Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

13. Kết luận

§ Lm Nguyễn Huy Tưởng

Sau khi kể lại những biến cố lạ kỳ xảy ra trong dòng MTG Phát diệm từ 1924 và 1925, tôi có ý tìm ra những dấu hiệu cho thấy đó là hành động của quỉ do giáo hội qui định trong sách nghi thức. Trái lại trong khi những sự kiện đó xảy ra thì ý định của tôi không phải là thảnh thơi nghiên cứu thấu đáo. Tôi chỉ muốn cho cơn dịch đó chấm dứt càng sớm càng tốt vì nó làm cho tu viện MTG không thể phát triển. Tuy nhiên giáo hội đòi tôi kiểm soát gắt gao nhờ ba dấu hiệu mà sách nghi thức đã nói tới để xem có thực sự quỉ là tác giả những xáo trộn đó không. Do đó chúng ta thử xét qua ba dấu hiệu cổ điển cho vấn đề của chúng ta.

Dấu hiệu thứ nhất: "Nói một thứ tiếng lạ, dùng nhiều tiếng đó và hiểu những gì người ta nói bằng tiếng lạ đó." Người bị quỉ ám không nhất thiết nói một thứ tiếng lạ. Nhưng họ hiểu được thì đủ rồi.

Khi bắt đầu trừ quỉ, tôi quyết định chỉ hỏi những câu trong sách nghi thức và không bao giờ hỏi một câu theo ý mình. Những câu hỏi theo nghi thức không bao giờ có trả lời. Và người bị quỉ ám không bao giờ nói tiếng latinh. Nhưng họ hiểu tôi nói gì. Một hôm tôi thấy một nhóm bị quỉ ám đang bàn tán về những lời trong sách nghi thức: "Ông ấy hỏi tên mày hả? Chúng ta không bao giờ nói tên." Không ai trong tu viện hiểu được câu hỏi trong sách nghi thức. Không có linh mục nào dậy cho họ. Đàng khác rất có thể là khó có đến 1% linh mục, có thể hiểu hết những lời cầu nguyện dài trong sách nghi thức. Thế mà một nhóm bị quỉ ám đã hiểu một câu la tinh.

Một sự việc khác gây ấn tượng nhiều cho tôi trong khi trừ quỉ. Khi tôi nói tiếng: "Contremisce" nghĩa là hãy run rẩy, thì vài người bị quỉ ám nặng đã run rẩy quá chừng. Một ngày kia, 12 cô gái lớn, đứng sát nhau rồi quì chung quanh một chị bị ám, bao vây chị ta từ đầu đến chân và dùng hết sức lực vào thân thể chị ta nhưng không đàn áp nổi, chị ta còn run rẩy ít nhất là 10 phút. Chưa bao giờ có chuyện đó xảy ra sau khi trừ quỉ. Hình như chị ta đã hiểu ý nghĩa của tiếng: "Contremisce."

Dấu hiệu này tỏ hiện ít rõ ràng hơn hai dấu hiệu sau. Tuy nhiên chỉ cần một dấu hiệu, đủ chứng minh hoạt động của quỉ vì theo định nghĩa đó là hành động đặc biệt của nó. Chẳng hạn khi ta thấy cái vòi con voi, còn những phần khác thì núp sau một bức tường, chúng ta không ngần ngại cho đó là con voi vì chỉ có con voi có vòi như thế. Đối với những người bị quỉ ám cũng thế. Nếu ta chắc chắn thấy có một trong ba dấu hiệu, thì ta có thể kết luận không chút do dự là do ma quỉ.

Dấu hiệu thứ hai là tỏ cho hay những sự việc xa xôi và kín đáo mà không phương pháp tự nhiên nào biết được. Một hôm tôi rất ngạc nhiên khi người ta thuật lại cho tôi là một người bị quỉ ám diễn tả rõ ràng thái độ của tôi khi ở trong phòng khi không có ánh sáng và cửa nẻo đóng kín cả. Một người thuờng không thể biết được những hành động của tôi trong những điều kiện như thế.

Đàng khác việc nói ra những chuyện xa xôi hay dấu kín đó thường xảy ra, nên cả tu viện cho rằng những chị bị ám đó có giác quan thứ sáu. Nhưng giác quan thứ sáu chỉ dành cho những việc không mấy quan trọng. Tôi xin đan cử mấy sự việc tôi có kiểm chứng.

