Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân và việc 'chữa lành' bên ngoài bí tích này

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Trả lời thắc mắc: Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân và việc 'chữa lành' bên ngoài bí tích này.

Hỏi: xin cha giải thích rõ về bí tích xức dầu bệnh nhân và việc “chữa lành” do một số linh mục đang làm. Có cần tham dự các nghi thức “chữa lành” này hay không ?

Trả lời: Trong 7 Bí tích Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội thì bí tích Xức Dầu bệnh nhân (Anointing of the sick) và bí tích Hoà giải (Reconciliation) được coi là các Bí tích Chữa lành (Sacraments of Healing). Lý do có căn bản giáo lý là khi người ta phạm tội hay bị đau yếu tinh thần hoặc thể xác thì người ó bị thương nhiều hay ít trong tâm hồn hay thể xác. Vì thế, cần được chữa lành về mặt thiêng liêng và cả về mặt thể lý qua hai bí tích nói trên theo giáo lý của Giáo Hội.

Trong phạm vị bài trả lời này, tôi chỉ nói về mục đích và hiệu quả của bí tích Xức Dầu mà thôi.

Anointing.jpg

Trước hết, đọc Tin Mừng, chúng ta được biết Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần chữa lành cho các bệnh nhân bị đau yếu, nhất là bị đui mù, què, câm, điếc, phong cùi hoặc bị quỉ ám v.v. Chúa chữa lành cho họ để tỏ lòng thương xót của Người và cũng để chứng tỏ Người là Thiên Chúa có quyền năng trên mọi thế lực của sự dữ và bệnh tật. Thánh Gia Cô Bê Tông đồ cũng dạy rằng : “khi có ai đau yếu thì hãy mời các linh mục của Giáo Hội đến cầu nguyện và sức dầu cho người ấy nhân danh Chúa. Lời cầu xin do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội thì sẽ được Chúa thứ tha…” (Gc 514-15). Đây là căn bản kinh thánh của bí tích xức dầu.

Từ đó, Giáo Hội cũng dạy rằng: “Xức dầu bệnh nhân không phải là bí tích chỉ dành cho người sắp chết. Mỗi khi người tín hữu bắt đầu cảm thấy mình ở trong nguy cơ có thể chết vì bệnh hay vì già yếu thì hãy mau mắn lãnh nhận bí tích này.” (SGLCG, số 1514).

Qua việc xức dầu thánh, người đau yếu sẽ nhận được ơn sức mạnh, ơn bình an và can đảm của Chúa Thánh Thần để thắng lướt mọi khó khăn phải đương đầu khi đau yếu nặng hoặc vì tuổi già. Ơn đặc biệt này sẽ giúp cho bệnh nhân chống trả những buồn phiền và cám dỗ làm nản lòng trông cậy Chúa khi đau yếu và đối diện với sự chết. Ngoài ra, bí tích xức dầu cũng có thể đem lại sự hồi phục sức khoẻ cho bệnh nhân trong nhiều trường hợp. Vì thế ai bị đau yếu, hoặc trước khi đi giải phẫu, đều có thể xin lãnh bí tích này để xin Chúa chữa lành bệnh tật và nhất là được an ủi và can đảm để chịu khó. Nhưng nên nhớ: bí tích này không chỉ dành cho người sắp chết, nghĩa là thực sự nguy tử, mà dành cho tất cả những ai bị đau yếu thể xác nhiều hay ít hoặc vì tuổi già sức yếu. Bí tích này có thể được lãnh nhận nhiều lần trong đời và chỉ có Giám mục và Linh mục được phép ban mà thôi. Nghi thức của Giáo Hội đòi hỏi người ban phải xức dầu thánh trên trán và hai bàn tay (Nghi thức Roma) của bệnh nhân sau khi đặt tay cầu nguyện cho người đó.

Về nghi thức xin ơn Thánh Linh và “chữa lành” do một số linh mục và cả giáo dân (Mỹ) đang làm ở nhiều nơi, thì xin phân biệt : nếu là bí tích xức dầu thì phải được cử hành đúng theo nghi thức của Giáo Hội qui định. Nghiã là phải do Giám mục hay Linh mục cử hành và phải có xức dầu thánh. Ngoài ra, nếu chỉ là buổi cầu nguyện và đặt tay của người chủ sự thì đó không phải là việc cử hành bí tích xức dầu bệnh nhân của Giáo Hội. Vì thế, giáo dân không nhất thiết phải tham gia vì không có lời khuyên hay ngăn cấm chính thức nào của thẩm quyền Giáo Hội về việc tham dự vào “nghi thức” này. Tuy nhiên, nếu linh mục nào cử hành việc “chữa lành” với nghi thức của riêng mình như tổ chức thánh lễ ở tư gia, hoặc ở nhà thờ, nhà nguyện, rồi cho giáo dân cầm bánh lễ và đọc chung lời nguyện với linh mục trong thánh lễ gọi là “chữa lành” thì đây là sáng kiến riêng của vị đó và việc cử hành này vi phạm trầm trọng Nghi thức Thánh lễ (Lễ Qui Rôma) của Giáo Hội như tôi đã một lần giải thích.

Giáo dân không nên tham gia vào việc “phụng vụ lố lăng” này và cần thách đố (challenge) linh mục nào làm việc đó về kỷ luật bí tích của Giáo Hội.

fire.jpg

Ngoài ra cũng liên hệ đến việc xin ơn Thánh Linh và “đặt tay chữa lành”, không có giáo lý, tín lý, thần học nào của Giáo Hội dạy rằng khi Chúa Thánh Thần đến với ai thì người đó phải lăn đùng, ngã ngửa ra và nói lảm nhảm “tiếng lạ”. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý và là Đấng ban sự sống. Ngài đến để dạy dỗ chúng ta biết về chân lý của Thiên Chúa và giúp ta thêm tin tuởng và yêu mến Người chứ không làm cho ai phải ngã lăn quay ra,và nói lảm nhảm như người mất trí. Nhưng khi tỉnh lại thì cũng không cảm nhận được điều gì mới lạ, thiêng liêng sâu sắc hơn về Chúa Kitô và giáo lý chân chính của Người. Xưa kia trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Pentecost), Chúa Thánh Thần hiện xuống và ban cho các Tông Đồ sức mạnh, ơn khôn ngoan, can đảm vàđặc biệt ơn nói tiếng lạ. Nhưng tiếng lạ ở đây là tiếng của nhiều dân tộc khác nói mà trước đó các Tông Đồ không biết. Nay nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, các ông bỗng dưng nói và các dân kia hiều được và đi theo để nghe giảng dạy (x. Cv 2:1-12). Như thế “tiếng lạ” không có nghiã là nói lảm nhảm mà không ai hiểu gì cả.

Do đó, ai tham dự việc cầu nguyện Thánh Linh và “chữa lành” này cần lưu ý:

Tóm lại, ta cần nhớ và suy nghĩ lời Chúa Giêsu nói về dân Do Thái xưa như sau: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.” (Mt 16:4)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 13.09.2006. 20:44