Trích từ Dân Chúa

Đức Ki-Tô, Người Tôi Tớ Phục Vụ

Lm Giuse Trương Đình Hiền

"Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em". (Ga 13,14-15).

Khi tiếng súng của thế chiến thứ hai ngừng lại, thì tại một xứ đạo miền quê Ba-Lan xảy ra một điều đáng ghi nhớ như sau :

Có một đơn vị quân đội đồng minh đóng tại một ngôi làng Công Giáo ở Ba-Lan. Trong suốt thời gian ở tại ngôi làng xứ đạo nầy, đơn vị được giáo dân quí mến và tận tình giúp đỡ. Chiến tranh kết thúc. Đơn vị chuẩn bị hồi hương. Để đáp lại mối thịnh tình của dân làng, và cũng để lưu lại kỷ niệm của một thời khói lửa, đơn vị quyết định xây cho xứ đạo một tượng đài Chúa Giê-su, để thay thế cho tượng đài cũ đã bị bom đạn chiến tranh phá huỷ. Để tạo một bất ngờ cho cộng đoàn giáo dân, nên công việc xây dựng tượng đài được tiến hành trong âm thầm bí mật. Đến ngày khánh thành tượng đài, cũng là ngày đơn vị từ giả để lên đường, toàn thể giáo dân được mời đến đông đũ để dự lễ khánh thành và tiếp nhận tượng đài. Người ta chỉ thấy có một đống đồ sộ được phủ bạt kín. Sau những lời khai mạc, người sĩ quan đơn vị trưởng ra lệnh cất tấm bạt che. Một tượng đài Chúa Giê-su cao lớn, uy nghiêm xuất hiện. Tất cả mọi người ngạc nhiên đến sững sờ; và điều làm mọi người ngạc nhiên nhất lại là bức tượng không có hai cánh tay!

Tuy nhiên, sau khi đọc dòng chữ ghi dưới chân pho tượng, mọi người mới nhận ra ngụ ý thâm thuý của những người thiết dựng tượng đài. Hàng chữ đó là :

"TA CẦN ĐÔI TAY CỦA CHÚNG CON"

"Hàng chữ" đó hôm nay sẽ đưa chúng ta đi vào một câu chuyện, đúng hơn, một lời mời gọi, môt cách sống mà chính Đức Ki-tô đã thực hiện, đã trân trọng, đã cử hành như một "bí tích", "BÍ TÍCH PHỤC VỤ". Để cảm nhận sâu sắc điều nầy, chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian trở về với "Bữa Tiệc Ly trong đêm Chúa bị nộp" cách đây hai ngàn năm trước :

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian,và Người yêu thương họ đến cùng….nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra,và lấy khăn mà thát lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau (…) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói :"Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rủa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như thầy đã làm cho anh em."(Ga 13,1-15).

I. Đức Ki-tô rửa chân cho con người.

* Một mặc khải về tình yêu phục vụ của Thiên Chúa :

Là Ki-tô hữu, chúng ta đều có chung một niềm xác tín : tất cả mọi hành vi của Chúa Giê-su đều có giá trị cứu độ và mặc khải. Chiều kích "cứu độ và mặc khải" đó đã nổi bật lên một cách khác thường, đặc biệt trong "đêm Ngài bị nộp", đến nổi đã trở thành một "dấu chỉ vĩ đại", một "bí tích cao cả" :Bí tích Thánh Thể. Cả ba Tin Mừng Mt., Mc., Lc. đều thuật lại sự kiện "hi hửu" nầy. Trong khi đó Tin Mừng Gioan chỉ nhắt thoáng qua nhưng lại chú trọng đến một sự kiện khác không có trong Tin Mừng Nhất lãm : Rửa chân, những tâm sự sau cùng và lời nguyện tế hiến (x. Ga 13-17). Là một người được mệnh danh là "Le voyant" (nhìn thấy, nhận biết cách sâu xa, tức thời), chắc chắn Thánh Gioan đã nhìn thấy trong nghĩa cử "rửa chân" của Chúa Giê-su một dấu chỉ, một mặc khải đặc biệt : Mặc khải về "tình- yêu- phục- vụ" của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng, từ xa xưa trong cựu ước, qua lịch sử dân Ít-ra-en, Thiên Chúa đã mặc khải tình yêu và sự phục vụ của Ngài dành cho con người :

"Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta…" (Í 49, 15-16).

"Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương." (Gr 31, 3).

"Chỉ có Ngài làm nên những kỳ công vĩ đại,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương…" (Tv 136, 4…)

Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao !

Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn." (Tv 36, 6.8)

"Tình thương Chúa chan hoà mặt đất" (Tv 33, 5)

"Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó,

nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.

Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuông gần nó mà đút cho nó ăn" (Hs 11, 3-4).

