Trích từ Dân Chúa

Lá thư Canada: Hạnh Phúc Nào?

Trà Lũ

Đầu tháng Bảy, Canada mừng lễ quốc khánh Khắp nơi quốc kỳ, khắp nơi diễn hành và diễn văn. Đất nước gấm hoa này mới 143 tuổi. Dân Da Đỏ đến đây sớm nhất, dễ chừng cách đây mười ngàn năm, rồi người da trắng. Rồi người Anh chiếm làm thuộc địa. Khi người Anh bằng lòng cho lập nước Canada vào năm 1867 thì dân số chỉ có 3.6 triệu. Nay dân số đã lên 34 triệu. Xưa dân chúng toàn tòng da trắng, nay theo các nhà nhân chủng học thì chỉ cần mấy chục năm nữa mầu da người Canada không còn trắng nữa. Nó sẽ nhờ nhờ. Lý do: các di dân da mầu từ Á Châu và Phi Châu đã và đang làm ra việc biến đổi này. Canada hiện có hơn 100 sắc dân thiểu số, người Trung Hoa đông nhất, những hơn một triệu, người Việt phe ta mới chỉ 200 ngàn. Tuy đa dạng như vậy nhưng xưa nay chưa hề có một cuộc xung đột nào giữa các sắc dân. Canada rất tự hào về tấm thảm mosaic đa văn hóa tuyệt vời này.

canada1.jpg
canada2.jpg

Chính vì thế mà Canada đã trở nên thỏi nam châm thu hút nhân tài khắp thế giới. Ai cũng cho Canada là thiên đàng hạ giới nên ai cũng ao ước được sống ở Canada. Theo bản nghiên cứu mới nhất của 3 cơ quan uy tín Historica Dominion Instirute, Munk School of Global Affairs và Aura Foundation thì số những người ao ứớc được sống ở Canada như sau: 75% dân Trung Hoa, 70% dân Ấn Độ, 53% dân chúng trong 20 nước giàu có thuộc khối G20. Còn các dân khác thì khỏi nói, nhiều vô vàn.

Lễ quốc khánh Canada năm nay có Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị từ Anh Quốc sang dự. Từ thủ đô Ottawa, sau lễ, bà đã đi thăm viếng một số tỉnh miền đông và miền tây. Trên pháp lý, bà là quốc trưởng của Canada. Vì bà ở chính quốc mãi tận bên Âu Châu nên ở Canada bà đặt một vị đại diện, gọi là quan toàn quyền, Governor General. Quan toàn quyền hiện nay là bà Michael Jean, người Canada da mầu nâu gốc Haiti. Bà Jean sắp mãn nhiệm vào cuối tháng Bảy này, và Nữ hoàng vừa công bố vị kế nhiệm sẽ là GS David Johnston, viện trưởng viện đại học Waterloo ở Ontario. Ngày xưa dân số phần lớn có gốc tổ tiên bên Anh nên đi đâu nữ hoàng cũng được dân chúng đón chào trọng thể và hoan hô nhiệt liệt, nhưng nay sự ái mộ đã giảm sút thấy rõ. Dân chúng đã tỏ ra hững hờ và đang vận động sửa đổi hiến pháp để không nhận nữ hoàng bên Anh là quốc trưởng Canada nữa. Ôi thời huy hoàng nay còn đâu !

Nữ hoàng về nước được mấy ngày thì Canada trải qua một tuần lễ nóng kinh hoàng. Chưa bao giờ nóng thế. Chính quyền đã yêu cầu các cơ sở xã hội và thương mại có máy lạnh mở cửa để tiếp đón những ai cần trốn nóng. Xứ này dễ thương vậy đó, các cụ thấy chưa. Cũng thật may, trời chỉ nóng ban ngày, ban đêm trời mát trở lại.

