Trích từ Dân Chúa

Vài nét sử học về cuộc đời Thánh Phaolô

Vũ Văn An

1. Tên

Trong các thư của Ngài, Thánh Tông Đồ tự gọi mình là Paulos, một tên cũng đã được thư thứ hai của Thánh Phêrô (3:15) và sách Tông Đồ Công Vụ từ chương 13:9 dùng. Trước đó, sách Công Vụ dùng tên Saulos để gọi Thánh Tông Đồ Dân Ngoại (7:58; 8:1,3;9:1…).

Đấy là hình thức Hy Ngữ của Saoul. Cách viết này chỉ thấy trong các trình thuật đối thoại (9:4, 17; 22:7, 13;26:14) và thay cho từ Hi Bá Lai Sa’ul, là tên vị vua đầu tiên của Do Thái (1Sm 9:2, 17; xem Cv 13:21). Từ này có nghĩa “được hỏi” (về Chúa hay về Giavê). Công Vụ 13:9 thay tên Saul bằng tên Paul (ngoại trừ sau này có lần vẫn dùng tên Saoul): Saulos de kai Paulos (Saul, cũng được gọi là Paul). Tên Paulos là hình thức Hy Ngữ của một tên họ rất nổi tiếng của người La Mã, Paul(l)us, được giới qúy tộc ưa dùng, như các dòng họ Vettenii và Sergii. Người ta chỉ có thể phỏng đoán lý do tại sao Thánh Phaolô có tên La Mã này. Việc Saul bắt đầu được gọi là Paul chỉ là trùng hợp khi sách Công Vụ thuật lại câu truyện thống đốc La Mã là Sergius Paulus trở lại đạo (13:7-12); vì khó có thể cho rằng Thánh Phaolô lại đi mang tên của người tân tòng nổi danh đến từ Cyprus này (Thánh Giêrôm:In Ep. Ad Philem, 1…). Có lẽ thánh nhân vốn được gọi là Paulus từ lúc mới sinh, còn tên Saoul chỉ là signum hay supernomen (tên thêm vào) được sử dụng giữa các giới Do Thái với nhau. Nhiều người Do Thái thời ấy vẫn có thói quen có hai tên: một tên Do Thái (Saul), còn tên kia là tên La Mã hay Hy lạp (Paul) (xem Cv 1:23; 10:18;13:1). Các tên ấy thường được chọn do các âm giống nhau. Chứ thực ra không có bằng chứng gì là tên Saul đã được đổi thành Paul lúc thánh nhân trở lại đạo; vì tên Saulos vẫn còn tiếp tục được dùng sau biến cố trở lại kia. Việc ‘chuyển đổi’ tên ở Công Vụ 13:9 có thể do các nguồn tín liệu khác nhau của thánh Luca mà thôi.

2. Nguồn và các niên biểu trong cuộc đời Thánh Phaolô

Những điều ít ỏi ta biết về cuộc đời Thánh Phaolô là do hai nguồn sau đây cung cấp:

(1) các đoạn thư chính hiệu của ngài nhất là 1Tx 2:1-2,17-18; 3:1-3a; Gl 1:13-23;2:1-14; 4:13; Pl 3:5-6; 4:15-16; 1Cor 5:9; 7:7-8; 16:1-9; 2Cor:2-1, 9-13; 11:7-9, 23-27, 32-33; 12”2-4, 14, 21; 13:1,10; Rm 11:1c; 15:19b, 22-23; 16:1;

(2) các đoạn trong Sách Công Vụ 7:58; 8:1-3; 9:1-30; 11:25-30; 12:25; 13:1-28:31. Các đoạn trong đệ nhị thư Phaolô cũng như các Thư Mục Vụ đều có giá trị không chắc chắn và do đó chỉ được dùng để hỗ trợ các chi tiết của các nguồn kia.