Trong lúc bị ám, có chị kia nói là 15 trong số 16 chị sẽ khấn trọn. Điều đó đã xảy ra. Chị ta hay bất cứ người nào khác ở nhà tập hay nhà mẹ không có thể biết được chuyện ấy.

Sau cuộc tĩnh tâm năm 1925, chị giáo tập được chọn làm bề trên cả. Nhưng nhà tập vẫn chưa yên, nên chị được chỉ định tạm thời đảm nhiệm chức vụ giáo tập. Vài tháng sau, chị được lịnh bỏ nhà tập dọn về nhà mẹ. Tôi báo cho chị một tuần trước và bảo đừng nói cho ai. Chị không hề nói với ai chuyện đó. Tuy nhiên một hôm nhóm bị quỉ ám nói với chị: "Chị có thể dọn về nhà mẹ. Chúng tôi đâu có cần chị. Chúng tôi coi chúng tôi được rồi."

My viết một thư rút lại những lời tố cáo chị Diện khi cách Phát diệm 30 cây số. Không ai ngoài mẹ bề trên biết về lá thư đó. Nhưng các thỉnh sinh khi bị ám đã nói với nhau và tiếc xót và trách chị My đã làm chuyện đó.

Mẹ bề trên đi thăm một tu viện. Khi trở về thì có một nhóm bị quỉ ám chê trách cách bà xử sự chuyện này chuyện kia, hay những câu chuyện bà nói trong trường hợp này nọ. Bà rất ngạc nhiên nghe họ nhắc lại đúng hoàn toàn những quyết định và những câu chuyện của bà.

Agnes nhịn đói 10 ngày không ăn uống gì ngoài Mình Thánh Chúa.Chị được mang sang nhà thương. Không ai tiên liệu câu chuyện kết thúc ra sao. Cũng hôm đó tôi nghe An nói: "Agnes khỏi bịnh rồi. Bây giờ đến lần con." Tôi sang nhà thương và thấy Agnes đã khoẻ, chị đã ăn được. An thì bị bịnh nhưng nhẹ hơn chị Agnes.

Một lần khác, chị giáo tập từ giã tôi sau khi kể lại một vài sự việc. Chị gặp An vừa ở nhà bếp ra và không biết chúng tôi đã nói chuyện gì. An nói: "Chuyện nhỏ nhặt mà chị cũng nói cho bề trên. Dĩ nhiên chúng tôi không biết chị nghĩ gì. Nhưng cho chị biết là chúng tôi luôn ở bên cạnh chị. Chị nói nhỏ chúng tôi cũng nghe hết. Hôm nọ chị viết thư cho bề trên tố cáo chúng tôi, chị chưa viết xong thư chúng tôi đã biết. Nếu chị thấy chúng tôi đứng sau lưng chị khi chị viết, thì chị đã làm rớt bút viết rồi."

Một hôm, có người lạ mặt thăm chị giáo tập. Ông ta bảo mình là cháu chị rồi là cháu mẹ bề trên và nói đúng tuổi của họ. Chị giáo tập mời ông ăn miếng trầu và khuyên ông theo đạo. Khi ra khỏi nhà khách chị gặp một nhóm đang bị ám rất vui vẻ nói với chị: "Chị giáo hôm nay tử tế nhỉ... Chị mời ăn trầu. Ông ta biết đạo nhưng không theo đâu... Tội ông nặng lắm... Thật tức cười... trước thì là cháu chị giáo rồi lại là cháu mẹ bề trên. Thực ra ông ta chả là cháu ai cả. Cũng như chúng ta thôi."

Trong trường hợp này hay nhiều trường hợp tương tự, ta thấy quỉ biết rõ những sự bí mật xa xôi. Nhưng khi tôi trừ quỉ thì quỉ không bao giờ nói tới những chuyện gì đặc biệt. Dĩ nhiên những chuyện trên hay những chuyện tương tự không có gì đáng kể. Nhưng chỉ để chứng minh là những nạn nhân của quỉ đã nói ra những chuyện không thể biết được một cách tự nhiên. Quỉ không biết tương lai. Cũng không biết hiện tại. Chỉ có Chúa biết trong lòng ta. Chỉ có Chúa biết tương lai. Và quỉ không thể làm gì nếu không có phép của Chúa. Cũng như Ngài không dùng quỉ để nói lên những bí mật của Ngài cho loài người.