Hiện nay, các cơ quan truyền thông vẫn còn nhắc tới hai hội nghi quốc tế G8 và G20 vừa tổ chức ở Toronto cuối tháng Sáu vừa qua. Khen thì ít mà chê thì nhiều, Anh Mike hàng xóm da trắng của tôi bảo rằng chính phủ đã tiêu tiền vô tội vạ. Đầu năm đã tiệu gần một tỉ cho Thế Vận Hội mùa đông ở Vancouver. Tháng 6 vừa qua lại còn tiêu thêm một tỉ đồng nữa cho G8 và G.20. Thật là hoang phí lối con nhà giàu. Đây la tiền đóng thuế của chúng ta chứ có phải tiền chùa đâu. Một số các tỉnh trưởng đã yêu cầu chính phủ liên bang nếu cần tổ chức các hội nghị quốc tế trong tương lai thì nên tìm những hải đảo xa đô thị, để tránh sự kẹt đường và phá hoại của dân biểu tình.

Nhân nói tới các cuộc biểu tình qúa khích vừa xảy ra, bây giờ tôi mới biết đây không phải là các cuộc biểu tình tự phát mà là do những nguời có vẻ chuyên nghiệp từ các đoàn thể đối kháng tổ chức. Báo chí gọi họ là ‘ băng mặc áo đen’, Black Bloc. Họ có mưu lược hẳn hoi: ra đường thì ăn mặc như mọi người, nhưng khi tới điểm hẹn thì họ cởi bỏ bộ quần áo bên ngoài, bấy giờ bộ đồ đen mới lộ ra. Rồi họ trùm khăn đen lên đầu lên mặt, y như mấy bà Hồi Giáo. Rồi họ ra tay đập phá và gào thét. .. Kỳ vưa qua, số người biểu tình qúa khích rất đông, chỉ nguyên số bị bắt lên tới 900 người.

Chả biết chính phủ liên bang có rút được kinh nghiệm gì từ việc tổ chức tốn kém này không. Tham dự hai hội nghi G8 và G20 xong, Tổng thống Pháp Sarkozy tuyên bố: mai mốt Pháp quốc chúng tôi có tổ chức thì nhất định chúng tôi không chi nhiều tiền như Canada, nhiều lắm là 1 phần 10 mà thôi.

Đó là dư âm G8 và G20. Lại còn dư âm FIFA Nam Phi nữa cơ. Canada không được dự thi nhưng cũng ồn ào ghê lắm. Phố xá cũng đầy cờ các nưóc tham dự. Cứ sau mỗi trận đấu, hễ đội nước nào thắng là dân gốc xứ đó lái xe xuống đường phất cờ và bóp còi inh ỏi. Gần nhà tôi có một ông gốc Thụy Sĩ, ông treo cờ Thụy Sĩ suốt một tháng. Gặp ai ông cũng bảo: Đội Tây Ban Nha được giải vộ địch, nhưng ở vòng loại ban đầu, đội Thụy Sĩ đã đá bại Tây Ban Nha. Rồi ông cười hà hà: Thế có nghĩa là Thụy Sĩ chúng tôi đã đè đầu Tây Ban Nha. Trong làng tôi, ông ODP và ông H.O. đã cá độ là đội Hoà Lan sẽ thắng. Hai ông lập luận rằng trong những kỳ trước Hòa Lan đã 3 lần đoạt huy chương bạc, vậy thì nhất định lần này Hòa Lan sẽ huy chương vàng. Ai dè Hòa Lan lại mang huy chương bạc lần thứ bốn. Cụ Chánh trong làng thì cứ nức nở khen anh cầu thủ Thomas Muller của đội Đức là đá đẹp hết sức và tài giỏi hết sức. Mình anh ta đá lọt lưới 5 bàn cơ mà. Anh Muller được giải ‘chân vàng’ Golden Boot là đúng lắm. Còn phe các bà chú ý tới trái banh thì ít mà chú ý tới ‘Thày’ Bạch Tuộc Paul thì nhiều. Các cụ còn nhớ Thày Paul ở hải dương học bên Đức đã đoán trúng kết qủa các trận banh chứ. Các bà trong làng tôi đang rủ nhau du lịch xứ Đức để đến chiêm ngưỡng Thày Paul mới ghê chứ.