Tuy nhiên, chính chi tiết do hai nguồn trên cung cấp cũng không có giá trị ngang nhau. Khi dựng lại cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta nên coi trọng các chi tiết do chính Thánh Phaolô tự nói về Ngài hơn là các chi tiết do Thánh Luca cung cấp vì một lẽ giản dị là Thánh Luca chịu ảnh hưởng nhiều bởi thể văn cũng như quan tâm thần học của mình. Các tác giả gần đây như J. Knox, D.W.Riddle, R.Jewett, G. Ludermann, J.Murphy-O’Connor v.v… đã cố gắng dựng lại cuộc đời vị tông đồ này bằng cách dựa phần lớn vào các dữ kiện do ngài cung cấp mà ít chịu dùng các tư liệu của Tông Đồ Công Vụ. Tuy nhiên, có lúc các tác giả này cũng buộc phải dùng các tư liệu của Sách sau để giải quyết một số vấn đề của họ như đoạn Thánh Phaolô xuất hiện trước Gallio (18:12), 18 tháng lưu lại Côrintô (18:11) và gốc gác Lystra của Timôtê (16:2-3). Thành thử ta buộc phải dựa vào cả hai để dựng lại cuộc đời Thánh Phaolô theo thứ tự thời gian, nhất là những chi tiết cần thiết chỉ có Công Vụ mới có, miễn là các chi tiết này không mâu thuẫn với các chi tiết do Thánh Phaolô cung cấp.

Trong việc này, ta có thể dựa vào T. H. Campbell trong cuốn Paul’s Missionary Journeys. Theo tác giả này, các đoạn trích thư Thánh Phaolô trên đây cho thấy thứ tự các biến cố trong đời Thánh Phaolô từ lúc ngài trở lại cho tới lúc ngài tới Rôma và thứ tự này khá ăn khớp với thứ tự trong Công Vụ.

Tuy nhiên, cần ghi nhận các dị biệt trong trình tự này: (1) Thánh Luca không nhắc gì tới việc Thánh Phaolô lui về “Arabia” (Gl 1:17b); (2) Thánh Luca gom các hoạt động truyền giáo của Thánh Phaolô vào ba khối: I: 13:1-14:28; II: 15:36-18:22; III: 18:23-21:16. Nhiều nhà phê bình cho rằng hành trình truyền giáo I hoàn toàn là sản phẩm của Thánh Luca…(3) Theo thánh Luca, dịp để Thánh Phaolô thoát khỏi Đamát là âm mưu của người Do Thái (Cv 9:23; ngược với 2 Cor 11:32). (4) Thánh Luca cho rằng Saolô “tán thành” cái chết của tử đạo Stêphanô (Cv 7:58-8:1; xem thêm 22:20), trong khi Thánh Phaolô chỉ nói là Ngài bách hại “giáo hội của Thiên Chúa” (Gl 1:13) hay bách hại “giáo hội” (Pl 3:6) mà thôi chứ không nhắc đến tên Stêphanô.

Thành ra thứ tự thời gian mà chúng ta cố gắng dựng lại ở đây chỉ là cố gắng tương đối mà thôi. Theo thư của Thánh Phaolô, biến cố duy nhất có thể nên niên biểu ngoại thánh kinh chính là việc ngài thoát khỏi Đamát (2Cor 11:32-33). Tổng đốc của vua Arêta đã cho lính canh gác để bắt thánh nhân, nhưng Ngài thoát được nhờ tín hữu cho Ngài vào cái thúng rồi thòng qua cửa sổ dọc theo tường thành mà đưa xuống đất (đối chiếu với Cv 9:24-25).Việc ấy xẩy ra cuối thời gian 3 năm thánh nhân lưu lại Đamát (Gl 1:17c-18). Vì Đamát nằm dưới sự thống trị của La Mã cho tới tận ngày Tiberius băng hà (tháng Ba, năm 37 CN; xem Josephus, Ant.18.5.3#124) và vua Arêta IV Philopatris (9 trước CN – 39 CN) người Nabatean được Hoàng Đế Gaius Caligula ban quyền cai trị, nên việc Thánh Phaolô thoát khỏi Đamát hẳn phải xẩy ra giữa các năm 37 và 39 CN, có lẽ vào chính năm 39 CN. Thánh nhân trở lại trước đó ba năm, thành thử là năm 36 CN.

