Trích từ Dân Chúa

Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam trong việc Giáo Dục Giới Trẻ

Giuse Đặng Văn Kiếm

Bước Theo Hành Trình “Chấn Chỉnh” Giáo Dục của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Chung 2007 với chủ đề Về Giáo Dục Kitô Giáo, nêu lên tầm mức quan trọng đối với thiếu nhi và giới trẻ như sau:

“Thiếu nhi và giới trẻ cũng là những thành phần rất đáng quan tâm ở hàng ưu tiên. Thiếu nhi, những trang giấy trắng đang chờ in những hình ảnh tươi đẹp, cần phải được thụ hưởng một nền giáo dục chân chính về nội dung và hiệu quả về phương pháp, làm vốn liếng hành trang hữu ích cho suốt cuộc hành trình làm người và đức tin”. (Thư Chung 2007, Số 24)

“Giới trẻ, “tương lai của Giáo Hội và thế giới” (HT/VH 38), cần phải nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các nhà giáo dục và các thế hệ đi trước để nhiệt huyết tuổi trẻ của họ thực sự được vận dụng vào công cuộc xây dựng xã hội và Giáo Hội”. (Thư Chung 2007, Số 25)
Các Thư Chung của HĐGMVN trong những năm trước: 2004 về Sống Thánh Thể, 2005 về Sống Lời Chúa, 2006 về Sống Đạo Yêu Thương Phục Vụ, đều xoay quanh trọng điểm mà Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam luôn lưu tâm học hỏi và thực hành. Chủ đề Giáo Dục Kitô Giáo cho năm 2007 là một tổng hợp và là lời mời gọi khẩn thiết của Hội Thánh đối với các cấp lãnh đạo phục vụ các em thiếu nhi và tuổi trẻ, đặc biệt với PT/TNTT/VN.

Qua Thư Chung 2007, các Đức Giám mục cũng đề xướng một chương trình chấn chỉnh “tiệm tiến” cho 3 năm sắp tới như sau:

“Giáo dục là cả một công trình lâu dài không thể hoàn thành ngay. Tuy nhiên từng bước một, cần phải đưa ra những mục tiêu mũi nhọn cho từng giai đoạn. Đại hội năm nay đề ra phương hướng chấn chỉnh lại nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam, có nghĩa là phương hướng đó sẽ được thể hiện trong những năm tới. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy thực hiện ba bước sau đây: - 2008: chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình công giáo. - 2009: chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên. - 2010: chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ”. (Thư Chung 2007, Số 38)
Hành Trình “Chấn Chỉnh” Năm 2010?

“Mục tiêu mũi nhọn… thực hiện ba bước” trên đây đã được “mọi thành phần Dân Chúa” quan tâm góp phần ra sao trong gần ba năm qua? Mỗi người có thể ghi nhận tình hình chung các kết quả cụ thể về việc “chấn chỉnh” nơi gia đình và cộng đoàn giáo xứ trong giáo phận địa phương của mình. Trên bình diện toàn quốc, nhiều người thấy được Hội Đồng Giám Mục thận trọng đưa ra những hướng dẫn áp dụng thực hành qua các Ủy ban liên hệ như UB Mục vụ Gia đình, UB Giáo lý Đức tin, UB Giáo dục, UB Giáo dân, v.v…

Nhìn chung, mục tiêu chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình công giáo được lưu tâm nhiều, đặc biệt HĐGM nhấn mạnh bằng Thư Mục vụ năm 2008. Rồi ta thấy các vị chủ chăn giáo phận địa phương tạo cơ hội gặp gỡ hằng tháng cho các gia trưởng, các bà mẹ, các lớp chuẩn bị hôn nhân, cách riêng nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng là nền tảng gia đình, bằng lối sống “yêu thương gần gũi bằng việc làm” để cùng nhau làm việc tông đồ song đôi nêu gương sáng cho con cháu, nhờ tham dự các khóa Song Nguyền thực hành cụ thể qua Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình.

