Trích từ Dân Chúa

Đề Tài 20: Để cho Mẹ Maria dìu dắt

Lm Hoàng Minh Thắng

... đi sâu vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và của Mẹ trên bước đường sát tế vì tình yêu.


Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay khai mạc Tuần Thánh, cử hành biến cố Đức Giêsu khải hoàn tiến vào Thành Thánh Giêrusalem. Đây là biến cố thành công vinh hiển cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu lịch sử, đã bắt đầu tại Giêrusalem và cũng kết thúc tại Giêrusalem. 34 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Giêsu được Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse bế vào Đền Thánh lần đầu tiên trong lễ nghi dâng con cho Thiên Chúa Cha theo Luật dậy. Ngày ấy Chúa Giêsu Hài Nhi đã vừa là của lễ vừa là tư tế. Giờ đây Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để thành toàn của lễ tế đó. Ngài vừa là thượng tế, vừa là bàn thánh vừa là của lễ sẽ bị sát tế vì tình yêu.

Trình thuật Đức Giêsu khải hoàn tiến vào Thành Thánh đã được cả bốn thánh sử ghi lại. Ba Phúc Âm Nhất Lãm Mt 21,1-11; Mc 11,1-11; và Lc 19,28-38 có nòng cốt nội dung giống nhau với một vài chi tiết khác biệt. Khi Đức Giêsu và đoàn môn đệ đến gần làng Bếtphaghê và Bêtania, bên triền núi Ô Liu Ngài sai hai môn đệ vào thành mượn lừa con chưa ai cỡi bao giờ của một người chắc hẳn là chỗ quen biết Ngài. Đức Giêsu cũng dặn họ nếu có ai hỏi thì thưa “Chúa cần đến chúng Người sẽ gởi lại ngay”. Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và Đức Giêsu cỡi lên. Dân chúng cũng trải áo choàng của họ trên đường, có người chặt nhành lá rải lên lối đi. Rồi kẻ đi trước người theo sau họ reo hò vang dậy tung hô Ngài : “Hoan hô Con vua Đavít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Giavê ! Hoan hô trên các tầng trời !”. Hoshi ah-nna' - dịch sát tiếng Aramây có nghĩa là “Xin hãy đến cứu giúp đi nào”, và sau này trở thành lời tung hô chào mừng.

** Trình thuật của thánh sử Mátthêu gợi lại cảnh Đấng Cứu Thế khiêm tốn dịu hiền tiến vào thành Giêrusalem như đã được ngôn sứ Dakharia báo trước trong chương 9,9 : “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò ! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi : Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa vẫn còn theo mẹ”. Trình thuật của thánh Luca vang vọng Tin Mừng Giáng Sinh, và niềm an bình mà Giêrusalem đã khước từ (19,42) : “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !”. Thánh sử Mátthêu ghi rằng : “Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành bị chấn động, và thiên hạ hỏi nhau : “Ông này là ai vậy ? Đám đông trả lời : “Ngôn sứ Giêsu, người Nagiarét, xứ Galilê đấy !” (Mt 21,10). Phản ứng của dân thành nhắc nhớ lại phản ứng của vua Hêrôđê 34 năm trước đó : vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”, khi nghe ba nhà chiêm tinh đến hỏi thăm “Đức Vua dân do thái mới sinh ra ở đâu ? Giờ đây cả thành Giêrusalem cũng bị chấn động. Từ “eseisthe” diễn tả sự chấn động như thể do một cuộc động đất gây ra và thuộc loại từ vựng khải huyền. Nó có chiều kích cánh chung và được dùng 3 lần trong Kinh Thánh Tân Ước để diễn tả cái chết của Chúa Giêsu 27,51 và sự sống lại của Người 28,4. Thánh sử Mátthêu muốn cho thấy rằng biến cố Đấng Cứu Thế tiến vào thành Giêrusalem là lời mời gọi cứu độ cuối cùng, mà Thiên Chúa nói với con gái Sion. Sự khước từ báo trước tai ương cánh chung của dân tộc được tuyển chọn : “Sẽ không còn tảng đá nào chồng trên tảng đá nào, tất cả sẽ bị phá đổ” (Mt 24,2). Và đó đã là lý do khiến cho Chúa Giêsu thương khóc thành Giêrusalem, vì đã nó không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm (Lc 19,41-44).

Trong chương 12 thánh Gioan cũng kể lại biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào Thành Thánh và ghi nhận chính xác rằng : 6 ngày trước lễ Vượt Qua Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô ở. Anh là người đã được Đức Giêsu cho sống lại...”Một đám đông người Do thái biết Đức Giêsu sang ở đó. Họ tuốn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu.