Còn đối với sách Tông Đồ Công Vụ, ta thấy các dữ kiện ngoại thánh kinh trong năm biến cố xẩy ra trong cuộc đời Thánh Phaolô. Theo thứ tự từ quan trọng nhất đi xuống, năm biến cố ấy là:

(1) Thời L.Junius Gallio Annaeus làm thống đốc Achaia. Thánh Phaolô bị dẫn tới trước viên thống đốc này tại Côrintô (Cv 18:12). Tác giả Murphy-O’Connor, trong Corinth 141, cho rằng đây là “một mắt xích được hầu hết các học giả nối kết sự nghiệp của Thánh Phaolô với lịch sử phổ quát”, mặc dù biến cố này chỉ được một mình Thánh Luca thuật lại. Thời Gallio làm thống đốc được nhắc tới trên một tấm khắc bằng tiếng Hy Lạp tại đền thờ Apollo và được E. Bourquet tìm thấy ở Delphi trong năm 1905 và 1910. Nhưng hai lần tìm kiếm ấy chỉ là những mảnh vụn. Phải đợi tới năm 1970, A. Plassart mới công bố được trọn tấm khắc ấy với hết mọi mảnh vụn của nó. Đó là bản chép thư hoàng đế Claudius gửi cho thành Delphi đề cập đến các vấn đề giảm dân. Bức thư đó có đoạn như sau: “Tiberius Claudius Caesar Augustus Germanicus, với thẩm quyền tài phán năm thứ 12, được phong làm tổng tư lệnh (imperator) kỳ thứ 26, Cha Tổ Quốc…Đã lâu trẫm không những vẫn nghĩ tốt cho thành Delphi, mà còn rất quan tâm tới sự thịnh vượng của nó…Nhưng nay, vì có tin thành phố đang mất đi nhiều công dân của mình, như lời L. Junius Gallio, người bạn của ta và là thống đốc, mới đây vừa tường trình, và vì rất muốn cho thành phố duy trì vị thế trước đây của nó, ta truyền cho các ông phải mời những người có tư cách từ các thành phố khác tới Delphi làm cư dân mới…”.

Theo bản văn trên, ta có thể diễn dịch như sau: Gallio là thống đốc Achaia vào năm 12 triều hoàng đế Claudius, sau khi hoàng đế này được phong là ‘tổng tư lệnh’. Quyền tài phán (tribunician power), quyền được trao cho hoàng đế mỗi năm, là biểu hiệu năm cầm quyền của hoàng đế, trong khi chức ‘tổng tư lệnh’ được ban tặng cho ông sau một chiến thắng quân sự hiển hách. Muốn định niên biểu cho việc ban tặng này, người ta phải tìm hiểu năm ban tặng. Theo các bản khắc khác, thì các lần ban tặng từ 22 tới 25 xẩy ra vào năm thứ 11 triều Claudius và lần ban tặng thứ 27 xẩy ra vào năm thứ 12 triều đại ông này, trước ngày 1 tháng Tám năm 52 CN. Như thế lần ban tặng thứ 26 hẳn phải xẩy ra trước mùa đông năm 51 hay trong mùa xuân năm 52 CN. Mà năm 12 triều Claudius bắt đầu ngày 25 tháng Giêng năm 52. Như thế, cả hai yếu tố trên gộp lại, thì hẳn Gallio làm thống đốc Achaia đầu năm 52 CN.

Achaia là một tỉnh thuộc thượng viện, nghĩa là được cai trị bởi một thống đốc do thượng viện chỉ định. Vị thống đốc này thường nắm giữ chức vụ trong một năm và thường nhậm chức vào ngày 1 tháng Sáu và rời chức vụ vào giữa tháng Tư. Thư của Claudius cho hay Gallio phúc trình cho ông ta về tình hình của Delphi. Như thế có nghĩa Gallio đã có mặt tại Achaia rồi, nên chắc chắn đã phúc trình cho ông vào cuối mùa xuân hay đầu mùa hạ năm 52 CN, nghĩa là vào cuối thời Gallio làm thống đốc ở đấy (tháng Sáu năm 51 tới tháng Năm năm 52) hay đầu năm từ tháng Sáu năm 52 tới tháng Năm năm 53 CN. Vì Seneca, em trai Gallio, cho rằng anh mình mắc chứng sốt tại Achaia và phải “lên tầu ngay” (Ep.104.1), nên có thể Gallio đã rút ngắn thời gian lưu lại Achaia và về nhà sớm. Điều ấy rất có thể có nghĩa là Gallio vốn có mặt tại Achaia vào cuối xuân và mùa hè năm 52 và bỏ đó không trễ hơn cuối tháng Mười, trước khi mare clausum, nghĩa là biển trở nên sóng gió không thể hải hành đuợc. Bởi thế, Thánh Phaolô chắc hẳn đã bị điệu ra trước Gallio đâu đó vào mùa hạ hay đầu mùa thu năm 52. Vì ở Côrintô tới 18 tháng, nên có lẽ ngài đã tới đó đầu năm 51 (xem Cv 18:11).