Mục tiêu chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ xem ra vẫn chỉ là việc cố gắng tu sửa khiêm nhường các lớp học giáo lý giới hạn trong khuôn viên nhà thờ, và có thể nhìn thấy nhiều cộng đoàn giáo xứ nơi này nơi nọ đang làm rất tốt. Khi đề cập tới cơ sở giáo dục, có lẽ HĐGM mong muốn các giáo xứ khắp nơi có lại được các trường học từ lớp mẫu giáo cho tới bậc trung học, để giáo hội có thể góp phần tích cực vào việc giáo dục trẻ em, thiếu nhi, thanh thiếu niên là mầm non tuổi trẻ và là nguồn lực tương lai nước nhà.

Riêng mục tiêu chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên, nhiều người thấy đây là một đề xướng thiết thực và khả thi nhằm chuẩn bị thêm nhân sự cho các chương trình giáo dục công giáo, nên đã có nhiều sinh hoạt sống động, đa dạng và sáng tạo trong lãnh vực này. Nhiều bạn trẻ tích cực tham dự các lớp huấn luyện giáo lý viên, và phục vụ đắc lực trong cộng đoàn xứ đạo.

Liên hệ mật thiết tới việc giáo dục thanh thiếu niên, Thiếu Nhi Thánh Thể như “hạt cải” sau thời gian dài bị chôn vùi dưới lòng đất, mấy năm qua “hạt cải” âm thầm nẩy mầm, mọc lên lá cành xanh tươi, và gần đây sinh hoạt TNTT như một phong trào đang nở rộ tại khắp các giáo phận địa phương. Quy chế huấn luyện huynh trưởng TNTT cũng bao gồm nội dung đào tạo giáo lý viên. Một sự phối hợp “hài hòa” giữa lớp giáo lý và sinh hoạt TNTT.

Nhìn lại tổng quát mục tiêu “chấn chỉnh” do HĐGMVN đề xướng trên đây, sau ba năm thi hành kết quả cho thấy đây mới chỉ là những bước khởi đầu trong cuộc hành trình xây dựng “tiệm tiến” lâu dài. Thời gian Sống Năm Thánh 2010 hiện nay là dịp rất tốt để mọi thành phần Dân Chúa thẩm định mục tiêu và đường hướng giáo dục, xem xét hoàn cảnh, nhận định tình hình để có thể cập nhật khung cảnh và phương pháp huấn luyện nhằm đáp ứng hữu hiệu các nhu cầu mới nơi giới trẻ, điều mà TNTT chẳng phải đang là một mời gọi rất hợp thời sao!

Đức ông Francis Phạm Văn Phương, cựu Tổng Tuyên úy PT/TNTTVN/HK và là cựu Chủ tịch Liên Đoàn CGVNHK, cho biết có một số vị nêu vấn đề là Đoàn TNTT còn cần thiết để được hiện diện giữa cộng đoàn giáo xứ nữa hay không, bởi vì thực chất các em mang đồng phục TNTT nhưng chỉ để làm đẹp khi đi vào học các lớp giáo lý, chứ không có thời gian sinh hoạt theo Chương Trình Thăng Tiến Đoàn Sinh các cấp các ngành; đang khi đó chính CTTTĐS lại là một tổng hợp đầy đủ những điều nền tảng trong Thánh Kinh và Giáo lý, áp dụng việc học tập bằng những phương pháp sinh hoạt vui tươi thích hợp với tuổi trẻ, là những bài học giáo dục “tiệm tiến” kéo dài 12 năm cho một trẻ em từ 7 tuổi lên tới tuổi trưởng thành.

Một vấn nạn rất đáng được quan tâm trong các cộng đoàn giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đó là có nhiều Giáo lý viên không huấn luyện làm Huynh trưởng TNTT, nên không mấy lưu tâm đến sinh hoạt TNTT; trong khi đó có nhiều Huynh trưởng được huấn luyện Giáo lý Thánh Kinh lâu năm nhưng lại không được khuyến khích tham gia việc học và dạy các lớp giáo lý. Nên chăng tất cả các Huynh trưởng TNTT cần được ưu tiên huấn luyện để đồng thời cũng là các Giáo lý viên thực thụ!?! TNTT tại các giáo phận nơi quê nhà đang đào tạo nhiều các Huynh trưởng Giáo lý viên; như Liên Đoàn TNTT Anrê Phú Yên TGP Sài Gòn đòi hỏi các ứng viên muốn được huấn luyện làm HT TNTT đều phải có chứng chỉ Giáo lý viên liên hệ.

