Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các Thánh Cầu Bầu Hay Ban Ơn?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích lời cầu nguyện thường nghe sau đây có đúng tín lý hay không: Xin Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse (hay Thánh Phêrô, Phaolô...) ban nhiều ơn lành cho ông bà, anh chị em v.v.

Trả lời: Nghe qua thì lời cầu xin trên đây không có gì đáng thắc mắc. Nhưng đọc kỹ lại thì quả thật không ổn về mặt tín lý và giáo lý của Giáo Hội.

Lý do là chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban phát hay là Nguồn mạch duy nhất tuôn đổ mọi ơn sủng (gratia = grace) cho các tạo vật mà thôi.

Khi hiện ra với ông Môsê trên núi Sinai, Thiên Chúa đã nói cho ông biết Ngài là “ Thiên Chúa nhân hậu và ân sủng,chậm bất bình, giầu lòng thương xót và thành tín” (Xh 34:6). Vì thế, chúng ta phải cầu xin Chúa và chỉ một mình Người ban phát mọi ơn phúc cần thiết cho ta mà thôi.

Tuy nhiên, để cho lời cầu xin của chúng ta được đắc lực nhâm lời thì Giáo Hội dạy chúng ta phải cậy nhờ các Thánh nam nữ, nhất là Mẹ Maria là Nữ Vương Thiên Đàng, là người “đầy ơn phúc”, nguyện giúp cầu thay cho. Như vậy, dù với địa vị là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) vì là Mẹ thật của Chúa Kitô cũng là Thiên Chúa, Đức Mẹ cũng không cao hơn Thiên Chúa trong uy quyền và ân sủng. Bằng cớ là khi còn tại thế, nhân đến dự tiệc cưới tại Cana với Chúa Giêsu, Đức Mẹ là người trước tiên đã nói với Chúa Giêsu rằng “họ hết rượu rồi” (Ga 2:3). Mẹ nói thế và để tùy Chúa quyết định chứ Mẹ không tự ý làm điều gì. Nhưng cũng vì lời Mẹ chuyển cầu thay cho gia chủ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon mặc dù “giờ của Chúa chưa đến”. Sự kiện này cho thấy rõ uy tín và hiệu lực qua lời cầu bầu của Đức Mẹ.

Với tất cả các Thánh nam nữ khác, Giáo Hội cũng dạy rằng: “…Những nhân chứng đức tin đã đi trước chúng ta vào Nước Trời, đặc biệt là những người đã được Giáo Hội công nhận là “thánh” và đang dự phần vào truyền thống sống động của cầu nguyện và gương sống của họ cũng như đã để lại cho chúng ta sách vở và lời cầu nguyện. Các ngài đang chiêm ngưỡng và ca tụng Thiên Chúa, và không ngừng lo cho những người mà các ngài đã để lại trên trần thế. Khi các ngài được vào hưởng niềm vui với Chúa của mình, các ngài được trao phó cho nhiều công việc, trong đó việc chuyển cầu thay cho kẻ khác là việc phục vụ trỗi vượt hơn hết cho kế hoặch của Thiên Chúa. Chúng ta có thể và phải xin các ngài nguyện giúp cầu thay cho chúng ta và cho toàn thế giới.” (x. SGLGHCG, số 2683; LG. số 50)

Mặt khác. Công Đồng Tridentinô (Trent 1563) cũng dạy rằng: “Thật tốt lành và hữu ích khi khiêm tốn cầu khẩn cùng các Thánh để xin ơn sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Như thế, trên hết chúng ta phải cậy nhờ Chúa Kitô khi xin mọi ơn phúc của Chúa Cha. Các Thánh là những người đã thánh thiện đủ và đang được ở gần Chúa Giêsu hơn các tín hữu còn lữ hành trên trần thế hay đang được tinh luyện trong Luyên tội (purgatory), nên có thể nguyện giúp cầu thay đắc lực cho ta và cho các linh hồn trong nơi thanh luyện đó. Đây là tín điều các thánh thông công (communion of saints) mà Giáo Hội dạy và thực hành.

Chính vì thế mà Giáo Hội đã đặc biệt kêu cầu sự trợ giúp thiêng liêng của Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ qua Kinh cầu các Thánh được đọc trong những dịp đặc biệt như Lễ Truyền Chức thánh, Khấn Dòng, và đêm vọng Phục Sinh.

Tóm lại, khi cầu nguyện để xin bất cứ điều gì, ta cần nhớ rõ là chỉ một mình Thiên Chúa tức Chúa Cha là Nguồn ban phát mọi ơn lành mà thôi.

Nhưng cho được xin bất cứ ân sủng nào của Chúa Cha cách xứng hợp và hữu hiệu, chúng ta trước hết phải cậy nhờ Chúa Giêsu như Chúa đã dạy các tông đồ xưa:

“...tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh em.” (x Ga 15:16).

Đó là lý do tại sao Giáo Hội luôn kết thúc mọi lời cầu nguyện bằng câu: Nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con, cũng như luôn nhắc đến Đức Mẹ và các thánh khi cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể cầu xin cùng Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần vì các Ngài cũng là Thiên Chúa đồng bản tính và uy quyyền như Chúa Cha.

Như vậy, kiểu nói: cầu xin Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse hay bất cứ Thánh nào khác phải được hiểu là nhờ Mẹ và các Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng ta mà thôi. Nghĩa là Đức Mẹ và các Thánh không thể tự ban phát ơn nào cho ai được mà không qua Chúa Giêsu để lãnh nhận từ Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót và ân sủng (rich in mercy and grace).

Vậy cho được chính xác, chúng ta phải cầu xin như thế này: Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô và qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, và Thánh... ban nhiều ơn lành cho chúng ta (hay cho ai). Và khi xin gì cùng Đức Mẹ và các Thánh, thì nhớ là phải xin trong tinh thần nhờ cậy Mẹ và các thánh chuyển cầu thay cho mình trước Tòa Chúa. Đó là cách cầu nguyện xứng hợp đẹp lòng Chúa và vui lòng Đức Mẹ và các thánh nhất.

Sau hết, cũng vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa cách đúng đắn, phù hợp với đức tin, thì mỗi khi bước vào một nhà thờ hay nhà nguyện nào nơi có đặt Mình Thánh Chúa trong Nhà tạm (Tabernacle) chúng ta phải bái quỳ (genuflect) hay cúi đầu bái lậy Thánh Thể trước khi bái kính ảnh tượng Đức Mẹ hay bất cứ thánh nam nữ nào có ảnh tượng trong nhà thờ. Nghĩa là không nên chậy thẳng vào nơi có ảnh tượng Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse hay Thánh nào khác mà quên Chúa Giêsu ở trong Nhà Tạm, vì ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đó cũng có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 11.07.2007. 17:32