(2) Việc người Do Thái bị Claudius trục xuất khỏi Rôma (Cv 18:2c), được Thánh Luca liên kết với việc Aquila và Priscilla tới Côrintô, những người sẽ cùng cư ngụ với Thánh Phaolô. Suetonius (Claudius 25) thuật lại: “Ngài trục xuất khỏi Rôma những người Do Thái đang tạo bất ổn do sự xúi bẩy của Chrestus”. Nếu hiểu “do sự xúi bẩy của Chrestus” (chữ này vào thời của Suetonius được đọc là Christos) là kiểu nói lầm chỉ cuộc tranh luận về việc Chúa Giêsu có phải là Đấng Kitô hay không, thì có lẽ Suetonius có ý thuật lại cuộc xung đột giữa người Do Thái Giáo và người Kitô hữu gốc Do Thái. Nhà sử học Kitô giáo thế kỷ thứ 5 là P. Orosius (His.Adv.pag. 7.6.15-16; Corpus Sriptorum Ecclesiasticorum Latinorum 5.451), khi trích dẫn bản văn của Suetonius, đã định niên biều cho cuộc trục xuất kia vào năm thứ 9 triều đại Claudius (25 tháng Giêng năm 49 tới 24 tháng Giêng năm 50 CN). Tuy nhiên, vì Orosius cho hay Josephus thuật lại việc trục xuất này trong khi Josephus không đề cập gì tới nó, nên một số học giả tỏ vẻ hoài nghi giá trị chứng cớ của ông. Không ai biết do nguồn nào Orosius định được năm thứ 9. Tuy nhiên, niên biểu này được đa số học giả coi là tin được, như E.M. Smallwood trong “The Jews under Roman Rule,[Studies in Judaism in Late Antiquity 20”; Leiden, 1976] 211-216; Jewett trong “Chronology” 36-38… Và nếu đúng như thế, thì việc Thánh Phaolô tới Côrintô hẳn phải xẩy ra sau đó.

(3) Trận đói dưới triều Claudius (Cv 11:28b) khá khó định niên biểu. Dường như trận đói này ảnh hưởng tới trọn vùng phía đông Địa Trung Hải trong nhiều năm; một số chứng cớ cho thấy nó xẩy ra tại Giuđêa khoảng đầu thời T. Julius Alexander làm tổng trấn (46-48 CN; xem Josephus Ant. 20.5.2#101).

(4) Porcius Festus thay thế Felix làm tổng trấn Giuđêa (Cv 24:27). Ngày chính thức thay thế này khó có thể xác định được, nhưng nó có thể xẩy ra vào khoảng năm 60 CN. Khi Festus tới, Thánh Phaolô xin được Caesar xử xét (25:9-12).

(5) Việc triệu hồi Ponce Pilate về Rôma vào năm 36 để trả lời về tác phong của ông ta (xem Josephus, Ant 18.4.2). Việc triệu hồi này và việc Marcellus, viên tổng trấn mới, đến thay thế là dịp may hiếm có để người Do Thái ‘làm thịt’ Stêphanô (Cv 7:58-60) và khởi đầu cuộc bách hại giáo hội Giêrusalem (Cv 8:1). Cuộc trở lại của Thánh Phaolô có thể có liên hệ với các biến cố này.

3. Sự nghiệp của Thánh Phaolô

(1) Tuổi trẻ và việc trở lại

(A) Tuổi trẻ: Không ai rõ ngày sinh của Thánh Phaolô. Ngài gọi mình là một ‘ông già’ (presbytes) trong thư Philemôn 9, nghĩa là một người thuộc lớp tuổi từ 50 tới 59. Điều ấy có nghĩa: ngài sinh trong thập niên đầu của công nguyên. Thánh Luca thì lại gọi ngài là một “thanh niên (neanias)” có mặt tại cuộc ném đá Stêphanô nghĩa là vào khoảng giữa 24 và 40 tuổi.

