Trích từ Dân Chúa

Đề Tài 21: Cùng Mẹ Maria theo Chúa Kitô Phục Sinh tươi vui sống

Lm Hoàng Minh Thắng

... “linh đạo hạt lúa chết đi để trở thành cây lúa trổ bông”.


** “Lậy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng Halleluia, Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa Halleluia”. Đó là lời kinh mà toàn thể Giáo Hội tươi vui hát lên trong ngày mừng Chúa sống lại hôm nay và trong suốt mùa Phục Sinh cử hành mầu nhiệm cuộc sống khải hoàn vinh thắng của Chúa Giêsu. Đây cũng là sự sống mà Chúa Giêsu sẽ trao ban cho từng người trong chúng ta trong ngày sau hết. Nó là hoa trái cuộc Khổ Nạn, trong đó Đức Giêsu đã tự hiến tế vì tình yêu thương. Nó là linh đạo “hạt lúa mục rữa chết đi để trở thành cây lúa trổ bông”. Nó là linh đạo “mất hết để nhận lại tất cả và nhận được gấp trăm”. Trong Ngày Lễ Chúa sống lại hôm nay và trong suốt mùa Phục Sinh Mẹ giáo Hội mời gọi từng người trong chúng ta cùng Mẹ Maria theo Chúa Kitô tươi vui sống “linh đạo hạt lúa chết đi để trở thành cây lúa trổ bông”, chấp nhận “mất tất cả để nhận được gấp trăm” ấy.

Trình thuật biến cố Chúa Giêsu sống lại, thánh sử Luca viết trong chương 24 : “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đã đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói : “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại. Bấy giớ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. Khi từ mộ về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna và bà Maria mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vây. Nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin. Đầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông trở về rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Lc 24,1-12).

** Trong ba năm rao giảng Tin Mừng cứu độ và dậy dỗ các môn đệ, Đức Giêsu đã ba lần báo trước cho họ biết cuộc Khổ Nạn và sự Phục sinh của Ngài, nhưng các ông không hiểu. Thánh sử Luca ghi lại lần báo thứ ba trước khi Đức Giêsu cùng các tông đồ về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua như sau : “ Đức Giêsu đem riêng Nhóm Mời Hai ra và nói với các ông : “Này, chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Qủa vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,31-34). Cũng chính vì thê nên, trừ Mẹ Maria ra, đã không có ai trong đoàn tông đồ và các môn đệ chờ đợi biến cố Đức Giêsu sống lại vào ngày thứ ba, sau khi Ngài chết và được mai táng trong mồ. Các ông sợ hãi đóng kín cửa Nhà Tiệc Ly và trốn trong đó. Cũng có người buồn sầu, chán nản, thất vọng quyết định ra đi, trở về với cuộc sống trước ngày họ theo Chúa, như hai môn đệ trên đường về làng Emmaus (Lc 24,13-35). Chúa Phục Sinh đã hiện ra và đồng hành với họ và nghe họ kể lể nỗi đắng cay thất vọng. “Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả. Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? Rồi bắt đầu từ ông Môshê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,25-27).

Phúc Âm thánh Gioan đặc biệt nêu bật cái luận lý mâu thuẫn “chết đi để được sống”, “mất hết để được gấp trăm” ấy trong cuộc đời Đức Giêsu. Đức Giêsu là Ánh Sáng đến để chiếu soi thế gian tăm tối này, nhưng thế giới tối tăm sợ hãi Ánh Sáng nên tìm mọi cách dẹp bỏ Ánh Sáng : “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,9-11). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời...ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,16.19). “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). “Vậy nếu người Con giải phóng các ông thì các ông sẽ thật thật sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi Abraham, nhưng các ông lại tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông...các ông lại tìm giết tôi, là người nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa” (Ga 8,36.37.40).

** Cái luận lý “chết đi để trao ban sự sống” ấy đặc biệt rõ ràng trong diễn từ về Mục Tử nhân lành : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên...Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,11.17-18). Nó rõ ràng hơn nữa trong biến cố Chúa Giêsu cho ông Ladarô đã chết chôn trong mồ ba ngày được sống lại : “Chính Thầy là Sự Sống và là Sự Sống Lại. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Cái luận “lý hạt lúa chết đi để trở thành cây lúa trổ bông” càng rõ ràng hơn trong lời Đức Giêsu loan báo Người sẽ được tôn vinh nhờ cái chết của Người : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác....Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lậy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lậy Cha xin tôn vinh Danh Cha...Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,27-28.31-32). Chính trong nhãn quan của linh đạo “hạt lúa chết đi để trở thành cây lúa trổ bông”, “mất tất cả để nhận được gấp trăm” đó, thánh sử Gioan coi cái chết bất công hổ nhục trên thập giá như điểm tột đỉnh biểu lộ tình yêu thương và sự vâng phục tuyệt đối của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa Cha, đồng thời nó diễn tả vinh quang và tình yêu điên dại của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thật thế, biến cố lừng lẫy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã làm nổi bật uy quyền hằng hữu đáng tôn thờ của Thiên Chúa Cha. Biến cố Chúa Kitô sống lại bảo đảm chắc chắn cho nguồn chân lý tuyệt hảo và những giáo điều Ngài giảng dậy. Nó làm sống động mạnh mẽ tình yêu đáp hiếu của Chúa đối với Cha Mẹ và những người thân yêu. Qua biến cố phục sinh ấy chúng ta nhận thấy một tình yêu nhanh chai, tế nhị, sôi bỏng, hoàn mỹ, thánh thiện vô hạn của Chúa Giêsu đáp đền những người thân yêu bằng cách đem nguồn vui lớn lao, đem vinh hạnh cả thể, đem thành công lẫy lừng đến cho họ. Khi làm như thế Chúa Giêsu muốn dẫn đưa chúng ta vào một đời sống đức ái trọn hảo đối với Cha Trên Trời, với Mẹ Maria và với anh em Chúa, là tất cả mọi người khác.