Nhân dịp Đại Hội Về Đất Hứa lần thứ V của PT/TNTTVN/HK từ ngày 1 đến 4 tháng 7 năm 2010 tại Chapman University, Orange, California, sau đây xin phép ghi lại và giới thiệu vài nét tiêu biểu về bản chất, đoàn viên, và khung cảnh hay bầu khí huấn luyện TNTTVN, theo các tài liệu của phong trào.

***

Vài Nét Về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam

Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (TNTTVN) là một phong trào giáo dục nhân bản và thiêng liêng, nhằm đào tạo các thanh thiếu niên thành những công dân tốt và những Kitô hữu hoàn hảo, đặt trên nền tảng Thánh Kinh và Thánh Thể. Theo đó Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh là nguồn tài liệu và là kim chỉ nam hướng dẫn mọi sinh hoạt Phong trào, và Chúa Giêsu là mẫu gương lý tưởng và là nguồn sống của mỗi thành viên TNTT.

Ngoài ra, với nhu cầu của các lớp trẻ mới nơi hải ngoại, TNTT tại các cộng đoàn xứ đạo địa phương còn đặc biệt quan tâm góp phần vào việc dạy tiếng Việt, lịch sử và văn hóa nước nhà.

I. Bản Chất Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam

A. Nguồn Gốc:
- Mang tinh thần Đạo Binh Thánh Giá, nhưng vũ khí là cầu nguyện, hy sinh.
- Nghĩa Binh Thánh Thể Việt Nam (1929): 4 khẩu hiệu truyền thống: Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, Làm Tông Đồ.
- Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (1964): Đặt nặng mục đích giáo dục giới trẻ qua phương châm “Giới trẻ làm tông đồ cho giới trẻ”.
- Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ (1975): Tiếp nối truyền thống từ quê nhà.

B. Mục Đích:
- Đào tạo thanh thiếu niên trở thành những con người kiện toàn và Kitô hữu hoàn hảo.
- Đoàn ngũ hóa và hướng dẫn thanh thiếu niên loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô và góp phần xây dựng xã hội.
- Các lớp trẻ theo dòng thời gian lần lượt lớn lên và trưởng thành sống đạo giữa đời, giúp ích xã hội; và cứ thế Phong trào liên tục đào tạo những con người Việt Nam mới, góp phần xây dựng Hội Thánh và đất nước.

C. Nền Tảng:
- Lời Chúa trong Thánh Kinh và Giáo huấn của Giáo hội Công giáo là nền tảng cho việc giáo dục và hướng dẫn giới trẻ trong các hoạt động.
- Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sức sống và là lý tưởng của các thành viên phong trào.

D. Tôn Chỉ:
1. Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, và Làm Việc Tông Đồ.
2. Yêu mến và tôn kính Đức Maria Mẹ Chúa Cứu Thế.
3. Tôn kính các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam.
4. Yêu mến và vâng phục Đức Giáo hoàng và hàng giáo phẩm.
5. Thăng tiến con người nhân bản; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

