Trích từ Dân Chúa

Ba Mẹ em quá khắc nghiệt!

Lệ Vũ

Lệ Vũ mến, H. buồn quá! Không biết phải xử sao cho vừa lòng bạn trai, cùng lúc vừa lòng gia đình. Câu chuyện thế này: H quen D khá lâu. Nhưng mỗi đứa ở một phương trời, lái xe tới thăm nhau cũng mất cả 5, 6 tiếng. Chúng em chỉ thường gặp nhau vào weekend. Thường D tới thăm em, và hẹn em tới nhà một người bạn, sau đó hai đứa đi chơi. Ít khi D tới nhà em. Khi nào D tới nhà, gia đình em đón tiếp rất là niềm nở. Nhưng hỡi ơi! khi D về rồi thì ba mẹ em la hét tùm lum, nào là: "quen ai thì phải quen người đẹp mắt, ăn học cao, có việc làm, gia đình phải khá giả, có tiếng tốt". Em thì không cần những điều ấy, miễn sao hai đứa thương nhau là được rồi. Thật ra D không đẹp trai, tướng dáng nhìn vào thì tưởng là dân côn đồ. Nhưng kỳ thực bản chất anh hiền lành lắm. Có lần chị lớn em hỏi mẹ: "Nếu gia đình D tới hỏi xin cưới H thì mẹ có đồng ý không?". Mẹ trả lời không cần suy nghĩ rằng: "Không"! Rồi bắt đầu mẹ nói: "Con gái tao đẹp thế này mà phải gả cho một thằng không ăn học sao"? Khi nghe vậy thì tim gan em nát tan, không hy vọng gì nữa. Hiện giờ em nghĩ: một là đi theo D để sống với nhau, hai là bỏ anh ta để sống những ngày yên ổn như ngày nào. Vũ nghĩ sao? À, quên! em nói cho Vũ biết em năm nay 21 tuổi, gia đình qua Mỹ đưỡc 3 năm.

HHM, Texas

Đáp: Em HHM. Texas thân mến,

Em mới 21 tuổi, qua Mỹ mới được 3 năm không nên quá vội vàng về chuyện yêu đương để tránh những điều ân hận về sau. Điều cần thiết hiện nay, để gây dựng tương lai cho chính em. Em nên cố tâm, đặt trí óc vào chuyện học đã. Khi nào học xong rồi sẽ tính chuyện yêu đương, đâu đã muộn màng gì? Lệ Vũ không có ý "chia loan rẽ thúy" giữa em và D đâu. Nhưng tạm thời hãy xem nhau như bạn thân đã. Hiện nay, tương lai sự nghiệp của em và D đều chưa có, còn phải ăn bám vào gia đình, lấy gì bảo đảm tương lai cho mình khi lập gia đình với nhau. Một túp lều tranh và hai trái tim vàng" chỉ đẹp trong tranh vẽ theo kiểu ở Việt Nam thôi em ạ, chứ ở Mỹ tìm đâu ra tranh, đất mà xây túp lều để chứa hai trái tim vàng? Dù có yêu nhau thắm thiết mà làm không đủ trả các bills tiền nhà, tiền điện, tiền xe, tiền phone, tiền ăn, tiền bảo hiểm v.v. sớm muộn gì cũng bỏ nhau thôi.

Em không nói rõ về D nên L Vũ khó trả lời cho em. Chỉ thấy em nói trong thư: "D không đẹp trai, tướng nhìn vào tưởng dân côn đồ, nhưng kỳ thật bản chất anh ta hiền lắm". Tương lai là chuyện hệ trọng, mình không thể quyết định tương lai đời mình với một người chỉ với những yếu tố đơn giản như em nói trong thư được. Hạnh phúc gia đình không chỉ dựa trên đức tính hiền lành của chồng hay vợ. Nhiều khi hiền quá hóa ngu (cha ông mình đã nói thế đó) chẳng ai ham.

Chẳng bố mẹ nào muốn cho con mình sau này phải khở sở và thiếu hạnh phúc cả. Không biết thật sự D hiền lành cỡ nào nhưng mới chỉ gặp một anh chàng rể tương lai không nghề ngỗng, không bằng cấp, tướng nhìn vào tưởng là dân côn đồ, sắp đòi cưới con gái mình, bố mẹ nào lai không nản, hả em? Đặt trường hợp Lệ Vũ, Lệ Vũ cũng cản nữa, huống chi bố mẹ của em. Thật ra sự ngăn cản của bố mẹ không có gì đáng lo ngại hết. Đây là sự ngăn cản rất cần thiết, giúp em trưởng thành hơn trong tình yêu. Nếu thật lòng em và D yêu nhau, muốn kết hôn với nhau, tụi em sẽ vượt qua được những thách đố, khó khăn hiện giờ đang gặp phải. Tụi em bây giờ cả hai còn quá trẻ. Một vài năm nữa tính chuyện đá vàng đâu đã muộn! Hãy dùng thời gian thử thách này học hành, làm ăn dành dụm để bồi đắp cho tương lai. "Bỏ đi theo D để sống với nhau", không phải là cách giải quyết khôn ngoan đâu em ạ. Cuộc đời con người không thể coi nhẹ như một canh bạc. Kinh nghiệm cuộc đời dậy ta: những kẻ quyết định cuộc đời liều lĩnh thường chuốc thêm sự ân hận cho chính mình, rồi khi hối hận thì đã quá muộn. Lệ Vũ khuyên em và D nên cầu nguyện nhiều để xin Chúa và Đức Mẹ giúp em đủ sáng suốt, bình tĩnh với những khó khăn, thử thách tụi em đang gặp phải. Nếu thật lòng tụi em yêu nhau, Lệ Vũ tin ơn trên sẽ giúp bố mẹ em thay đổi những ý nghĩ không đẹp về D, và tác hợp cho tình yêu của em và D nên trọn. Thân mến.

Lệ Vũ

URL: http://danchuausa.net/tuoi-biet-buon/ba-me-em-qua-khac-nghiet/