Trích từ Dân Chúa

Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (3)

Vũ Văn An

Phần Một: Mầu Nhiệm Thiên Chúa nói với ta

”Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1:1-2).

Trong phúc trình của mình, các mục tử nhắc tới một số vấn đề thần học rất quan trọng trong sinh hoạt mục vụ của các ngài, thí dụ: vấn đề ý nghĩa Lời Chúa, vấn đề mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, tính trung tâm của Lời Chúa; Thánh Kinh như Lời linh hứng và các chân lý của nó; việc giải thích Thánh Kinh theo đức tin của Giáo Hội; và xu hướng đúng đắn trong việc lắng nghe Lời Chúa.

Chương Một

A. Thiên Chúa nói với chúng ta, ý nghĩa Lời Chúa

“Thiên Chúa nói với con người như bằng hữu" (DV 2).

Hiến chế “Dei Verbum” trình bầy thần học mạc khải như là một cuộc đối thoại, đem theo mình ba khía cạnh chằng kéo lẫn nhau như sau: nghĩa rộng của hạn từ “Lời Chúa” trong Mạc Khải Thiên Chúa; mầu nhiệm Chúa Kitô, vốn phát biểu Lời Chúa cách đầy đủ và hoàn hảo; và mầu nhiệm Giáo Hội và Bí Tích Lời Chúa.

Lời Chúa như bản Thánh Ca Nhiều Giọng

9. Lời Chúa giống như một bản thánh ca nhiều giọng, được Chúa cất lên bằng nhiều cách và hình thức khác nhau (xem Dt 1:1). Lịch sử Mạc Khải là một lịch sử lâu dài và có nhiều sứ giả khác nhau, nhưng luôn có đặc điểm phẩm trật về ý nghĩa và chức năng.

a. Lời Chúa hiện hữu trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi nó phát xuất, nhờ Ba Ngôi nó được nuôi dưỡng và nó sẽ trở về với Ba Ngôi. Lời Chúa là chứng ước bền vững cho tình yêu của Chúa Cha, cho công trình cứu rỗi của Chúa Con Giêsu Kitô và cho hành động đầy hoa trái của Chúa Thánh Thần. Trong Mạc Khải, Lời là Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh, Con Chúa Cha, nền tảng của thông đạt bên trong và bên ngoài Ba Ngôi: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Từ nguyên thủy, Người đã ở cùng Thiên Chúa; mọi sự đều nhờ Người mà được tạo thành, và nếu không có Người, không sự gì được tạo thành cả” (Ga 1:1-3; xem Cl 1:16).

b. Do đó, mọi tạo vật đều thuật lại vinh quang Thiên Chúa (xem Tv 19:1). Từ nguyên thủy thời gian, Thiên Chúa đã dùng Lời của Người mà tạo nên vũ trụ (xem St 1:1) và đã đóng ấn cuộc sáng tạo ấy bằng sự khôn ngoan của Người, nhờ thế mọi sự đều là tiếng nói của Người (xem Giảng Viên 46:17; Tv 68:34). Một cách đặc biệt, con người nhân bản, vì được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (xem St 1:26), nên mọi thời vẫn là dấu chỉ chắc chắn và là nhà giải thích thông thái Lời của Người. Thực vậy, nhờ Lời, nhân loại trở nên có khả năng bước vào đối thoại với Thiên Chúa và sáng tạo. Bởi thế, đầu hết, Thiên Chúa đã biến toàn thể tạo vật và con người nhân bản thành “chứng tá bền vững về chính mình” (DV 3). Xét rằng vì “mọi sự đã được tạo nên nhờ Người và vì Người… và trong Người mọi sự được tồn tại” (Cl 1:16-17), nên “mầm mống Lời” (AG 11,15) tức ‘tia sự thật đang soi sáng muôn người’ (NA 2); những điều này đều tìm thấy nơi cá nhân lẫn nơi các truyền thống tôn giáo của nhân loại (3).

c. “Lời đã thành nhục thân” (Ga 1:14): Lời tối hậu và dứt khoát của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu Kitô. Con người của Người, sứ vụ và cuộc sống của Người trên trần gian hợp nhất một cách thân mật với nhau, theo kế sách Chúa Cha mà cao điểm chính là Lễ Phục Sinh. Nhưng kế sách ấy sẽ không hoàn tất cho tới Lúc Chúa Giêsu dâng nước Người cho Chúa Cha (xem 1 Cor 15:24). Người là Tin Mừng của Thiên Chúa gửi tới mọi con người nhân bản (xem Mc 1:1).

