Trích từ Dân Chúa

Đừng Sợ ! Hãy Mạnh Dạn Loan Báo Tin Mừng

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Chúng ta đang họp nhau cử hành Thánh lễ Chúa Nhật XII quanh năm. Chúa nhật hôm nay lại trùng ngày 19.06, ngày mà cách đây 17 năm, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Cố Giáo Hoàng G.P. II đã long trọng tôn vinh 117 Vị Á Thánh Tử đạo tại Việt nam lên hàng Hiển Thánh để toàn thể Dân Chúa trên khắp hoàn cầu tôn kính khẩn cầu. Sự kiện phụng vụ nầy lại hoàn toàn ăn khớp với sứ điệp Lời Chúa sắp được công bố mà trọng tâm ý nghĩa đó chính là mệnh lệnh của Chúa Kitô truyền cho các tông đồ và cho muôn thế hệ Kitô hữu : “Anh em đừng sợ”. Chắc chắn, vì trung thành với mệnh lệnh “Đừng Sợ” nầy, mà các Thánh Tử đạo tại Việt nam đã anh dũng hy sinh mạng sống để đáp trả tình yêu và trung thành với đức tin Công Giáo. Chúng ta cầu xin với các Thánh Tử Đạo tại Việt nam một lần nữa cầu thay nguyện giúp để chúng ta “không sợ hải” trước mọi gian lao thử thách, biết phó thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa và can đảm làm chứng đức tin, loan báo Tin mừng.

Giờ đây chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành thánh lễ.

Giảng Lời Chúa :

Các nhà tâm lý học Á Đông từ xưa đã phân tích tâm lý con người bao gồm 7 cái tình (thất tình), đó là : Hỉ (mừng vui), nộ (giận dữ), ai (thương cảm), cụ (sợ hải), ái (yêu thích), ố (chán ghét ), dục (ước muốn). Đã là một người thì phải mang lấy thất tình, phải biết vui buồn, phải trải qua sợ hảit, phải kinh nghiệm yêu ghét giận hờn…Nếu đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu, trong bản tính nhân loại, cũng đã có nhiều lần biểu lộ “thất tình” như thế : Ngài đã từng được Thánh Thần tác động đã hớn hở vui mừng (hỉ) thốt lên : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha…” (Lc 10,21), Ngài cũng giận dữ (nộ) đánh đuổi người Do thái bán buôn trong đền thờ, Ngài đã từng khóc thương (ai) Giêrusalem vì thấy trước sự sụp đổ của thành nầy, hay khó thương trước cái chết của Ladarô, Ngài đã yêu mến (ái) Matta, Maria và Ladarô ở Bêtania và đã phục sinh ông nầy sau khi chết chôn trong mộ, Ngài đã sợ hải bồi hồi xuyến xao (cụ) trước cuộc tử nạn đến độ đã cầu xin Chúa Cha cho được khỏi uống chén đắng, và ước muốn (dục) tha thiết của Ngài là tất cả các môn sinh của Ngài sẽ được đoàn tụ cùng Ngài trong vinh quang Nước Chúa (Ga 17, 24)…

1. Điều quan trọng hơn : biết chiến thắng sợ hãi :

Tin mừng của Chúa Giêsu mang đến không nhằm dạy loài người dẹp bỏ thất tình để biến trái tim thành chai đá, biến các mối tương quan nhân loại thành máy móc giả hình, biến niềm tin dành cho Thiên Chúa thành cũ mòn xơ cứng. Không. Ngài mang Tin Mừng đến rọi chiếu vào sâu thẳm lương tâm con người để điều chỉnh, uốn nắn thất tình hầu dẫn lối đưa đường để con người biết tận dụng mọi khả năng mà tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi chính mình, để biết vui với kẻ vui, khóc với người khóc, biết khi nào phải buồn rầu chay tịnh, khi nào phải rạng rỡ hân hoan, biết yêu thương bằng mối tình sẵn sàng hy sinh mạng sống, và ghét chê những lối ỉch kỷ giả hình, biết can đảm thắng vượt những nổi sợ hải để vượt qua chu toàn Thiên ý…