Để biểu lộ "tình thương phục vụ" của Ngài, Thiên chúa qua mặc khải cựu ước đã làm nên "những kỳ công vĩ đại". Chính vì thế, chân dung của Thiên Chúa trong cựu ước còn mang hình ảnh một "Thiên Chúa cao cả trên các tầng mây", một "Thiên Chúa cách biệt" con người không thể đối diện, gặp gỡ trong thân mật, gần gũi.

Với Đức Giê-su-Ki-tô, Vị "Thiên Chúa-làm người", Thiên Chúa đã đích thân hạ cố đến ở giữa con người để phục vụ con người như một tôi tớ :

"Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ?Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ" (Lc 22, 27; x. Ga 13, 12-15).

Đức Ki-tô phục vụ thế nào ? Phục vụ ai ?

- Ở mái nhà Na-da-rét : Ngài phục vụ cha mẹ như người con hiếu thảo.

- Ở tiệc cưới Ca-na, Ngài phục vụ đám cưới bằng rượu ngon và sự hiện diện đầy thân thương và quyền năng.

- Ở thành Na-im, ở Bê-ta-ni-a : Người phục vụ người mẹ già mất con, những người chị mất em; và đã đem lại sự sống thay cái chết, nụ cuời thay dòng lệ...

- Ở trên mọi nẽo đường xứ Pa-lét -ti-na, Ngài phục vụ những kẻ mù, què, đui, điếc, những con người bất toại, những kẻ phung cùi bị người đời xa lánh, những mụ đàn bà loạn huyết, những tên bị quỉ nhập, …bằng cách trả lại cho họ sức khỏe và hy vọng, niềm vui và an bình hạnh phúc được sống như con cái trong gia đình của Thiên Chúa.

- Ngài đã phục vụ những con người bị xã hội rẻ rúng, loại trừ như Maria Mađalêna, Gia-kê-ô, Mat-thê-ô, Người phụ nữ xứ Samaria, người đàn bà ngoại tình bị kết án…bằng cách trả lại cho họ tấm linh hồn trong trắng và giúp họ đứng lên mạnh dạn tin vào tình thương khoan dung tha thứ của Thiên Chúa là Cha và tin vào phẩm giá tốt đẹp của chính mình.

- Trong hoang mạc, trên núi cao, giữa hội đường, Ngài phục vụ bằng Lời chân lý, bằng Tin Mừng giải thoát để dẫn đưa tất cả vào ơn cứu dộ, vào quỷ đạo yêu thương.

- Nơi phòng tiệc ly, Ngài phục vụ bằng cách lấy tấm thân, lấy máu hồng nuôi sống nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

- Và trên cây Thánh giá, Ngài phục vụ bằng chính của lễ là thân mình Ngài để cho tất cả nhân loại được đem về cho Chúa Cha.

- Và hôm nay Ngài tiếp tục phục vụ qua Chúa Thánh Thần, qua Hội Thánh, qua các môn sinh của Ngài…(trong đó có cả chúng ta ).

II. Phục vụ : Đó là mệnh lệnh của tình yêu.

Phục vụ, yêu thương đó là mệnh lệnh của Đức Ki-tô dành cho mọi Ki-tô hữu, cho tất cả những ai đã được tái sinh vào đời sống mới :

"Các con hãy rửa chân cho nhau" (Ga 13, 14).

"Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người nầy có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo." (Cl 3, 12-14).

Tuy nhiên, đối với những người sống đời thánh hiến, "phục vụ, yêu thương" phải được coi như ơn gọi riêng, mệnh lệnh riêng dành cho mình :

"Chính các con hãy lo cho họ ăn" (Mt 14, 16).

Trong Tông huấn "Đời thánh hiến", Đức G.P.II đã nêu bật ý nghĩa nầy như sau :

Trong khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu sâu xa của Thiên Chúa dành cho loài người : trong Chúa Giê-su, chính Thiên Chúa phục vụ con người ! Đồng thời Người mặc khải ý nghĩa của đời sống ki-tô giáo và của đời thánh hiến cách riêng, là một đời sống của tình yêu dâng hiến, của phục vụ cụ thể và quảng đại. Trong khi bước theo Con Người, là Đấng "đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mt 20, 28), đời thánh hiến, ít ra vào những thời kỳ tốt đẹp nhất trong dòng lịch sử đã mang đặc tính của "việc rửa chân" nầy, nghĩa là của công tác phục vụ ưu tiên dành cho những người bất hạnh và cùng khổ nhất. Nếu, một đàng, đời thánh hiến chiêm ngắm mầu nhiệm cao cả của Ngôi Lời trong cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1, 1), thì đàng khác, đời thánh hiến đi theo Ngôi Lời xuống thế làm người (x. Ga 1, 14), hạ mình, khiêm tốn phục vụ mọi người. Cả đến ngày hôm nay, những ai bước theo Chúa Ki-tô trong con đường các lời khuyên Phúc âm, đều muốn đi đến nơi mà Người đã đi và làm điều Người đã làm" (ĐTH số 75.Xem thêm GHTAC số 44 : Đời sống thánh hiến và các hội truyền giáo).

