Trích từ Dân Chúa

Đức Ki-Tô: Tấm Bánh Cho Muôn Người, Hy Lễ Cứu Độ

Lm Giuse Trương Đình Hiền

"Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : “Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc nầy, mà nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : "Chén nầy là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22, 19-20).

"Chiếc lá cuối cùng", một truyện ngắn của J. London (nhà văn Mỹ, 1876-1916), có lẽ là một trong những truyện ngắn được nhiều người ưa thích. Chuyện hết sức giản đơn kể về một người hoạ sĩ già, vì thương cuộc sống mỏng manh của một thiếu nữ đang bám víu một cách vô vọng vào từng chiếc lá trên cành cây ngoài khung cửa, đã đem hết chút hơi tàn vẽ hình chiếc "chiếc lá cuối cùng" treo trên cành cây… Nhờ chiếc lá ấy, người thiếu nữ đã vượt qua cái chết. Tuy nhiên, bác hoạ sĩ già đã hy sinh…!

Trong lịch sử cứu rỗi, cũng đã có lần Thiên Chúa dùng một hình ảnh treo lên để ai nhìn vào sẽ được cứu sống :

"Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Ga 3, 14-15; Ds 21, 9).

Chỉ có khác một điều : "chiếc lá cuối cùng" của J. London chỉ là biểu tượng; trong khi dó "Con Người" lại là một thực tại sống động, một "Vị Thiên Chúa Làm Người", là "Đấng Cứu Độ", đã lấy Thân Mình làm "Tấm Bánh được bẻ ra" để nuôi con người suốt hai ngàn năm qua; đã hiến mình làm "lễ hy sinh trên Thánh giá" để đem lại ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu cho muôn người. Nội dung chia sẻ của chúng ta tập chú vào hai biến cố quan trọng nhất nầy của cuộc đời dương thế của Chúa Ki-tô :

- Bữa Tiệc Ly : Nhiệm Tích Thánh Thể.

- Cuộc Khổ nạn : Hy tế Thập giá.

Hai biến cố quan trọng nầy của cuộc đời dương thế của Chúa Ki-tô cũng là hai biểu lộ cao nhất, mặc khải thâm sâu nhất về "tình yêu cứu độ" của Thiên Chúa. Cả hai đã kết thành một thực tại huyền nhiệm cao cả nhất mà suốt hai ngàn năm qua Hội Thánh đã trân trọng cử hành và cất giữ như một "kỷ niệm" tuyệt vời nhất, thân thương nhất theo đúng ý muốn của Thầy Chí Thánh : "Anh em hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19).

I. Bữa Tiệc Ly : Đức Ki-tô, Tấm Bánh được bẻ ra.

Để nhận thức rõ các chiều kích thâm sâu của Bí tích Thánh Thể, chúng ta nên đọc lại những lời của Giáo Hội trong Hiến chế Phụng vụ thánh :

"Trong Bữa Tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Gội việc tưởng nhớ cái chết và sự Sống Lại của Người; đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua "trong đó chúng ta ăn Chúa Ki-tô, được tràn đầy ân sủng, và được đảm bảo vinh quang tương lai" (PV số 47)

1. Tấm Bánh, Ly Rượu : Quà tặng của tình yêu và sự sống :

-Bởi vì đó chính là kết tinh của công trình sáng tạo :

"Bánh nầy là hoa màu ruộng đất và công lao của con người" (Lời kinh "tiến lễ vật" trong Thánh Lễ).

-Là lương thực Thiên Chúa dùng để nuôi Dân Người :

- Thiên Chúa đã ban Man-na cho dân suốt bốn mươi năm "trường hành" trong hoang mạc (Xh 16) :

Con cái Ít-ra-en đã ăm Man-na suốt bốn mươi năm, cho tới khi họ tới đất định cư; họ đã ăn Man-na cho đến khi tới ranh giới đất Ca-na-an (Xh 16, 35).

- Tiên tri Ê-li-a nhờ bánh Thiên Chúa ban mới đủ sức tiến về núi Khô-rếp :

Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. (1 V 19, 8).

- Đức Ki-tô làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân :

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người : Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". Đức Giê-su bảo :"Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn". Các ông đáp :"Ở đây, chúng con chỉ còn vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Người bảo :"Đem lại đây cho Thầy" Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê…(Mt 14, 15-20).

2. Đức Ki-tô, Bánh hằng sống từ trời xuống :

- Là sáng kiến của "Tình yêu trao ban" của Thiên Chúa :

Thiên Chúa yêu thếgian đên nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 16).