d. Dưới cái nhìn Lời Thiên Chúa như Chúa Con Nhập Thể, trong dĩ vãng, Chúa Cha đã nói qua các tiên tri (xem Dt 1:1). Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ tiếp tục công bố Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người. Như thế, Lời Chúa đã được phát biểu ra bằng lời nhân bản trong các công bố của các tiên tri và các Tông Đồ.

e. Sách Thánh là sứ điệp mạc khải được viết ra dưới sự linh hứng của Thiên Chúa. Trong tư cách ấy, có thể nói nó thực sự là Lời của Thiên Chúa (xem DV 24), một lời hoàn toàn tập chú vào Chúa Giêsu, vì “chính chúng (các sách thánh) đã làm chứng về Ta” (Ga 5:39). Nhờ đặc sủng linh hứng của Thiên Chúa, các sách trong bộ Thánh Kinh có một sức mạnh lôi cuốn trực tiếp và cụ thể mà không một bản văn nào hay lời nói nhân bản nào khác có thể có được.

f. Nhưng Lời Chúa không bị khóa kín trong chữ viết. Mặc dù Mạc Khải chấm dứt với việc qua đời của vị tông đồ cuối cùng (xem DV 4), Lời Mạc Khải vẫn tiếp tục được công bố và được lắng nghe xuyên suốt lịch sử Giáo Hội. Giáo Hội có trách nhiệm công bố Lời cho toàn thể thế giới như để đáp lại lời kêu cầu được cứu rỗi của nó. Qua cách đó, Lời tiếp tục đường đi của nó nhờ việc rao giảng vang dội và nhiều hình thức phúc âm hóa của nó, trong đó, việc công bố, việc dạy giáo lý, việc cử hành phụng vụ và việc phục vụ bác ái chiếm một vị trí rất cao. Theo nghĩa này, rao giảng dưới quyền lực Chúa Thánh Thần chính là Lời của Thiên Chúa hằng sống được thông đạt tới những con người sống động.

g. Giống trái cây mọc ra từ gốc rễ thế nào, các chân lý trong đức tin của Giáo Hội, thuộc các lãnh vực tín lý và luân lý, cũng phát xuất từ phạm vi Lời Thiên Chúa như vậy. Từ vọng nhìn này, mỗi khi Mạc Khải Thiên Chúa được công bố bằng đức tin, nó trở thành giây phút Mạc Khải thực sự, và cũng được gọi chính xác là “Lời Chúa” trong Giáo Hội.

Các Hệ Quả Mục Vụ

10. Nhiều câu trả lời của các giáo hội đặc thù nhắc tới các hệ quả mục vụ sau đây:

- Lời Chúa cho thấy tất cả các đặc tính của một thông đạt chân thực giữa các ngôi vị với nhau, điều mà Thánh Kinh thường gọi là cuộc đối thoại giao ước, trong đó Thiên Chúa và con người nói với nhau như những người cùng một gia đình.

- Từ vọng nhìn ấy, không thể định nghĩa Kitô giáo là “tôn giáo của Sách” theo nghĩa tuyệt đối được, vì sách linh hứng có mối liên kết sinhh tử với toàn bộ cơ thể Mạc Khải (4).

- Thế giới tạo dựng bầy tỏ Lời Chúa ra, mà mầm mống đã có sẵn trong đời sống và lịch sử nhân bản. Bởi thế, nhiều phúc trình đã nêu ra các câu hỏi rất quan hệ với ngày nay liên quan đến luật tự nhiên, nguồn gốc của thế giới và sinh thái.

- Ý niệm “lịch sử cứu rỗi” (historia salutis), được các Giáo Phụ rất trân qúy, coi như “lịch sử thánh”, đáng được bàn tới trong bối cảnh Thánh Truyền. Các hệ luận từ “tôn giáo của Lời Nhập Thể” cần được hiểu thấu, nghĩa là Lời Thiên Chúa không được đóng thùng khóa kín trong các công thức trừu tượng hay tĩnh tụ, mà phải có sức mạnh năng động trong lịch sử, một lịch sử được làm thành bởi những con người và biến cố, lời nói và hành động, phát triển và căng thẳng, như Thánh Kinh đã chỉ ra cách rõ ràng. Lịch sử cứu rỗi ấy, sau khi hoàn tất giai đoạn ‘lập hiến’, phải tiếp tục gây hiệu quả qua thời gian trong Giáo Hội.