Chị Diện đôi khi cũng biết những điều mà tự nhiên chị không biết được. Nhưng quỉ không dùng miệng chị mà nói. Quỉ chỉ nói với chị. Tôi xin đơn cử thí dụ. Khi có phép bề trên, chị sửa soạn sang tôi thì nghe quỉ nói: "Đi gặp ngài cũng bằng vô ích thôi. Ngài mới đi Vô hốt." Đúng thế, tôi vừa quyết định lên Vô hốt, một xứ đạo cách Phát diệm 50 cây số.

Dấu hiệu thứ ba: biểu diễn sức mạnh phi thường vượt quá sức người bị quỉ ám. Những sự kiện này thường phi thường hơn những dấu hiệu trước, cũng rất nhiều, nhưng phải chú ý lắm mới nhận ra. Đây là một thí dụ cho thấy tôi rất khó nhận ra những dấu hiệu trong một vài sự kiện. Một người bị quỉ chỉ cần một cái nhẩy lạ lùng, cũng tót lên ngọn cây. Ngày hôm đó tôi đọc trong tác phẩm của cha Poulain (Grâces d'Oraison, 5ème édition, page 428) cha Debreyne kể rất dài rằng cha phải coi sóc một cộng đoàn nữ tu giống như các bà Ursulines ở Loudun và chẳng hạn chỉ cần một cú nhảy họ vượt qua bức tường tu viện. Cha Poulain quên không cho chúng ta biết bức tường cao bao nhiêu và chi tiết này rất quan trọng. Cho là bức tường tu viện cao ít là hai mét rất hợp lý. Vì nếu thấp hơn thì người ngoài tò mò có thể ngó vào tu viện. Tôi nhiều lần muốn đo xem các chị bị quỉ ám ở Phát diệm đã nhảy cao bao nhiêu. Tuy nhiên vì cha Poulain coi thường những chuyện đó nên tôi cũng bỏ qua.

Sau này tôi đã đổi ý kiến. Trong cuốn "Les faits extraordinaires de la Vie spirituelle", cha Saudreau là một tác giả rất được coi trọng, đã gán cho cha Debreyne những sai lạc và những phủ quyết điên rồ và đáng khinh bỉ. Tôi sai lầm khi ngưng lại, do những lời nói của ông bác sĩ thành tu sĩ khổ tu này. Tôi lại vừa đọc về kỷ lục nhảy cao của phụ nữ. Kỷ lục đó không quá hai thước. Nếu thấy một cô gái nhảy cao năm thước không cần điểm tựa nào thì chỉ có thể cho là cô ta nhảy được do những sức lực siêu hình bên ngoài mà thôi.

Sau đây là một sự kiện khác. Một tập sinh đang ở cuối nhà thờ thì được lệnh lên bàn chịu lễ để dự nghi thức trừ quỉ. Chị ta không nhúc nhích. Một người bạn nắm tay chị ta kéo lên. Vô ích. Sau đó hai nữ tu hiệp lực với chị kia để đẩy chị ta. Sau cùng ba chị kiễng chân lấy hết sức bình sinh đẩy vào vai và hông chị kia và đẩy chị. Không những chị ta không di chuyển và cũng không nhúc nhích được một phân. Cứ việc thí nghiệm như thế nhiều lần. Không bao giờ có người bị ba người khác cùng tuổi cùng sức đẩy tới mà có thể bất động như một pho tượng. Điều này vượt hẳn sức lực tự nhiên.

Sau cùng đây là một kỳ công đáng kể nhất. Bốn tập sinh cùng trốn khỏi tu viện. Để họ khỏi trốn nữa khi bị quỉ nhập người ta trói các chị vào cột. Vậy mà thừa lúc người coi sóc đi vắng họ đều cởi trói cùng một lúc. Rất bất mãn vì chuyện đó tôi quở trách bà bề trên là đã trói họ không chặt và ra lệnh khi có ai bị thì cho tôi hay và trói họ trước mặt tôi. Tôi tin rằng trói như thế không thể trốn được. Họ trả lời có một chị đang bị ám. Lập tức họ trói chị ta trước mặt tôi và theo chỉ dẫn của tôi.