** Chúa Sống Lại, đó là niềm vui sướng hân hoan đẹp đẽ thánh thiện hoàn bảo và dồi dào tình yêu nhất : tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô đã hướng trọn vẹn về Thiên Chúa Cha. “Lậy Cha, xin làm vinh danh Cha” : Chúa Giêsu Kitô đem tất cả vinh hiển đầy quyền lực uy dũng dâng về Thiên Chúa Cha. Và Ngài cũng dành tất cả tình yêu toàn bảo sung mãn hiếu kính cho Mẹ Maria và cho Cha Thánh Giuse, là hai người thân thương nhất đã đồng hành với Chúa trên con đường dương thế của Tình Yêu Nhập Thể. Tuy các sách Phúc Âm không nói đến, nhưng qua tình yêu Chúa Giêsu dành cho Mẹ Maria, chúng ta có thể hiểu được rằng Mẹ Maria đã là người đầu tiên được gặp gỡ Chúa Kitô Con Mẹ Phục Sinh.

Khi hiện ra với thánh Phêrô và đoàn Tông Đồ là những vị đã bỏ Thầy mà trốn hết và chối Thầy, Chúa Kitô Phục Sinh muốn chứng tỏ một tình yêu vô hạn, một quyền năng vô cùng mà Chúa đặt để nơi Tông Đồ đoàn. Ngài hẹn gặp gỡ các Tông Đồ tại Galilê để biểu lộ tình yêu và uy quyền mà Ngài muốn bao trùm trên các vị, là những người kế vị Chúa hướng dẫn Giáo Hội. Sự hiện diện của Chúa Phục sinh trước mắt các ngài nói lên sự kiện Chúa ở cùng các ngài cách vĩnh viễn, tồn tại, với tất cả quyền năng mạnh mẽ vô địch của Chúa. Chúa xác quyết minh bạch lời Chúa đã tuyên bố trước kia về quyền thủ lãnh của Phêrô trước mặt các Tông Đồ : nay đã đến lúc thực sự bắt đầu thể hiện. Biến cố Chúa sống lại là một lý chứng hùng hồn vạn năng bất biến khiến cho quyền của thánh Phêrô có nền tảng, có điểm tựa kiên cố, có hồn sống và có quyền năng vượt mức tuyệt đỉnh.

Biến cố Chúa Phục Sinh hiện ra với thánh Tôma giữa các Tông Đồ cho thấy gương mặt rất hiền từ âu yếm của Chúa đối với chúng ta. Chúa không phiền trách Tôma vì sự băn khoăn nghi ngại của thánh nhân mà chiều theo ý muốn của ông, cho ông xỏ ngón tay vào cạnh sườn Người và chỉ nhẹ mắng yêu vị Tông Đồ cứng lòng tin : “Hỡi Tôma con yêu, vì con thấy Thầy nên con đã tin, nhưng thật phúc trọng cho những người không thấy mà tin” (Ga 21,24-29).

** Trong ngày cực thánh mừng Chúa Phục sinh vinh hiển, chúng ta hãy xin Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse tha thiết khẩn cầu Ba Ngôi Thiên Chúa hằng hữu lấy lòng nhân từ vô biên mà canh tân đời sống và tâm hồn của chúng ta trong sự phục sinh vinh hiển của Con Một rất yêu dấu của Ngài và ban cho chúng ta được tràn đầy ơn phúc cứu độ trường sinh vĩnh cửu. Nhờ những ân phúc dư tràn ấy chúng ta sẽ hiểu thêm về những chân lý : chịu đau khổ để học biết vâng phục như Chúa Kitô; sống mầu nhiệm Vượt Qua, sống linh đạo “hạt lúa chết đi để trở thành cây lúa trổ bông”, sống linh đạo “mất đi tất cả để nhận được gấp trăm” : chết đi cho con người tự nhiên phàm tục để sống Phục Sinh vinh hiển với Chúa và trong Chúa Kitô; và nhất là được ơn thực hành các chân lý đó trong cuộc sống cụ thể hằng ngày.

Trong ngày lễ mừng Chúa sống lại hôm nay và trong suốt Mùa Phục Sinh này của Năm Mân Côi, chúng ta hãy sốt sắng lập lại lời kinh sau đây : “Ôi lậy Chúa Giêsu Phục Sinh ! con nhiệt liệt thờ lậy và hôn kính các vết thương vinh hiển trên Thân Xác Chí Thánh Chúa. Con hết lòng nài xin Chúa cho con được chỗi dậy, ra khỏi cuộc sống nguội lạnh để sống một đời sống sốt sắng, hầu vượt qua được những nỗi thống khổ đời này mà bước vào vinh quang đời đời trên Thiên Đàng. Amen.

Lm Hoàng Minh Thắng, 4-3-2003

URL: http://danchuausa.net/voi-me-maria/cung-me-maria-theo-chua-kito-phuc-sinh/