Chính vì thế, mệnh lệnh mà Ngài đã căn dặn cho các môn sinh của Ngài khi phái các ông ra đi rao giảng đó chính là “Anh em đừng sợ”. Khi căn dặn như thế, phải chăng Chúa Giêsu đã thoáng thấy trên đường tông đồ của các môn sinh sẽ có rất nhiều gian nguy thử thách, nhiều bách hại truân chuyên, sẽ khiến các ông chùn bước, lo sợ, như chính Ngài rồi đây, khi đối diện với khổ nạn thập giá cũng đã từng run sợ đến độ mồ hôi máu toát ra… Tuy nhiên, điều quan trọng là Ngài đã chiến thắng sợ hải để hoàn thành sứ mệnh cứu độ.

Trên hành trình cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những gian nguy thử thách, những đe dọa trăm chiều, những áp lực nặng nề bủa vây giăng mắc trên mọi nẽo đời thường. Sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ, sợ tình yêu bị phản bội chối từ, sợ công ăn việc làm thất bại, sợ thi không đổ, sợ bệnh tật, sợ con cái bất phục cứng đầu, sợ chồng đánh, sợ vợ ghen, sợ thanh danh hoen ố, sợ nghèo, sợ bị kết án, sợ tù tội, sợ sinh con, sợ chết…Cuộc đời của Vị Ngôn Sứ được trích đọc hôm nay, sứ ngôn Giêrimia, là phản ảnh rõ nét những xuyến xao, lo sợ như thế, khi Ngài phải đối diện với bao nổi oái ăm, nguy khốn tràn ngập cuộc đời làm chứng cho chân lý. Tuy nhiên, điều cuối cùng mà Sứ ngôn Giêrimia muốn gióng lên lại là : “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng…Hãy ca ngợi Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (BĐ 1).

Đó cũng chính là điều mà Đức Kitô, Đấng được tiên báo qua sứ điệp và hình ảnh của sứ ngôn Giêrimia, đã cô đọng thành một mệnh lệnh dứt khoát : “Anh em đừng sợ người ta…Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn…”.

Nhưng thử hỏi, điểm tựa nào, lý do nào, đã khiến sứ ngôn Giêrimia và nhất là, Đức Kitô “đừng sợ”. Thưa, vì các Ngài đã biết “ném cuộc đời vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa”.

2. Để “đừng sợ”, hãy ném cuộc đời vào bàn tay Thiên Chúa

Nếu Thiên Chúa của Giêrimia là một “trang chiến sĩ oai hùng”, thì Thiên Chúa của Đức Kitô lại là một người Cha nhân ái sẵn sàng bảo đảm cuộc sống cho những con chim sẻ, giữ gìn cho từng sợi tóc trên đầu của tôi của anh khỏi rơi rụng vô cớ ! Vâng, đó chính là Tin mừng, một Tin Mừng xóa tan đi những lo sợ hải hùng của các Tông đồ trên biển hồ Tibêriát khi giông bảo nổi dậy giữa đêm đen để nhường lại một chuyến đi giữa trời yên bể lặng bằng chính sự hiện diện đầy quyền năng : "Thầy đây, đừng sợ !"; tin Mừng xóa tan đi những xuyến xao buồn thảm của của Bà góa Naim trước cái chết của đứa con một thân yêu, để đem về một sự sống hân hoan tươi đẹp; Tin mừng biến cõi lòng mắc cở, hổ thẹn điếng người khi người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bị đem xử án, thành một con người hoàn lương ra đi làm lại cuộc đời trong tin yêu phó thác…và rồi Tin mừng biến những những con tim hoang mang sợ hải của những tông đồ như Phêrô, Giacôbê, Tôma…tan vở thất vọng đóng cửa cài then vì sợ người Do Thái sau biến cố cái chết của thầy, thành vui mừng rạng rỡ vào Ngày thứ Nhất trong tuần khi Đấng Phục Sinh xuất hiện và ưu ái ban tặng bình an; đã biến những cõi lòng sầu muộn tái tê của hai môn sinh trên nẽo đường Emmau sau Ngày Thứ Sáu thê lương của biến cố thập giá, thành hân hoan đầy tràn sức sống vội vã lên đường công bố tin vui Chúa đã sống lại…