Nghĩ cũng buồn cười các cụ ạ. Chả lẽ loài vật hơn loài người về tài tiên tri sao ? Này nha, ở Canada này, cứ cuối mùa đông là thiên hạ đem chú chuột đất Ground Hog ra ngắm. Chú mà không nhìn thấy bóng của chú dưới đất thì đó là dấu hiệu mùa đông sắp qua mau. Nay chú bạch tuộc Paul còn siêu hơn. Chú ở bên Đức mà biết trước được kết quả trận đấu mãi ở Nam Phi xa chú nửa vòng trái đất. Chú chuột đất Canada và chú bạch tuộc bên Đức giỏi chứ, phải không cơ.

Chắc các cụ còn nhớ là mùa đá banh quốc tế vừa qua, chúng tôi họp làng liên miên ở nhà ông ODP. Một bữa anh H.O. đến trễ. Khi anh vừa tới là anh bô bô kể chuyện ngay. Rằng trước khi tới đây, tôi đi quan sát một vòng các quán ăn nơi có đông người hội tụ xem đá banh trên TV. Rằng quán dân Canada thì rất ồn ào náo nhiệt, những pha cầu thủ đá hụt hay đá trúng thì hầu như cả quán đều ầm lên hò hét, còn quán VN thì, trời ơi, vui hết biết. Ngoài việc đập bàn đập ghế và hò hét, nhiều đấng quân tử phe ta còn xổ tiếng Đức nữa cơ, nghe mới rùng rợn, sống động và vui làm sao !

Cụ B.95 nghe các chuyện đá banh bên Nam Phi thì chả thích thú bao nhiêu trừ việc chú bạch tuộc Paul và chuyện sân cỏ. Các cụ có biết 10 sân đá banh ở Nam Phi kỳ vừa qua trồng loại cỏ từ đâu không. Thưa đó là loại cỏ Ryegrass nhập cảng từ Canada đấy ạ. Đây là loại cỏ được các chuyên gia pha giống một cách tài tình. Cỏ vừa mọc nhanh vừa có sức chịu đựng rất khoẻ. Sở ươm cỏ ở tính bang Manitoba thuộc miền trung Canada, và công ty Pickseed ở Ontario đã phụ trách xuất cảng. Công ty này đã gửi sang Nam Phi 165 ngàn cân hạt giống để cung cấp cỏ cho 10 sân đá banh quốc tế vừa qua. Loại cỏ ryegrass này của Canada nổi tiếng trên thế giới. Nơi nào cũng hỏi mua. Ngoài sân đá banh, các sân golf mà các cụ chơi hằng ngày cũng trồng cỏ ryegrass của Canada đó, các cụ golfer ạ.

Trên đây là những dư âm còn vọng lại. Bây giờ xin trình các cụ chuyện hiện nay. Chuyện nổi bật vẫn là chuyện thể thao. Xứ này là xứ già trẻ lớn bé đều chơi thể thao mà. Đó là việc Canada vừa tổ chức xong Giải Điền Kinh Thế Giới Cho Giới Trẻ kỳ thứ 13, World Junior Track And Field Championship. Nơi tổ chức là tỉnh Moncton thuc tỉnh bang New Brunswick, miền đông Canada, trong tuần lễ 19-25 Tháng Bảy này. Có 1.400 lực sĩ thuộc 170 quốc gia tham dự. Thủ tướng Canada đã đến dự lễ khai mạc và phát giải huy chương vàng đầu tiên cho nữ lực sĩ Mercy Cherono. Chỉ nghe tên, các cụ có đoán nữ lực sĩ này người nước nào và thuộc môn thi nào không ạ ? Thưa, nàng thuộc xứ Kenya, tất nhiên là da đen, và vô địch môn chạy nước rút 200 thước. Về môn chạy thì các lực sĩ da đen xưa nay bao giờ cũng nhất, da trắng da vàng võ công có thâm hậu đến đâu cũng đều vất đi hết. Hễ chạy là da đen giật giải ngay.