-Là biểu lộ "tình yêu trọn vẹn, yêu đến cùng" :

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13, 1; x. Ga 15, 13)

-Là con đường đưa tới sự sống vĩnh cửu :

"Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10, 10).

"Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6, 51)

- Là phương thế để nên một với Chúa và với anh em :

"Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1 Cr 10, 16-17).

"Để làm cho chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, và để liên kết chúng ta với tha nhân, Con Duy Nhất… đã nghĩ ra một phương thế diệu kỳ : nhờ một thân mình duy nhất, thân mình của Ngài, Ngài thánh hoá các tín hữu trong sự hiệp thông huyền nhiệm, làm cho họ nên một thân thể với Ngài và với nhau" (Thánh Cirillo thành Alexandria. Chứng nhân hy vọng tr. 206).

II. Đời thánh hiến và nhiệm Thánh Thể.

1. Thánh Thể là tâm điểm của đời sống thánh hiến :

"Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo Hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Khi tuyên khấn những lời khuyên Phúc âm, làm sao một người đã được kêu mời chọn Chúa Ki-tô như Đấng duy nhất đem lại ý nghĩa cho đời mình, lại có thể không ao ước được hiệp thông với Người ngày càng sâu xa hơn, nhờ tham gia mỗi ngày vào Bí tích làm cho Người hiện diện, vào Hy lễ tái thể hiện tình yêu dâng hiến của Người trên đồi Gôngôta, vào bữa tiệc nuôi dưỡng và nâng đỡ Dân Chúa trong cuộc lữ hành ?(…)

Do tự bản chất, Thánh Thể ở trung tâm đời sống thánh hiến của cá nhân và cộng đoàn." (ĐTH số 95).

2. Thánh Thể là nguồn mạch linh đạo, trường dạy tu đức:

"Đó là của ăn đường mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho cá nhân và các hội dòng. Trong Thánh Thể, mọi người được thánh hiến được mời gọi sống Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Ki-tô, khi hợp nhất với Người trong việc Người hiến dâng mạng sống mình lên cho Cha nhờ Thánh Thần (…) Và trong kh cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa, sự hiệp nhất và đức ái của những người đã thánh hiến cho Chúa cuộc đời mình sẽ được củng cố và phát triển" (ĐTH số 95).

"biến Thánh Thể thành một trường tu đức sâu xa và thành thao trường tuy thầm lặng nhưng đòi hỏi nhiều dấn thân về xã hội học Ki-tô giáo" (ĐGH Phao-lô VI. Chứng nhân hy vọng. tr. 210).

3. Thánh Thể, động lực cho mọi hướng tông đồ :

-Biến cuộc sống thành hy lễ :

"Trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với Ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Ki-tô Đấng Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình liên kết với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người." (PV số 48).

-Dấn thân phục vụ người nghèo :

"Thánh Thể đòi phải dấn thân với người nghèo. Để thực sự rước Mình và Máu Thánh Chúa đã hiến mình vì chúng ta, Chúng ta phải nhận ra Chúa Ki-tô nơi những người nghèo nhất, những anh em của Ngài"(GLGHCG 1379. Chứng nhân hy vọng, tr. 210)

-Lên đường phụng sự Giáo Hội :

"Nhờ bổ sức nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể mà họ yêu thương các chi thể của Chúa Ki-tô như anh em, kính trọng và yêu mến các vị chủ chăn với tình con thảo; họ phải mỗi ngày một hơn sống và cảm nghĩ với Giáo Hội, và tận hiến phụng sự sứ mệnh của GIáo Hội".(Sắc lệnh "Canh tân và thích nghi đời sống dòng tu", số 6).

Sau hết, chúng ta cũng có thể ước mơ như Đức Cha F.X Nguyễn Văn Thuận đó là :

Tất cả chúng ta "như một tấm bánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo Hội như một nhà Tiệc Ly rộng lớn, cùng với Đức Ma-r-a, Mẹ của Thân Mình Chúa Ki-tô, và cùng với Phê-rô người thi hành sứ vụ hiệp nhất phục vụ tất cả. Và tất cả chúng ta cùng với họ, như những hạt lúa, chấp nhận chịu nghiền nát bởi những đòi hỏi của tình hiệp thông, để họp thành một thân mình duy nhất, hoàn toàn liên đới và hoàn toàn trao tặng, như bánh sự sống cho thế giới, như dấu chỉ hy vọng cho nhân loại." (Chứng nhân hy vọng. tr. 211).