E. Phương Pháp Giáo Dục:
- Các Sinh Hoạt về mặt Tự Nhiên: Thiếu Nhi Thánh Thể dùng những phương pháp tự nhiên như ca, vũ, băng reo, trò chơi, các sinh hoạt ngoài trời, vào sa mạc, hoạt động xã hội... mà các hoạt động này được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.
- Các Sinh Hoạt về mặt Siêu Nhiên: Thiếu Nhi Thánh Thể đặt căn bản cho đời sống tinh thần bằng cách Sống Ngày Thánh Thể qua việc Dâng Ngày, Cầu Nguyện, Rước Lễ, thực hiện Bó Hoa Thiêng, Tĩnh Huấn, Chia Sẻ Lời Chúa...
- Sống Ngày Thánh Thể: Các thành viên luôn cố gắng sống đời kết hiệp và thánh hoá mọi tư tưởng, lời nói, việc làm hằng ngày với Chúa Thánh Thể để mỗi ngày trở thành “Ngày Thánh Thể”. Dâng Ngày, Dâng Lễ, Rước Lễ hay Rước Lễ Thiêng Liêng, Lần Hạt, Viếng Chúa, Hy Sinh, làm việc bổn phận và công tác Bác Ái Tông Đồ... là những việc lành truyền thống giúp các thành viên sống Ngày Thánh Thể một cách tích cực.
- Bó Hoa Thiêng: Thực hiện và ghi Bó Hoa Thiêng là một phương pháp giáo dục tinh thần nhằm giúp đoàn viên thăng tiến lòng đạo và thánh hóa bản thân; do đó, các đoàn viên cần thực hiện việc này hằng ngày một cách chân thành và bền tâm.

F. Hệ Thống Tổ Chức Phong Trào tại Hoa Kỳ:
- Theo hệ thống hàng dọc: Cấp Trung Ương (Toàn Quốc), Cấp Miền (Liên Tiểu Bang), Cấp Liên Đoàn / Đoàn Biệt Lập (Giáo Phận), Cấp Đoàn (Giáo xứ, Cộng đoàn).

G. Hội Họp:
- Ban Thường vụ các đơn vị có những cuộc họp định kỳ.
- Ban Chấp Hành Trung Ương / Miền / Liên Đoàn / Đoàn.
- Hội Đồng Đoàn / Liên Đoàn / Miền / Trung Ương.

H. Sinh Hoạt Huấn Luyện:
- Họp Chi Đoàn: Theo Chương Trình Thăng Tiến và Huấn Luyện các Ngành.
- Sa mạc huấn luyện Tông Đồ Đội Trưởng, Sa mạc Đoàn.
- Chuyên Khóa: Thánh Kinh, Chuyên môn, Sinh hoạt, v.v...

I. Truyền Thông:
- Bản tin Hướng Tâm Lên và Nội san Về Đất Hứa.
- Bản tin Sinh hoạt hoặc Đặc san của các Đoàn / Liên Đoàn / Miền

II. Các Thành Viên Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam

A. Sinh hoạt cấp Đoàn địa phương được chia thành các Ngành:
- Ấu nhi: 7-9 tuổi, khẩu hiệu NGOAN, mầu khăn lá mạ;
- Thiếu nhi: 10-13 tuổi, khẩu hiệu HY SINH, mầu khăn xanh biển;
- Nghĩa sĩ: 14-15 tuổi, khẩu hiệu CHINH PHỤC, mầu khăn vàng;
- Hiệp sĩ: từ 16 tuổi trở lên, khẩu hiệu DẤN THÂN, mầu khăn nâu.
- Ngoài ra, các phụ huynh Trợ tá yểm trợ Phong trào về mọi phương diện.
(Các Mầu Khăn khác: Tuyên úy: mầu trắng, viền đỏ./ Trợ úy: mầu đỏ, viền trắng./ Trợ tá: mầu đỏ, viền xanh biển./ Huynh trưởng: mầu đỏ, viền vàng./ Huấn Luyện Viên: mầu tím, viền theo ngành).

B. Cấp Điều Hành Đoàn, Phong trào đào tạo các cấp sau đây:
1. Tông đồ Đội trưởng: đào tạo Đội trưởng và Đội phó.
2. Huynh trưởng Cấp I: Đào tạo Huynh trưởng chính thức
3. Huynh trưởng Cấp II (Theo ngành chuyên biệt): đào tạo Chi Đoàn trưởng.
4. Huynh trưởng Cấp III (Theo ngành chuyên biệt): Đào tạo Ngành trưởng và Đoàn trưởng.