Thánh Phaolô không cho ta hay ngài sinh tại đâu, nhưng tên Paulus cho thấy ngài phải sinh tại một thành phố La Mã. Ngài tự hào về nguồn gốc Do Thái của mình và cho hay mnìh thuộc chi tộc Benjamin (Rm 11:1; Pl 3:5; 2Cor 11:22). Ngài là “người Israel” (đã dẫn), “một người Hi-bá sinh từ người Hi-bá; giữ luật thì đúng là người Pharisêu” (Pl 3:6), một người “cực kỳ nhiệt thành với truyền thống cha ông” và vượt xa người cùng lứa tuổi “trong việc giữ đạo Do Thái” (Gl 1:14). Khi gọi mình là người Hi-bá (Hebraios) rất có thể ngài ngụ ý mình là người Do Thái nói tiếng Hy Lạp nhưng đồng thời cũng nói được cả tiếng Aram và đọc được Cưu Ước bằng nguyên ngữ. Tuy nhiên các thư của Thánh Phaolô cho thấy ngài rất thạo Hy Ngữ, có thể viết được ngôn ngữ đó và khi nói truyện với giáo hội Dân Ngoại, ngài có thể trích dẫn Cựu Ước bằng Hy Ngữ. Dấu vết văn phong Khắc Kỷ trong các thư của ngài cho thấy ngài có nền giáo dục Hy Lạp khá tốt.

Thánh Luca cũng trình bầy Thánh Phaolô là “người Do Thái”, “người Pharisêu” sinh tại Tarsus, một thành theo văn hóa Hy Lạp thuộc Cicilia (Cv 22:3,6; 21:39), có chị gái (23:16), và là công dân La Mã từ lúc mới sinh (22:25-29; 16:37; 23:27). Nếu tín liệu của Thánh Luca về nguồn gốc của Thánh Phaolô đúng, thì quả nó có ích trong việc giải thích cả hậu cảnh Do Thái lẫn hậu cảnh Hy Lạp của Thánh Phaolô. Tarsus lần đầu tiên được chứng thực là Tarzi trên cột Obelisk Đen của Shalmeneser vào thế kỷ thứ 9 trước CN. Qua thế kỷ thứ 4, Xenophon (Anab. 1.2.23) gọi nó là “thành phố vĩ đại và thịnh vượng” và một đồng tiền Hy Lạp từ thế kỷ thứ 5 và thứ 4 cho thấy đầu thời Hy Lạp Hóa của nó. Nó bị Hy Lạp Hóa nặng nề nhất bởi Antiochus IV Epiphanes (175-164), người cũng đã thiết lập ra một khu định cư người Do Thái tại đó vào khoảng năm 171 để khuếch trương việc thương mại và kỹ nghệ.

Trong cuộc tái tổ chức Tiểu Á của Pompey vào năm 66 trước CN, Tarsus trở thành thủ phủ của tỉnh Cilicia. Sau đó, Mark Antony ban cho thành này quyền tự do, miễn chuẩn (immunity) và quyền công dân. Các quyền này tiếp tục được Augustus củng cố và điều này giải thích các liên hệ của Thánh Phaolô với Rôma. Tarsus là trung tâm nổi tiếng về văn hóa, triết học và giáo dục. Strabo (Geogr. 14.673) cho rằng các trường học tại Tarsus vượt xa các trường ở Athens và Alexandria và học trò ở đây là người Cilicia chứ không phải người nước ngoài. Athenodorus Cananites, một triết gia Khắc Kỷ và là thầy dậy của hoàng đế Augustus, đã hưu trí tại đấy năm 15 trước CN và được giao nhiệm vụ tu chỉnh các diễn trình dân chủ và công dân của thành phố. Các triết gia khác, cả Khắc Kỷ lẫn Khoái Lạc (Epicurean), cũng định cư và giảng dạy tại đó. Những người La Mã nổi tiếng từng thăm viếng Tarsus là: Cicero, Julius Caesar, Augustus, Mark Antony và Cleopatra. Chính vì thế, Thánh Phaolô trong Công Vụ của Thánh Luca mới dám ‘khoe khoang’ mình là “công dân của một thành phố không thấp hèn” (21:39).

