Trích từ Dân Chúa

Đề Tài 18: Xin Mẹ Maria trợ lực chúng ta

Lm Hoàng Minh Thắng

... trong cuộc chiến chống trả lại những chước cám dỗ của thời đại.


Trong chương 4 câu 1 đến 13, thánh sử Luca trình thuật các cám dỗ Chúa Giêsu đã phải chịu trong hoang địa sau thời gian 40 đêm ngày chay tịnh và cầu nguyện. Chúa Giêsu đã chịu ba chước cám dỗ : thứ nhất là sống theo chủ trương duy vật. Vì trong suốt thời gian đó Đức Giêsu đã không ăn gì cả nên Ngài cảm thấy đói và qủy dữ lợi dụng ngay nhu cầu vật chất cấp thiết đầu tiên đó để cám dỗ Đức Giêsu. Vấn đề không phải là thỏa mãn cái đói với một vài chiếc bánh cho bằng dùng quyền năng là Con Thiên Chúa để biến các hòn đá thành bánh mà ăn cho hết đói. Trong biến cố lãnh nhân phép rửa Đức Giêsu đã được tuyên bố Là Con Thiên Chúa. Satan cám dỗ Ngài dùng quyền năng làm phép lạ để thỏa mãn các nhu cầu vật chất của thân xác, để có, để chiếm hữu. Nhưng Đức Giêsu đã dùng lời sách Đệ Nhị Luật chương 8 câu 3 để chứng minh cho thấy : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn sống nhờ mọi lời miệng Giavê Thiên Chúa phán ra nữa”.

Trong cuộc sống thường ngày con người cũng thường xuyên bị cám dỗ chỉ chú ý tới các nhu cầu vật chất của thân xác như ăn uống ngủ nghỉ, mà không còn nghĩ tới gì khác nữa. Ngày nay chủ thuyết duy vật, dưới mọi chiêu bài của nó : duy vật cộng sản cũng như duy vật tư bản, tìm mọi cách tổ chức cuộc sống xã hội, lôi kéo con người và khiến cho nó chỉ loay hoay tìm thỏa mãn các nhu cầu vật chất : tích trữ tiền bạc, xây dựng nhà cửa, bảo đảm cho mọi nhu cầu của thân xác, mua sắm, ăn chơi, đua đòi vật chất. Nghiệt ngã và khốn nạn hơn nữa là đưa ra các luật lệ để cột buộc, cưỡng bách và nhận chìm toàn cuộc sống con người trong nỗi âu lo cho đồng tiền bát gạo, miếng cơm manh áo, biến con người thành súc vật, thành cái máy sản xuất lao động, quần quật thâu đêm suốt sáng chỉ vì và chỉ đủ ngày ba bữa, khi no khi đói. Không có loài vật nào lại có kiếp sống khốn khổ như con người trong gọng kìm của các chế độ duy vật.

** Thật ra bên cạnh một số nhu cầu vật chất chính đáng và cần thiết, con người còn có các nhu cầu tâm lý, tinh thần và thiêng liêng nữa. Để có thể triển nở quân bình và hạnh phúc con người cần được chú ý, yêu thương, qúy mến, trân trọng, có tình bạn, tình người. Con người cần được học hành, giáo dục, huấn luyện, mở mang trí óc, hiểu biết thế giới, vũ trụ và mọi loài mọi vật trong đó. Và đặc biệt con người cần được thỏa mãn các khát khao linh thiêng, siêu việt. Chỉ khi đáp ứng các nhu cầu thuộc lãnh vực tương quan liên bản vị và tương quan với Thượng Đế với thế giới siêu việt, linh thiêng, các cơ cấu xã hội mới khiến cho con người thực sự hạnh phúc.