** Những giờ phút vinh quang khải hoàn qua mau, để nhường chỗ cho những đớn đau của cơn hấp hối dài trong Vườn Cây Dầu, nơi Đức Giêsu đã lo lắng âu sầu phiền muộn đến vỡ các mạch máu dưới làn da và máu theo mồ hôi tuôn chảy ra ngoài. Vinh quang khải hoàn nhường chỗ cho cuộc Khổ Nạn, cho cảnh bị phản bội, hất hủi, bỏ rơi kể cả đoàn Tông Đồ : một vị bán Thầy, một vị chối Thầy, còn tất cả bỏ Thầy mà chạy trốn hết. Vinh quang khải hoàn nhường chỗ cho vụ xử án, trong đó quan Philatô biết là giới lãnh đạo Do thái tố cáo Đức Giêsu chỉ vì sợ hãi mất quyền lợi và ghen tương với Người. Tuy 3 lần tuyên bố Đức Giêsu không có tội gì, nhưng trước áp lực của họ và dân chúng bị họ xúi dục đòi giết Đức Giêsu, quan phóng thích Barabba, là một tướng cướp nổi tiếng thời đó, lại còn rửa tay phân bua mình vô tội trước vụ đổ máu này. Quan cho đánh đòn Đức Giêsu rồi giao Người cho lính đem đi đóng đinh vào thập gía. Chắc chắn cúng ta cũng nhận ra gương mặt, lời nói và cung cách suy tư hành xử của chúng ta đối với Chúa, nơi các nhân vật khác nhau liên hệ tới thảm cảnh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu ! Trong tất cả đoàn môn đệ đông đảo, chỉ còn lại một vài phụ nữ cùng Mẹ Maria đớn đau, tê tái chia sẻ mọi khổ nhục và trung thành theo Chúa cho đến cùng. Lưỡi gươm mà cụ gìa Simeong nói tiên tri ngày dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ xưa kia, giờ đây đâm thâu suốt con tim hiền mẫu của Mẹ. Nhát đâm ngập cán cuối cùng là lúc Mẹ đứng dưới chân thập gía chứng kiến cảnh Con Yêu hấp hối, trút hơi thở cuối cùng, ôm xác Con trong lòng và nhìn vài môn đệ vội vã táng xác con trong mồ dưới trời chiều Thứ Sáu ảm đạm thê lương ngày xưa.

** Trong suốt Tuần Thánh của Năm Mân Côi này Mẹ Maria không mong ước gì hơn là từng người trong chúng ta, đặc biệt các tâm hồn tận hiến, hãy để cho Mẹ dìu dắt đi sâu vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và của Mẹ trên bước đường sát tế vì tình yêu. Đây là những giây phút trọng đại và qúy hóa, cần phải đem hết tâm trí để tưởng nhớ đến những giây phút thảm não, bi đát và đau đớn của Chúa cứu chuộc trút hơi thở cuối cùng, quằn quại trong đau đớn, tủi nhục và chua xót. Mẹ muốn từng người hợp lòng yêu mến của chúng ta với lòng yêu mến của Mẹ để tiến tới gần Xác Thánh Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu Mẹ, để âm thầm thờ lậy và hết lòng hôn kính, tôn thờ Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu Mẹ để Ngài sẽ đổ tràn lòng xót thương, tha thứ và các ơn xuống cho tâm hồn, cũng như đời sống của chúng ta.

Trong suốt Tuần Thánh này, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse muốn chúng ta ngắm nhìn lên Thánh Gía Chúa để cố hiểu tình yêu của Ngài đối với chúng ta thật là quảng đại, bao la và vô hạn chừng nào ! Đồng thời các Ngài mong muốn chúng ta tăng bội tình yêu chân thành, thơ ngây, tín thác và vâng phục đối với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế và là Anh Chí Yêu của chúng ta. Hãy nhìn vào Thánh Nhan Đẫm Máu yêu thương vâng phục tuyệt đối, hãy nhìn vào Thánh Nhan thấm đẫm Tình Yêu Thương Xót, hãy lấy ánh mắt đức tin sáng ngời và sự tinh tế nhậy cảm của con tim thơ bé để nhận ra rằng : Đấng Yêu Thương đã vì thương yêu mà tự phó nộp vì chúng ta. Tình yêu vô bờ sôi bỏng và như điên dại của Người đã lên tới tột độ, trổi vượt nhất là vào những giờ phút Người bị hành hung cách tàn bạo dưới muôn cực hình khủng khiếp. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Dung Nhan Cực Thánh đẫm máu, chứ không để lại một bức Thánh Nhan sáng chói rạng rỡ hiển vình, chính vì Người muốn trao lại cho chúng ta là các Bạn thân tình cốt nhục của Người một dấu chứng yêu thương và nguồn sinh khí khích lệ.