Đầu năm thì Canada tổ chức Thế Vận Hội Mùa đông ở Vancouver miền tây, còn bây giờ giữa năm thì tổ chức Điền Kinh Quốc tế ở Moncton miền đông. Các cụ biết Moncton ở đâu rồi chứ ? Cụ nào chưa biết thì tôi xin chỉ: Moncton là một thành phố nổi tiếng về thể thao và giáo dục của tỉnh bang New Brunswick, nơi này Anh văn và Pháp văn là hai ngôn ngữ chính thức như ở Québec vậy. Nó ở phía bên trên Maine và New York của Hoa Kỳ. Chưa biết cuối năm nay Canada có còn tổ chức đại hội thể thao quốc tế nào nữa không. Dám có lắm.

À, còn tin sốt giẻo này nữa liên quan tới Canada và Việt Nam. Trung tuần tháng Bảy vừa qua, bà Eve-Mary Thái Thị Lạc cùng với ông Claude Guimond đã tới thăm VN. Đây là hai vị dân biểu của quốc hội liên bang Canada. Đến VN, hai vị này đã tiếp xúc với nhiều giới. Đặc biệt ngày 12.7.2010 hai vị đã tới thăm LM Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi tại Nhà Hưu Dưỡng thuộc Tòa Tổng Giám Mục Huế. Hai ông cha này là linh hồn của Khối 8406 nổi tiếng đấu tranh chống CS. Hiện CS vì áp lực quốc tế đang phải cho hai vị này tại ngoại để chữa bệnh. Hai bên đã trò truyện 3 tiếng đồng hồ, từ 8g30 sáng. Theo nguồn tin riêng cho biết thì hai vị dân biểu Canada đã hỏi hai ông cha nhiều câu về CSVN. LM Lý đã trả lời thẳng băng là CSVN độc tài, đảng trị, dối trá, bóp nghẹt tự do dân chủ. Cả hai ông cha đều xin hai vị dân biểu đem các dữ kiện này về trình quốc hội và chính phủ Canada.

Đọc đến đây chắc nhiều cụ đang thắc mắc về cái gốc của bà dân biểu Eve-Mary Thái Thị Lạc, phải không ạ ? Thưa, đây là vị dân biểu của liên bang Canada có gốc Việt Nam. Bà là một bé gái mồ côi Việt Nam, gốc Chăm. Năm 1974, khi lên 2 tuổi, bà được một gia đình Canada nhận làm con nuôi và đem về Canada dưỡng dục. Bé sống tại một trang trại nuôi heo miền Acton Vale ở Quebec. Khi ra tranh cử, bà khoe hồi bé ở trại bà biết họan lợn. Bà trúng cử vì sự thông thái và duyên dáng dí dỏm. Bà nổi tiếng giống y như bác sĩ Philip Roesler bên Đức. Các cụ còn nhớ ông Roesler hiện làm bộ trưởng Y Tế chứ. Ông là dân VN, mồ côi từ bé. Khi lên 2 tuổi thì được ông bà Roesler người Đức nhận làm con nuôi và đem về Đức, cũng năm 1974 như cô bé Lạc. Anh John trong làng tôi phát biểu rằng: Thế mới biết cái hạt giống trong con người VN vĩ đại. Hạt giống này gặp đất tốt là thành cây cao bóng mát và sinh hoa kết trái ngay. Xin hoan hô và kính chào Dân biểu Thái Thị Lạc ở Canada và Bộ Trưởng Roesler ở Đức Quốc. Hai vị là niềm vui và hãnh diện của người VN chúng tôi.

Xin nói tiếp về Cha Nguyễn Văn Lý. Không biết có phải do kết qủa cuộc thăm viếng của 2 vị dân biểu Canada trên đây hay không, mà chỉ gần 2 tuần sau đó, ngày 25.7.2010 Cha Nguyễn Văn Lý đã công bố một bài kể 12 tội gian dối của CSVN. CS thì nhiều thứ tội lắm, nhưng riêng tội gian dối thì LM Lý đúc kết vào 12 điều. LM Lý bảo: Việt Nam hiện nay là một trường dạy nói dối tinh vi và khổng lồ.Trong phần nhập đề bài kể tội, ngài chép lại một bài thơ mà ngài bảo ngài thuộc từ khi 5-6 tuổi, tức là khi ngài còn bé tí. Bài thơ nói về cái dối trá của VC. Chữ dối được nhấn mạnh như sau:

Dối thiên dối địa dối vô cùng
Dối giấy dối tờ dối tứ tung
Dối từ đất Âu sang đất Á
Dối từ xuân hạ đến thu đông
Dối phỉnh dân mù có hóa không
Dối mãi dối hoài không hết dối
Dối thiên dối địa dối vô cùng

Không biết ai là tác giả, và bài thơ mang dáng thất ngôn bát cú này còn thiếu một câu. Tôi thấy bài này tếu nên xin chép ra để các cụ đọc cho vui, và để thấy cái ngang tàng của LM Lý không sợ CS.

Cũng có tin hành lang là cuối tháng Bảy sẽ có một phái đoàn y sĩ Canada tới Huế để chữa bệnh cho LM Lý. Ông cha này ở tù VC nhiều năm nên mắc nhiều bệnh nan y. Đoàn y tế này do bà đại sứ Canada ở VN bảo trợ. Các cụ đã thấy Canada quan tâm tới quê hương chúng ta chưa ?

Về mặt tôn giáo thì có tin này rất nóng và rất đáng lưu tâm: Các cộng đoàn Anh Giáo Canada, Anglican Catholic Chruch of Canada, ngày 28.7.2010 vừa qua, đã bỏ phiếu nhất trí xin hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo Roma. Được biết Thiên Chúa Giáo ở Canada có 3 dòng chính: lớn nhất là Công Giáo Catholic Church, lớn thứ hai là United Church, và lớn thứ ba là Anglican Church. Anglican Church ở Canada có 30 giáo phận và hơn hai triệu tín đồ. Đức Giám Mục chủ tịch niên trưởng Anh Giáo đã tuyên bố: Giờ đây các giáo phận của chúng ta có thể mạnh tiến về phía trước trong sự hiệp nhất, canh tân và hy vọng. Các thủ tục hiệp nhất đang được tiến hành. Trước đây Đức Thánh Cha Benedict XVI có gửi một tông thư mời gọi các anh em Anh Giáo về hiệp nhất, tông thư mang tên Anglicanorum Coetibus. Sự gia nhập của Anh Giáo Canada vào Công Giáo hôm nay chính là sự đáp ứng lời mời gọi của tông thư trên. Alleluia !

Vừa viết đến đây thì tôi nhận được bản tin ÁNH SÁNG gửi từ El Cajon, California. Các cụ biết bản tin này chứ ? Theo Ký Lục Báo Chí VN Hải Ngoại 1975-1995 thì tờ báo đầu tiên của người Việt tỵ nạn là tờ Hồn Việt, tờ thứ hai là tờ ÁNH SÁNG. Tờ báo thứ hai này đã sống từ 1975 cho đến nay, đã ra được 586 số, và vẫn sống mạnh. Nhiều độc giả coi đây là một phép lạ. Tôi cũng đồng ý như vậy. Đây là một phép lạ nhãn tiền của Thiên Chúa. Các cụ đã nhớ ra tờ báo này của ai chưa ? Cách đây ít lâu tôi có viết về ông chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo này rồi mà. Thưa, đó là Mục Sư Phan Thanh Bình. Tác giả đã hơn 75 tuổi vàng, nhưng lòng mến Chúa yêu người nơi ông vẫn cháy bừng bừng. Ông bảo Chúa là Tình Yêu. Ông gửi tình yêu đến cho mọi người. Cứ lâu lâu thì ông gom các bản tin này lại, nhuận sắc rồi in thành sách. Cuốn thứ nhất ‘ Đạo Nào Cũng Tốt ‘ đã tái bản đến 7 lần, tổng cộng trước sau là 20.000 cuốn. Tôi nghe phong phanh là Mục Sư Bình đang chuẩn bị in cuốn thứ 11. Tôi được ông qúy mến nên đã gửi cho thang thuốc bổ này hàng tháng. Tôi gọi tờ Ánh Sáng là thuốc bổ vì mỗi lần đọc xong thì tôi thấy tâm hồn thảnh thơi thư thái lạ lùng. Cụ nào muốn được uống thuốc bổ như tôi, xin gởi thư cho nhà bào chế tài ba Phan Thanh Bình, 660 S.Third St, El Cajon, CA 92019, USA. Ông nói về Chúa, ngòi viết của ông đa dạng và tài tình. Ông viết về nhiều đề tài. Chẳng hạn về chủ đề LÀM, ông viết thành 51 bài: Làm chơi, làm thật, làm trò, làm biếng, làm giàu, làm loạn, làm phiền, làm bạn, làm hỏng, làm lại, làm tình, làm tội... Lời văn trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu và nhiều chỗ rất tếu..