Công vụ cũng cho hay Thánh Phaolô hãnh diện đã “được dưỡng dục tại thành phố Giêrusalem này, dưới chân Gamaliel” (Cv 22:3), tức Gamaliel I, Trưởng Lão, mà thời cực thịnh ở Giêrusalem là vào khoảng các năm từ 20 tới 50 CN (xem W.C. van Unnik, Tarsus or Jerusalem: The City of Paul’s Youth, London 1962). Dù hình ảnh do Thánh Luca mô tả về Thánh Phaolô thời trẻ trung tại Giêrusalem giải thích được phần nào việc ngài được huấn luyện theo Do Thái và lối suy tư của ngài, nhưng chính Thánh Phaolô thì chưa bao giờ nhắc gần nhắc xa đến việc đó. Mặt khác việc ấy cũng có thể gây ra khó khăn: các trước tác của Thánh Phaolô không bao giờ hàm ý rằng ngài từng gặp gỡ hay có bất cứ sự quen thuộc có tính bản thân nào với Chúa Giêsu lúc Chúa công khai giảng đạo (xem 2Cor:5:16, 11:4 là đoạn không nên hiểu Thánh Nhân đã biết Chúa lúc ấy, dù một số nhà chú giải nghĩ ngược lại), nên nếu Thánh Phaolô lúc thiếu thời có sống tại Giêrusalem, thì làm sao Ngài lại không gặp gỡ Chúa Giêsu cho được? Dù lối biện bác và sử dụng Cựu Ước của Thánh Phaolô có tương tự với lối của những người Do Thái có học đương thời tại Palestine, thì người ta cũng chỉ có thể đoán chừng Ngài chịu ảnh hưởng của truyền thống rabbi chứ không chứng minh được điều đó. Rút cục, chứng cớ duy nhất cho thấy Thánh Phaolô được một nhân vật thuộc trường phái rabbi như Gamaliel huấn luyện chỉ thấy có trong Công Vụ.

Theo J. Jeremias (Zeitschrift fur die neutestamenliche Wissenschaft 25 [1926] 310-312; Zeitschrift fur die neutestamenliche Wissenschaft 28 [1929] 321-323), lúc trở lại, không những Thánh Phaolô là đệ tử của trường phái rabbi, mà còn là một rabbi được thừa nhận nghĩa là có quyền đưa ra các phán quyết về luật. Người ta cho rằng Ngài phải có quyền ấy nên mới thân chinh đi Đamát để bắt giữ các Kitô hữu (Cv 9:1-2; 22:4-5; 26:12) và bỏ phiếu với tư cách thành viên của thượng hội đồng để chống lại các Kitô hữu (26:10). Từ đó, Jeremias kết luận rằng vì tuổi để được phong làm rabbi là 40, nên Thánh Phaolô trở lại đạo lúc còn trung niên và đã có gia đình, vì hôn nhân là một đòi hỏi của chức rabbi. Jeremias cũng tổng hợp các dữ kiện của Công Vụ với các tư liệu của Thánh Phaolô để giải thích câu 1Cor 7:8 mà cho rằng Thánh Phaolô xếp mình vào loại ‘góa vợ’ chứ không hẳn ‘độc thân’. Theo ông, 1Cor 9:5 có nghĩa là Thánh Phaolô không tục huyền. Tuy nhiên, một số người như E. Fascher trong Zeitschrift fur die neutestamenliche Wissenschaft 28 (1929) 62-69 và G. Stahlin trong Theological Dictionary of the New Testament 9.452 n.109 tỏ ra hoài nghi những nhận định ấy.

(B) Trở lại: Trong thư Galát (1:16), Thánh Phaolô viết về khúc quanh quan trọng trong cuộc đời Ngài như sau: “Thiên Chúa đã vui lòng mạc khải Con của Người cho tôi để tôi rao giảng Người cho Dân Ngoại”. Cuộc mạc khải ấy xẩy ra sau một thời gian phục vụ Do Thái Giáo và bách hại “Giáo Hội của Thiên Chúa” (1:13; xem thêm Pl 3:6). Sau đó, Ngài qua “Arabia” rồi “trở về” Đamát (Gl 1:17). Sở dĩ dùng động từ “trở về” là vì cuộc trở lại của Ngài xẩy ra gần Đamát. Ba năm sau, Ngài thoát khỏi Đamát và lên Giêrusalem (1:18). Như thế, vào khoảng năm 36 CN, người cựu biệt phái tên Phaolô đã trở thành Kitô hữu và “tông đồ Dân Ngoại” (Rm 11:13).