III. Hy tế Thập giá : Đức Ki-tô, Tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người.

1). Thập giá : Một lựa chọn khó khăn :

Trong cuộc sống mà chiều kích "tục hoá" gần như đang thắng thế trong xã hội con người hôm nay, thì quả thật, việc nêu cao ý nghĩa và giá trị của "thập giá", "đau khổ", "hy sinh" có thể bị coi là lỗi thời, là không nhân bản. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi; vì quả thật, nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta cũng nhận thấy rằng : khi Đức Ki-tô loan báo sứ điệp "thập giá" thì các tông đồ cũng không thể chấp nhận :

Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và này thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !" Nhưng đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : "Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 21-23)

Quả thật, "thập giá", "đau khổ" luôn là một thực tại "dị ứng" với tâm thức, tình cảm tự nhiên của con người. Tin mừng cũng đã cho chúng ta thấy rằng : chính Chúa Giê-su, khi đối diện với "thập giá", "khổ nạn", Ngài cũng đã xao xuyến, lo sợ :

"Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha". Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như nững giọt máu rơi xuống đất. (Lc 22, 42-44)

2). Thập giá : Một lựa chọn căn bản của Đức Kitô :

Để hiểu ý nghĩa nầy, chúng ta hãy cùng đọc lại những lời dạy căn bản của "Sách Giáo Lý của Giáo Hội" :

-Đức Ki-tô dấn thân vào con đường "thập giá" để thực thi chương trình cứu độ của Cha :

Ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lục cho cả cuộc đời Đức Giê-su, vì cuộc khổ nạn cứu thế là lý do khiến Người nhập thể : "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy ! Nhưng chính vì giờ nầy mà con đã đến" (Ga 12, 27). "Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?" (Ga 18, 11). Và trên thập giá, trước khi "mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19, 30), Người còn nói : "Tôi khát" (Ga 19, 28)…

Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng của Người là "hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 45).(GLGHCG 607-608

- Đức Ki-tô dấn thân vào con đường Thập giá để thể hiện tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người :

Như vậy, trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Người đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo cho tình yêu Thiên Chúa luôn ước muốn cứu chuộc loài người. Quả thật, Người đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến loài người mà Chúa Cha muốn cứu độ : "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình" (Ga 10, 18). (GLGHCG 609)

Để làm bật nổi những ý nghĩa trên về mầu nhiệm Thập Giá, Thánh Gioan Thánh Giá đã có những lời :

"Chính trong lúc cùng cực như thế, Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất, hơn cả những công trình Ngài đã thực hiện trên trời dưới đất trong cuộc sống trần thế đầy những phép lạ và kỳ công. Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hoà giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ân thánh" (CNHV trg. 148)

Trong khi đó, chị Chiara Lubich đã có những cảm nhận sâu sắc về mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô được diễn tả sống động qua kinh nguyện sau đây :

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149)

IV. Thập giá trong cuộc đời thánh hiến :

Thấy được ý nghĩa và giá trị của Thập giá trong "cuộc dấn thân cứu độ" của Đức Ki-tô đó cũng chính là ánh sáng để đưa chúng ta, những người được thánh hiến, bước theo Người trong cuộc "dấn thân cho tình yêu và tình yêu".

1. Thập giá : Một lựa chọn căn bản để thuộc về Đức Ki-tô :

Thật ra, lời mời gọi "bước theo Chúa Ki-tô trên con đường Thập giá" là ơn gọi chung của mọi Ki-tô hữu :

Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Lc 9, 23-24)

Một cách nào đó, chúng ta cũng có thể nói được rằng : "Thập giá" chỉ là một cách diễn tả khác mạnh hơn, cụ thể hơn, "con đường hẹp", "Tám mối phúc thật", sự "khó nghèo", hay "tình yêu cho đến tận cùng" mà Đức Ki-tô luôn nhấn mạnh trong lời rao giảng của Ngài.

2. Thập giá và đời thánh hiến :

Đức Ki-tô đã hứa cho những người "bỏ tất cả đi theo Ngài" sẽ được "phần thưởng gấp trăm ở đời nầy cùng với sự ngược đãi" (Mc 10, 29-30). Chính điều đó đã khẳng định rằng : Thập giá luôn là một thực tại gắn liền với cuộc đời thánh hiến; hay cường điệu một chút : Thập giá là chọn lựa căn bản của đời thánh hiến.