Xin tạm ngưng các chuyện tôn giáo để trình các cụ những chuyện thời sự trần gian nóng hổi khác. Xin nói chuyện bên lề vụ dầu loang ở Vịnh Mexico. Dầu loang giết chết kỹ nghệ hải sản ở vùng Vịnh. Dân Mỹ phần lớn nghiện hải sản, cái nghiện không thể một sớm một chiều mà bỏ được. Làm sao bây giờ ? Các công ty chuyên cung cấp hải sản cho nhà hàng và siêu thị phải đi tìm mua hải sản bằng bất cứ gíá nào. Tự nhiên bờ biển Prince Edward Island một tỉnh bang phía đông của Canada sáng rực lên. Các công ty bên Mỹ đổ xô tới đây mua tôm cá sò ốc. Mua ào ào. Giá nào họ cũng mua. Thương vụ từ 2 tỷ mối năm, chỉ riêng mấy tháng vừa qua các nhà bán hải sản Canada đã thâu gần gấp đôi. Rõ ràng họa bên Mỹ mà phúc bên Canada. Đúng là họa người phúc ta, ông bà mình nói không sai.

Chuyện tiếp theo là chuyện một ông nông dân Canada ngồi trên mỏ vàng. Ở phía tây bắc của tỉnh bang Québec có một khu vực nhiều mỏ qúy kim, do công ty Osisco Mining độc quyền khai thác. Đó là miền Malartic, rộng 148 cây số vuông, dân số thưa thớt chỉ có 3.640 người. Gần đây công ty khai thác khám phá ra căn nhà của nông dân Ken Masse 35 tuổi chính là cái đỉnh của mỏ vàng ở dưới. Công ty hỏi mua căn nhà và thửa đất. Ban đầu họ trả giá 100.000 đồng, rồi 350.000 đồng, rồi lên tới 4 triệu đồng, nhưng anh Ken nhất định không bán. Anh bảo anh không ham tiền. Đây là căn nhà của tổ tiên. Anh không muốn bán nhà di sản của tổ tiên, và không muốn công ty vàng làm ô nhiễm khu vực này. Không biết anh sẽ giữ vững được lập trường trong bao lâu nữa, vì chung quanh anh đã có 204 gia đình bán nhà đất và đã dọn đi. Nếu các cụ là anh Ken thì các cụ tính sao cơ ?

Bây giờ xin trình các cụ chuyện con ong mật, honeybee, ở Canada. Theo sử sách thì con ong mật được loài người thuần hoá cách đây 6 ngàn năm. Con ong này đóng một vai trò rất quan trọng cho cuộc sống của loài người, vừa cho mật làm thực phẩm bổ dưỡng vừa giúp thực vật thụ phấn để sinh hoa kết trái. Các nhà khoa học vừa lên tiếng báo động về sự suy giảm đáng kể của loại ong hữu ích này. Tại Canada có 8.000 nhà nuôi ong mật với tổng số là 600.000 bầy ông. Chỉ riêng năm 2009 vừa qua, số lượng ong mật đã suy giảm 35%. Tại sao ong biến đi ? Rồi đây, thiếu sự giúp đỡ thụ phấn của bầy ong, hoa qủa mùa màng và cây cối sẽ biến đi. Rồi loài người sẽ sống ra sao ? Tại Canada người ta ghi nhận sự đóng góp rất tích cực của ong: mỗi năm ong cho 37 triệu kí lô mật, và giúp thụ tinh cho rất nhiều loại cây, đặc biệt loại cây cải dầu (canola), dâu xanh ( blueberry) và táo. Mỗi năm Hoa Kỳ mua của Canada gần 20 triệu kí lô mật ong đó, các cụ ạ.