Ngày nay qủy dữ vẫn tiếp tục cám dỗ con người hy sinh phẩm giá cao qúy là người và là con Thiên Chúa của mình để chỉ thỏa mãn các nhu cầu vật chất của thân xác. Cũng chính vì thế nên con người bất hạnh vì các quyền làm người bị cưỡng đoạt. Con người khổ đau vì phẩm gía của nó bị chà đạp và hạ thấp thua hàng thú vật. Con người tuyệt vọng vì từ địa vị là chủ mọi sinh vật khác nhờ khả năng tư duy và trí thông minh, giờ đây bị cưỡng bách biến thành một cái máy sản xuất lao động vô hồn, bị khinh miệt và bị khai thác tối đa không thương tiếc. Ý thức hệ nào, đường lối chính trị nào có thể khiến cho con người hạnh phúc khi bắt buộc con người hy sinh mọi gía trị cao qúy để chỉ còn sống què quặt trong một phần ba năng lực làm người như thế ?

Để khỏi bị rơi vào tình trạng sống tha hóa đó, chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse luôn quy hướng về Thiên Chúa, sẵn sàng nói lên hai tiếng “xin vâng” với Chúa, mau mắn lắng nghe tiếng Chúa kêu mời và cộng tác với Chúa trong tiến trình sống ơn gọi nhân bản và tinh thần trưởng thành vững mạnh. Để có thể chống trả lại chước cám đỗ duy vật, chúng ta phải noi gương cuộc sống của Thánh Gia Nagiarét xưa kia, một cuộc sống thanh đạm trong thinh lặng, cầu nguyện và kết hợp yêu mến.

** Chước cám dỗ thứ hai Chúa Giêsu đã phải chịu trong sa mạc đó là tôn thờ Satan, tôn thờ thần giả. Trong cám dỗ thứ hai thánh sử Luca nêu bật việc thi hành quyền bính. Đó là quyền bính chính trị và thánh sử nhấn mạnh rằng loại quyền bính này phát xuất trực tiếp từ “ông hoàng của thế giới này” là qủy dữ. Tiếp đến qủy đem Đức Giêsu lên cao và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Nó cám dỗ Người qùy lậy nó thì nó sẽ cho Người toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước đó. Đức Giêsu đã dùng sách Đệ Nhị Luật chương 6 câu 13 để chống lại kiểu quan niệm và cách dùng quyền bính này : “Ngươi phải bái lậy Giavê là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Cám dỗ này chứng minh cho thấy qủy dữ có thể nắm giữ các quyền bính chính trị cai quản thế giới loài người. Qủy dữ xử dụng mọi thứ quyền lực chính trị, dưới mọi tên gọi và chiêu bài hay đẹp để xích hóa, hạ nhục, và tiêu diệt phẩm gía con người, gây ra biết bao nhiêu chiến tranh, chết chóc, bạo lực, bất công và đổ vỡ tang thương tàn phá cuộc sống và hạnh phúc của con người. Và trong cung cách tổ chức xã hội ngày nay, quyền bính ý thức hệ chính trị luôn đi sóng đôi với quyền bính kinh tế thương mại và văn hóa ý thức hệ một chiều. Không phải vô tình mà các chính quyền, đặc biệt là các chính quyền độc tài chuyên chế, tìm mọi phương cách để duy trì độc quyền trên các cơ cấu chính trị kinh tế và truyền thông, nhằm kiểm soát, kìm kẹp và hạn chế các quyền tự do của người dân và tô son đánh phấn, che lấp mọi lừa lọc hôi thối, bẩn thỉu, gian ác, sắt máu của chế độ. Cũng không phải vô tình mà các chính quyền phát xuất từ Satan tìm khống chế các tôn giáo và biến các tôn giáo trở thành dụng cụ phục vụ chúng : đó là các thứ giáo hội quốc doanh, các thứ ủy ban đoàn kết tôn giáo yêu nước, các loại cơ cấu chính trị của đảng đội lốt tôn giáo do Nhà Nước trực tiếp điều khiển qua sự cộng tác của một số giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tự nguyện hay bị bắt buộc cộng tác.