Thánh Phaolô coi biến cố gần Đamát là khúc quanh trong đời Ngài và theo nghĩa đó quả là một “cuộc trở lại”. Đối với Ngài, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ không bao giờ còn có thể quên được. Sau này, khi tư cách tông đồ của mình bị chất vấn, Ngài không ngần ngại ‘phản pháo’: “Tôi há không phải là một tông đồ sao? Tôi đã chẳng thấy Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đó sao?” (1Cor 9:1; xem thêm 15:8). Do hiệu quả “cuộc mạc khải của Chúa Giêsu Kitô” (Gl 1:12), Ngài trở thành “đầy tớ của Chúa Kitô” (Gl 1:10), một người bị thúc bách (1Cor 9:16) phải rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô và vì Phúc Âm ấy, mà trở nên “mọi sự cho mọi người” (1 Cor 9:22).

Thánh Luca cũng liên kết cuộc trở lại của Thánh Phaolô với việc bách hại Giáo Hội tại Giêrusalem. Vì cuộc bách hại này, mà các Kitô hữu (gốc Do Thái nói tiếng Hy Lạp) phải tản mác khắp Giuđêa và Samaria (Cv 8:1-3) và còn xa hơn nữa (9:2; 11:19). Thánh Luca tường thuật kinh nghiệm Đamát tới ba lần trong Công Vụ: lần đầu dưới hình thức trình thuật cho thấy Thánh Phaolô lưu lại Đamát ít ngày (9:3-19, nhưng không nhắc gì tới việc Ngài qua Arabia); hai lần sau dưới hình thức diễn văn, trước một đám đông ở Giêrusalem (22:6-16) và trước Festus và Vua Agrippa (26:12-18). Mỗi tường thuật ấy đều nhấn mạnh tới đặc điểm tràn ngập và bất ngờ của biến cố ngay giữa lúc Ngài đang ‘say sưa” bách hại các Kitô hữu. Tuy nhiên, điều lý thú là có nhiều khác nhau về chi tiết trong các tường thuật ấy: liệu đồng bạn của Thánh Phaolô đứng chết trân hay phủ phục dưới đất; liệu họ có nghe hay không lời từ trời phán xuống; dù Chúa Giêsu nói với Thánh Phaolô “bằng tiếng Hi-bá-lai”, nhưng Người lại trích dẫn một châm ngôn Hy Lạp (26:14). Việc thiếu phối hợp giữa các chi tiết này cho thấy Thánh Luca không quan tâm bao nhiêu tới sự nhất quán. Tuy nhiên, trong mỗi tường thuật ấy, sứ điệp chủ yếu đều đã được chuyền đạt cho Phaolô: “Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại Ta?” – “Thưa Ngài, Ngài là ai?” – “Ta là Giêsu Nadarét, người mà ngươi đang bách hại”.

(2) Thánh Phaolô viếng Giêrusalem

Theo các thư của Thánh Phaolô, Ngài viếng Giêrusalem hai lần sau khi trở lại, một lần sau đó ba năm (Gl 1:18) và “một lần trong 14 năm” (Gl 2:1). Trong thư Rôma 15:25, Ngài dự tính một cuộc thăm viếng khác trước khi tới Rôma và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, theo sách Công Vụ, sau khi trở lại, Thánh Phaolô viếng Giêrusalem 5 hay 6 lần tất cả:

(a) Đoạn 9:26-29, sau khi Ngài thoát khỏi Đamát; xem thêm 22:17;

(b) Đoạn 11:29-30, Banaba và Saolô mang tiền quyên góp từ Antiốc tới cho anh chị em Giuđêa, được Thánh Luca liên hệ với trận đói thời Claudius;

