Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cảm nghĩ về cái chết và lễ an táng của Đức Gioan Phaolô II

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Thế giới và riêng Giáo Hội Công Giáo vừa tiễn biệt một vĩ nhân, một lãnh tụ tinh thần rất đắc nhân tâm, một chứng tá đích thực của Tin Mừng sự Sống, một người Cha chung khả ái và một Thầy dạy chân lý tuyệt vời.

Đúng thế, ngôn ngữ nhân loại dường như không đủ để mô tả cho đúng những đặc tính phi thường, hiếm có của Đức Thánh Cha Gioan- Phaolô II, cũng như thiếu chính xác khi diễn tả những xúc động của hàng bao triệu người trong và ngoài Giáo Hội trước sự ra đi của ngài.

Có lẽ trong lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Giáo Hội Công Giáo nói riêng, chưa từng có một lãnh tụ nào, một Giáo Hoàng nào đã chinh phục được lòng mộ mến, tôn kính và tiếc thương của quá nhiều người trên toàn thế giới như Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nhận được trong những ngày qua, từ khi nghe tin ngài tạ thế cho đến Lễ an táng sáng thứ sáu vừa qua tại Công trường Thánh Phêrô ở Roma.

Thật vậy, tin ngài qua đời đêm thứ bẩy 2-4 đã gây xúc động, bàng hoàng cho toàn thế giới và Giáo Hội. Các hệ thống truyền thanh, truyền hình khắp nơi đã ngưng mọi chương trình thường lệ để tập chú ngày đêm vào việc loan tin đau buồn này.

Những ai xem truyền hình đã có dịp chứng kiến tận mắt hàng triệu người thuộc đủ mọi thành phần xã hội, tuổi tác, nam nữ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, không quản ngại vất vả, khó nhọc, kiên nhẩn trong thinh lặng và xúc động nối đuôi nhau ngày đêm tiến vào Đền Thánh Phêrô để kính viếng Đức Thánh Cha lần cuối cùng… Thật là một quang cảnh xúc động chưa từng có trong mọi sinh hoạt của con người từ bao thế kỷ nay.

Các lãnh tụ thế giới, gồm Quốc vương, Hoàng Hậu, Tổng Thống, Thủ Tướng, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc… và hầu hết các vị lãnh đạo các tôn giáo khác đã chia buồn với Tòa Thánh và đến tham dự tang lễ đông đảo chưa từng thấy trong mọi dịp tang lễ khác.

Đứng trước sự kiện khác thường này, chúng ta cảm nhận được điều gì ?

Trước hết, đây quả là dịp cho ta suy niệm và áp dụng lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ buổi chiều thứ năm trước Bữa Tiệc Ly: “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau” ( Jn 13:35).

Lời Chúa trên đây cũng có thể được ứng dụng thích đáng vào cuộc đời và cái chết của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II như sau: cứ dấu này người ta nhận biết ngài là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Đó là dấu ngài được yêu mến, kính trọng và thương tiếc cách lạ thường...

Đúng vậy, chỉ có đức tin mới giúp giải thích cách thỏa đáng hiện tượng Đức Giáo Hoàng được yêu mến,kính trọng và được mọi người lắng nghe khi ngài còn sống và đặc biệt sau khi đã qua đời.. Khi còn sống, dù ngôn ngữ trong những năm cuối cùng trở nên khó khăn vì hậu quả của bệnh tật thể xác, Đức Thánh Cha vẫn được người ta khao khát lắng nghe mỗi khi ngài nói điều gì, và xuất hiện bất cứ nơi đâu..

Và dù là một cụ già ngồi trong xe lăn, tay run rẩy, nói năng khó khăn, thế mà đi đến đâu ngài cũng được hàng ngàn vạn người hoan hỉ chào mừng,và chiêm ngưỡng hơn bất cứ lãnh tụ chính trị hoặc tài tử lừng danh nào khác trên thế giới.

Và nay nằm xuống, ngài đã thu hút hàng bao triệu người từ khắp nơi đổ về tiễn đưa trong niềm thương tiếc sâu xa.

Tại sao vậy?

Phải chăng chỉ vì người ta nhìn thấy ngài là dấu chỉ, là hình ảnh đích thực của Chúa Cứu Thế Giêsu hiện diện trong đời sống và sứ vụ rao giảng chân lý của ngài?

Phải chăng vì người ta đã chấp nhận những giáo thuyết mà ngài đã giảng dạy và kiên định trong lập trường bảo vệ?

Chỉ có lý do thiêng liêng này mới giúp giải thích thỏa đáng câu hỏi trên đây mà thôi.

Cái chết và tang lễ cực kỳ long trọng và cảm động ngày thứ sáu vừa qua để tiễn biệt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có sức đánh động mạnh mẽ trong tâm hồn mọi người tham dự hay theo dõi trên truyền hình ở khắp nơi trên thế giới.Đồng thời, biến cố này cũng đã khơi dậy trong tâm tư mọi người tín hữu chúng ta niềm tin mạnh mẽ vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội qua vị Đại Diên hữu hình của Chúa là Đức Gioan-Phaolô II,cũng như qua các vị tiền nhiệm khác.

Sau nữa,biến cố này cũng chứng tỏ hùng hồn sức mạnh tinh thần của Giáo Hội Công Giáo do Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng các Tông đồ cách nay trên 2000 năm... Đức Giáo Hoàng quả thực là người kế vị Thánh Phêrô trong sứ vụ và sứ mệnh “chăn dắt các chiên của Thầy” trong trần gian.

Mặt khác, sự kiện Đức Thánh Cha được quá nhiều người trong và ngoài Giáo Hội thương mến, luyến tiếc cũng hùng hồn nói lên sự đáng giá cao và tưởng thưởng của Thiên Chúa dành cho ngài trong sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng, cho những gì ngài đã giảng dạy và cương quyết bảo vệ trong suốt cuộc đời tại thế, đặc biệt trong hơn 26 năm lãnh đạo Giáo Hội. Ngài đã cương quyết và can đảm bảo vệ những chân lý của Phúc âm sự Sống để hóa giải những độc hại của “Văn hóa sự chết” đang lan tràn trên thế giới, lôi cuốn nhiều người vào hố hư mất... Ngài đã mang Chúa Kitô đến với quá nhiều người trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ trong suốt bao năm là Sứ giả hòa bình, là chiến sĩ của công lý và tình thương, là Thầy dạy khôn ngoan,sâu sắc và là Mục tử hết lòng với đoàn chiên…

Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II như một món quà hiếm quí cho Giáo Hội và cho thế giới.

Chúng ta cũng cám ơn Chúa vì biến cố tuy đau buồn này, nhưng đã giúp tăng cường thêm đức tin của chúng ta vào sứ mệnh của Giáo Hội và vào vai trò của vị Đại Diện đích thực của Người trên trần thế là Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma.

Sau hết, chúng ta hứa trung thành tuân giữ những gì Đức Thánh Cha đã nhân danh Chúa Kitô mà giảng dạy để giúp chúng ta giữ vững đức tin, sống phù hợp với những chân lý mà Chúa đã rao giảng và truyền cho các Tông Đồ tiếp tục giảng dạy cho đến thời gian sau hết.

Chúng ta cũng tha thiết cầu xin Chúa cho Giáo Hội sớm lựa chọn đúng được Mục Tử mới để tiếp tục chăn dắt đoàn chiên của Chúa theo gương tốt lành của Đức Gioan Phaolô II.

Đó là những tâm tình tiếc thương đối với Người Cha chung vừa nằm xuống.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, 14/04/2005

Đọc nhiều nhất Bản in 27.07.2006. 23:33