** Thánh Nhan Đẫm Máu ấy bảo cho chúng ta biết rằng : Chúa Giêsu, dù giữa lúc bị trăng trói, bị giong đi điệu về từ hết tòa án này đến tòa án khác, lại còn bị bạc đãi khinh chê, nhạo cười, đấm đá, tạt vả, bị bêu xấu, bị nhổ vào mặt, bị thóa mạ đủ cách...bị đánh đập tàn nhẫn, bị giầy đạp, bị chửi mắng, bởi đủ thứ người, nhưng Chúa vẫn một mực hiền từ nhẫn nhục và kiên bền chịu đựng. Thánh Nhan Người tuy không tươi cười rạng rỡ huy hoàng như lúc biến hình trên núi Tabor, nhưng vẫn bình tĩnh, dịu hiền và can đảm đón nhận những trận mưa sỉ nhục và đau thương cứ tới tấp đổ dồn trên đầu, trên mặt, trên Thần Thể Chúa. Tâm hồn Chúa vẫn một lòng ngoan hiền thảo hiếu tùng phục Thánh Ý Đức Chúa Cha. Trái Tim Chúa vẫn dào dạt nồng nàn tình yêu thương khoan dung, tha thứ đối với hết thảy các linh hồn, nhất là các linh hồn tận hiến. Tận đáy lòng Chúa hằng tôn thờ Đức Chúa Cha, yêu kính Đức Chúa Cha và tuyệt đối vâng phục Thánh Ý Ngài. Rồi lúc lấy hết sức bình sinh tiến lên đường Hiến Tế Đẫm Máu, Thánh Nhan cực trọng ấy cũng bảo cho chúng ta biết Người lấy sức mạnh ở đâu mà tiến đi, động lục nào nâng đỡ Người. Giữa tiếng hò hét như diên dại của những con người khát máu, giữa đoàn người vô cảm tò mò đi theo xem vụ xử án, Đấng Cực Thánh vẫn im lặng, trí khôn Người chỉ tưởng nghĩ đến Thánh Ý Cha, ý chỉ Người chỉ một chiều vâng phục không ngớt. Thế là Người tiến lên. Và giữa lúc tràn ngập yêu thương vâng phục ấy, Người để lại cho chúng ta Nhan Thánh Người. Ngay cả lúc Người đã tắt thở : đôi môi đã khép lại, đôi mắt đã nhắm nghiền, mặt mũi, đầu tóc bê bết đầy máu, đờm rãi và bụi đất, Thánh Nhan Người vẫn biểu lộ một sự khiêm hạ thẳm sâu, yêu thương không giới hạn và vâng phục tuyệt đối. Tất cả vì Chúa Cha và vì chúng ta !

Trong những ngày thánh trọng đại này, chúng ta hãy làm êm dịu những vết đau thương trên Nhan Thánh đáng tôn thờ của Chúa Giêsu bằng những nụ hôn thấm đẫm tình yêu đền bù, tình yêu chung thủy, tình yêu nồng nhiệt, thanh khiết và trọn vẹn. Những nụ hôn thể hiện bằng những lời nguyện yêu mến liên lỉ và những hy sinh nhỏ mọn tự ý. Những nụ hôn chứng tỏ sự vâng phục vô điều kiện của chúng ta đối với Thánh Ý tối thượng của Thiên Chúa. Theo gương Chúa Giêsu Chí Ái, chúng ta hãy mở rộng rõi lòng, đưa đôi tay ngoan thảo biết ơn đón lấy những đau khổ đầy trái khoáy, đầy phức tạp của đời sống cũng như những túng thiếu, những thử thách, bị bắt bớ trăng trói... mà vì ích lợi của chúng ta, Người sẽ có thể gửi đến cho chúng ta. Hãy ngoan ngoãn để cho Mẹ Maria dìu dắt đi sâu vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và của Mẹ trên bước đường sát tế vì tình yêu để được sống lại với Người !

Lm Hoàng Minh Thắng, 17-2-2003

URL: http://danchuausa.net/voi-me-maria/de-cho-me-maria-diu-dat/