(c) Câu 12:25, Banaba cùng Saolô lên Giêrusalem (lần nữa? Nhiều bản chép tay ghi là “rời” Giêrusalem, nghĩa là bỏ Giêrusalem trở về Antiốc sau cuộc viếng thăm ở (b); tuy nhiên eis có nghĩa đến nhiều hơn là đi);

(d) Đoạn 15:1-2, Phaolô và Banaba đi dự “Công Đồng”;

(e) Câu 18:22, sau Hành Trình Truyền Giáo II, Thánh Phaolô lên Giêrusalem để chào mừng Giáo Hội trước khi trở về Antiốc;

(f) Đoạn 21:15-17, cuộc thăm viếng vào cuối Hành Trình Truyền Giáo III, lúc Thánh Phaolô bị bắt.

Kết hợp các dữ kiện của Thánh Phaolô và của Thánh Luca liên quan tới các cuộc thăm viếng Giêrusalem của Ngài là một nhiệm vụ khó khăn nhất trong việc dựng lại cuộc đời Thánh Nhân. Giải pháp tốt nhất là coi cuộc viếng thăm (a) trong Luca là một với cuộc viếng thăm ở Gl 1:18, và coi các cuộc viếng thăm (b), (c) và (d) trong Luca chỉ là nói về cùng một biến cố đó là “Công Đồng”, tương đương với 1Gl 2:1-10. Thánh Luca chắc chắn đã lịch sử hóa và đã từ một cuộc viếng thăm ‘tạo ra’ nhiều cuộc viếng thăm khác nhau vì do những nguồn cung cấp dữ kiện khác nhau mà thôi. Cuộc viếng thăm (e) trong Luca không có vấn đề gì cả, còn cuộc viếng thăm (f) chính là cuộc viếng thăm được Thánh Phaolô dự tính trong Rm 15:25.

Như thế, sau khi thoát khỏi Đamát năm 39, Thánh Phaolô tới Giêrusalem lần đầu tiên (Gl 1:18). Lý do cuộc viếng thăm này thì có sự tranh cãi. “Để lấy tin tức từ Kê-pha” hay “để thăm viếng Kê-pha”. Trong 15 ngày ở đó, Ngài chỉ gặp Gia-cô-bê “người anh em của Chúa”, chứ không gặp một tông đồ nào khác; Ngài thực sự vô danh đối với giáo hội Giu-đêa. Theo Thánh Luca, chính trong lần thăm Giêrusalem lần đầu này, Banaba giới thiệu Thánh Phaolô cho các “tông đồ” khác và nói với các vị này rằng Ngài đã rao giảng danh Chúa Giêsu cách can đảm ra sao tại Đamát. Thánh Phaolô cùng các tông đồ đi lại tại Giêrusalem, tiếp tục rao giảng một cách can đảm và tranh luận với người nói tiếng Hy Lạp đến độ họ tìm cách giết Ngài (Cv 9:27-29).

Theo thư Galát 1:21, sau 15 ngày lưu lại Giêrusalem, Thánh Phaolô lui về Syria và Cilicia, ở đó bao lâu thì không thấy nói. Có lẽ vào khoảng thời gian này, Ngài được thị kiến điều thư Côrintô thứ 2 (12:2-4) mô tả; thị kiến này xẩy ra 14 năm trước khi thư Côrintô thứ 2 được viết ra nhưng khó có thể đồng hóa nó với biến cố trở lại. Theo Công Vụ 22:17-21, trong lần thăm (a), Thánh Phaolô ngất trí khi đang cầu nguyện trong Đền Thờ Giêrusalem. Chính mối đe doạ từ người nói tiếng Hy Lạp, mà anh em đồng đạo đã đưa Thánh Phaolô từ Giêrusalem qua Caesarea và tiễn Ngài trở về Tarsus (Cv 9:30). Tông Đồ Công Vụ không cho biết Ngài lưu lại Tarsus bao lâu, nhưng thứ tự các biến cố cho thấy có thể là các năm 40-44 CN. Dù sao, cuộc lưu lại Tarsus chấm dứt khi Banaba tới thăm, sau đó đã đưa Ngài trở lại Antiốc, nơi Ngài lưu lại một năm (11:25-26), chuyên chăm rao giảng phúc âm.

(Còn tiếp)

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/than-hoc/vai-net-su-hoc-ve-cuoc-doi-thanh-phaolo/