- Sự viên mãn của Lời Chúa phải được nhìn qua tất cả các biểu hiện của nó, theo vai trò của mỗi người. Vì bản chất của nó, Sách Thánh lập tức xuất hiện trong tâm trí ta như sinh lực dành cho Giáo Hội. Đồng thời, mỗi hành vi trong thừa tác vụ Lời Chúa phải hành động qua lại theo phương cách cùng gây lợi và cùng hòa điệu với nhau. Công bố, dạy giáo lý, phụng vụ và phục vụ bác ái (diaconia) thẩy đều có vai trò chủ yếu trong việc biểu hiện Lời Chúa ra.

- Các mục tử có nhiệm vụ giúp tín hữu thủ đắc một cái hiểu chân thực, đầy đủ và đúng đắn về các việc vận hành đầy hoà điệu trong thừa tác vụ Lời Chúa, giúp họ khả năng trở thành những người biết chăm chú lắng nghe Lời Chúa bất cứ nó được công bố ở đâu và biết thưởng thức lối phát biểu dù là đơn sơ nhất của Thánh Kinh.

B. Ở tâm điểm, là mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội

"Trong thời sau hết, Người nói với chúng ta qua Con Một Người” (Dt 1:2).

Ở tâm điểm Lời Chúa, là Mầu Nhiệm Chúa Kitô

11. Nói cách tổng quát, các Kitô hữu biết rằng Ngôi Vị Chúa Giêsu Kitô nằm ngay tại trung tâm Mạc Khải Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng biết lý do của tầm quan trọng ấy và cũng không hiểu Chúa Giêsu ở tại trung tâm Lời Chúa theo nghĩa nào. Thành thử ra, họ khó chịu khi phải đọc Thánh Kinh với Chúa Giêsu trong tâm tư. Vấn nạn, được hầu hết các câu trả lời của các vị được tham khảo này nhắc đến, đã được nêu lên vì hai quan tâm chính sau đây: thứ nhất, để tránh hiểu lầm do việc đọc Thánh Kinh cách nông cạn, đọc từng điểm, và thứ hai, để chỉ ra con đường chắc chắn bước vào Nước Thiên Chúa và thừa hưởng sự sống đời đời. Thực sự, “sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất, và Đấng Được Xức Dầu mà Cha sai đến” (Ga 17:3). Mối liên hệ yếu tính trong Mạc Khải Lời Chúa với mầu nhiệm Chúa Kitô là việc công bố; rồi, xuyên suốt lịch sử Giáo Hội, việc hiểu thấu sự công bố ấy càng ngày càng được thâm hậu hóa.

Sau đây là một số điểm thần học về mối liên hệ ấy, những điểm rõ ràng có thể áp dụng vào sinh hoạt mục vụ.

- Theo hiến chế “Dei Verbum”, Thiên Chúa thể hiện kế hoạch của Người một cách hoàn toàn nhưng không: “Người sai Con Một Người,… Ngôi Lời Vĩnh Cửu, Đấng sáng soi mọi người, đến nỗi Người có thể cư ngụ giữa loài người và nói cho họ biết hữu thể thâm cung nhất của chính Thiên Chúa (xem Ga 1:1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời thành nhục thân…’nói lời của Thiên Chúa’ (Ga 3:34) và hoàn tất công trình cứu rỗi mà Cha Người đã trao cho Người thực hiện (xem Ga 5:36; 17:4)”. Chúa Giêsu lãnh nhận và hoàn toàn chu tất mục tiêu, ý nghĩa, lịch sử và kế hoạch Lời Chúa trong cuộc sống trần gian của Người và hiện nay, trên thiên đàng, vì như lời Thánh Irênê, Chúa Kitô “đem đến cho chúng ta mọi điều mới mẻ bằng cách đem chính Người đến cho chúng ta” (5).

