Trích từ Dân Chúa

Đề Tài 19: Đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường tình yêu tự hủy

Lm Hoàng Minh Thắng

Chúa Nhật cuối cùng trong mùa Chay Thánh kết thúc thời gian Mẹ Giáo Hội mời gọi chúng ta hoán cải con tim, thay đổi lối sống và chuẩn bị tâm lòng cùng đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường tình yêu tự hủy, để sống lại với Ngài trong vinh quang của cuộc sống mới phục sinh.

Càng tới gần Tuần Thánh các bài đọc trong phụng vụ càng cho thấy thái độ xung khắc thù nghịch của giới lãnh đạo Do thái đối với Chúa Giêsu. Sự thù nghịch ngày càng gia tăng đó sẽ dẫn đưa các Thượng Tế, các Kinh Sư, các Tiến sĩ Luật và Người Biệt Phái tới chỗ quyết định dùng tay người Roma thủ tiêu rabbi thành Nagiarét. Cái chết của Đức Giêsu đã là một cái chết được âm mưu, xếp đặt, có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt với sự trợ giúp của bàn tay nội công Giuđa Iscariốt, một trong số 12 Tông Đồ. Thực tại thê thảm đó cũng lập lại đối với Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Giêsu đó đây trên thế giới, trong nhiều giai đoạn và bối cảnh lịch sử khác nhau.

Lý do đầu tiên gây ra vụ án Đức Giêsu thành Nagiarét là lòng ghen tương, đố kỵ của giới lãnh đạo Do thái. Hàng lãnh đạo Do thái ghen tức với các thành công của Đức Giêsu. Ngài nổi tiếng vì các giáo huấn mới mẻ, vì tình yêu và lòng xót thương đối với những người tội lỗi, nghèo túng, ốm yếu tật bệnh và bị bỏ rơi hất hủi nhất trong xã hội. Ngài nổi tiếng vì kiểu cách giảng dậy có uy tín. Và nhất là Đức Giêsu nổi tiếng vì làm được rất nhiều phép lạ. Quyền bính của Ngài phi thường đến cho cả kẻ chết sống lại và xua trừ được qủy dữ (Mc 1,27-28). Chính vì thế nên Đức Giêsu đi tới đâu, thì dân chúng từ khắp nơi tuốn đến nghe Ngài giảng dậy, tìm cách đụng chạm đến Ngài hay xin Ngài làm phép lạ chữa lành các tật bệnh hồn xác cho họ đến đấy. Họ khát khao các lời giảng dậy của Đức Giêsu và không ngần ngại theo Ngài cả trong nơi hoang vắng ba ngày liên tiếp không có gì ăn, đến nỗi Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi nọ (Mc 8,1-10). Nhưng giới lãnh đạo Do thái thì cho Đức Giêsu là người ăn nói phạm thượng, dám tự ban cho mình quyền tha tội của Thiên Chúa. Và khi không muốn tin vào các phép lạ tỏ tường của Đức Giêsu thì họ cho rằng Ngài bị qủy ám và dùng quyền của tướng qủy Belzebul mà trừ qủy (Mc 2,22).

** Lý do thứ hai khiến cho giới lãnh đạo Do thái quyết định giết Đức Giêsu : đó là cung cách sống tự do đến như vô kỷ luật của rabbi thành Nagiarét. Là những người có tâm thức vị luật lệ, hàng lãnh đạo Do thái tức giận trước thái độ sống thanh thoát tự do của Đức Giêsu. Rabbi thành Nagiarét coi trọng con người và công khai bênh vực bảo vệ phẩm giá cao qúy của con người, chứ không để cho luật lệ đè bẹp con người (Mc 7,1-23). Vì đến để cứu vớt những người tội lỗi nên Ngài tìm đến với họ. Đức Giêsu dùng bữa với những người tội lỗi ở nhà ông Levi là người thu thuế ( Lc 5,27-32), không bắt các môn đệ ăn chay (Lc 5,5,33), và nhất là không tuân giữ luật ngày lễ nghỉ. Ngài để cho các môn đệ bất lúa ăn ngày sabát (Lc 6,1-5) và cũng hay làm các phép lạ chữa lành tật bệnh trong ngày sabát (Lc 6,6-11). Xem ra Ngài muốn chứng minh cho họ thấy rằng sabat, ngày của Chúa, thực sự ý nghĩa, khi con người biết xử dụng nó cho các công tác bác ái, yêu thương, tương trợ. Và có gì cao qúy hơn là chữa lành tật bênh và giải thoát con người khỏi quyền lực của tật bệnh, sự dữ, và tội lỗi ? Đức Giêsu đặc biệt chống lại cung cách sống giả hình của giới lãnh đạo Do thái và đã nặng lời nguyền rủa họ như chúng ta có thể đọc trong chương 23 Phúc âm thánh Mátthêu. Rồi thánh sử Mátthêu như có ý tóm tắt các lý do dẫn đến cái chết của Đức Giêsu khi ghi trong trình thuật cuộc khổ nan của Ngài ở đầu chương 26 như sau : “Khi Đức Giêsu giảng dậy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng : “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt qua, và con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá. Lúc ấy, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha, và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giêsu và giết đi” (Mt 26,1-4).

Thánh sử Gioan cũng ghi lại sự kiện này trong trình thuật biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ cho ông Ladarô đã chết chôn trong mồ ba ngày được sống lại, chương 11. Và thánh nhân tóm gọn tất cả các lý do kể trên trong vài câu ngắn miêu tả phản ứng của giới lãnh đạo Do thái và thủ đoạn của họ dùng lý đo chính trị để thủ tiêu Đức Giêsu. Trước phép lạ lớn lao cho cả người chết sống lại đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu. “Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ nghe những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói :”Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Roma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta. Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng : “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,45-49).