Làm sao chúng ta có thể sợ hải được khi Thiên Chúa là Đấng Emmanuen, khi Thiên Chúa là Cha nhân lành, khi Thiên Chúa là người luôn đồng hành chia sẻ kiếp phận nhân sinh, khi Thiên Chúa là Đấng luôn đưa mắt diệu hiền đỡ nâng an ủi.

Để minh họa cho chân lý nầy, có một câu chuyện nhỏ để chia sẻ :

Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ cùng gia đình xuống tàu để phục vụ ở một xứ xa. Tàu rời bến được vài ngày thì gặp bão. Mọi người rất sợ, nhưng vợ viên sĩ quan sợ hơn cả, còn ông thì bình thản như chẳng có gì xảy ra. Vợ ông trách là ông không quan tâm gì đến an nguy của vợ con. Ông không nói nhiều, vào phòng rồi quay trở ra với một thanh kiếm trong tay. Ông dí mũi kiếm vào ngực vợ. Lúc đầu bà tái mặt nhưng liền sau đó bỗng cười lớn tiếng không tỏ gì là sợ hãi nữa.

- Làm sao em có thể cười khi anh dí mũi kiếm vào ngực em ?

- Làm sao em sợ được khi lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người rất thương em !

- Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là người hằng yêu mến anh ?

Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm : thái độ “Đừng Sợ” ở đây không là “giải pháp tạm thời” để lẫn tránh thực tại, để chạy trốn hiểm nguy. Không, đó luôn phải là một chọn lựa anh hùng và đầy can đảm, mà điểm đến cuối cùng chính là hy sinh mạng sống. Điều nầy, chúng ta sẽ nhận thấy rõ nét qua chứng từ của các Thánh Tử Đạo Việt nam : dù gông cùm trăn trói, dù đói khát nhục hình, dù phải bị thiêu, thắt cổ, đâm chém, xẻo từng miếng da…các Ngài vẫn mĩm cười trung trinh với Chúa Kitô, với đức tin Công Giáo.

3. Sứ vụ ngôn sứ đòi hỏi nhiều can đảm

Ngày xưa, sau khi nhận lãnh sức mạnh Chúa Thánh Thần, các tông Đồ đã mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng. Cho dù bị bắt bớ, đánh đập, bị điệu đến trước tòa án để bị cấm loan báo Tin Mừng, cấm nói về Chúa Kitô, các Ngài vẫn can đảm thực hành sứ vụ, cho đến ngày làm chứng bằng cái chết Tử đạo. Điều đó đã khẳng định lời tiên báo hôm nào của Đức Kitô mà tin Mừng hôm nay chúng ta vừa đọc lại : “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày, điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà rao giảng”. Quả thật, nếu các Ngài sợ hải, chùn bước, thối lui, thì làm gì có chúng ta hôm nay, làm gì có Giáo hội, làm gì thế giới biết được Tin Mừng cứu độ, biết Chúa yêu thương con người đến độ chết trên thập giá, biết được niềm hy vọng phục sinh…

Trong thế giới hôm nay, một thế giới muốn quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng, một thế giới muốn xây dựng trật tự xã hội trên duy chỉ bằng quyền lực chính trị và kinh tế, một thế giới chiến tranh khủng bố, bạo lực hận thù…thì các người môn đệ của Chúa Kitô là phải dấn thân “đừng sợ” để lên đường.

Khi mới lên làm Tổng Giám Mục giáo phận San Salvador, Đức Cha Oscar Romero vẫn còn theo lập trường bảo thủ. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi nhìn thấy những bất công xã hội, ngài đã thay đổi. Mỗi ngày Chúa nhật, ngài giảng ở nhà thờ chánh tòa tố cáo những tội ác đã di diễn ra mà đa số là do các viên chức chính phủ. Các bài giảng của ngài như một luồng điện mạnh chạm đến toàn xã hội.