- Kế hoạch Thiên Chúa giả thiết rằng mạc khải phải có một lịch sử. Tác giả thư Do Thái viết: “Trong dĩ vãng, bằng nhiều cách khác nhau, Thiên Chúa đã qua các tiên tri mà nói với cha ông ta; nhưng trong những ngày sau hết này, Người nói với chúng ta qua Con Một Người” (Dt 1:1-2). Như thế, trong tư cách Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã diễn dịch ý nghĩa của Người từ chính sứ vụ của mình, nghĩa là, mục tiêu của Người là đem người khác tới Nước Thiên Chúa (xem Mt 13:1-9); Người tỏ mình ra qua lời nói và việc làm; Người phát biểu quyền lực của mình qua các phép lạ; trách vụ của Người là thổi sự sống vào sứ vụ của các môn đệ, nâng đỡ họ trong tình yêu Chúa và yêu người lân cận và chăm sóc người nghèo; Người mạc khải sự viên mãn trong sự thật của Người bằng mầu nhiệm Vượt Qua, trong khi chờ đợi sự mạc khải toàn diện vào ngày chung cục của lịch sử; trong khi chờ đợi điều ấy, Người hướng dẫn cuộc sống của Giáo Hội trong lịch sử thời gian.

- Đồng thời, như chính Người đã nói, phải hiểu Lời Chúa Giêsu theo Sách Thánh (xem Lc 24:44-49), nghĩa là, theo lịch sử Dân Chúa trong Cựu Ước, là Dân mong đợi Người trong tư cách Đấng Được Xức Dầu, và ngày nay, theo lịch sử cộng đồng Kitô giáo, là cộng đồng đang tuyên xưng Người bằng rao giảng, đang suy gẫm về Người trong Thánh Kinh, đang cảm nhận tình bằng hữu của Người và đang sống dưới sự hướng dẫn của Người. Theo Thánh Bernard, trong kế hoạch Nhập Thể của Ngôi Lời, Chúa Kitô là tâm điểm của Sách Thánh. Lời Thiên Chúa, từng nghe thấy trong giao ước đầu tiên, đã trở nên hữu hình trong Chúa Kitô (6).

- Chúng ta không nên quên rằng “mọi sự đã được dựng nên nhờ Người và vì Người” (Cl 1:16). Chúa Giêsu là tâm điểm của vũ trụ, Vua Vũ Trụ và là Đấng đem lại ý nghĩa tối hậu cho mọi thực tại. Nếu Lời Chúa được ví như bài thánh ca nhiều giọng, thì chìa khóa giải thích nó, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, chính là Chúa Kitô trong đặc tính mầu nhiệm phổ quát của Người. “Lời Chúa, Lời từ nguyên thủy vốn ở với Thiên Chúa, không phải là một đa phức các lời vào thời viên mãn; nó không phải nhiều lời mà chỉ là Lời duy nhất bao gồm hết các ý niệm mà mỗi ý niệm đều là thành phần của Lời trong tính toàn bộ của nó… và nếu Chúa Kitô sai chúng ta tới với ‘Sách Thánh’, vốn là chữ viết dùng để làm chứng về Người, thì hẳn Người cũng coi các sách của Sách Thánh chỉ như một sách duy nhất, vì mọi điều viết về Người đều được tóm lược trong một toàn bộ duy nhất (7).