Tôi xin tả tỉ mỉ việc trói như thế nào để cho biết kỳ công tôi sắp kể ra sau đây quan trọng như thế nào. Chị ta quay lưng vào cột và người ta dùng giây thừng mới trói chị ta. Sau đó hai nữ tu mỗi người cầm một đầu giây thừng trói ngang vai và thắt nút, rồi cuốn mỗi đầu giây thừng 10 vòng quanh tay và thắt nút. Sau đó trói cả cổ tay nữa và hai tay trói lại đàng sau cột và hai cổ tay buộc lại với nhau.

Tôi cho các nữ tu hay là khó lòng mà chị ta trốn được. Cùng lúc đó nạn nhân cười lớn và nói: "Coi này cởi ra dễ lắm." Và chúng tôi thấy giây thừng rơi xuống sàn nhà. Chỉ trong một tích tắc. Cả các nữ tu cũng như tôi không ai thấy giây được cởi ra từ cánh tay hay cổ tay. Không ai có thể dùng sức mình làm được chuyện đó.

Nếu trong lúc còn trẻ có người hỏi tôi: "Quỉ có thể cởi 20 nút trong một giây đồng hồ không?" Tôi sẽ rất khó trả lời. Nhưng lúc này với ba người chứng thì tôi phải công nhận quỉ làm được. Và trong những chuyện quỉ làm trước mắt tôi thì chuyện này làm cho tôi ngạc nhiên nhất.

Độc giả chú ý sẽ thấy tôi kể ra những kỳ công mà những "bệnh nhân" của tôi đã làm, vượt quá những giới hạn của con người thường tình. Biết rõ những kỷ lục thế vận thì dễ cho người trừ quỉ biết được đâu là những hành động của quỉ.

Tôi mới chứng kiến những biểu diễn thế vận và truyền hình chiếu lại. Dụng cụ cho lực sĩ bám vào phải dầy cỡ nào và dễ nắm thế nào mới biểu diễn được. Nếu dụng cụ không trơn, khoảng cách gần nhau quá hay to quá thì lực sĩ không biểu diễn được. Còn những chị bị quỉ ám ở Phát diệm thì sao? Một hôm có chị bị ám nhảy lên xà nhà cao 2 thước rưỡi, xà dầy 10 cm và vuông vắn nhưng rất thô, tuy có thể nắm được. Chị ta chống hai tay và nằm thẳng người như lực sĩ biểu diễn "barre fixe"chỉ trong chốc lát và lão luyện hơn một lực sĩ. Lực sĩ chuyên môn có làm như thế được không? Chị này không biết thể dục là gì và không bao giờ biểu diễn chống tay và giương toàn thân lên thẳng như vậy.

Tôi vẫn thán phục và bây giờ hơn lúc nào hết, vẫn thán phục sự dễ dàng biểu diễn của các chị bị quỉ ám. Họ không do dự cũng không lựa chọn nơi biểu diễn. Hình như đó là hành động đặc biệt của quỉ. Chúng ta hãy nhìn các lực sĩ biểu diễn nhảy cao. Tất cả bắp thịt nơi mặt đều căng thẳng. Họ bịt khăn để có thêm sức mạnh. Họ tính toán để lấy đà cho cơ thể khi nhảy thì trải dài ra trên xà ngang và chân họ xoè ra sẽ lần lượt vượt qua xà đó... và đôi khi họ cũng thất bại. Các chị bị quỉ ám không như thế. Họ không cần lấy đà để nhảy cao 5 thước, cơ thể vẫn nằm ngang và hai chân khép lại cho đến khi không nhảy nữa. Nét mặt họ như một người đang phì phèo điếu thuốc và không bao giờ họ thất bại. Nhưng không phải là những việc quỉ làm đó các chị vui vẻ mà làm vì quỉ là Sự dữ luôn làm cho người ta buồn mà thôi.

Khi kết thúc chương cuối cùng này về vụ quỉ ám tại Phát diệm tôi muốn nói tới câu hỏi người ta thường hỏi tôi khi tôi trở về Pháp. Không ai chủ trương là cần có linh mục khi thầy thuốc chẩn bệnh tâm thần. Nhưng nhiều văn sĩ giáo sĩ cho rằng cần phải có bác sĩ khi người trừ quỉ biết rõ đó là quỉ ám hay không. Chúng ta hãy nhớ lại lời P.X. Maquart trong phần mở đầu: "Dù cho kiến thức y khoa như thế nào và người trừ quỉ cần có những kiến thức sâu xa, thì cũng phải cần những nhà chuyên môn kẻo lầm lẫn bịnh tật và quỉ ám."