** Và thế là số phận của Đức Giêsu đã bị giới lãnh đạo Do thái định đoạt trong âm mưu dùng tay đế quốc Roma sát hại vị rabbi, mà họ coi là địch thủ nguy hại cho họ và cho dân. Thánh sử Gioan giải thích quyết định đó dưới ánh sáng của chương trình cứu độ khi viết : “Điều đó ông Caipha không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về môt mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu” (Ga 11,51-53).

Tuy các Phúc Âm không nhắc đến các liên lạc giữa Đức Giêsu và Mẹ Maria, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng Mẹ đã thường xuyên hỏi thăm tin tức về Chúa Giêsu, hay chính Chúa Giêsu hoặc bà con thân thuộc và các môn đệ cũng nhắn tin cho Mẹ biết khi có dịp. Kể từ khi Đức Giêsu từ giã Mẹ Maria, từ giã mái ấm gia đình và thân bằng quyến thuộc trong làng quê Nagiarét để ra đi chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cứu độ, Mẹ Maria đã âm thầm theo dõi và trợ lực mọi sinh hoạt truyền giáo của Con trong đời tông đồ cầu nguyện, kết hiệp và yêu mến. Mẹ đã gặp lại Con trong dịp Đức Giêsu đã về thăm Nagiarét và giảng dậy trong Hội đường, nhưng không được dân làng tin nhận, trái lại còn bị nghi kỵ và gây vấp phạm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6). Trình thuật của thánh sử Luca còn cho thấy dân chúng phẫn nộ trước lời giảng dậy của Đức Giêsu. “Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,16-24). Đó đã là cuộc mưu sát đầu tiên, xảy ra ngay trong làng quê của Đức Giêsu. Mẹ Maria chắc hẳn đã rất đau khổ trước mọi thái độ chống đối, thù nghịch, khinh miệt và khước từ Tin Mừng cứu độ đó của dân chúng. Và lời tiên tri, mà cụ già Simeong nói trong lễ nghi tiến dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thờ Giêrusalem xưa kia, hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết trong tâm trí Mẹ : “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng - còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà - ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,34-35).

** Lưỡi gươm ấy đã không chỉ đâm thâu và xé nát tâm lòng Mẹ khi Mẹ bước theo dấu máu của Con trên đường Khổ Nạn dẫn lên đồi Golgotha và chứng kiến cảnh Con bị đóng đanh, hấp hối và chết nhục nhã trên thập giá. Nhưng trước đó trong suốt thời gian Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, lưỡi gươm ấy đã đâm thâu lòng Mẹ nhiều lần. Điển hình nhất là trong dịp Người Con Yêu thất bại chính tại quê hương Nagiarét, nơi Ngài đã sống 30 năm ẩn dật. Lưỡi gươm ấy đã đâm thâu và khiến cho con tim Mẹ chảy máu mỗi lần nghe tin Con Mẹ bị xua đuổi, nguyền rủa, khích bác, chỉ trích và khước từ. Chính bà con thân thuộc và họ hàng của Đức Giêsu cũng đã không hiểu Ngài. Nghe tin dân chúng kéo đến, bám sát Đức Giêsu và các môn đệ đến độ các ngài không có giờ để ăn uống, các thân nhân cho là Ngài điên loạn, nên quyết định rủ nhau đi bắt Ngài (Mc 2,2021). Và chắc hẳn là họ cũng đã nói ra nói vào, chỉ trích và không để cho Mẹ Maria yên thân. Đó cũng là một nhát đâm khác nữa của lưỡi gươm vô hình thấu suốt con tim Mẹ.

Lưỡi gươm ấy đã khiến cho con tim của Mẹ rướm máu trong vụ mất Đức Giêsu khi Ngài lên 12 tuổi. Kinh nghiệm mất Con ấy đã lập lại trong biến cố Mẹ và bà con thân thuộc muốn gặp Đức Giêsu, nhưng phải đứng ngoài xa không tới gần được vì có qúa đông người bu quanh. Khi nghe người ta nói : “Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”, Đức Giêsu trả lời : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” Rồi người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi và là Mẹ tôi” (Mc 3,31-35). Mẹ Maria là người hiểu biết sứ mệnh, những nỗi bận bịu và khó nhọc vất vả của Con trên đường truyền giáo hơn ai hết, nhưng trong dịp đó chắc Mẹ đã cảm nghiệm được thấm thía hơn rằng càng ngày Mẹ càng mất Con. Giờ đây Chúa Giêsu hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa Cha và chương trình cứu độ. Ngài thuộc về dân chúng. Những buồn tủi làm cho con tim mẹ rướm máu và quặn thắt ấy càng khiến cho Mẹ đồng hành với Chúa hơn trên con đường sát tế dẫn đưa cả hai Mẹ Con lên bàn thờ núi Sọ.

Trong những ngày cuối cùng của mùa Chay Thánh Năm Mân Côi này, Mẹ Maria không mong ước gì hơn là trông thấy từng người trong chúng ta, đặc biệt các tâm hồn thánh hiến, biết có các tâm tình của Mẹ và đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường tình yêu tự hủy. Hãy cùng Chúa Giêsu đi vào thử thách cô độc ở Vườn Cây Dầu, tiến sâu vào công cuộc cứu chuộc, tiến lên bàn thờ hiến tế vì tình yêu và trở thành của lễ sát tế vì tình yêu như Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Lm Hoàng Minh Thắng, 15-2-2003

URL: http://danchuausa.net/voi-me-maria/dong-hanh-voi-chua-giesu-tren-con-duong-tinh-yeu-tu-huy/