C. Các Cấp Lãnh Đạo Phục Vụ, gồm có:
1. Tuyên úy (Linh mục) và Trợ úy (Tu sĩ nam nữ)
2. Trợ tá (Phụ huynh)
3. Huynh trưởng
4. Toán trưởng Hiệp sĩ

D. Các Cấp Huấn Luyện Viên:
Một Huynh trưởng Cấp III có thể tham gia chương trình đào tạo trở thành Huấn Luyện Viên, để giúp huấn luyện các cấp Trưởng, nghiên cứu sâu rộng các vấn đề liên hệ nhằm góp phần duy trì và phát triển Phong trào với tất cả tinh thần, khả năng và tâm huyết. Có 3 cấp Huấn Luyện Viên:
1. Huấn Luyện Viên Sơ Cấp: đào tạo các Huấn Luyện Viên để nghiên cứu và huấn luyện các Huynh trưởng trong Phong trào.
2. Huấn Luyện Viên Trung Cấp: đào tạo Huấn Luyện Viên chuyên môn để nghiên cứu, bổ túc và bảo vệ các vấn đề của Phong trào từ hành chánh (Hiến Pháp và Nội Quy) cho đến huấn luyện (Nghi Thức, Chương Trình Thăng Tiến Đoàn Sinh và Quy Chế Huấn Luyện). Họ sẽ là những Sa mạc Trưởng hay khóa trưởng trong các sa mạc huấn luyện và giữ chức vụ chuyên biệt khác trong Hội Đồng Lãnh Đạo Toàn Quốc.
3. Huấn Luyện Viên Cao Cấp: đào tạo các chuyên gia, lý thuyết gia và các nhà lãnh đạo trong Phong trào.

III. Khung Cảnh Thánh Kinh Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam

A. Nhận Định:
Phong trào TNTTVN huấn luyện đoàn viên luôn dựa vào 2 nền tảng chính là Thánh Kinh và Thánh Thể, với các phương pháp huấn luyện về 2 phương diện Tự nhiên và Siêu nhiên. Đoàn viên các cấp của Phong trào được huấn luyện bằng các Khung Cảnh Thánh Kinh mà trong đó hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Thánh Thể luôn nổi bật để làm mẫu gương và lý tưởng theo đuổi cho đoàn viên.
Khung cảnh Thánh Kinh trong môi trường huấn luyện cũng được áp dụng theo từng ngành cho đoàn sinh và từng cấp cho Huynh trưởng, Huấn Luyện Viên, Trợ tá, Trợ úy, Tuyên úy, để nhờ khung cảnh đó làm chủ điểm hay ý lực tinh thần trong suốt quá trình huấn luyện. Dựa vào những nét đặc biệt của tiến trình tâm lý đời người, Phong trào áp dụng những khung cảnh và bầu khí Thánh Kinh thích hợp với từng lứa tuổi, từng cấp bậc của đối tượng huấn luyện và phục vụ.

B. Khung Cảnh Thánh Kinh Các Ngành:

Nội dung Thánh Kinh làm khung cảnh áp dụng trong Chương Trình Thăng Tiến và Huấn Luyện Đoàn Sinh các Ngành có thể tóm lược một cách tổng quát như sau:
- Ngành Ấu Nhi: Cựu Ước, với những câu chuyện đầy hình ảnh sẽ dễ dàng đi vào trí nhớ các em, giúp các em phân biệt điều lành điều dữ và sống hồn nhiên qua khẩu hiệu ẤU NHI - NGOAN.
- Ngành Thiếu Nhi: Tân Ước, các em sẽ tìm hiểu cuộc đời Chúa Giêsu qua 4 Phúc âm, từ đó sống theo gương Chúa Giêsu, lý tưởng đời mình qua khẩu hiệu THIẾU NHI - HY SINH.
- Ngành Nghĩa Sĩ: Sách Tông Đồ Công Vụ và các thư Thánh Phaolô, các em sẽ học hỏi sự phát triển của Giáo Hội Tiên Khởi và đào sâu vào cuộc đời Thánh Phaolô, noi gương thánh nhân sống hào hùng làm chứng tá Tin Mừng với khẩu hiệu NGHĨA SĨ - CHINH PHỤC.
- Ngành Hiệp Sĩ: Tám Mối Phúc Thật hay Hiến Chương Nước Trời được đặt để làm tâm niệm và là chứng nghiệm của người Hiệp sĩ trong cuộc sống làm muối men giữa đời qua khẩu hiệu HIỆP SĨ - DẤN THÂN. Người Hiệp Sĩ Thánh Thể Việt Nam luôn đề cao lối sống vào đời với châm ngôn “Bác ái, Huynh đệ, Hiệp nhất, Phục vụ”.