Năm 1925 ở Phát diệm không thể nào có được những chuyên viên như thế lý do là không có chuyên viên nào ở đó cả. Tuy thế tôi không liều lĩnh mà lầm lẫn bịnh tật và bị quỉ ám. Mỗi lần người bị quỉ ám bị bịnh thì người ta đem các chị vào nhà thương Truyền giáo có các nữ tu coi sóc họ rất chu đáo.

Bây giờ sau 35 năm làm quen với khoa phân tâm học, và dù tôi chỉ là người tập sự thôi, tôi vẫn tin là trong căn bản không có gì tương tự giữa bịnh tâm thần và bị quỉ ám. Y khoa chẩn bịnh nhờ những triệu chứng đặc thù. Giáo hội cũng xét đến những trường hợp bị quỉ ám nhờ ba dấu hiệu cổ điển mà chúng tôi đã nói tới nhiều lần.

Khám phá ra quỉ ám không giống như chẩn bịnh tâm thần, có tính cách tâm lý. Các nhà phâm tâm, như các thày thuốc, chỉ chữa trị những xáo trộn tự nhiên của con người (hồn và xác) trong khi người trừ quỉ tấn công vào những xáo trộn siêu nhiên. Xáo trộn này gây ra do ngoại nhân là ma quỉ nhập vào con người. Mà quỉ có mặt khắp thế gian hiểu rõ mọi tiếng nói và có thể nói được (dấu hiệu 1) nó thấy và nhớ hết ngay cả những sự bí mật của con người (dấu hiệu 2) sau cùng nó khoẻ mạnh như sư tử và sức lực của nó vượt trổi hơn bất cứ người nào (dấu hiệu 3). Các người trừ quỉ chống lại chúng nhờ đức tin (thư I Phêrô 6,9).

Dĩ nhiên có trường hợp vừa có tâm bịnh vừa bị quỉ ám. Trong trường hợp đó hai thứ xáo trộn có thể cùng tồn tại trong một chủ thể. Người bị quỉ ám có thể bị cúm hay bị thương. Cũng có thể có người bị quỉ ám bị động kinh nhưng trong trường hợp các người bị quỉ ám ở Phát diệm không có ai bị bịnh động kinh cả. Nếu một nhà phân tâm có uy tín nhận ra một người bị quỉ ám theo nhận thức của người trừ quỉ có uy tín mà có những dấu hiệu của bịnh tâm thần thì chúng ta sẽ trả lời là Giáo hội không chủ trương người bị quỉ ám không có bịnh tâm thần. Giáo hội đã phòng xa trường hợp ngược lại. Điều 18 trong chương nghi thức về người trừ quỉ rất rõ ràng: "Người trừ quỉ không nên bao giờ khuyên hay cho thuốc người bị quỉ ám, nhưng hãy để cho thày thuốc săn sóc."

Tóm lại người bị quỉ thì có quỉ trong hồn và xác trong khi người khách hàng của nhà phân tâm chỉ bị bịnh có nguồn gốc trong chính họ. Khoa phân tâm và "khoa"trừ quỉ khác nhau. Do đó mỗi người hãy ở trong lãnh vực của mình.

Đàng khác người trừ quỉ sẽ có lợi ích khi biết đến những kỷ lục thế vận hội. Đây là những kiến thức bình thường và rõ ràng nên không thể hồ nghi được. Nếu trong năm 1925 tôi biết được những kỷ lục thế vận hội như bây giờ, tôi sẽ nhận ra nhanh hơn và rõ hơn những hoạt động của quỉ. Tôi chỉ xin đưa ra một tỉ dụ. Cách đây 35 năm khi tôi thấy một chị nhảy lên cây tôi cho là chị ta đã làm một việc quá sức mình. Nhưng tôi không nhận ra rõ rệt như thế nào. Bây giờ khi thấy lực sĩ biểu diễn thể dục và những kỷ lục của họ, tôi sẽ thấy rõ họ vượt quá khả năng nhân loại đến mức nào. Chúng ta đang sống trong một thế giới kỳ diệu.