III. "Ai là người thân cận" để tôi phục vụ ?

Câu trả lời đúng và thích hợp nhất cho vấn nạn trên phải chăng là hai dụ ngôn sau đây của Chúa Giê-su :

- Dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng : Mt 25, 31-46.

- Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu : Lc 10, 29-37).

- Người thân cận để tôi phục vụ đó là mọi người, không trừ ai, kể cả kẻ thù; bởi vì Đức Ki-tô đang hiện diện trong mọi người; khi tôi phục vụ mọi người là phục vụ chính Đức Ki-tô.

- Tuy nhiên, những người cần ưu tiên phục vụ là những ngưòi nghèo, khiêm hạ, thấp cổ bé miệng, bị bỏ rơi, bị loại trừ…

"Việc tìm kiếm vẻ kiều diễm của Thiên Chúa thúc giục những người được thánh hiến lưu tâm đến dung nhan của Người bị biến dạng trên gương mặt của anh chị em họ, những gương mặt tiều tụy vì đói khát, những gương mặt thất vọng vì những lời hứa chính trị, những gương mặt tủi hổ của kẻ nhìn thấy nền văn hoá của mình bị khinh miệt, những gương mặt kinh hoàng vì bạo lực mù quáng hằng ngày, những gương mặt trẻ thơ bị hành hạ, những gương mặt phụ nữ bị xúc phạm và bị lăng nhục, những gương mặt mệt mõi của những người di cư không được ân cần tiếp đón, những gương mặt của người già cả không có được những điều kiện tối thiểu cần thiết để sống một cuộc sống thích đáng…" (ĐTH số 75).

"Khi tìm cách thăng tiến phẩm giá con người, Giáo Hội bày tỏ một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và những kẻ thấp cổ bé miệng, bởi vì Chúa đã đồng hoá mình với họ cách đặc biệt (x. Mt 25, 40). (GHTAC số 34).

- Nhưng chúng ta cũng đừng tự đánh lừa mình rằng: Những người "nghèo" mà Giáo Hội đề cập ở trên chỉ có ở "giữa chợ đời" chứ không hề hiện diện trong bốn bức tường tu viện, không hề có nơi cộng đoàn chúng ta đang chung sống. Cũng vì ý nghĩ đó mà có biết bao cộng đoàn "khôn chợ dại nhà"; đi ra ngoài làm việc mục vụ thì rất thành công; nhưng cuộc sống cộng đoàn với nhau thì triền miên căng thẳng và chịu đựng; các mối tương quan "bề trên-bề dưới-bề ngang" không được điều hợp và chi phối bởi Đức Ái nhưng lại nhường bước cho một thứ "quyền bính bệnh hoạn, ứng xử giả hình và sợ hải thiếu trưởng thành". Sống bác ái và phục vụ trong đời sống cộng đoàn rất cần thiết trong việc thăng tiến nhân cách và ơn gọi. Biết bao người đã bỏ cuộc, đã chán nản vì cảm thấy mình không được ai yêu thương, thông cảm, nâng đỡ; nhất là trong những lúc cô độc, buồn tủi, bịnh hoạn, lỗi lầm…

"Ai là người thân cận của tôi ?". Họ đang ở thật gần, đang ở quanh tôi. Điều quan trọng là tôi có đủ can đảm làm mọt người Sa-ma-ri- nhân hậu", sẵn sàng "đi bước trước" trong việc thể hiện tình yêu phục vụ, sẵn sàng quảng đại và hy sinh "biết cho", cho dù đó chỉ là "hai xu nhỏ của bà goá nghèo" (Mc 12, 41-44).

Kết :

Trước khi kết thúc bài chia sẻ nầy, chúng ta hãy nhớ lại lời của Thánh Gioan Thánh Giá :"Vào buổi xế chiều cuộc sống, tôi sẽ bị phán xử về tình yêu". Vâng, cái tội "quên sót" lớn nhất và nhiều nhất của chúng ta chắc chắn là tội "không phục vụ, không yêu thương anh chị em chung quanh"; và chúng ta cũng đừng quên rằng : những việc phục vụ, cho dù nhỏ bé, âm thầm, ẩn khuất, tăm tối…nếu "mang địa chỉ tình yêu" sẽ trở thành vĩ đại, giá trị tuyệt vời. Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, vị Đại Thánh Tiến sĩ, đã nên thánh bằng con đường "phục vụ, yêu thương" như thế.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau biết sống phục vụ và yêu thương như Chúa Giê-su đòi hỏi. Đó cũng chính là nội dung của lời cầu nguyện mà Mẹ Tê-rê-sa thành Calcutta để lại cho chúng ta như một di chúc tinh thần quí giá :

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách :
những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng cả trong tinh thần,
bằng cách thực thi lời hy vọng nầy :
"Điều các con làm cho
người bé mọn nhất trong anh em
là các con làm cho chính Ta".

(Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ. tr.24)

URL: http://danchuausa.net/than-hoc/duc-ki-to-nguoi-toi-to-phuc-vu/