Để xác minh điều nầy,chúng ta hãy cùng nghe ĐTC G.P II nhắn nhủ các người thánh hiến :

"Đời thánh hiến phản ảnh vẽ lộng lẫy nầy của tình yêu, bởi vì, bằng sự trung thành với mầu nhiệm Núi Sọ, đời thánh hiến tự nhận tin ở tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống với lòng tin đó. Như vậy, đời thánh hién góp phần gìn giữ trong Giáo Hội ý thức sinh động rằng Thập giá là sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế gian. Thập giá là dấu chỉ vĩ đại về sự hiện diện cứu độ của Chúa Ki-tô, và điều đó đặc biệt đúng trong những nổi khó khăn và thử thách. Có rất nhiều người được thánh hiến liên tục làm chứng về điều đó với một sự can trường rất đáng khâm phục, khi họ thường xuyên phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, kể cả bị bắt bớ và tử đạo" (ĐTH 24)

Cách riêng, đối với những người dấn thân trong Hội dòng Mến Thánh Giá do ĐC L. de la Motte, thì "Thập giá" lại còn là nét đặc trưng của một nền linh đạo, là tiêu chí cho mọi cuộc dấn thân thể hiện cuộc sống thánh hiến của mình theo như khẩu hiệu mà Đấng Sáng lập đã đề xuất :

"CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH PHẢI LÀ ĐỐI TƯỢNG DUY NHẤT CỦA LÒNG TRÍ CHÚNG TA"(Xem Linh đạo Lâm Bích, tập ronêô, từ số 23-27).

3. Giúp sống mầu nhiệm thập giá :

Chủ đề nầy chắc Quí Chị đã "nhuần nhuyễn" rồi. Chỉ xin điểm qua vài khía cạnh tiêu biểu :

-Như Đức Ki-tô, đón nhận thập giá trong tâm tình thông hiệp với Thiên Chúa cách thân mật và hiếu thảo :

"Nầy đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy" (Ga 16, 32).

Vâng, Đức Ki-tô hiện diện với Đức Chúa Cha, sống thân mật với Chúa Cha đó là điều chúng ta nhận ra cách rõ nét trong bi kịch thương khó. Trong khi đó, khi gặp đau khổ, chúng ta dễ bị ném vào trạng thái cô độc, có khuynh hướng cắt đứt mọi mối tương quan, cả với Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện để chính trong những lúc đó phải là những phút giây chúng ta hiện diện đậm đà, thân mật với Thiên Chúa.

Thánh Nữ Rosa Lima đã xác tín điều đó khi phát biểu rằng :

"Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời"

-Như Đức Ki-tô, đón nhận thập giá trong tâm tình thông hiệp với anh em :

Trên con đường khổ giá và trong những giây phút hấp hối trên đồi Can-vê, Chúa Ki-tô không ngừng gặp gỡ anh em để ủi an (Lc 23, 27-30), để tha thứ (Lc 23, 43), để lo lắng, uỷ thác (Ga 19, 25-27)…

-Đón nhận thập giá để hoàn tất trên thân xác tôi…

Để cảm nhận điều nầy, chúng ta hãy nghe chứng từ của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận :

"Chúng ta có thể làm được, nếu biết nhìn trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân một bóng dáng đau khổ vô biên của Chúa, một khía cạnh, một nét mặt của Ngài. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi nó, nhưng tiếp nhận nó trong tâm hồn, như thể chúng ta đón nhận Chúa. Và rồi nếu quên mình đi, chúng ta đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trong giây phút hiện tại, nơi tha nhân mà người đặt trước chúng ta…

"Tôi nhớ lại kinh nghiệm của tôi trong những năm đen tối của cảnh tù đầy. Trong thẳm sâu những đau khổ của tôi, có một vài tâm tình mang lại cho tôi an bình trong tâm hồn : tôi không loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ : chính Thiên Chúa là tình thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không phải Nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa không thay đổi…"(CNHV trang 151-152

- Đón nhận Thập giá vì nhiệm thể là Hội Thánh :

"Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1, 24).

Vâng, đón nhận thập giá vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài "Hy tế của Đấng Cứu Độ", để cùng với Đức Kitô "bị treo lên hầu kéo mọi người lên"…đó không phải là con đường đẹp nhất và đúng nhất của mọi Kitô hữu, đặc biệt, của những người thánh hiến đó sao ?

Kết :

Để tóm kết những chia sẻ vừa rồi, chúng ta hãy cùng cầu nguyện theo lời kinh của ĐHY Roger Etchegaray :

Lạy Chúa,
Xin chiếu toả trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Uớc gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng cây xanh cho một thế giới mới.
ước gì mồ hôi của con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong vườn Cây Dầu.
Uớc gì máu con
hoà lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.

(Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ, trang 36).

URL: http://danchuausa.net/than-hoc/duc-ki-to-tam-banh-cho-muon-nguoi-hy-le-cuu-do/