Hãy nhớ lại một điều theo phương diện thể thao. Năm 1925 chị tập sinh tên Kính ngày đầu năm, đã vượt hai kỷ lục phụ nữ về nhảy cao và nhảy dài. Chị nhảy xa 20 thước nghĩa là quá ba lần kỷ lục nhảy dài của phụ nữ. Nhưng cái nhảy đó không kết thúc trên mặt đất. Vì càng nhảy thì chị càng bay lên cao và nhảy lên cây cao 5 thước mà không bám vào thân cây. Chị vượt gần gấp ba kỷ lục nhảy cao của phụ nữ. Nói thế chỉ để chứng minh là khi biết kỷ lục thế vận người trừ quỉ sẽ dễ biết người bị quỉ đã làm những chuyện vượt quá sức mình ra sao.

Có thể kỷ lục của chị Kính đã bị người khác vượt qua. Tuy nhiên chỉ người bị quỉ làm được chuyện đó chứ không phải lực sĩ nhà nghề. Giáo sư Robert Monod thuộc Hàn lâm viện Y khoa cho rằng: "Ngày nào đó phải chấm dứt kỷ lục, vì chúng ta đã vượt quá giới hạn sau cùng của thể lý." (Figaro 7 octobre 1960). Không có mức độ chung cho lực sĩ và người bị quỉ.

Kể lại những chuyện ấy từ lâu không có nhằm tới những thử thách của riêng chị Diện. Phần hai cuốn sách này dành cho vấn đề đó. Có những cuộc hiện ra siêu nhiên nữa. Suốt đời nữ anh hùng của chúng ta đã giữ bí mật kỹ lưỡng những chuyện đó. Chỉ có cha linh hướng được báo cáo mà thôi. Như thế tại sao lại công khai hoá những chuyện riêng tư bí mật đó? Đây là câu trả lời của nhà thần học trong báo Ami du Clergé: "Theo nguyên tắc nào những bí mật đó được phép nói ra? Nguyên tắc ích lợi chung và vinh danh Thiên Chúa là trên hết." (Ami du Clergé, 1934,page 106)

Cũng không nên ngạc nhiên khi những cuộc hiện ra đó xảy ra sau những cuộc quỉ ám, truyện các thánh cho ta hay những chuyện quỉ ám thường đi trước những ơn thần bí.

Nữ tu Diện có đáng tin không? Sự thành thực của chị đã được thử thách qua một thời gian lâu dài. Vả lại nếu chị là chứng nhân duy nhất thì có biết bao vị được phong thánh cũng ở trong trường hợp đó.

Xin lưu ý là tiểu sử này không phải là truyền bá sự tôn sùng nào. Ai không thích mới lạ có thể yên tâm.

Có người cho rằng tại sao Chúa và Đức Mẹ hiện ra thường xuyên hơn còn thánh Catherine de Sienne thì ít lần độc đáo, cho nên có thể nghi ngờ? Chỉ cần nhắc lại là mỗi năm ngày 30 tháng 8 sách nguyện Roma kể lại chuyện thánh Catherine thành Sienne đã thường xuyên hiện ra với thánh Rose de Lima. Tại sao lại ngạc nhiên khi Ngài hiện ra tại Á châu?

Chúng tôi cần nói tới những cuộc hiện ra cho chị Diện để không bỏ qua một khía cạnh nào trong bộ mặt của chị. Còn những ý nghĩ về cuộc hiện ra cần phải phân biệt sự khác nhau giữa thánh ký và những tác giả kể lại những mạc khải tư. Tác giả không sai lầm trong giai đoạn đầu của mạc khải dù công hay tư. Nhưng trong giai đoạn sau thì có phân biệt rõ ràng: thánh ký không thể sai lầm còn tác giả kể lại mạc khải tư có thể sai lầm. Vì thế không bao giờ Giáo hội phán quyết về một mạc khải tư và công nhận chính thức. Độc giả có thể tin hay không tin những chuyện hiện ra sẽ được kể ra sau đây. Tôi quyết định nói ra vì tôi tin vào lòng thành thực và sự sáng suốt của nữ tu Diện, nhất là những chuyện này xảy ra thường xuyên trong những nước công giáo cổ nhưng rất hoạ hiếm trong các xứ truyền giáo.

Sau cùng tôi xin tuyên bố chính thức và rõ ràng là tôi sẵn sàng tuân hành những sắc lệnh của Đức Urbanô thứ 8 và chấp nhận trước những quyết định của Giáo hội can thiệp về cuốn sách này.

(còn tiếp)

Lm Nguyễn Huy Tưởng

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 16.02.2005. 23:05