** Đây là những thực tại có thể kiểm chứng được trong lịch sử thế kỷ XX vừa qua cũng như trong hiện tình thế giới ngày nay, trên khắp năm châu, trong đó có Việt Nam. Quyền bính chính trị kinh tế và văn hóa ý thức hệ duy vật một chiều trở thành “con bò vàng”, trở thành thần tượng, hiện thân của Satan đang thi thố bạo lực và hoành hành trong xã hội loài người. Và có hàng hàng lớp lớp giới lãnh đạo và dân chúng qùy lậy tôn thờ nó. Satan không chỉ được tôn thờ trong mọi thứ ngẫu tượng là các cơ cấu thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn thực sự được tôn thờ trong các giáo phái và phong trào tôn giáo nhan nhản đó đây ngay trong các quốc gia có truyền thống kitô cố cựu nữa.

Để khỏi rơi vào chước cám dỗ tôn thờ Satan và mọi thứ ngẫu tượng diễn tả quyền lực của nó, chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse tin yêu thờ lậy Chúa Giêsu Cứu Thế Hài Nhi, Chúa Giêsu Cứu Thế Truyền Giáo, Chúa Giêsu Cứu Thế Khổ Nạn, Chúa Giêsu Cứu Thế Phục Sinh, Chúa Giêsu Cứu Thế Thánh Thể : “Chiên Con đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận phú qúy và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc...Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Chiên Con lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thủơ muôn đời” (Kh 5,12-13). Chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse lấy Chúa làm trung tâm, quy hướng toàn cuộc sống về Chúa, làm tất cả mọi sự vì Chúa và năng thinh lặng thờ lậy Chúa đang ngự trong chính con tim, tâm trí và thân xác chúng ta là đền thờ sống động của Ngài.

** Chước cám dỗ thứ ba Đức Giêsu phải chịu trong hoang địa là kiếm tìm các phép lạ ngoạn mục trong chương trình cứu thế. Qủy đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi, vì đã có lời chép rằng : “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn. Lại còn chép rằng : “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức Giêsu đã dùng sách Đệ Nhị Luật chương 6 câu 16 để mạnh mẽ đẩy lui cám dỗ của qủy, yêu sách có được một dấu lạ từ chính Thiên Chúa bằng cách thử thách và lèo lái xử dụng sự can thiệp của Chúa cho một mục đích hoàn toàn trần tục, cá nhân và tạm bợ. Ngài đáp lại : “Ngươi chớ thử thách Giavê là Thiên Chúa của ngươi”.

Trong thời xuất hành khỏi Ai Cập vào thế kỷ XIII trước công nguyên, tại Maxa và Meriba, lúc bị khát dân Do thái đã thử thách quyền năng của Thiên Chúa khi hỏi : “Có Giavê Thiên Chúa ở giữa chúng ta hay không ?” (Xh 17,7). Ngày nay trong cuộc sống lòng tin chúng ta cũng có thể sa chước cám dỗ thử thách Thiên Chúa, khi muốn Thiên Chúa phải làm các phép lạ cả thể.

Chúa Giêsu đã mạnh mẽ phản ứng chống lại ba chước cám dỗ trên đây, mà tựu trung chỉ là một, bởi vì qua đó qủy dữ muốn rằng Đức Giêsu từ bỏ lựa chọn nền tảng hướng dẫn toàn cuộc sống của Ngài và toàn Tin Mừng : đó là lựa chọn cứu rỗi nhân loại tội lỗi, không phải bằng các phương thế giầu sang, một quyền bính tối cao không thể tranh luận, sự thành công chiến thắng rực rỡ với các trợ giúp đặc biệt, nhưng qua con đường thập giá, với các kinh nghiệm khổ đau cay đắng của một cuộc xuất hành bất ổn, của một cuộc khổ nạn kinh khiếp, của một cái chết đen tối, tất tưởi, nhục nhã, bất công.

Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse giúp chúng ta biết noi gương các Ngài cộng tác với Chúa trong chương trình cửu độ theo phương cách và cái luận lý của Thiên Chúa, là thứ luận lý của tình yêu thương nhân thứ, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho ơn cứu độ của loài người.

Lm Hoàng Minh Thắng, 13-2-2003

URL: http://danchuausa.net/voi-me-maria/xin-me-maria-tro-luc-chung-ta/