành cho các linh Mục, theo lý giải thần học của Thánh Phaolô.(cf. Lumen Gentium no.28).

Đây không phải là vấn đề văn hóa như một số người đang nghĩ và muốn thay đổi, mà là vấn đề liên quan đến Đức Tin và Giáo Lý Công Giáo. Tôi quả quyết như vậy vì nếu không tin các giáo sĩ có Chức thánh như Giám mục và Linh mục là những người trực tiếp hay gián tiếp kế nghiệp các Tông đồ thi hành Thừa tác vụ (ministerium) nhận lãnh từ Chúa Kitô là Đầu (in persona Capitis) thì làm sao giáo hữu có thể an tâm lãnh nhận các Bí tích đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Hòa giải từ tay Giám Mục và linh mục ? làm sao có thể thờ lậy và rước lấy Thánh Thể được Giám Mục và hay Linh mục Truyền phép (consecrate) trong Thánh Lễ ? Làm sao có thể tin là mình được tha tội qua Giám Mục hay Linh mục trong Bí tích Hòa giải ?

Như vậy danh xưng “cha” mà Giáo Hội cho phép gọi các ngài liên quan mật thiết đến niềm tin vào sứ vụ các ngài thi hành với tư cách là những Đại diện bí tích của Chúa Kitô- Giêsu(virtute ac persona ipsius Christi) (cf Pius XII “Mediator Dei”) chứ không liên hệ gì đến văn hóa của dân tộc nào, và cũng không xúc phạm đến danh “Cha” của Thiên Chúa trong ngữ cảnh (context) của câu Phúc âm Mt 23:8-9.

Nếu đây quả thật là điều sai trái, xúc phạm đến Thiên Chúa là CHA của muôn loài muôn vật, là Đấng Tạo Hóa toàn năng.. thì Thánh Bộ Đức Tin (Congregation of the Faith) không thể làm ngơ từ bao lâu nay mà không lên tiếng sửa sai để cho đến bây giờ một số người tự cho thông thái hơn cả Giáo Hội phải vạch ra mới biết !

Nhưng tại sao và trong hoàn cảnh nào Chúa Giêsu đã nói những lời trên đây ?

LÝ DO VÀ HOÀN CẢNH CỦA LỜI CHÚA NƠI MT 23, 8-9

Chúa đã nói những lời này trong ngữ cảnh (context) và tâm cảnh (mentality) chỉ trích những kinh sư (scribes) và nhóm biệt phái Pharisêu về thói giả hình (hypocrisy) của họ. Đó cũng là chủ đề của chương 23 Phúc âm Thánh Matthêu, trong đó Chúa Giêsu đã nặng lời chỉ trích hai nhóm người trên. Họ là những người rất háo danh, thích được xưng tụng bằng “thầy=rabbi”, ưa được chào kính nơi công cộng và muốn ngồi những chỗ danh dự trong Hội Đường(synagogue) hoặc nơi bàn tiệc. Họ là những người giữ lề luật cốt để phô trương lòng đạo đức bề ngoài trong khi thực tâm họ sống xa vời cốt lõi của lề luật về mến Chúa yêu người. Họ không giúp người khác nhận biết Chúa là Cha trên trời mà chỉ cốt đề cao cá nhân họ với hư danh là “thầy” mà thôi. Vì thế Chúa Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ như sau :

“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và Pharisêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác”. (Mt 23:27-28).

Chính trong ngữ cảnh và tâm cảnh này mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ không được bắt chước bọn Pharisêu giả hình kia về thói chuộng hư danh và đạo đức giả.Nhưng chắc chắn Chúa không loại bỏ khả năng thay mặt cho Chúa để quảng bá “danh Cha’ cho mọi người trên trần thế và dẫn đưa họ về nhà Cha qua con đường Cứu độ mà Chúa đã đi để cứu chuộc nhận loại. Chắc chắn Chúa Giêsu không mâu thuẫu với Chúa Cha là Đấng đã ban điều răn thứ 4 dạy con cái loài người phải thảo kính “cha mẹ” mình vì công ơn sinh thành, dưỡng dục, cũng như vai trò của những người đã giúp cho người khác được “tái sinh” trong sự sống mới và được quyền kêu lên “Abba ! Cha ơi” (Rm 8:15).

Danh xưng trong Giáo Hội chỉ nói lên trách nhiệm và bổn phận, và tuyệt đối không phải là vinh dự hay “ưu quyền của giai cấp” hoặc phạm thượng (blasphemy)

Bao lâu con người còn sống trên trần thế này thì bấy lâu còn có những tương quan gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia, quốc tế… Cụ thể là những tương quan giữa cha mẹ-con cái, vợ chồng, anh em, bạn hữu, công dân,. Trong Giáo Hội có tương quan thiêng liêng giữa những người được trao sứ mạng rao giảng lời Chúa và những người muốn nghe vì đức tin. Danh xưng tương xứng chỉ nói lên đặc tính của những tương quan này. Ngôn ngữ Việt Nam, đặc thù hơn mọi ngôn ngữ khác trên thế giới riêng về cách xưng hô biểu lộ mức thân tình, kính trọng, bình đẳng hay coi thường nhau trong các liên hệ. Thí dụ trong gia đình, khi vợ chồng đổi cách xưng hô từ “anh,em” sang “mày tao” thì tình thân giữa hai người đã biến đổi nghiêm trọng. Khi con cái xưng “tôi, tao” với bố mẹ thì sự kính trọng đã không còn như mong đợi nữa (đừng kể trường hợp cá biệt của một vài vùng địa phương ở miền Nam Việt Nam nơi con cái có thể xưng “tui” với cha mẹ cách tự nhiên, còn đa số gia đình Việtnam không có lối xưng hô tự nhiên này).