Nghe tin loài ong mật bị suy giảm, tổ chức Go Green làm ầm lên: Các vị thấy chưa, đây là hậu quả của kỹ nghệ, môi trường thiên nhiên bị tàn phá nên bầy ong không còn đất sống. Nghe cũng có lý, phải không cơ ? Anh John nghe chuyện con ong xong liền quay ra đố cả làng: Đố các bạn: Tiếng Ý gọi con ong là gì ? Cả làng chịu hết vì có ai biết tiếng Ý đâu. Anh trả lời: Tiếng Ý gọi con ong là Vespa. Tiếng Vespa này thì ai chả biết. Ngươi Ý ngày xưa làm xong cái xe máy thì đặt tên. Thấy hình dáng cái xe có hai bầu tròn phía sau giống y như đít con ong nên gọi tên nó là xe con ong, xe Vespa. Anh H.O. nghe xong thì thích qúa, phá ra cười rồi thốt lên: À ra thế, hoá ra xưa nay bà con VN mình cỡi con ong Ý mà không biết !

Nhân nói tới các con vật, xin trình các cụ chuyện con cá chép. Các nhà hải dương học cho biết hiện nay ở Ngũ Đại Hồ, 5 cái hồ lớn giữa Canada và Hoa Kỳ, có một loại cá chép gốc từ Á Châu ( Asian Carp ) đang hung hăng săn bắt tôm cá và tàn phá môi sinh. Chúng phát triển rất lẹ. Không biết làm sao mà mãi từ Á Châu loại cá này sang được vùng biển Bắc Mỹ này. Mỗi con hàng ngày tiêu thụ số lượng tôm cá bằng 40% trọng lượng của nó. Trung bình chúng dài tới 1 thước và nặng tới 40 ký. Ông ODP loan báo tin này rồi bình luận: Con cá chép ở quê VN mình đâu có dài tới 1 thước và nặng tới 40 ký. Tôi nhớ ngày xưa trong ao nhà tôi có thả cá chép, chúng đâu có to lớn đến thế. Chắc vì nó có hạt giống tốt như người nên gặp đất tốt Ngũ Hồ là chúng phát triển tối đa như vậy. Gỏi cá chép ngon số một. Và ông ao ước bây giờ nếu mua được một con cá chép tươi rồi làm gỏi sống mà ăn thì sung sướng biết chừng nào ! Kiểu gỏi cá miền Kim Sơn Bắc Kỳ: lọc lấy 2 lườn cá, lau bằng giấy bản, thái thành nhiều miếng mỏng, rồi bóp với thính. Bây giờ mời cụ xơi. Cụ cuốn cá với nhiều thứ lá, cần nhất là lá sung lá mơ, chấm với nước giấm cá. Thế nào cơ ? Thức ăn trên Thiên Đàng và Niết Bàn cũng chỉ ngon đến cỡ này là cùng.