Ở tâm điểm Lời Chúa, là Mầu Nhiệm Giáo Hội

12. Vì Giáo Hội là mầu nhiệm Thân Thể Chúa Kitô, nên Lời Chúa là lời công bố về bản chất của Giáo Hội, là ơn trở lại của Giáo Hội, là mệnh lệnh sứ vụ của Giáo Hội, là nguồn tiên tri của Giáo Hội và là lý do hy vọng của Giáo Hội. Giáo Hội được lập thành nhờ cuộc đối thoại thân mật với Lang Quân và được biến đổi thành người tiếp nhận và nhân chứng ưu hạng của Lời yêu thương và cứu rỗi nơi Thiên Chúa. Việc càng ngày càng thuộc về “mầu nhiệm” này, mầu nhiệm đã lập nên Giáo Hội, đúng là phát xuất từ việc lắng nghe Lời Chúa. Xét cách đó, cuộc gặp gỡ liên tục với Lời là nguồn canh tân của Giáo Hội và là nguồn “Suối thiêng liêng mới mẻ” (8). Ý thức sắc bén thấy mình thuộc về Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, chỉ hữu hiệu tới mức các mối liên hệ khác nhau đối với Lời Chúa kia được tuân theo một cách gắn bó rõ ràng, nghĩa là, phải công bố Lời, suy gẫm và học hỏi Lời, cầu nguyện và cử hành Lời, sống và truyền bá Lời. Thành thử ra, Lời Chúa trong Giáo Hội không phải là kho lẫm bất động mà là quy luật tối cao của đức tin và là sức mạnh sự sống trổ sinh nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, Lời ấy lớn lên qua việc tín hữu Chúa Kitô chịu suy tư và học hỏi, nhằm đi sâu vào kinh nghiệm bản thân trong cuộc sống thiêng liêng. Các giám mục (xem DV 8), trong tư cách người của Chúa, biết sống Lời của Người, sẽ làm chứng cho Lời ấy cách đặc biệt (9). Rõ ràng, sứ mệnh hàng đầu của Giáo Hội là thông truyền Lời Thiên Chúa cho mọi người. Lịch sử chứng thực rằng việc đó từng xẩy ra trong nhiều thế kỷ và ngày nay vẫn còn tiếp tục xẩy ra với nhiều thành công và sức sống, bất chấp mọi trở ngại khó khăn. Những lời đầu tiên của hiến chế “Dei Verbum” đáng cho ta liên tục suy tư và trung thành đem ra thi hành: “Kính cẩn lắng nghe Lời Chúa và vững tin công bố Lời ấy” (DV 1). Các khía cạnh kép của việc lắng nghe và công bố Lời Chúa đã tóm lược được đặc điểm yếu tính của Giáo Hội. Hiển nhiên, ta phải dành cho Lời Chúa địa vị hàng đầu của nó. Ta chỉ có thể hiểu được Giáo Hội nhờ vào Lời Chúa. Giáo Hội tự định nghĩa mình như một “Giáo Hội lắng nghe”. Mà Giáo Hội cũng chỉ có thể là một Giáo Hội công bố bao lâu Giáo Hội biết lắng nghe. Theo Đức Thanh Cha Bênêđíctô XVI, “Giáo Hội không sống bằng chính mình, mà sống bằng Phúc Âm, và luôn luôn tìm được hướng đi mới cho cuộc hành trình của mình trong Phúc Âm” (10).

Các hệ quả Mục Vụ

13. Dựa vào Lời Chúa, cộng đồng Kitô giáo được đánh động và canh tân nhờ việc khám phá ra khuôn mặt Chúa Kitô. Thành thử ra, lời của Thánh Giêrôm có được đặc tính trong sáng và thuyết phục: “Ignoratio enim Scripturarum, ignoratio Christi est” (11) (dốt Thánh Kinh là dốt Chúa Kitô vậy). Về phương diện này, một số hệ luận mục vụ hết sức thúc bách sau đây đã được nhắc tới trong các câu trả lời cho Bản Đề Cương:

- Đưa ra một chương trình nhằm xem sét mối quan hệ của chính Chúa Giêsu với Thánh Kinh, Người đọc Thánh Kinh ra sao và Thánh Kinh giúp ta hiểu Người như thế nào;

- Trình bầy những tiêu chuẩn đơn giản để đọc Thánh Kinh với Chúa Kitô trong tâm tư, nhờ thế giải quyết được các khó khăn gặp trong Cựu Ước;

- Giúp các tín hữu Chúa Kitô biết nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà coi Giáo Hội như là nơi chủ yếu để công bố Lời Chúa cách sống động và liên tục;

- Cung cấp giảng dạy thích đáng cho các Kitô hữu tự nhận mình không đọc Thánh Kinh vì họ thích được giao tiếp trực diện và bản thân với Chúa Giêsu hơn;

- Coi phụng vụ như nơi hàng đầu để gặp gỡ Lời Chúa, vì Chúa Phục Sinh thực sự hiện diện trong các dấu chỉ bí tích;

- Liên tục nhấn mạnh đến việc giảng dạy cách đọc Thánh Kinh, tính ưu tiên của Phúc Âm, là các sách phải được đọc song song với các sách khác của Cựu Ước và Tân Ước và các tài liệu của Huấn Quyền Giáo Hội.

(Còn tiếp)

Vũ Văn An

Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (1), (2), (3), (4) ...

URL: http://danchuausa.net/than-hoc/loi-chua-trong-doi-song-va-su-vu-cua-giao-hoi-3/