Bạn bè thân nhau lắm thì nói “mày tao” nhưng trong giao tế bình thường mà dùng ngôn ngữ này thì hai người đối thoại chắc sắp ẩu đả đến nơi. Cũng vậy, gọi Giám mục, Linh mục là “cha” là vì tình thiêng liêng trong Chúa qua sứ vụ của các ngài chứ không phải vì “tôn thờ cá nhân” hay “thần thánh hóa giáo sĩ” như có người hiểu lầm và muốn thay đổi. Không chấp nhận cách xưng hô này là chối bỏ giây liên hệ thiêng liêng mật thiết giữa người đại diện cho Chúa để rao giảng Tin Mừng và người ưng thuận nghe vì đức tin. Đức Giáo Hoàng Phaolô II nói “đừng sợ” người ta gọi ngài là “Đức Thánh Cha”. Đừng sợ không có nghĩa là phải sợ, phải kiêng, phải tránh..

TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG MT 23, 8-9

Nếu giáo dân không hiểu cách chính xác câu Phúc âm này thì cũng không có gì đáng phàn nàn, vì giáo dân không được học hỏi riêng về Kinh Thánh, chỉ được nghe và giải thích thôi. Nhưng một linh mục được đào tạo về thần học và Kinh Thánh bao năm trong chủng viện mà diễn giảng sai lệch về Kinh Thánh mới là điều đáng ngạc nhiên và quan ngại nếu quả thật đây là một linh mục đang hiệp thông với Giáo Hội và được đầy đủ năng quyền (Faculty) để thi hành thừa tác vụ linh mục (priestly ministries). Mọi linh mục trong Giáo Hội đều có bổn phận rất nghiêm trọng là dạy dỗ đúng giáo lý, tín lý của Giáo Hội và chấp hành nghiêm chỉnh mọi qui định của Giáo Hội về Thư qui (canon) cũng như cách diễn giảng Kinh Thánh. Một Giáo sư Kinh Thánh thuộc một Giáo phái Tin lành, muốn dạy Kinh Thánh trong Chủng Viện Công Giáo phải tuyên hứa chấp hành những nguyên tắc hướng dẫn (General Guilines) căn bản của Giáo Hội về cách đọc và hiểu Kinh Thánh.của Giáo Hội Công Giáo. Nghĩa là không được áp dụng cách đọc và diễn giảng Kinh Thánh của Giáo phái mình trong Chủng Viện Công giáo được.

Không một Giám mục hay Linh mục nào được phép giảng dạy theo sáng kiến và hiểu biết của riêng mình về các vấn đề thuộc những lãnh vực quan trọng như tín lý, luân lý, phụng vụ, bí tích, Kinh Thánh và Giáo luật (Canon Law)

Quí linh mục nào không thích được gọi bằng “cha” thì cứ tự do bảo người ta gọi mình cách nào tùy thích, nhưng xin đừng nói là không có giáo lý và truyền thống của Giáo Hội về việc này, nhất là đừng trưng câu Phúc Âm Mt 23:8-9 ra để biện minh cho việc đả phá danh xưng này. Làm như vậy không những là vô tình hay cố ý chấp nhận cách giải thích của các giáo phái Tin lành, đối nghịch với Giáo Hội Công giáo mà còn cầm và đọc ngược lời dạy sau đây của Thánh Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Lumen Gentium, là Hiến Chế Tín Lý (Dogmatic Constitution) về Mầu Nhiệm Giáo Hội: “Các linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép Rửa và giáo huấn” (x.1Cor:15, 1 P 1:2-3) (cf Lumen Gentium.no 28).

KẾT LUẬN: Lời Chúa trong Mt 23:8-9 không thể được hiểu và áp dụng với nghĩa đen (literal meaning) của từ ngữ mà phải được hiểu trong ngữ cảnh và tâm cảnh những lời chỉ trích của Chúa Giêsu về thói giả hình, kiêu căng, háo danh của nhóm Biệt phái và kinh sư. Danh xưng “cha” được dùng trong nhiều trường hợp khác nhau trong Giáo Hội Công Giáo chỉ nói lên trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng của những người được gọi với danh xưng này và chắc chắn đây không phải là điều trái nghịch với lời Chúa trong Mt 23:8-9.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, 01/05/2004

Đọc nhiều nhất Bản in 06.09.2006. 13:52