Khi ngài nói, hầu như mọi người đều ngưng việc để lắng nghe. Ngài bị đặt vào tình trạng bị đe đọa thường xuyên. Một vài bạn bè thân thích của ngài đã bị giết chết. Nhưng ngài vẫn không im tiếng, cũng không lánh đi nơi khác an toàn hơn. Ngài nói: “một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Tôi sẽ ở lại với dân tôi". Và ngài đã bị chết dưới lằn đạn tháng ba năm 1980 đúng lúc dâng Thánh Lễ.

Không phải ai cũng được gọi mời để can đảm loan báo chân lý theo kiểu của ĐGM Oscar Romero. Tuy nhiên, can đảm làm chứng đức tin bằng chính cuộc sống đời thường lại là một đòi buộc dành cho tất cả mọi người. Có biết bao nhiêu sự yếu hèn đầu hàng sự dữ, chùn bước trước những đe dọa tầm thường, im lặng vì lười biếng, thiếu trách nhiệm và tự ái…đã khiến bao gia đình tan vỡ hạnh phúc, bao cuộc ly dị vợ chồng, con cái đánh mất niềm tin nơi cha mẹ, bạn bè trở nên hận thù hiềm khích. Đôi khi, chỉ cần can đảm nói lên một lời xin lỗi, sẵn sàng nhẫn nhục để thứ tha, cố gắng nở một nụ cười, giằng lại một lời nói cay cú, một cơn nóng giận nhỏ nhen…thì có cả một “bầu trời xanh” bình an và đầy tin yêu hy vọng tỏa sáng. Chính vì thế, lời cầu nguyện “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô khó khăn mãi mãi cần được lặp lại trên môi miệng chúng ta, những người kitô hữu : “Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa...”

Kết :

Đừng biến trái tim người thành “trái tim chuột” :

Có một con chuột kia rất sợ mèo. Một vị thần tội nghiệp nó nên biến nó thành mèo. Thành mèo rồi nó lại sợ chó. Vị thần biến nó thành chó. Thành chó rồi nó lại sợ cọp. Vị thần cho nó thành cọp. Nhưng thành cọp rồi nó lại sợ người thợ săn. Vị thần đành chịu thua: "Ta có biến mi thành bất cứ thứ gì đi nữa thì cũng không giúp mi hết sợ, bởi vì trái tim của mi vẫn là trái tim chuột".

Kính thưa ông bà và anh chị em, trái tim chúng ta đã được dựng nên giống ảnh hình Thiên Chúa, được Thánh Thần tác động và thanh tẩy để thành một trái tim biết yêu thương, trung tín, một trái tim được nuôi dưỡng bởi Máu thịt Con Đức Chúa Trời, một trái tim của một dòng tộc mang danh là “Dòng tộc Tư Tế, Vương Đế”, của một Dân Thánh, lẽ nào chúng ta khiếp nhược để giam mình trong những nổi lo sợ vụn vặt của loài chuột. Chúng ta hãy xác tín vào lời của Đức Kitô : “Can đảm lên, đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Hay như lời của Đức Cố giáo hoàng G.P. II : “Đừng sợ ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô…”.

Và khi nào phải đối diện với những gian nguy thử thách, vất vả hiểm nghèo, thì nếu không hồn nhiên phó thác “như đôi chim sẻ”, không thanh thản cậy trông như sợi tóc trên đầu, hay không an bình thư thái tin yêu như cánh hoa huệ ngoài đồng… thì ít nữa hãy biết cầu nguyện với Chúa như Thánh nữ Bernadette Soubirous rằng : “Lạy Chúa, con không xin Chúa cho con khỏi bị đau khổ, mà chỉ xin Chúa đừng bỏ con một mình trong lúc khổ đau”.

URL: http://danchuausa.net/than-hoc/dung-so-hay-manh-dan-loan-bao-tin-mung/