Như tôi đã trình các cụ ở trên là ông ODP và H.O. vì thua việc cá độ giải túc cầu ở Nam Phi nên hai ông phải đãi làng bữa nay. Ông phát biểu về cá chép như trên trong khi ông nấu món ăn đãi làng. Các cụ có đoán được cái ông ODP tài ba này nấu món gì không ạ ? Cái ông này đa tài y như ông bạn viễn phương Từ Hoè của chúng tôi. Ông luận rằng bây giờ đang mùa hè nóng bức thì không nên nấu những món phải ăn nóng. Bây giờ là lúc dân làng nên ra ngoài vườn ngồi hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, vừa ngắm hoa ngắm lá, vừa nhậu lai rai những món không cần chén bát xiên muỗng lỉnh kỉnh. Và ông đã làm nón sườn nướng. Thật là ngon hết ý. Ông làm dễ dàng và lẹ lắm. Này nha, ông mua sườn heo về, cắt khúc cỡ ngón tay, rồi ông ướp với nước cốt của trái thơm, tiếng Bắc Kỳ là trái dứa. Nước cốt này ông nêm muối đường tiêu tỏi tương ớt và dầu. Ông ướp khay thịt qua đêm trong tủ lạnh. Đến giờ ăn thì ông bỏ khay thịt vào lò. Thấy thịt vàng đậm và thơm ngào ngạt là xong, là bày ra đĩa. Rồi ông lấy nước cốt trên khay trộn thêm với bột năng nấu lên cho sột sệt rồi đổ vào điã thịt sườn. Chao ơi, hai thứ quyện lấy nhau, sao mà nó thơm thế. Mời các cụ xơi món này với bánh mì, hay cơm nóng, hay bún, tùy ý. Cụ nhớ ăn thêm với món rau sống có dưa leo và cà chua nha. Thêm một vài tớp bia lạnh nữa nha. Đời đẹp qúa chứ, phải không ạ ? Thiên đàng là đây chứ phải đâu xa.

Trong bữa ăn, phe các bà bàn chuyện đi sang Đức thăm thày tiên tri bạch tuộc Paul, còn phe liền ông chúng tôi không đồng ý sang Đức, nhưng sang Nam Hàn. Ông ODP chủ trương chuyến đi du lịch này. Ông bảo: Hiện tháng Bảy này ở Nam Hàn có truyền thống Lễ Hội Chó. Không phải lễ tôn vinh con chó, mà rước con chó vào lòng, vào bụng. Theo tờ báo lớn The Seoul Times thì ngày 18 tháng Bảy hằng năm là Ngày Chó, Dog Day, ngày cả nước nhậu chó. Lễ hội này kéo dài một tháng. Khu chợ bán thịt chó nổi tiếng ở thủ đô Nam Hàn là Chợ Moran. Người Triều Tiên cho rằng thịt chó vừa thơm ngon vừa giải nhiệt vừa bổ dưỡng, đặc biệt bổ dương cho phe mày râu.

Các cụ đã thấy ông ODP thông thạo tin tức chưa. Ông vừa cười vừa bảo: Chúng ta nên ăn thịt chó kiểu Đại Hàn một lần cho biết khẩu vị của họ ra sao. Tôi đã xem kỹ thực đơn trên internet thì không thấy có món ‘ dồi chó’ như VN ta. Bữa thịt chó ngon nhất là món dồi chó. Cha ông mình đã bảo:

Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Thác về âm phủ biết có hay không.

Anh John nghe tả về thịt chó thì mê qúa. Anh đã giơ tay xin nhập đoàn du lịch đi ăn thịt chó ở Nam Hàn. Tôi cũng đã giơ tay xin đi đó, các cụ ạ.

Cụ Chánh tiên chỉ làng thấy mọi người vừa ăn sườn heo nướng dứa vừa bàn chuyện du lịch, ai cũng cười nói hể hả thì tỏ ra sung sướng lắm. Cụ phát biểu như sau: Tôi mới đọc một bài trên báo bàn về sự hạnh phúc. Theo viện Gallup thì có 2 loại hạnh phúc: Hạnh phúc toàn diện về cuộc sống, và hạnh phúc về tâm lý, không phải từ của cải. Đan Mạch là xứ được xếp hạng nhất về hạnh phúc loại một, và New Zealand hạng nhất về loại hai. Tuy có GDP cao nhất thế giới nhưng Hoa Kỳ chỉ được xếp hạng 16 ở loại 1 và hạng 26 về loại hai. Riêng làng ta thì sao ? Tôi đã quan soát mọi ngươi trong bữa tiệc này và thấy rằng làng ta phải được xếp hạng nhất cùng với New Zealand.

Còn các cụ, các cụ có loại hạnh phúc nào cơ ?

Trà Lũ

URL: http://danchuausa.net/van-hoa/la-thu-canada-hanh-phuc-nao/