C. Khung Cảnh Thánh Kinh Huấn Luyện Các Cấp Lãnh Đạo Phục Vụ

Dựa trên khung cảnh Thánh Kinh huấn luyện đoàn sinh, bầu khí Thánh Kinh trong các Sa mạc huấn luyện cần phải tạo sức sống giúp Sa mạc sinh thể nghiệm được Lời Chúa trong mọi hoạt động của cuộc hành trình vào sa mạc. Mỗi cấp mỗi ngành được nêu cao một hình ảnh nổi bật trong Thánh Kinh để từ đó rút ra những bài học đặc thù cho cấp ngành của mình.
Phong trào TNTTVN sống Lời Chúa trong Thánh Kinh để làm nền tảng cho mọi sinh hoạt, và dựa trên khung cảnh ấy áp dụng triệt để vào việc huấn luyện. Tuỳ theo mỗi ngành và mỗi cấp khác nhau, mọi sinh hoạt trong Sa mạc huấn luyện đều xoáy mạnh trên một khía cạnh nổi bật của khung cảnh Thánh Kinh đã được lựa chọn. Xin tóm lược sau đây:

Cấp, Ngành Khung Cảnh Thánh Kinh Chân Dung

Cuộc hành trình của Abraham Abraham: Con người của niềm tin
HT Cấp 1 Hành trình Về Đất Hứa của Maisen Maisen: Con người chu toàn trách nhiệm
HT Cấp 2 Ấu nhi Cánh đồng Belem Chúa Giêsu Đơn Sơ
HT Cấp 2 Thiếu nhi Làng Nazareth Chúa Giêsu Vâng Phục
HT Cấp 2 Nghĩa sĩ Làng Galilea Chúa Giêsu rao giảng
HT Cấp 3 Ấu nhi Ánh sao Phương Đông Chúa Hiển Linh
HT Cấp 3 Thiếu nhi 40 ngày trong sa mạc Chúa Giêsu Thắng Cám dỗ
HT Cấp 3 Nghĩa sĩ Con đường thánh giá Chúa Giêsu chịu chết và sống lại
HLV Sơ Cấp Các cuộc tranh luận trong KT Chúa Kitô Rao Giảng
HLV Trung Cấp Giáo Hội Tiên Khởi Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ Hướng Dẫn
HLV Cao Cấp
Chúa Cha
Hiệp Sĩ Tám Mối Phúc Thật - Núi Tarbor Chúa Giêsu Mục Tử tốt lành
Trợ Tá Những bữa tiệc trong KT Người Samaritanô nhân hậu
Trợ úy & Tuyên úy Những buổi tế lễ trong KT Chúa Giêsu Thánh Thể

Để tạm kết, xin mượn lời hiệu triệu giới trẻ Việt Nam của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vẫn luôn là dấu ấn khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn các bạn trẻ suốt 13 năm qua; Ngài ưu ái nói bằng tiếng Việt trong lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1997 tại Paris, nước Pháp:

Các bạn trẻ Công giáo Việt Nam, Anh chị em giới trẻ khắp nơi trên thế giới đương cầu nguyện cho các con trong cuộc hành trình nhân bản và thiêng liêng của các con”.

Giuse Đặng Văn Kiếm

URL: http://danchuausa.net/thieu-nhi-thanh-the/phong-trao-thieu-nhi-thanh-the-viet-nam-trong-viec-giao-duc-gioi-tre/